Câu chuyệnCEO Thế giớiKinh doanhNhân vật
Chatri Sityodtong – Chia sẻ câu chuyện kinh doanh
Tôi muốn mở đầu bằng một câu chuyện cổ tích lãng mạn. Có 2 chàng trai khôi ngô, tuấn tú, giỏi giang đem lòng yêu một nàng công chúa. Không ai chịu kém ai khiến nhà vua rất khó xử. Ngày nọ, công chúa và đoàn tùy tùng vào rừng chơi, bỗng dưng gặp một con hổ dữ. Người thứ nhất ngay lập tức chạy trốn, còn người thứ hai đã dũng cảm chiến đấu và giết được con hổ. Công chúa đã yêu và cưới người hùng, hai người sống rất hạnh phúc sau đó. Quản trị doanh nghiệp cũng vậy, khuyến khích ta làm việc đúng dù phải đối mặt với vô vàn sự sợ hãi và e ngại, lòng dũng cảm trong trường hợp này là vô cùng cần thiết.
Trong sự nghiệp kinh doanh của mình, tôi luôn tuân thủ nguyên tắc chính trực: không nói dối, không ăn cắp, không chơi xấu. Tôi cho rằng, sự chính trực là nền tảng của công ty. Bạn hãy thử tưởng tượng, nếu bạn kinh doanh phi pháp, vào một ngày nào đó những gì bạn làm được đưa ra trang nhất các tờ báo, bạn sẽ sống trong sợ hãi và đối phó thế nào.
Tôi đã đầu tư hàng tỷ USD trên thế giới, quản lý quỹ đầu tư có quy mô 15 tỷ USD ở Phố Wall, với các công ty ở khắp nơi, trừ Mỹ Latinh. Những công ty đó đều có điểm chung là tuân thủ nguyên tắc chính trực và các nguyên tắc về quản trị doanh nghiệp. Công ty gần đây nhất mà tôi sáng lập là One Championship, công ty truyền thông về thể thao lớn nhất châu Á, hiện có tài sản hơn 1 tỷ USD. Làm sao trong 5 năm, tôi có thể xây dựng và tạo lập được một doanh nghiệp có giá trị lên tới cả tỷ USD như vậy nếu tôi không hiểu và vận dụng tốt các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp? Nếu mọi người trong tổ chức đều ăn cắp và nói dối thì tổ chức làm sao có thể phát triển vững mạnh? Thông điêp mà tôi luôn truyền thông tới nhân viên là làm gì cũng phải giống người hùng thứ hai trong câu chuyện con hổ nọ.
Các thành viên ban quản lý, ban giám đốc đôi khi phải đối diện với một “con hổ” khổng lồ. Chẳng hạn, mất một khách hàng lớn, lợi nhuận không đạt theo kế hoạch, họ rất có thể phải đấu tranh giữa trung thực và tìm cách ăn gian nói dối, đưa hàng hóa tồn kho vào bảng cân đối, tạo ra lợi nhuận ảo… Điều này giống như trước chúng ta, con hổ luôn luôn xuất hiện và nhà quản lý phải tìm cách giết nó. Chính trực không chỉ ở cấp cao nhất mà còn ở cả cấp thấp nhất là những người lao động. Nếu doanh nghiệp không được quản trị đúng đắn, nếu doanh nghiệp được xây dựng trên nền tảng không vững chắc vì có những lỗ hổng thì sớm hay muộn cũng sẽ đổ sụp.
Trong 5 năm tới, tôi cho rằng, châu Á sẽ có tầng lớp trung lưu lớn nhất thế giới và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn, nhưng nếu không tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế thì khó có thể đón nhận được cơ hội.
Trong những doanh nghiệp mà tôi quản lý và sáng lập, tôi đặc biệt chú ý đến tốc độ áp dụng và thích nghi với sự thay đổi. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, không có loài, giống nào thông minh nhất, mà những loài thích nghi nhanh nhất sẽ tồn tại. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang ngày càng hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp phải biết thích nghi với sự thay đổi của môi trường kinh doanh và trách nhiệm của lãnh đạo các doanh nghiệp là dẫn dắt công ty lên toàn cầu, lên các thị trường lớn.
Khi tôi tuyển dụng nhân sự vào doanh nghiệp, tôi huấn luyện họ tuân theo những giá trị, những nguyên tắc mà tôi luôn áp dụng. Tuy nhiên, tôi không đưa họ quyển sách hay bắt họ dán những quy định đó lên tường, mà mọi việc phải được thể hiện trong công việc hàng ngày và cả cuộc sống của họ.
