Câu chuyệnKinh doanh

Bài đọc đầu tư của quỹ tỷ USD: Tính bằng buồn đau, xấu hổ, cãi nhau…

Hoạt động của các quỹ đầu tư gần đây không còn “xôm tụ” như 10 năm trước, nhưng cũng có dự đoán về “làn sóng mới” với những yêu cầu khắt khe hơn.

Là nhà đầu tư “bám trụ” thị trường Việt Nam hơn 20 năm qua, ông Dominic Scriven – chủ tịch Tập đoàn Dragon Capital – chia sẻ với TTCT.

– Theo tôi, đã có hai làn sóng. Một là từ thời Mỹ bỏ cấm vận năm 1994 kéo dài đến năm 1997. Đây là thời điểm Việt Nam mới ra mặt trên thương trường, đồng thời là thời mà cả châu Á đang rất nóng, từ Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ…

Một loạt các quỹ thành lập, nay chỉ còn mỗi Dragon Capital còn tồn tại. Tất cả các quỹ khác hoặc là mất vốn, hoặc là rút vốn. Làn sóng thứ nhì vào khoảng năm 2005-2008. Đó là thời Việt Nam gia nhập WTO, cũng là thời điểm cả thế giới sốt nóng.

Lúc đó một loạt các quỹ thành lập, số vốn huy động tôi đoán khoảng 6 tỉ USD. Trong số đó, một phần đã bị mất vốn, một loạt đã bị rút. Đến nay, phần còn lại còn khoảng 3,5 tỉ USD. Phần vênh là vừa bị mất do thị trường xuống, vừa bị trả lại. Nhưng tôi nghĩ thời gian hoàn chỉnh hay kết thúc chu kỳ sắp qua, tuy chưa hoàn toàn.

Liệu có một làn sóng thứ ba sắp tới không, thưa ông?

– Có thể nói tới một làn sóng thứ ba về một số quỹ mới của Mekong Capital huy động 122 triệu USD hay một quỹ khác 150 triệu USD. Đấy là những con số không nhỏ, nhưng so với quy mô nền kinh tế thì không lớn.

Một trong những lý do là do chu kỳ trước không hoàn chỉnh hết, lý do khác là do thế giới đã thay đổi và khái niệm cũ là họ có vốn và quỹ thì giao cho anh quản lý toàn bộ thì mô hình đó đã thay đổi.

Nhưng Việt Nam đang có một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, điều đó sẽ kích thích một làn sóng quỹ mới xuất hiện chứ?

– Tôi nghĩ chắc là không. Lý do thứ nhất là chúng ta vẫn đang ngồi dưới hình bóng của khủng hoảng tài chính toàn cầu và điều đó vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế giới. Thứ hai, do không khí chính trị quốc tế. Ở Mỹ, ứng viên tổng thống nói không với TPP, thậm chí còn đòi Mỹ rút ra khỏi cả WTO nữa. Vậy thì ta phải lo và phải có giải pháp.

Chẳng hạn, thử nhìn lại trong thời gian qua chưa lâu, tăng tín dụng nhiều hơn tốc độ tăng GDP nhiều lần trong nhiều năm là đảm bảo khủng hoảng. GDP thực tế là 6%, lạm phát là 5%, GDP danh nghĩa là 11%, vậy thì tăng tín dụng 11% là vừa.

Nhưng với Việt Nam, nhìn chung tín dụng vẫn nhỏ so với GDP, nên tăng tín dụng 15% vẫn hợp lý, nhưng tăng 20% là có dấu hỏi, tăng 25% là báo động, tăng 30% là… bò xoài. Tôi nghĩ vậy. Dĩ nhiên, Ngân hàng Nhà nước am hiểu điều này, nhưng chúng ta cần phải nhớ những bài học đó.

Câu chuyện giữa mất vốn và rút vốn trong hai làn sóng như ông nói cụ thể là thế nào?

– Với các nhà đầu tư tài chính thì bài toán cực dễ là mua thấp bán cao. Nhưng thực tế có nhiều nhà đầu tư tài chính nhiều khi lại mua cao bán thấp.

Mà một khi mua cao bán thấp thì điều tất yếu là mất vốn. Mua cao và bán thấp một phần thì lỗ, buồn, đòi phải được trả phần còn lại. Tâm lý của nhà đầu tư là vậy, từ nhà đầu tư chuyên nghiệp đến nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Vậy có sự thay đổi trong mô hình hiện tại, và nếu có thì sự thay đổi đó như thế nào?

– Trước đây, không chỉ ở Việt Nam mà là xu thế toàn cầu, khi huy động vốn người ta lập quỹ huy động vốn và thuyết phục nhà đầu tư bỏ tiền vào quỹ.

Khái niệm lúc đó là giao tiền cho công ty quản lý quỹ toàn quyền kiếm cơ hội đầu tư. Nhà đầu tư chỉ giao một thời hạn, thậm chí là không thời hạn. Cho nên về lý thuyết, “ông” quản lý quỹ có thể ra bãi biển nằm võng trong ba năm cũng chẳng sao cả.

Một điều nữa là các nhà đầu tư vào các quỹ không để ý nhà quản lý quỹ đầu tư vào địa ốc, chứng khoán, trái phiếu, công ty tư nhân… Qua khủng hoảng tài chính vừa rồi, điều đó hoàn toàn thay đổi. Người ta không giao vốn nếu không có phương án đầu tư chi tiết.

Chi tiết đó gồm có ngành nào, thời hạn nào, quản trị rủi ro ra sao, quản trị công ty như thế nào, rồi bảo vệ môi trường ra sao… đây là những đòi hỏi mới.

Từ những ngày đầu, quỹ đầu tư Templeton của tỉ phú Mark Mobius đã đến Việt Nam rồi nhanh chóng rút ra. Mới đây, vị tỉ phú này quay lại, tuyên bố đầu tư mạnh mẽ vào thị trường này, quy mô có thể lên tới 3 tỉ USD?

– Năm 1994, Mark Mobius đến Việt Nam huy động một quỹ 100 triệu USD. Tuy nhiên, sau một thời gian không tìm được cơ hội đầu tư, nên thay vì ném vốn vào một lỗ trống thì ông quyết định rút vốn.

Thực chất thì không phải là rút vốn mà là rút cam kết đầu tư vào Việt Nam và biến thành một chiến lược đầu tư vào Đông Nam Á. Các nhà đầu tư trong quỹ của ông đánh giá vào thời điểm đó, quyết định trên là không sai, và chính điều đó khiến họ giữ được tiền trong khi một số quỹ khác thì bị mất vốn.

Nay chuyện ông quay lại cũng là biểu tượng Việt Nam đang thu hút trở lại sự quan tâm của những nhà đầu tư có tên tuổi. Dĩ nhiên, ông và Công ty Franklin Templeton của ông là đối tác của Vietcombank, cho nên ông có một quan hệ nào đó với Việt Nam. Còn ông đầu tư ở đây là chuyện khác. Tuy nhiên, câu chuyện đầu tư lên tới 3 tỉ USD thì tôi chưa nghe, chưa thấy.

Trong suốt hơn 20 năm qua, mất bao nhiêu tiền để học được bài học đầu tư xương máu đó?

– Không tính bằng tiền đâu.

Vậy tính bằng gì?

– Tính bằng thất vọng, buồn, đau lòng, khó khăn, bị la, xấu hổ, cãi nhau…

Nếu được lựa chọn làm lại từ đầu, như Myanmar hiện nay, ông có quyết định như 20 năm trước?

– Nếu còn trẻ, thăm Myanmar thì có thể thấy một ánh sáng tương lai. Tuy nhiên, bây giờ tôi mới biết không phải ba năm đâu, mà tính bằng thập kỷ. Tôi nghĩ tương lai của Việt Nam hay hơn Myanmar chứ. Đấy là lý do tôi còn ở lại Việt Nam đấy.

Vì sao hay hơn, góc độ nào, thưa ông?

– Myanmar mới bước vào quá trình tư bản, còn Việt Nam thì đã gần như hết một thế hệ rồi. Về kinh nghiệm, Việt Nam hơn hẳn Myanmar. Còn về khả năng, theo Dragon Capital đánh giá, Việt Nam đang trở nên có tiếng nói, có quy mô, có uy tín trên thế giới.

Cuối cùng là đời sống của người dân được cải thiện, có thu nhập ổn định, cao hơn, có nhà, xe, vợ chồng, con cái, trường học, sức khỏe, đi chơi. Trước kia chỉ uống rượu đế, sau đó là bia hơi, rồi whisky, bây giờ là thưởng thức rượu vang.

Thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam khó khăn, phải bán đứt hay mời gọi đối tác. Liệu khi các doanh nghiệp vốn là đối tượng đầu tư của các quỹ gặp khó khăn, thì đó có phải là cơ hội cho các quỹ đầu tư như Dragon chẳng hạn?

– Về lý thuyết là có, vì khó khăn với người này lại thành cơ hội của người nọ. Nhưng cụ thể hóa, biến thành một thương vụ, cơ hội thực thụ thì tôi thấy chưa có nhiều trường hợp ở Việt Nam, ít nhất là trong kinh nghiệm của Dragon.

Chẳng hạn, lấy ví dụ nợ quá hạn của các ngân hàng, nhiều người nói dù trực tiếp từ các ngân hàng hay thông qua VAMC (công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam), thì nhiều người đánh giá có những khoản nợ khó đòi, có tài sản thế chấp có thể bán cho thị trường.

Vấn đề tôi nghĩ là theo cơ chế. Cũng có thể một phần là do kinh tế bắt đầu phục hồi và người ta cắt giảm hay chính sách của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp, cho nên cũng làm nhẹ hơn và người ta không bị sức ép nhiều như xưa. Nên chúng tôi chưa thấy nhiều trường hợp.

Có khi nào các quỹ có tiền mà lại thiếu doanh nghiệp tốt để đầu tư, tức là thiếu cơ hội đầu tư?

– Trong ngành này thì đây là một nguy cơ cực kỳ lớn, và đây cũng là một bài học. Nghịch lý của ngành quản lý quỹ là lúc huy động vốn là dễ nhất lại là thời điểm đầu tư nguy hiểm nhất. Mà vào thời điểm đầu tư hấp dẫn nhất thì lại là lúc huy động vốn khó khăn nhất.

Và có thể nói rằng trong nghịch lý đó, những nơi huy động vốn vào thời huy động hấp dẫn, thông thường mất vốn và bị rút vốn, còn những nơi huy động vốn trong thời khó khăn nhất, huy động ít, nhưng đầu tư thành công.

Tất nhiên ai cũng muốn mở rộng, phát triển, nên hiếm có các công ty quản lý quỹ từ chối. Nhưng phải nói rằng kinh nghiệm cho thấy trước khi huy động vốn phải rất thực tế là huy động với mục đích gì và kết quả dự kiến như thế nào. Phải chất vấn và thử thách trong việc đưa quyết định, không chỉ trong đầu tư mà còn cả trong huy động vốn.

Xin cảm ơn ông.

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close