Khởi nghiệpKinh doanh

Chiếc áo khoác “màu nhiệm” có thể thay đổi cả thế giới

Tới năm 2016, mục tiêu của Empowerment Plan là sản xuất được 6.500 chiếc áo khoác cho người vô gia cư và tuyển thêm 20 công nhân mới.

Nhìn thoáng qua đây chỉ là áo khoác bình thường, nhưng thực ra đó là "màu nhiệm" có thể thay đổi cả thế giới

6 năm trước, Veronika Scott còn là một cô sinh viên ngành thiết kế ở một trường Cao Đẳng nằm ở thành phố Detroit, bang Michigan (Hoa Kỳ).

Dù sinh ra ở California, nhưng từ bé, Veronika đã đến sinh sống ở Detroit nên cô sinh viên trẻ rất cảm thông với những số phận không may nơi đây. Trong mắt cô, những người vô gia cư cứ như những người vô hình, sống ẩn chìm giữa phố xá nhộn nhịp.

Theo thống kê dân số ở Detroit cứ 42 người trong thành phố thì có 1 người hiện đang không có nhà ở, và con số những người vô gia cư lên tới 20.000.

Bang Michigan là một trong những nơi có khí hậu lạnh giá nhất nước Mỹ. Ngay cả khi xuân đến, vào khoảng gần giữa tháng 2, nhưng tuyết vẫn phủ trắng xóa.

Vì vậy, hàng năm có tới 7% số người vô gia cư ở Detroit chết vì những cái lạnh giá buốt mùa đông của nơi này.

Từ đó, nhờ một đề tài bài tập ở trường, Veronika đã có cảm hứng tạo ra một mẫu áo khoác có khả năng chống thấm nước giúp đỡ cho những người vô gia cư ở Detroit.

Ngoài ra, mẫu áo khoác này có thể biến thành túi ngủ ấm áp vào mùa đông, hoặc một chiếc balo vào những mùa ấm hơn trong năm.

Cô sinh viên trẻ bày tỏ: “Tôi chỉ muốn mang đến những người này vật dụng gì đó thực sự cần thiết”.

Vào một ngày, khi Veronika mang những chiếc áo tiện lợi đi tặng cho những người đang tá túc ở khu lều tạm, một người phụ nữ đã lên tiếng: “Chúng tôi không cần áo, chúng tôi chỉ cần việc làm thôi”.

Đó là lý do vì sao Veronika có thêm động lực để thành lập tổ chức phi lợi nhuận có tên Empowerment Plan.

Mục tiêu đơn giản nhưng chứa chan tình người của Veronika là giúp đỡ người vô gia cư có công ăn việc làm, cũng như có thể tự họ sản xuất những chiếc áo ấm cho những người có cùng hoàn cảnh.

Ý tưởng nhân đạo này cũng nhận được khá nhiều các nhà đầu tư từ thiện tham gia quyên góp.

Năm đầu công ty đã có 30 công nhân sử dụng thành thạo các loại máy in 3D, máy may thủ công, họ đã sản xuất được hơn 3.000 sản phẩm áo khoác.

Kể từ năm 2012, Empowerment Plan đã may và phân phát được hơn 15.000 chiếc áo khoác miễn phí cho người vô gia cư trong và ngoài nước Mỹ.

Tới năm 2016, mục tiêu của Empowerment Plan là sản xuất được 6.500 chiếc áo khoác cho người vô gia cư và tuyển thêm 20 công nhân mới.

Thực chất, Veronika chỉ hy vọng rằng dự án này sẽ có thể giảm chi phí của chính phủ về các khoản phúc lợi xã hội, nhà ở, chi phí chăm sóc sức khỏe dành cho người vô gia cư.

Nhưng dự án của cô đã thành công vượt xa mong đợi. Vừa tạo được việc làm cho những người nghèo, vừa cùng họ chia sẻ những niềm vui đến những hoàn cảnh khó khăn khác.

Ít ai có thể tin rằng một cô bé sinh viên như Veronika đã gây sự chú ý đáng kinh ngạc với chính phủ Mỹ bằng dự án từ thiện có ý nghĩa tuyệt vời như thế.

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close