Câu chuyệnKinh doanh
Báo Mỹ: Hãng hàng không Bamboo sắp bay lên một bầu trời đông đúc và đậu trên những sân bay tắc nghẽn ở Việt Nam
Hiện tại, Bamboo vẫn đang chờ giấy phép bay từ cơ quan chức năng.
Bầu trời Việt Nam đang ngày càng trở nên đông đúc hơn.
Ngoài hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và hãng bay giá rẻ Vietjet, mới đây tập đoàn FLC tuyên bố họ cũng muốn xí phần ở một thị trường sở hữu những chặng bay đông đúc bậc nhất thế giới bằng việc lập một hãng hàng không mới. FLC dự tính khai trương chuyến bay đầu tiên của Bamboo Airways vào tháng 10, và sau đó đưa vào hoạt động 37 đường bay trong nước.
Hiện tại, Bamboo vẫn đang chờ giấy phép bay từ cơ quan chức năng.
Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế IATA dự đoán Việt Nam sẽ là một trong 5 thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới trong 20 năm tới. Năm ngoái, theo IATA, chặng bay giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trở thành hành trình bay đông đúc thứ 6 trên thế giới xét về số lượng hành khách. Theo Tổng cục thống kê, ngành hàng không Việt Nam đã phục vụ 23,6 triệu hành khách trong nửa đầu năm nay, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Với một khoản đầu tư tốt, nhân viên được chuẩn bị kỹ càng và tầu bay mới, chúng tôi sẽ trở thành người khổng lồ trong ngành ngay sau khi ra mắt hãng”, chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tuyên bố trong bài phỏng vấn tại Hà Nội với Bloomberg. Cục hàng không Việt Nam cho biết Bamboo đã đáp ứng những “điều kiện đủ” để có thể cất cánh vào tháng 10 và giấy phép bay sắp được ban hành, ông Quyết nói thêm.
Hành khách tăng vọt
Nguồn: Tổng cục Thống kê.
(LƯU Ý: Dữ liệu 2018 là số liệu 6 tháng đầu năm)
Mặc dù vậy, Bamboo có thể gặp khó khăn trong việc khai thác thị trường hàng không Việt Nam. Ngoài Vietjet Air, Bamboo sẽ phải cạnh tranh với một hãng giá rẻ khác là Jetstar Pacific, công ty con của Vietnam Airlines.
“Bất kỳ ai gia nhập thị trường vào lúc này đều đã muộn. Thị trường nội địa đang dần bão hoà còn thị trường quốc tế thì đã có dấu hiệu chậm lại trong khoảng 2 năm trở lại đây”, chuyên gia phân tích hàng không Brendan Sobie nói.
Tỷ lệ tăng trưởng chỗ ngồi hàng năm với các chặng bay trong nước đã chậm lại còn 1 chữ số trong vòng 18 tháng qua, sau khi tăng liên tiếp trong 4 năm ở mức 20%. Con số tương tự đối với các chặng bay quốc tế vẫn đang tăng, đạt 20% trong 3 năm qua.
Tuy nhiên, ông Quyết cho rằng tầng lớp trung lưu phát triển nhanh và nỗ lực của chính phủ nhằm biến du lịch trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn sẽ đủ sức tạo room tăng trưởng cho các hãng mới.
Bamboo Airways ban đầu sẽ đi thuê 20 máy bay thân hẹp và thân rộng. Trước đó, FLC đã hoàn tất thoả thuận mua 24 máy bay A321neo của Airbus trị giá 3,2 tỷ USD. Đến tháng 6, họ lại tiếp tục ký hợp đồng mua 20 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner với trị giá 5,6 tỷ USD. Ông Quyết tiết lộ, 60% số vốn cần thiết để mua máy bay sẽ được huy động từ các tổ chức tài chính. Công ty kỳ vọng sẽ nhận được số máy bay này vào năm 2022.
Bamboo Airways có vốn điều lệ đăng ký 1.300 tỷ đồng. Hãng tuyên bố đang lên kế hoạch mở 50 đường bay quốc tế vào năm 2019, kết nối đến Nga, Đức, Pháp, Anh, Nhật Bản và Trung Quốc.
Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg