Cách sốngSống

Bí quyết để trở thành nhà lãnh đạo xuất sắc

Để trở thành một nhà lãnh đạo giỏi, bạn phải có một tầm nhìn rõ ràng, một đội ngũ giỏi và một văn hóa làm việc phù hợp. Nhưng để trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc, bạn cần nhiều hơn thế.

Khi nghĩ về tinh thần lãnh đạo, tôi thường nhớ đến điều từng đọc được cách đây nhiều năm của Antoine de Saint-Exupery – tác giả cuốn sách nổi tiếng Hoàng tử bé: “Nếu bạn muốn đóng một con tàu, đừng kêu gọi mọi người đi thu thập gỗ và vội vàng phân công công việc. Thay vào đó, hãy dạy họ biết khao khát sự mênh mông vô tận của biển cả”. Nói cách khác, nhà lãnh đạo tuyệt vời là người biết khuyến khích đội ngũ mơ ước và thúc đẩy họ đạt được những mục tiêu không có giới hạn.Trên cộng đồng trực tuyến MPW Insiders Network (nơi những doanh nhân, nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn giải đáp các câu hỏi về sự nghiệp và phương thức quản trị), Kathy Bloomgarden – CEO của Hãng truyền thông và quan hệ công chúng Ruder Finn chia sẻ về bí quyết để trở thành nhà lãnh đạo xuất sắc:

Dĩ nhiên, việc thực hiện các quy trình phù hợp để thúc đẩy mọi người làm việc và đạt được mục tiêu đề ra là những yếu tố quan trọng, nhưng đó chỉ là những phần việc cơ bản nhất của nhà lãnh đạo hiện đại. Còn những nhà lãnh đạo xuất sắc thì luôn khao khát và tìm kiếm sự đột phá.

Dù bị nhiều người “chỉ trích” vì tính tình “thô lỗ” và thiếu kiên nhẫn, Steve Jobs vẫn là một nhà lãnh đạo tuyệt vời. Ông có khả năng tưởng tượng ra những điều người khác khao khát thậm chí còn trước khi họ nhận ra rằng bản thân mình cần nó. Niềm đam mê, sức mạnh và sự nhạy cảm của Steve Jobs chính là yếu tố cốt lõi giúp ông tạo nên những công ty tuyệt vời, những kết quả phi thường và thu hút được những người tài giỏi đặc biệt.

Steve Jobs cũng đã thực hiện những “canh bạc” lớn – điều mà những nhà lãnh đạo thực sự phải làm. Rủi ro không bao giờ là điều gì đó thoải mái và chắc chắn, nhưng nếu nhà lãnh đạo chấp nhận vượt ra khỏi những giới hạn và khuyến khích những giấc mơ, họ sẽ thúc đẩy được tiềm năng của cả đội ngũ. Và chỉ khi chấp nhận rủi ro, họ mới có thể tạo ra được động lực.

Quá trình thực thi những “ý tưởng điên rồ” dĩ nhiên không bao giờ suôn sẻ. Sẽ có những khó khăn, thậm chí thất bại. Trong trường hợp đó, nhà lãnh đạo cần phải thật minh bạch và đưa ra phản hồi nhanh chóng, dù thông tin phản hồi đó có phản ánh tình trạng tiêu cực đến đâu.

Thất bại đến từ việc triển khai những ý tưởng đột phá thường sẽ hứng chịu nhiều chỉ trích, và nhà lãnh đạo không chỉ sẵn sàng đối mặt mà còn phải nắm bắt chúng. Bởi vì đôi khi lời chỉ trích lại chính là những món quà. Chúng là những kích thích tích cực có tác dụng thúc đẩy hành động và sự tự phản ánh, là một phần của môi trường làm việc tạo động lực, giúp mọi người biết đặt câu hỏi, biết tham vọng, tư duy không giới hạn và tự khắc phục tình hình.

Để tìm thấy tác dụng tích cực của những chỉ trích, nhà lãnh đạo cần quan tâm đến yếu tố văn hóa tại nơi làm việc, đảm bảo luôn khuyến khích mọi người nêu quan điểmlắng nghe nhân viên ở mọi cấp bậc. Đôi khi những lời chỉ trích có giá trị nhất lại đến từ những nhân viên trẻ nhất, mới nhất của công ty.

Tóm lại, bên cạnh những yếu tố cơ bản như tầm nhìn, đội ngũ, văn hóa làm việc…, nhà lãnh đạo tuyệt vời còn phải sở hữu khả năng chấp nhận rủi ro để tạo động lực cho nhân viên, “nâng niu” những lời chỉ trích và quan trọng nhất là truyền cảm hứng để cả đội ngũ biết đam mê phá vỡ những giới hạn.

BÍCH TRÂM (theo Fortune)/DNSG

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close