Khám pháSống

Âm nhạc hàn lâm nỗ lực tiếp cận công chúng

Trước thực trạng thị trường âm nhạc Việt Nam nhiều năm qua vẫn nghiêng về nhạc trẻ, nhạc đại chúng, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, Hội và nhiều đơn vị khác đang nỗ lực tổ chức các sự kiện âm nhạc hàn lâm để tạo sự cân bằng.

Từ lâu, ở Việt Nam có 2 đơn vị là Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM (HBSO) đảm nhận nhiệm vụ chính là đưa âm nhạc hàn lâm và các chương trình biểu diễn âm nhạc đỉnh cao đến với công chúng. Trong đó, HBSO hiện được đánh giá là thành công trong việc xây dựng chương trình biểu diễn định kỳ cho cả năm, duy trì lịch diễn định kỳ 3 chương trình mỗi năm.

Ngoài lực lượng nghệ sĩ tài năng trong nước, HBSO còn hợp tác quốc tế, đưa các nghệ sĩ và các tác phẩm kinh điển của thế giới như nhạc kịch Cây sáo thần, Carmen, thanh xướng kịch Creation, Messiah, vũ kịch Kẹp hạt dẻ, Cô bé lọ lem và hàng loạt tác phẩm giao hưởng nổi tiếng của Mozart, Beethoven, Brahms, Dvorak, Tchaikovsky, Haydn… vào dàn dựng và công diễn ở Nhà hát TP.HCM.

Nhiều năm qua, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã đăng cai tổ chức Festival Âm nhạc mới Á – Âu quy tụ những nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới, những nhạc công hàng đầu của các dàn nhạc danh tiếng, mang đến cho công chúng “bữa tiệc” âm nhạc đỉnh cao… với hơn 10 buổi biểu diễn và cả 100 tác phẩm ở nhiều thể loại, hình thức khác nhau như giao hưởng, thính phòng, dân gian, dân tộc, nhạc kịch, vũ kịch, hợp xướng…

Bên cạnh đó còn có các đơn vị, cá nhân tổ chức những chương trình như Luala Concert, Giai điệu mùa thu… cùng một số chương trình biểu diễn riêng của các nghệ sĩ nước ngoài đến Việt Nam, nghệ sĩ Việt Nam sinh sống ở nước ngoài về nước biểu diễn.

Khoảng cách khó thu hẹp

Không phủ nhận thời gian qua đã có những thay đổi trong quan niệm và hành động để đưa âm nhạc hàn lâm đến với khán giả. Tuy nhiên, loại hình này vẫn còn có những khoảng cách nhất định với công chúng.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhận định: “Nhiều năm nay khi nhắc tới âm nhạc là người ta nhắc đến nhạc trẻ mà quên mất cốt lõi của nền âm nhạc là khí nhạc”.

Trên thực tế, để có được một buổi hòa nhạc hoàn thiện gửi đến khán giả, các nghệ sĩ phải đầu tư kỹ lưỡng, công phu cả về chuyên môn lẫn kinh phí. Mặc dù được quảng bá rầm rộ, với sự góp mặt của những nghệ sĩ tên tuổi nhưng những đêm nhạc giao hưởng thính phòng chưa thu hút được nhiều khán giả. Công chúng hiện nay, đặc biệt là giới trẻ, thường chạy theo những dòng nhạc thị trường, dễ nghe, dễ hiểu. Họ sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đồng để mua vé xem liveshow nhạc trẻ, nhưng lại ngần ngại bỏ ra dù chỉ 80 ngàn đồng (giá vé HBSO dành cho sinh viên) đến vài trăm nghìn đồng để đi nghe nhạc giao hưởng thính phòng của Bach, Tchaikovsky, Mozart… trong một buổi biểu diễn của một dàn nhạc nổi tiếng thế giới.

Bởi đối với đa số người nghe, âm nhạc cổ điển và nhạc giao hưởng không dễ cảm thụ, đòi hỏi họ phải am hiểu về âm nhạc, có trình độ âm nhạc nhất định và thực sự yêu thích loại hình này.

Hiện nay, các phương tiện truyền thông cũng chỉ phổ cập nhạc thị trường mà ít nhắc đến nhạc hàn lâm. Những chương trình giới thiệu các tác giả, tác phẩm, các tài năng trong lĩnh vực này trên đài truyền hình cũng quá ít.

Nguyên nhân và giải pháp

Ngay bản thân những nhạc sĩ sáng tác cũng dễ dàng hơn rất nhiều với một ca khúc nhạc nhẹ. Vì với nhạc hàn lâm, người sáng tác cần phải có trình độ âm nhạc nhất định: nắm vững hòa âm, phối khí, tính năng nhạc cụ, hình thức âm nhạc, phân tích tác phẩm, được đào tạo bài bản trong môi trường chuyên nghiệp một thời gian dài. Để hoàn thành một tác phẩm giao hưởng phải mất vài tháng, thậm chí vài năm, trong khi sáng tác ca khúc nhạc trẻ thị trường chỉ mất vài giờ. Bên cạnh đó, chi phí để trình diễn một tác phẩm âm nhạc hàn lâm rất tốn kém, có khi lên đến cả trăm triệu đồng.

Bởi vậy, số nhạc sĩ sáng tác nhạc hàn lâm cũng rất ít, muốn theo đuổi đam mê có khi phải làm thêm việc khác để “lấy ngắn nuôi dài”. Như nhạc sĩ Việt Anh trước đây vốn là một tên tuổi “ăn khách” của dòng nhạc trẻ, sau khi du học về khí nhạc và “đầu quân” về HBSO đã chuyển sang viết nhạc giao hưởng, thính phòng, tổ chức các chương trình hòa nhạc… nhưng thỉnh thoảng vẫn nhận sáng tác ca khúc nhạc phim, nhạc trẻ để có thêm thu nhập.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, muốn phát triển âm nhạc hàn lâm phải dựa vào 3 yếu tố: người sáng tác, người biểu diễn và công chúng. Nếu 3 yếu tố này “thuận hòa” thì nhạc hàn lâm mới phát triển mạnh. Bấy lâu ở nước ta chỉ mới có các trường chủ yếu đào tạo người sáng tác và biểu diễn mà quên đi “đào tạo” người nghe.

Chương trình học nhạc trong các trường từ bậc mẫu giáo đến trung học rất sơ sài, vì chỉ là môn phụ, học để đối phó hoặc lấy thành tích. Cũng bởi loay hoay tìm kiếm công chúng, vì quá ít chương trình biểu diễn thường xuyên nên từ lâu đã có tình trạng nhiều nghệ sĩ tài năng của âm nhạc hàn lâm chọn sinh sống và làm việc chủ yếu tại nước ngoài, chỉ thỉnh thoảng về nước biểu diễn “báo cáo”.

Như vậy, việc giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng, trong đó có các thế hệ học sinh từ phổ thông là điều cần thiết. Được biết, thời gian qua, chương trình Luala Concert hay các chương trình biểu diễn trước cửa Nhà hát TP.HCM vào sáng chủ nhật của HBSO đã thu hút được công chúng khi mang những bản opera, nhạc giao hưởng thính phòng xuống đường phố, tiếp cận người nghe.

Một số đơn vị, nhà hát chuyên về lĩnh vực này cũng không chỉ tập trung biểu diễn trong những chương trình, sự kiện lớn ở khán phòng sang trọng mà còn biểu diễn trong các trường đại học, ở những không gian mở, tính tương tác cao.

SONG NGUYỄN

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close