Doanh nghiệpKinh doanh

Alibaba của tỷ phú Jack Ma sẽ niêm yết lần 2 trên sàn Hong Kong?

Nguồn tin của Reuters cho biết, Alibaba đang cân nhắc nghiêm túc việc niêm yết lần 2 trên sàn Hong Kong.

 

Alibaba của tỷ phú Jack Ma sẽ niêm yết lần 2 trên sàn Hong Kong?

Theo thông tin từ tờ Reuters, tập đoàn Alibaba của Trung Quốc sẽ “cân nhắc một cách nghiêm túc” về việc niêm yết lần 2 trên sàn chứng khoán Hồng Kông – nơi chuẩn bị cho phép cấu trúc cổ phiếu hai tầng (dual-class).

Đây là phát ngôn của tỷ phú Jack Ma trong một sự kiện tại Hồng Kông hôm 8/1, đáp lại bày tỏ của Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) rằng bà hy vọng Alibaba sẽ cân nhắc việc quay lại niêm yết cổ phiếu tại Hồng Kông. Tuy nhiên, người phát ngôn của Alibaba cho biết hiện chưa có thông tin chi tiết nào về kế hoạch niêm yết tại Hồng Kông của tập đoàn này.

Năm 2014, Alibaba huy động được 25 tỷ USD trong thương vụ IPO lớn nhất lịch sử trên sàn chứng khoán New York (Mỹ), sau khi không được sàn Hồng Kông thông qua cấu trúc quản trị (một nhóm các nhà quản lý cấp cao kiểm soát phần lớn việc bổ nhiệm thành viên hội đồng quản trị).

Dự kiến trong quý đầu năm 2018, Hồng Kông sẽ điều chỉnh quy định và cho phép niêm yết cổ phiếu hai tầng (dual class), tức là có nhiều loại cổ phiếu với các quyền khác nhau, nhằm thu hút những IPO bom tấn, cạnh tranh với sàn chứng khoán New York. Các cổ phiếu trong cấu trúc đa tầng có quyền biểu quyết khác nhau và củng cố cơ cấu sở hữu và quản trị của doanh nghiệp.

Đây là hình thức được nhiều công ty trong các ngành công nghiệp của kỷ nguyên mới như công nghệ ưa thích. Trong phiên ngày 8/1, lượng giao dịch cổ phiếu Alibaba đạt hơn 3 tỷ USD, đóng cửa ở mức giá 190,33 USD, Reuters cho biết. Trong khi đó, năm 2017, giao dịch trung bình mỗi ngày của cả sàn chứng khoán Hồng Kông là 88,2 tỷ đô la Hồng Kông (11,28 tỷ USD).

Giới phân tích nhận định việc Alibaba niêm yết tại Hồng Kông có thể giúp thu hút thêm dòng vốn từ Trung Quốc đại lục sang đặc khu kinh tế này. Việc này đồng thời cũng thúc đẩy các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, niêm yết tại kinh đô tài chính này. “Nếu lượng giao dịch tại Hồng Kông thậm chí còn tốt hơn tại Mỹ, đó sẽ là dấu hiệu cho thấy đặc khu kinh tế này là nơi lý tưởng hơn để huy động vốn qua kênh chứng khoán so với Mỹ”, Steven Leung – giám đốc kinh doanh tại UOB Kay Hian Hồng Kông nhận định.

Đối với Alibaba, việc này mang lại cơ hội lớn cho các nhà đầu tư quan tâm tới công ty này tại khu vực quanh Trung Quốc, đồng thời nhận được những hỗ trợ ngày càng lớn từ chính quyền đặc khu, James Lloyd – quản lý công nghệ tài chính khu vực châu Á Thái Bình Dương của hãng tư vấn EY cho biết.

Theo quy định điều chỉnh, các công ty Trung Quốc mang tính “đổi mới, sáng tạo” với vốn hoá trên 10 tỷ đô la Hồng Kông đã niêm yết tại Sàn chứng khoán New York, Nasdaq hoặc sàn chứng khoán London sẽ được phép niêm yết lần 2 tại Hồng Kông. Tuy vậy, khái niệm “đổi mới, sáng tạo” vẫn chưa được sàn chứng khoán Hồng Kông xác định. “Chúng tôi đang tạo ra một lộ trình mới cho việc niêm yết lần 2 tại sàn chứng khoán Hồng Kông để thu hút các công ty hoạt động trong những lĩnh vực đang phát triển mạnh.

Cải cách này cũng mang lại lợi ích cho các công ty lớn đã niêm yết tại Anh và Mỹ”, Giám đốc điều hành của Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong,Charles Li cho biết. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng các vấn đề kỹ thuật và những rủi ro tiềm tàng về cấu trúc cổ phiếu đa tầng cần phải được xử lý và điều chỉnh thích hợp. “Mối quan tâm lớn nhất là việc bảo vệ các nhà đầu tư thiểu số trong cấu trúc cổ phiếu đa tầng”, Linus Yip, nhà chiến lược trưởng tại First Shanghai Securities nhận định.

Phương Linh

Theo Trí Thức Trẻ/Reuters

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close