Doanh nghiệpKinh doanh
Apple có đang “tiếp tay” cho chính sách kiểm duyệt Internet của Trung Quốc?
Vài tháng trước, Apple đã buộc phải gỡ bỏ nhiều ứng dụng VPN khỏi App Store Trung Quốc. Giờ giới chính trị Mỹ muốn lật lại sự việc và kết tội Táo Khuyết “tiếp tay” cho chính sách bóp nghẹt Internet của Trung Quốc.
Dù là công ty sở hữu một cộng đồng fan hâm mộ khổng lồ, nhưng với nhiều vụ lùm xùm về pháp lý xung quanh Qualcomm và gần đây nhất là với một công ty phát triển ứng dụng cho App Store, cộng thêm với nhiều ý kiến cho rằng Apple đang “đi chệch hướng” khi làm cho hệ sinh thái iOS của mình ngày càng phức tạp và rối rắm – Táo Khuyết đang mất điểm nghiêm trọng trong mắt giới công nghệ. Đỉnh điểm là việc vừa qua hai chính trị gia Mỹ đã buộc tội Apple đi quá xa trong việc hỗ trợ cho chính sách kiểm duyệt của Trung Quốc.
Trong một bức thư công khai, Cruz Ted và Patrick Leahy đã kết hợp quan điểm và khẳng định rằng Apple “tiếp tay” cho chính sách kiểm duyệt mạng ngặt nghèo của Trung Quốc bằng việc loại bỏ một số ứng dụng VPN phổ biến khỏi kho ứng dụng App Store hồi tháng 7. Cặp chính khách lý luận rằng động thái này gia tăng kiểm soát của Trung Hoa với công dân nước này khi chính quyền có thể cho phép phần nào của internet người dân được truy cập. Dù không đến mức như Bắc Triều Tiên, nhưng “Vạn lý tường lửa” của Trung Quốc vẫn quá “đàn áp” khi ngăn chặn hoàn toàn những trang web và mạng xã hội phổ biến nhất hành tinh như Google, YouTube, Facebook và Twitter.
Hai chính trị gia viết: “Nếu những báo cáo được công bố là sự thật, chúng tôi quan ngại sâu sắc rằng Apple đang gián tiếp giúp đỡ chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách kiểm duyệt và giám sát Internet”.
Không có gì lạ khi nói Trung Quốc là một quốc gia ưa kiểm soát. Chẳng vậy mà công dân nước này bị giới hạn truy cập thông tin tối đa khi chỉ được sử dụng một số ứng dụng thuộc quyền kiểm soát của chính phủ như WeChat, QQ hay Baidu. Dù không được nhà nước tài trợ, nhưng những ứng dụng trên đều bị giới hạn chức năng nặng nề nhằm tuân thủ luật pháp Trung Quốc. Các nhà sáng lập đứng sau loạt ứng dụng trên, như công ty TenCent, đã từ lâu bị nghi ngờ về việc thu thập dữ liệu người dùng gửi về chính phủ.
Việc Cruz và Leahy lo lắng về tình hình sử dụng Internet của Trung Quốc là đúng. Nhưng về phía Apple, động thái gỡ bỏ ứng dụng VPN, như CEO Apple Tim Cook đã nói trong buổi công bố doanh thu hồi tháng 8, lại không có gì nghiêm trọng:
“Chúng tôi hiển nhiên không muốn gỡ bỏ ứng dụng của mình, nhưng giống những gì chúng tôi làm tại các nước khác, chúng tôi tuân thủ trọn vẹn luật pháp của bất kỳ nước nào chúng tôi được cho phép hoạt động. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng tham gia vào thị trường và mang lợi ích đến cho khách hàng là mục tiêu cuối cùng của các nhà lãnh đạo nơi đây cũng như người dân trên toàn đất nước”.
Việc Apple tỏ ra “nghe lời” cũng dễ hiểu, khi mà vị thế của công ty trên đất nước tỷ dân đang ngày càng lung lay. Sự trỗi dậy của các công ty trong nước như Huawei và Xiaomi, cùng với đó là thái độ dửng dưng của người dân với thị trường di động, đang khiến Apple phải vật lộn không chỉ để cạnh tranh, mà còn để tuân thủ sao cho đúng luật pháp chặt chẽ của Trung Quốc.
Ví dụ rõ ràng nhất có thể kể đến là chiếc Apple Watch Series 3, gần đây chứng kiến mọi nhà mạng trong nước của Trung Quốc cắt dịch vụ bởi họ không thể sản xuất được mẫu SIM nào cho smartwatch mới của Apple mà đạt đủ tiêu chuẩn của chính phủ – tức phải theo dõi được người dùng.
Liệu thế giới có tốt đẹp hơn khi không còn “Vạn lý tường lửa” của Trung Quốc? Chắc chắn rồi. Liệu lấy đi ứng dụng VPN từ tay người dùng có phải điều nên làm? Đương nhiên là không. Nhưng đổ lỗi hoàn toàn cho Apple như hai vị chính khách đã làm chỉ chứng tỏ hiểu biết nhỏ bé của các nhà lập pháp về thị trường công nghệ hiện tại. Sau cùng, không tuân thủ luật lệ Trung Hoa – một quốc gia đã từ lâu nổi tiếng “thù hằn” các công ty nước ngoài – sẽ chỉ khiến Apple ngày càng trở nên mờ nhạt, nếu không muốn nói là biến mất hoàn toàn khỏi thị trường di động Trung Quốc.
Theo ICTNews