Như đã đề cập, tôi đề cao tính chính trực. Họ phải là những người trung thực, sẵn sàng “giết hổ”. Họ phải trải qua những bài kiểm tra để cho thấy sự chính trực. Mỗi tháng, tôi có một bài nói chuyện để giải thích cho họ và thông điệp mà tôi luôn nhấn mạnh là làm gì thì làm, hãy luôn nhớ khi điều sợ hãi nhất mà các bạn bị lộ ra thì mẹ bạn vẫn tự hào về bạn.
Công ty đầu tiên tôi thành lập năm 27 tuổi trong lĩnh vực phần mềm in ấn đã thu hút được 40 triệu USD vốn đầu tư từ Thung lũng Silicon, sau đó tôi bán công ty này và làm quản lý cho một quỹ đầu tư mạo hiểm tại Mỹ. Tôi thấy rằng, những người quan tâm đến công việc mình làm và say mê với nó thì đều không ăn cắp và nói dối.
Thực tế, con người luôn có nhu cầu tìm kiếm hạnh phúc, niềm vui. Vì thế, tôi muốn tạo ra môi trường vui vẻ trong công ty để nhân viên đến làm việc có nhiều phấn khích nhất. Nếu họ hạnh phúc, họ sẽ không làm việc xấu. Nếu công ty có môi trường làm việc tệ hại sẽ tạo ra năng lượng tiêu cực và không ai muốn gắn bó với công ty. Nhân viên cảm thấy hạnh phúc là một trong những yếu tố để phân biệt công ty tốt, xấu.
Là nhà đầu tư, nhà quản lý quỹ, tôi luôn nghi ngờ và thuê công ty kiểm toán để làm rõ thực tế sức khỏe của các doanh nghiệp. Những nhà đầu tư như chúng tôi luôn nhìn vào những thứ tưởng chừng rất nhỏ để xem doanh nghiệp đang vận hành thế nào. Tôi đến văn phòng một tổng giám đốc nọ, hỏi anh ta về khách hàng và đề nghị được đi thăm xưởng sản xuất. Tôi hỏi chuyện những người công nhân đang lắp ghế và họ kể cho tôi mọi thứ. Như vậy là tôi có được bản báo cáo tuyệt vời nhất, góp phần giúp tôi phân biệt các công ty tuyệt vời và tệ hại.
Nhìn chung, các nhà đầu tư đều có kỹ năng để phân biệt được công ty tốt, xấu, lãnh đạo có tâm huyết và chính trực hay không. Chúng tôi chỉ nhắm vào các doanh nghiệp có mức độ liêm chính cao. Rất khó để che giấu điều dối trá, để giả vờ như một doanh nghiệp liêm chính, trong khi thực tế không như vậy.
Văn hóa doanh nghiệp chú trọng tiêu diệt và tuyên chiến với sự xấu xa. Nếu tôi phát hiện một nhân viên ăn cắp, tôi sẽ đuổi anh ta ngay lập tức và thông báo cho mọi người biết lý do anh ta bị sa thải. Họ sẽ kể cho nhau nghe và tự nhủ: “Trời ơi, anh A ăn cắp và bị đuổi việc. Thật là kinh khủng”. Họ sẽ không dám làm thế. Ngược lại, ai làm tốt, tôi luôn vinh danh họ. “Câu chuyện” luôn dễ hấp thụ hơn đưa cho họ một cuốn sách. Đặc biệt, tôi phải giữ lời, nếu một cộng sự của tôi, một phó tổng giám đốc vi phạm mà tôi tha thứ cho anh ta thì nhân viên của tôi sẽ không tin những gì tôi nói. Khi có những người không phù hợp bị loại bỏ thì doanh nghiệp sẽ càng tiến tới những tiêu chuẩn đã đề ra, bởi vậy không nên lăn tăn và nuối tiếc.
Trong cơ cấu tổ chức của các doanh nghiệp, tôi rất coi trọng bộ phận kiểm toán nội bộ và hoạt động kiểm tra chéo nhau. Tôi cho rằng, hoạt động này phải trở thành thường lệ để minh bạch các hoạt động. Chính trực, minh bạch, thưởng phạt kịp thời, môi trường làm việc vui vẻ… thì doanh nghiệp của bạn sẽ tốt hơn các đối thủ, tạo nền tảng để phát triển bền vững.