Câu chuyệnKinh doanh

Bí quyết thành công của Amazon hay tầm quan trọng của Big Data

Thương vụ thâu tóm đình đám của Amazon đối với Whole Foods đã tạo ra một làn sóng bình luận sôi nổi – rất nhiều “anh hùng bàn phím” nghĩ rằng họ đã hiểu được động cơ đằng sau việc nhà bán lẻ online hàng đầu thế giới mua lại một chuỗi cửa hàng “offline”, hữu hình và có tính địa phương cao.

Chiến thắng thắng sẽ thuộc về kẻ mạnh hơn trong việc xử lý dữ liệu lớn.

Họ cho rằng việc Amazon mua lại Whole Foods – công ty với hệ thống vận hành hàng đầu thế giới đồng thời là một nhà phân phối toàn cầu – sẽ giúp ích cho việc phát triển dịch vụ giao nhận hàng tạp hoá của Amazon, và tạo cho gã khổng lồ này cơ hội để mở rộng tập khách hàng thu nhập cao.

Tuy nhiên hầu hết mọi người đều bỏ lỡ phần quan trọng nhất của câu chuyện này: Đó là dữ liệu.

Wall Street Journal (WSJ) là một trong số ít những tờ báo nhấn mạnh vào khía cạnh quan trọng này của thương vụ mua lại. Tờ WSJ đã chỉ ra rằng thương vụ này sẽ tạo cơ hội cho Amazon kết hợp những hiểu biết của họ ở nền tảng online và tại cửa hàng để dự đoán xu hướng mua hàng của người dùng ngoài đời thực, cũng như đưa ra các chương trình khuyến mãi chéo nhằm tăng doanh thu tại cả kênh online lẫn offline.

Điều này đúng, song có một nguyên tắc sâu xa hơn ở đây. Nhìn tổng thể, một công ty trên nền tảng web với dữ liệu người dùng chất lượng cao (trong trường hợp này là Amazon) sẽ có định giá doanh nghiệp cao hơn nhiều so với một công ty với quy mô doanh thu tương tự nhưng có ít dữ liệu giá trị hơn. Ví dụ như Walmart, dù công ty này có doanh thu gấp 4 lần nhưng chỉ được định giá bằng một nửa Amazon.

Giá trị vòng đời của mỗi khách hàng (customer lifetime value – thuật ngữ chỉ lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được từ một khách hàng) tại Amazon được thị trường nhận định là rất cao. Công ty này vô cùng lão luyện trong việc sử dụng dữ liệu của mình để giữ chân khách hàng, buộc họ phải tiếp tục đưa ra quyết định mua hàng với những chiêu thức marketing vô cùng chuẩn xác.

Khả năng tận dụng tốt dữ liệu người dùng là chìa khoá để gia tăng giá trị vòng đời của mỗi khách hàng, qua đó thúc đẩy giá trị doanh nghiệp. Nếu việc thâu tóm Whole Foods diễn ra suôn sẻ, Amazon sẽ có thêm một lượng lớn thông tin “thực” đưa vào bể dữ liệu khổng lồ sẵn có của những khách hàng ảo hiện tại. Và đương nhiên, công ty này sẽ có khả năng nhắm tới các sở thích của khách hàng chuẩn xác hơn và gia tăng lợi nhuận.

Thương vụ này dạy cho chúng ta những bài học quan trọng:

– Đây chỉ là điểm khởi đầu. Thương vụ Amazon – Whole Foods đánh dấu bình minh của một kỷ nguyên nơi những công ty tập trung vào dữ liệu sẽ mua lại những tài sản hữu hình nhằm biến chúng thành dữu liệu, phục vụ cho việc nghiên cứu hành vi người dùng.

– Dữ liệu “khủng” có thể giúp một doanh nghiệp có được những lợi thế cạnh tranh không thể vượt qua được. Giống như Amazon, những doanh nghiệp B2C sở hữu lượng dữ liệu cụ thể có khả năng đọc hiểu chi tiết về hành vi khách hàng sẽ là những doanh nghiệp phù hợp nhất để tận dụng những chiến lược về trí tuệ nhân tạo (AI). Những dữ liệu độc quyền này sẽ là rào cản gia nhập cực kỳ lớn cho những đối thủ đến sau. Không ai có thể sở hữu được lịch sử mua hàng của Amazon 10 năm vừa qua nếu không thực sự hoạt động như Amazon trong vòng 10 năm.

– Dữ liệu là quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là chiều sâu và độ chính xác của dư liệu. Rào cản gia nhập dựa trên dữ liệu không nhất thiết phải phụ thuộc vào quy mô của kho dữ liệu.

Trong trường hợp của Amazon thì đó không chỉ là dữ liệu “lớn”, mà còn cần phải chi tiết, nhất quán và chính xác – và đó mới là điều khiến cho những dữ liệu này trở nên có ý nghĩa. Dữ liệu của Amazon nằm trong hệ thống của họ, và vì thế công ty này có thể tận dụng được lợi thế dữ liệu xuyên suốt chiều dài lịch sử của mình với một quy chuẩn thống nhất, và họ có khả năng am hiểu những khách hàng trung thành của mình muốn gì với độ chính xác lên tới 100%.

Những doanh nghiệp B2B nên quan tâm đến điều gì?

Đối với những doanh nghiệp B2B, thương vụ sát nhập giữa hai ông lớn về bán lẻ này là một bài học sẽ khiến cho họ phải suy nghĩ. Họ đã xây dựng và quản lý hệ thống dữ liệu của mình như thế nào, đặc biệt là với những dữ liệu định hình nên mối quan hệ buôn bán với các khách hàng, đối tác và nhà cung cấp? Mức độ dễ dàng tiếp cận đối với những dữ liệu thiết yếu là gì? Liệu có thể thu thập được chính xác những dữ liệu đủ quan trọng hỗ trợ cho việc ra quyết định?

Những câu hỏi quan trọng này thực sự đáng để các nhà điều hành cân nhắc, khi mà dữ liệu tiếp tục là yếu tố thống lĩnh nhiều bộ phận quan trọng của doanh nghiệp. Những công ty có lượng dữ liệu chất lượng cao sẽ đứng trước cơ hội lớn để thành công, trong khi với những doanh nghiệp đang thiếu điều này thì điều quan trọng nhất bây giờ là hãy đặt nó làm ưu tiên số một.

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close