Câu chuyệnChiến lượcKinh doanhQuản trị
Chiến lược đa ngành của bà bán bún bò: Lợi hại sao mà các tập đoàn lớn cũng áp dụng?
Không khó để bắt gặp những chiến lược đa ngành nghề của các thương hiệu lớn. Starbucks không chỉ có cà phê thượng hạng, họ còn có trà, nước hoa quả, thậm chí là… rượu.
Các tập đoàn đa ngành như Vingroup, Masan, Hòa Phát, Trường Hải… chắc ai cũng nghe qua. Và rất nhiều những tập đoàn, công ty đa ngành khác, hầu hết đều rất lớn.
Tuy vậy, không phải tập đoàn đa ngành nào cũng có chiến lược được hoạch định bài bản và chuyên nghiệp. Đó cũng là lý do từng có nhiều tập đoàn phát triển nhanh như vũ bão rồi trở thành tơi bời trong… mưa bão.
Vậy thì một bà bán bún bò liệu có thể có một chiến lược đa ngành không? Nhiều người có thể phì cười, vì thấy nó quá hài hước – bán bún bò mà đa ngành gì! Tôi không thấy hài hước tí nào! Một bà bán bún bó cũng hoàn toàn có thể có một chiến lược đa ngành (nếu bà muốn, tất nhiên, phải phân tích kỹ trước khi quyết định).
Chiến lược đa ngành đó là gì?
1. Giả sử, sau một thời gian bán bún bò khấm khá, và có cả chuỗi quán bún bò, bà quyết định mua một miếng đất làm chuồng trại nuôi bò giao cho người em có nghề nuôi bò phụ trách để lấy thịt cung cấp cho quán của bà, cho các quán khác, và bán luôn ra chợ.
2. Sau đó, bà lại thuê đất giao cho đứa cháu có nghề trồng các loại sau thơm, rau húng quế, chanh ớt phục vụ cho các quán bún bò và bán luôn ra chợ.
3. Kế đến, bà mua lại một xưởng sản xuất ra các loại muỗng, nĩa, đũa, chén đĩa để và giao cho người anh con ông bác có kinh nghiệm trong nghề này quản lý để sản xuất và cung cấp cho các quán của bà và bỏ mối cho các quán khác, rồi nhân tiện, bán luôn ra chợ.
4. Tiếp theo, thay vì mua bàn ghế từ một nhà cung cấp nào đó trang bị cho chuỗi quán của bà, bà quyết định đầu tư cho người anh ruột có kinh nghiệm mở xưởng sản xuất bàn ghế để tự cung cấp cho các quán của mình, và bán cho các quán khác, và bán luôn ra thị trường.
5. Khi cung cấp thịt bò cho một số nhà hàng, quán nhậu, bà thấy kinh doanh nhà hàng quán nhậu tiềm năng quá, bà quyết định đầu tư mở thêm nhà hàng và giao cho ông em họ có kinh nghiệm quản lý. Bà cũng mua lại vài quán nhậu ế ẩm và giao cho đứa cháu có nghề kinh doanh quán nhậu quản lý.
6. Khi mở nhà hàng, quán nhậu, bà được các nhà cung cấp bia, rượu, nước giải khát mới chào dữ quá, thế là bà tìm hiểu và nhận làm đại lý phân phối các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát…
Như vậy, từ một quán bún bò, bà chủ quán đã trở thành một doanh nghiệp đa ngành, hoạt động trong nhiều ngành (ngành nuôi bò, ngành trồng và kinh doanh rau, ngành sản xuất kinh doanh bàn ghế, ngành muỗng nĩa, bát, đũa, ngành nhà hàng, quán nhậu, ngành phân phối rượu bia, nước giải khát…).
Nếu bạn để ý sẽ thấy các ngành mà bà bán bún bò lựa chọn trong danh mục đầu tư đều có CƠ CẤU và CƠ CHẾ hoạt động liên quan (interrelated) với nhau, tạo nên sức mạnh cộng hưởng (hợp lực – synergy), và hỗ trợ lẫn nhau phát triển ở từng ngành riêng lẻ (tăng cường – reinforcement).
Đó chính là chiến lược đa ngành của bà bán bún bò, được TÍCH HỢP (intergrated) cả ngang (horizontal) dọc (vertical), ngược (backward), xuôi (forward) và cả đa dạng hóa (diversification), áp dụng cả tự phát triển lẫn M&A…
Chiến lược đa ngành của các tập đoàn lớn cũng tương tự như vậy. Có gì khó hiểu không các bạn?
Lời kết
Các bạn đừng vội đánh giá chuyện thành công hay thất bại của bà bán bún bò. Đây chỉ là một ví dụ để các bạn nhìn thấy bức tranh tổng thể (big picture) về chiến lược đa ngành (Corporate Strategy / Multi-business Strategy). Đừng đi vào tiểu tiết vì trong thực tế, cần rất nhiều phân tích khi hoạch định chiến lược đa ngành!
Tác giả: Nguyễn Hữu Long