Tự tin là một trong những món quà có ý nghĩa nhất cha mẹ có thể rèn luyện cho con cái mà nếu thiếu lòng tin vào chính mình, trẻ sẽ trở nên ngại ngần trước mọi thử thách vì sợ thất bại và sợ khiến người khác thất vọng. Sự thiếu tự tin không chỉ kìm hãm cuộc sống của trẻ sau này mà còn cản trở chúng thành công trong sự nghiệp
Là nhà tâm lí học và tác giả của 15 cuốn sách nói về việc “làm cha mẹ”, ông Carl Pickhardt cho rằng: “Công việc của người làm cha mẹ là khuyến khích và hỗ trợ con khi chúng đang cố gắng giải quyết những nhiệm vụ khó khăn của chúng”. Và không chỉ phải làm chỗ dựa tinh thần cho con, để nuôi dạy con tự tin vào bản thân, các bậc phụ huynh cần phải làm những điều sau đây:
Đánh giá cao sự nỗ lực của trẻ dù con thành công hay thất bại
Với bất kỳ ai, hành trình để trưởng thành quan trọng hơn là đích đến. Do đó, dù con bạn có chốt bàn thắng vang dội hay đá trượt quả penalty cho đội mình thì hãy cứ cổ vũ vì sự nỗ lực của con. Chúng sẽ tự hào bởi đã cố gắng hết mình thay vì xấu hổ khi khiến đội nhà thua trận. “Trong thời gian dài, sự nỗ lực bền bỉ sẽ giúp trẻ bồi đắp được lòng tự tin hơn là chỉ cố gắng trong những thời điểm nhất định”, ông Pickhardt nói.
Khuyến khích trẻ tìm ra và phát huy khả năng của bản thân
Khuyến khích trẻ kiên trì tập luyện bất cứ môn học hay lĩnh vực nào mà trẻ cảm thấy hứng thú nhưng không đặt nặng áp lực lên chúng. Theo nhà tâm lí học Pickhardt, “ sự rèn luyện khuyến khích lòng tự tin và sự tiến bộ” của trẻ rất nhiều.
Hãy để trẻ tự tìm ra vấn đề của bản thân
Nếu cha mẹ làm thay trẻ những việc khó thì trẻ sẽ không bao giờ có thể phát triển được khả năng và tự tin tìm ra vấn đề riêng của mình.
Giải thích về điều này, tác giả Pickhardt chia sẻ: “Việc cha mẹ giúp đỡ con cái có thể trở thành rào cản ngăn trẻ hình thành sự tự tin – điều xuất phát từ việc trẻ tự tìm ra và khắc phục vấn đề của riêng mình”. Nói cách khác, hãy cứ chấp nhận để con nhận vài thất bại nho nhỏ, miễn là chúng tự rút ra bài học cho bản thân và tự học cách khắc phục những vấn đề của bản thân.
Hãy để trẻ hành động theo đúng lứa tuổi của mình
Các bậc phụ huynh không nên kỳ vọng con sẽ hành động như một người trưởng thành. “Khi một đứa trẻ cảm thấy rằng chỉ cần làm được như bố mẹ là đủ, chuẩn mực đó có thể ngăn cản trẻ nỗ lực hơn nữa. Việc phấn đấu để đáp ứng được những kỳ vọng trước tuổi cũng sẽ làm giảm lòng tự tin của trẻ”, ông Pickhardt nói.
Khuyến khích tính tò mò của trẻ
Không ít cha mẹ phải phát cáu vì hàng loạt các câu hỏi của trẻ, nhưng trên thực tế các bậc phụ huynh nên khuyến khích trẻ đặt câu hỏi. Chia sẻ về vấn đề này với tạp chí The Guardian, giáo sư Paul Harris của trường Đại học Harvard cho rằng, việc đặt câu hỏi là một bài tập vô cùng hữu ích cho sự phát triển của trẻ bởi điều đó có nghĩa là trẻ nhận ra rằng “có nhiều điều mà chúng chưa biết…rằng ngoài kia là thế giới kiến thức bao la mà chúng chưa từng đặt chân tới”.
Cũng theo The Guardian, cùng ở lứa tuổi tựu trường, trẻ được nuôi dạy trong những gia đình mà chúng được khuyến khích sự tò mò sẽ có lợi thế hơn so với các bạn cùng lớp, bởi chúng đã rèn luyện được cho mình cách thức tiếp nhận thông tin từ cha mẹ và cũng dễ dàng tiếp nhận thông tin từ giáo viên. Nói cách khác, trẻ được khuyến khích tính tò mò có thể học tốt hơn và nhanh hơn.
Tạo thử thách cho trẻ
Hãy tạo thử thách cho trẻ và chỉ cho trẻ thấy rằng để đạt được một thành tựu lớn thì con phải thực hiện và hoàn thành những mục tiêu nhỏ trước đã. Tác giá Pickhardt giải thích: “Cha mẹ có thể nuôi dưỡng lòng tự tin cho con trẻ bằng việc để trẻ làm những công việc với trách nhiệm lớn hơn”. Ví dụ như việc cho trẻ tập đi xe đạp ba bánh, rồi sau đó, cổ vũ con hãy thử tập đi xe đạp mà không có bánh phụ nữa.
Tránh tạo nên sự đối xử đặc biệt với trẻ
Việc đối xử đặc biệt có thể là tác nhân gây ra sự thiếu tự tin ở trẻ. Ông Pickhardt cho biết: “Quyền lợi không thể thay thế cho sự tự tin được”. Nếu các bậc cha mẹ dung túng hay tạo ngoại lệ cho con khi thực hiện một việc gì đó, trẻ sẽ có tư tưởng dựa dẫm và ý thức rằng bản thân không cần phải nỗ lực thêm nữa và rằng chúng miễn nhiên được nhận một quyền lợi đặc biệt từ cha mẹ.
