Cách sốngSống

Bố mẹ Do Thái học cách lắng nghe con bằng cách nào?

Khi bạn thật sự lắng nghe con cái, chúng sẽ dần dần học được cách chia sẻ những khúc mắc, hy vọng và mong muốn của mình với bạn. Dù cha mẹ có trò chuyện tán gẫu với con về bất cứ vấn đề gì thì đó cũng là một cách thể hiện tình yêu và sự quan tâm của cha mẹ đối với trẻ.

 

Bố mẹ Do Thái học cách lắng nghe con bằng cách nào?

Người Do Thái có một câu cách ngôn rất minh triết: Con người có ba người bạn là con cái, của cải và việc thiện. Người Do Thái quan niệm phụ nữ mang thai phải được hưởng chế độ đặc biệt, ăn uống tẩm bổ thật tốt. Với gia đình nghèo, cả nhà thà nhịn đói chứ không để phụ nữ mang thai chịu đói. Đứa trẻ vừa chào đời đã trở thành trung tâm chú ý của cả gia đình. Nói theo cách của người Do Thái thì: “Một tuổi là quốc vương.”

Xét từ ý nghĩa này, người Do Thái cũng yêu thương, tôn trọng con cái giống như người châu Á, chỉ có điều họ chú trọng nhiều hơn đến cách để thể hiện tình yêu thương. Khi trẻ bước qua thời thơ ấu, phụ huynh Do Thái sẽ giữ tình yêu thương ở sâu trong lòng, duy trì khoảng cách nhất định với trẻ. Mọi tình yêu trên thế giới đều hướng đến mục đích chung là sự gắn kết, chỉ có một tình yêu luôn hướng đến sự phân ly là tình yêu cha mẹ dành cho con cái.

Giúp con sớm trở thành một cá thể độc lập, có khả năng tách rời cha mẹ, có thể đối diện với thế giới bằng nhân cách độc lập của mình chính là tình yêu đích thực cha mẹ nên dành cho đứa con của mình. Cha mẹ rút lui càng sớm, buông tay càng sớm, trẻ càng dễ thích nghi trong tương lai.

Tuy nhiên, nếu các bậc cha mẹ muốn thúc đẩy trẻ tiến bước trên con đường tự lập, muốn một ngày nào đó mình có thể buông tay con ra, thì giữa cha mẹ và con cái cần phải có một khoảng “thời gian mật ngọt”. Như hồi con còn nhỏ, khoảng thời gian trước lúc trẻ đi ngủ chính là “thời gian mật ngọt.”

Cha mẹ không nên cảm thấy khó chịu, phiền lòng với những câu hỏi liên miên của con, cũng đừng chán ghét việc kể đi kể lại cùng một câu chuyện cho con nghe mỗi đêm. Hãy tận dụng khoảng thời gian trước lúc trẻ ngủ để “nói chuyện tâm tình” với con, biến cảm giác gắn bó thành thứ “mật ngọt” điều hòa mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Khi bạn thật sự lắng nghe con cái, chúng sẽ dần dần học được cách chia sẻ những khúc mắc, hy vọng và mong muốn của mình với bạn. Dù cha mẹ có trò chuyện tán gẫu với con về bất cứ vấn đề gì thì đó cũng là một cách thể hiện tình yêu và sự quan tâm của cha mẹ đối với trẻ. Kỳ thực, con trẻ suy nghĩ vô cùng đơn giản, chúng chỉ muốn hằng ngày cha mẹ quan tâm tới mình nhiều hơn, trò chuyện với mình nhiều hơn. Cho dù đó chỉ là một số chuyện vặt

Người Do Thái có một số bí quyết nhỏ giúp phụ huynh nắm bắt tâm tư tình cảm của con:

1. Cố gắng thu thập tư liệu về cuộc sống của con

Tạo hồ sơ tư liệu gia đình từ khi con ra đời, ghi lại những lời nói và việc làm của con. Qua đó, phụ huynh có thể nhìn ra ưu nhược điểm cũng như những tâm trạng phản ánh thói quen sinh hoạt, sở thích của con. Nhờ vậy, quá trình giáo dục sẽ đạt hiệu quả hơn.

