Câu chuyệnKinh doanh
Chuyện quả dưa lưới Nhật Bản có giá bằng chiếc xe hơi và đầu tư dưa lưới tại Việt Nam
Được ví như là “thịt bò Kobe” của thế giới trái cây, dưa lưới Yubari nổi tiếng đắt đỏ không chỉ vì vẻ ngoài sang chảnh với vân vỏ rõ và mịn, ruột bên trong có màu vàng cam cùng hương vị ngon ngọt khác biệt.
Chuyện quả dưa lưới Nhật Bản có giá bằng chiếc xe hơi
Tháng 3/2016, tại phiên chợ bán buôn Sapporo Nhật Bản đã có sự kiện gây chấn động thế giới. Một cặp dưa lưới được trồng tại Hokkaido của vùng Yubari đã được bán đấu giá với mức kỷ lục là 3 triệu yên (tương đương 27.240 USD). Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử của loại dưa đắt đỏ này, trước đó đã có một cặp dưa được đấu giá ở mức 2,5 triệu yên vào năm 2008 và 2014 tại Trung tâm bán buôn Sapporo.
Hai quả dưa có giá 3 triệu yên
Dù sao đó cũng là đấu giá! Còn bình thường giá một quả dưa Yubari dao động trong khoảng 200 USD – 10.000 USD.
Được ví như là “thịt bò Kobe” của thế giới trái cây, dưa lưới Yubari nổi tiếng đắt đỏ không chỉ vì vẻ ngoài sang chảnh với vân vỏ rõ và mịn, ruột bên trong có màu vàng cam cùng hương vị ngon ngọt khác biệt. Dưa lưới Yubari được bán theo cặp và là món quà quý để chúc sự may mắn và cát tường. Dưa lưới Yubari được lai chéo giữa hai giống dưa đỏ thượng hạng, và được trồng ở vùng Yubari có tro núi lửa Hokkaido trong thành phần đất trồng. Các khoáng chất trong tro núi lửa cung cấp dinh dưỡng đặc biệt cho dưa lưới kết thành trái ngọt. Vì được kiểm soát chất lượng một cách khắt khe nên một năm vùng Yubari chỉ cung cấp ra thị trường một số lượng nhất định, và loại quả này sẽ được đóng vào thùng gỗ có lót xốp và vải rồi đem vận chuyển bằng đường hàng không để đến tay người dùng sau 2-3 ngày.
Một quả dưa Yubari có giá 10.500 yên, tương đương hơn 2 triệu đồng
Đến những nàng “Hàm Hương” tại Việt Nam
Sáng nay anh Văn Thịnh, một nhân viên trực thuộc trung tâm nghiên cứu của Công ty PAN Farm thuộc Tập đoàn PAN Group đến nông trại sớm hơn mọi ngày. Gọi là nông trại, nhưng thực ra khu trung tâm nghiên cứu của PAN Farm đặt tại Cổ Đông, Sơn Tây, nơi cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km.
Giai đoạn này, đội ngũ của anh Thịnh đang chuẩn bị thu hoạch dưa lưới, giống dưa của Nhật Bản được giữ nguyên tên gọi Taki, Taka, Ichiba, Akina… được nhập vào Việt Nam từ những năm 2000 nhờ hiệu quả kinh tế cao nhưng không phải ai cũng trồng thành công. Bởi dưa lưới là một loại dưa khó tính, để tạo ra một quả dưa lưới đạt chuẩn xuất khẩu bắt buộc phải kiểm soát được ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm, do đó yêu cầu phải trồng dưa lưới trong nhà kính mới đạt hiệu quả.
Khu vực Nhà kính tại trung tâm R&D của PAN Farm chỉ rộng khoảng hơn 1ha, với hai khu nhà kính, là nơi tập trung nghiên cứu để cho các sản phẩm có chất lượng tốt nhất với một chi phí tối ưu nhất. Hiện công ty con của PAN Farm là CTCP Giống cây trồng Trung Ương (Vinaseed) cũng đang trồng dưa tại Hà Nam với quy mô gần 22 ha. Với các nghiên cứu tại Cổ Đông, các mô hình sẽ được nhân giống tại các khu vực rộng lớn hơn như tại Hà Nam hay Lâm Đồng. Nhà kính được xây theo công nghệ của Hà Lan với hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel và hệ thống kiểm soát nhiệt độ hoàn toàn bằng máy tính.
