Tỷ phú Bill Gates đã bỏ ra không ít tâm huyết và tiền bạc để giúp giải quyết vấn đề ‘tế nhị’ của rất nhiều người trên thế giới.
Từ năm 2015, một loại nhà vệ sinh mới đầy sáng tạo đã xuất hiện rất nhiều tại Ấn Độ. Nhìn từ bên ngoài, Tiger Toilet trông giống như mọi nhà vệ sinh khác nhưng điểm khiến chúng đặc biệt hơn cả là được vận hành bởi một quần thể giun hổ ở phía dưới.
Tiger Toilet không cần xả nước như thông thường và cũng không kết nối với hệ thống thoát nước. Thay vào đó, những con giun được cho vào một thùng chưa đặt bên dưới nhà vệ sinh và chúng sẽ ăn chất thải. Hoạt động của chúng sẽ tạo ra hỗn hợp gồm nước, carbon dioxide và một lượng nhỏ phân giun (ít độc và giàu dinh dưỡng hơn phân người).
Những con giun đang được rải xuống phía dưới nhà vệ sinh đặc biệt của Tiger Toilet.
Giám đốc công ty Tiger Toilet, Ajeet Oak cho biết hỗn hợp trên không đủ sạch để dùng nhưng nó có thể được lọc tự nhiên khi thấm vào lòng đất mà không cần máy xử lý nước thải.
Để đưa hệ thống toilet trên ra thị trường, Quỹ Bill & Melinda Gates đã trao ít nhất 4,8 triệu USD tiền tài trợ cho trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London để hoàn thiện công nghệ. Tiger Toilet cũng nhận được 170.000 USD để thử nghiệm ban đầu ở Ấn Độ, Myanmar và Uganda từ USAID. Giờ đây, sau nhiều năm phát triển và thử nghiệm trên toàn thế giới, công nghệ cuối cùng đã đến được với những người cần loại nhà vệ sinh này nhất.
Tỷ phú Bill Gates rất tâm huyết với việc phát minh lại bồn cầu và xử lý chất thải.
Gần đây, Bill Gates đã chia sẻ rằng ông sẵn sàng chi thêm 200 triệu USD để phát triển công nghệ cho thế hệ toilet sau. Vị tỷ phú ước tính đến năm 2030, cơ hội cho lĩnh vực này có thể lên tới 6 tỷ USD mỗi năm.
Giun hổ dọn dẹp chất thải như thế nào? Đây là loài động vật thích ăn chất thải và không thể sống sót trong đất thông thường. Điều này khiến chúng trở thành giải pháp hoàn hảo cho nhà vệ sinh. Chi phí lắp đặt Tiger Toilet là 350 USD (khoảng 8,1 triệu đồng) và không cần nối với ống thoát nước.
Khi một người đi vệ sinh, chất thải của họ sẽ rơi thẳng xuống khoang chứa đầy giun bên dưới. Họ có thể đổ thêm một chút nước từ xô để làm sạch bồn cầu xổm vì trong Tiger Toilet không có bất cứ thiết bị xả tự động nào.
Nhà vệ sinh của Tiger Toilet tại một trường tiểu học.
Chỉ số làm sạch của giun hổ rất ấn tượng: chúng loại bỏ 99% mầm bệnh và chỉ để lại không quá 15% chất thải dưới dạng phân bón. Phần còn lại trở thành nước và carbon dioxide. Kết quả này được đánh giá là tốt hơn so với bể tự hoại khá nhiều.
Hơn nữa, sản phẩm phụ còn sót lại của quá trình sẽ tạo ra loại phân bón tuyệt vời gồm nitơ, phốt pho, carbon và kali rất tốt cho việc trồng trọt. Ngoài ra Tiger Toilet cũng không thu hút ruồi muỗi hay các loài côn trùng có hại khác. Các phiên bản đầu tiên của Tiger Toilet đã được hơn 5 tuổi và những con giun được sử dụng vẫn chưa phải thay thế. Theo công ty, sau 8-10 năm họ mới cần bảo trì nhà vệ sinh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, con người có thể bị đe dọa đến tính mạng nếu không có một nơi vệ sinh để giải quyết nhu cầu của mình. Hàng năm, tiêu chảy đã cướp đi sinh mạng của 525.000 trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới do vệ sinh kém.
Bên cạnh đó, vệ sinh không đạt tiêu chuẩn cũng khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 223 tỷ USD mỗi năm. Tại Ấn Độ, đi vệ sinh ở không gian mở còn là một tình huống nguy hiểm với nữ giới bởi họ rất dễ bị tấn công tình dục.
Phụ nữ ở các vùng sâu vùng xa cần nơi kín đáo để đi vệ sinh.
Hiện Tiger Toilet đang được thử nghiệm tại một số khu ổ chuột ở Ấn Độ, một phiên bản thân thiện với những căn nhà có diện tích hẹp trong thành phố. Chính phủ nước này cũng đã bắt đầu khuyến khích người dân lắp đặt Tiger Toilet trong nhà bằng phần thưởng tiền mặt.
Lixil Group, công ty mẹ sở hữu công ty vệ sinh khổng lồ American Standard và Grohe cũng quan tâm đến Tiger Toilet. Mới đây, họ đã tiết lộ ý định mở rộng quy mô Tiger Toilet trong tương lai và hy vọng hệ thống này sẽ giúp được hàng triệu người trên thế giới trong vấn đề “tế nhị”.
Theo Trí Thức Trẻ/BI