2. Lắng nghe ý kiến của con trên nhiều phương diện

 Phụ huynh thu thập tư liệu về trẻ trên nhiều phương diện có thể tránh được cái nhìn chủ quan, phiến diện về con, qua đó giúp họ nhận ra vấn đề bản thân mình thường xem nhẹ, bỏ qua. Với trẻ, thầy cô giáo là người chúng tin tưởng nhất, còn bạn bè là người thân thiết nhất. Cho nên thu thập tư liệu từ thầy cô giáo, bạn bè của trẻ là lựa chọn đúng đắn nhất của các bậc cha mẹ.

3. Trở thành bạn thân của con

Nếu không muốn con đóng chặt cánh cửa tâm hồn với bạn và biến bạn thành kẻ ngoài cuộc, thì các bậc cha mẹ không nên lúc nào cũng đặt mình vào vị thế bề trên. Sau khi cả nhà dùng bữa xong, phụ huynh có thể trò chuyện hỏi han, tâm sự cùng con. Rút ngắn khoảng cách tâm lý giữa hai thế hệ, giúp cha mẹ nắm được tính nết, cá tính, hứng thú và sở thích của trẻ.

4. Trân trọng từng tiến bộ nhỏ của con

So sánh những thay đổi của con qua từng ngày, cha mẹ sẽ nhận ra sự tiến bộ và điểm sáng của con. Cha mẹ cần phải tuyên dương khích lệ, giúp con trải nghiệm thành công. Đó chính là điểm đột phá trong việc giáo dục con cái.

5. Kịp thời nắm bắt động thái tâm tư của con

Giúp con học cách giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống một cách đúng đắn, đồng thời truyền đạt lại cho con những kinh nghiệm, tư tưởng và giá trị của mình thông qua giao tiếp ngôn ngữ.

6. Chọn kênh kết nối phù hợp

Mỗi đứa trẻ có một tính cách khác nhau, muốn làm được điều này phụ huynh cần lựa chọn cách trò chuyện phù hợp với trẻ dựa trên đặc điểm tính cách của nó. Ở đây chúng ta có hai cách. Một là cách nói thẳng: Cha mẹ thẳng thắn cho trẻ biết rõ Thái độ của mình về vấn đề cần bạn. Ưu điểm của phương pháp này là đi thẳng vào vấn đề, tuy nhiên nó chỉ thích hợp với những đứa trẻ có tính cách hướng ngoại. Cách gián tiếp: Cha mẹ dùng một câu chuyện nhỏ hoặc một ví dụ nào đó khơi gợi hứng thú trò chuyện của trẻ sau đó dẫn dắt cuộc nói chuyện vào chủ đề cần trao đổi.

7. Tìm cơ hội trò chuyện thích hợp

Luôn có một vài vấn đề, sự việc phát sinh từ chính bản thân trẻ và môi trường xung quanh, việc cha mẹ kịp thời nắm bắt vấn đề, sự việc điển hình và tiến hành trao đổi, trò chuyện với trẻ sẽ mang lại hiệu quả cao hơn bình thường, bản thân trẻ cũng dễ tiếp thu hơn.

8. Tạo bầu không khí thân ái, dễ chịu

Rất nhiều bậc phụ huynh bình thường rất ít khi trò chuyện, trao đổi với con, nhưng khi có vấn đề xảy ra, họ lại nghiêm khắc răn dạy trẻ, cứ như vậy khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày một lớn hơn. Vì vậy, muốn cuộc trò chuyện với trẻ đạt hiệu quả tốt hơn, cha mẹ cần tạo bầu không khí thân mật, gần gũi, pha trò, kể vài chuyện thú vị nhằm rút ngắn khoảng cách tình cảm giữa hai bên.

Thảo Nguyên

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close