Đừng bao giờ chỉ trích những gì trẻ đã nổ lực để làm
Không điều gì có thể làm nản lòng trẻ việc phê bình những gì chúng đã nỗ lực để đạt được, dù có thành công hay thất bại. Thay vào đó, bố mẹ nên đưa ra những phản hồi hữu ích và cho con những gợi ý – nhưng tuyệt đối đừng bao giờ nói rằng “con làm tệ lắm!”.
Nếu trẻ sợ thất bại vì lo lắng cha mẹ không hài lòng hay thất vọng, chúng sẽ không bao giờ muốn thử lại lần nữa hay thử thêm những điều mới mẻ. “ Những lời chỉ trích của ca mẹ sẽ làm giảm lòng tin vào giá trị của bản thân và đánh tụt động lực của trẻ”, tác giả Pickhardt nói.
Coi sai lầm như những bài học cho thành công
“Học từ những sai lầm sẽ xây dựng cho trẻ sự tự tin”, ông Pickhardt nhận định. Nhưng điều này chỉ hiệu quả nếu các bậc phụ huynh cũng coi sai lầm giống như một cơ hội để học hỏi và trưởng thành. Đừng bao giờ quá bao bọc con cái mình mà hãy để chúng tự làm, tự sai và tự rút kinh nghiệm cho bản thân. Chúng sẽ học được cách khắc phục sai lầm để làm tốt hơn trong những lần tiếp theo.
Hãy mở toang cánh cửa cho trẻ những trải nghiệm mới
Là cha mẹ, chúng ta cần phải có trách nhiệm “tạo cho con trẻ những trải nghiệm sống mới để chúng có thể phát triển sự tự tin đương đầu với những thử thách trong thế giới rộng lớn”. Hãy dạy chúng rằng, dù vấn đề có phức tạp thế nào, tình huống có đáng sợ thế nào thì cũng sẽ có những giải pháp và chúng chính là nhà thám hiểm đi chinh phục những con đường đời đầy thử thách.
Hãy cho trẻ biết bạn làm được những gì và bằng cách nào.
Với con trẻ, cha mẹ là những “anh hùng”, ít nhất là cho đến khi chúng bước vào tuổi niên thiếu. Vì vậy, hãy sử dụng quyền năng đó để dạy trẻ những gì bạn biết, bạn nghĩ, hành động và phát ngôn. Hãy là một tấm gương tốt để con noi theo. Tác giả Pickhardt cũng cho rằng, khi nhìn thấy cha mẹ thành công, con trẻ sẽ có thêm tự tin và lòng can đảm để làm những điều tương tự.
Đừng nói với trẻ khi bạn đang lo lắng về chúng
Sự lo lắng của cha mẹ có thể sẽ trở thành một cuộc “bỏ phiếu bất tín nhiệm” đối với cha mẹ. “Cha mẹ có tỏ ra tự tin thì con cái mới tự tin được”, ông Pickhardt nói.
Hãy cổ vũ khi trẻ phải đương đầu với nghịch cảnh
Cuộc sống vốn không công bằng! Sự thật quả là khó chấp nhận nhưng trẻ sẽ phải làm học làm quen với điều đó. Khi trẻ phải đương đầu với thử thách thì điều cha mẹ nên làm chính là cổ vũ cho trẻ và cho trẻ thấy rằng, đối đầu với khó khăn chính là cách để rèn luyện bản thân thêm kiên cường trong cuộc sống. Bố mẹ cũng nên nhắc nhở trẻ rằng mỗi con đường tới thành công đều rải đầy chông gai và thác dữ.
Đề nghị giúp đỡ và hỗ trợ nhưng đừng can thiệp quá nhiều
Khi trẻ gặp khó khăn, cha mẹ có thể đề nghị giúp đỡ nhưng nhất định không được can thiệp quá nhiều. Bởi nếu trợ giúp quá nhiều sẽ làm giảm khả năng tự lực của trẻ, ông Pickhardt nói.
Hoan nghênh khi trẻ dám chấp nhận những thử thách mới
Theo nhà tâm lí học Pickhardt, cho dù trẻ lần đầu tiên tập chơi bóng rổ hay đi tàu lượn thì cha mẹ cũng nên hoan nghênh và ghi nhận sự dũng cảm của con. Hãy cho con những lời ngợi khen đơn giản như: “Con rất dũng cảm mới dám thử nó đấy!” hay “Sự thoải mái đến từ những điều thường nhật, nhưng lòng dũng cảm là dám thử cái mới và làm những điều khác biệt”.
Đừng để trẻ xa rời thực tại bằng việc mải mê lướt web
Thay vì để con chìm đắm trong thế giới ảo sau màn hình máy tính hãy khuyến khích chúng tiếp xúc với mọi người và tham gia vào các hoạt động ngoài đời thực. “Niềm tin trong thế giới ảo (dù cũng quan trọng) không giống như niềm tin trong thế giới thực và những hiệu quả thực tế mà nó mang lại”, ông Pickhardt nói.
Hãy là những bậc phụ huynh có uy quyền nhưng đừng quá khắt khe
Cha mẹ phải thể hiện là những người có uy quyền trong gia đình để những quy tắc và sự tôn trọng không bị phá vỡ. Hãy chứng tỏ vị trí của bậc làm cha mẹ nhưng đừng quá khắt khe với con cái bởi chính sự nghiêm khắc thái quá có thể là nhân tố khiến sự tự tin trong trẻ bị giảm sút.
Theo Trí Thức Trẻ/Independent