Việc đầu tiên anh Thịnh bước chân vào khu nhà kính là kiểm tra nhiệt độ. Những ngày đầu thu nhưng Hà Nội khá oi bức, mặt dù mới đầu giờ sáng nhưng nhiệt độ vẫn trên 32 độ C. Dưa lưới phát triển tối ưu ở nhiệt độ bình quân trong ngày khoảng 28 độ, nhưng có thể chịu được nhiệt độ lên đến 37 độ C.
Giai đoạn này là giai đoạn chuẩn bị thu hoạch. Hệ thống tưới được điều chỉnh ở chế độ thấp nhất để đảm bảo cho các chất dinh dưỡng của cây tập trung vào trái ngọt.
Để có một quả dưa lưới đạt chuẩn chất lượng, ban đầu hạt giống sẽ được ươm trong giá thể khoảng 10 ngày, sau đó được đem trồng khoảng 75 ngày sau thì thu hoạch. Nhờ sử dụng hệ thống nhà kính nên mỗi năm công ty có thể trồng 3-4 vụ dưa.
Thông thường, mỗi cây sẽ ra 2-3 trái nhưng những quả non xấu sẽ được cắt để dành tất cả mọi dưỡng chất của cây tập trung cho quả ngon duy nhất được giữ lại. Quả dưa lưới có giá trị kinh tế cao không chỉ thơm, ngọt mà phải đẹp. Đẹp ở đây là những vách lưới khai vân vỏ phải đều, rõ, cuống hình chữ T mang ý nghĩa giống như con hạc đậu trên thân rùa, biểu trưng cho sự may mắn và trường tồn.
Do đó, anh Thịnh và các cộng sự ngay từ khi quả còn non đã phải định hình cuống hình chữ T, trong khi vân lưới không phải tự nhiên mà được tạo một cách có chủ đích và có sự kiểm soát bằng sự chăm chút hàng ngày của đội ngũ chuyên gia để có thể tạo nên những quả dưa ngon lành thượng hạng.
Dưa lưới Taki
Tất nhiên, một yếu tố không thể không nhắc tới là giống dưa. Ở Việt Nam hiện nay có nhiều loại giống dưa, như dưa lưới Israel mềm nhưng không ngọt, giống dưa Trung Quốc quả rất to, thịt giòn màu vàng cam và ngọt sắc, trong khi các giống dưa lưới Nhật Bản có kích cỡ trung bình từ 1,8-2 kg, có vị mềm và ngọt thanh, đặc biệt mùi rất thơm. Tuỳ từng loại quả mà vị dưa lưới khác nhau. Taki (quả tròn, vân lưới, thịt quả dòn mềm màu vàng cam), Taka (quả tròn, vân lưới, thịt quả dòn mềm, màu ngọc bích), Ichiba (quả ovan, vân lưới, thịt quả dòn màu xanh), Akina (quả ovan, vân lưới, thịt quả dòn màu vàng cam),…
Để thưởng thức dưa lưới Nhật Bản, có thể bổ đôi quả dưa, bọc màng thực phẩm sau đó để ngăn mát tủ lạnh 4-5 tiếng, lúc đó thưởng thức mới thấy hết vị thanh mát hoà quyện với vị ngọt của dưa.
Giá trị kinh tế của trái dưa lưới
Dưa lưới không chỉ có hương vị ngọt tự nhiên, thành phần dưa lưới có chất chống oxi hoá và poliphenol có khả năng chống ung thư và tăng cường hệ miễn dịch, dưa lưới còn là nguồn cung cấp beta carotene, axit pholic, kali và vinamin A,C giúp điều tiết huyết áp, ngăn ngừa sỏi thận, chống lão hoá xương.
Trái dưa lưới mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Nếu xem lại số liệu nhập khẩu dưa lưới của Trung Quốc người đọc sẽ không khỏi giật mình. Năm 2014 Việt Nam nhập khẩu 7.200 tấn dưa lưới của Trung Quốc thông qua cửa khẩu Tân Thanh, năm 2015 con số này là 11.000 tấn và số liệu cập nhật đến 6 tháng 2016 là 21.000 tấn. Những số liệu này cho thấy nhu cầu tiêu thụ dưa lưới trong nước là rất lớn.
Hồi đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm CTCP Đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam, công ty con của Vinaseed thuộc PAN Farm. Phát biểu báo cáo Thủ tướng, bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty Vinaseed (NSC) cho biết mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của Vinaseed sẽ đạt doanh thu 4 tỷ/ha.
Tất nhiên, với chi phí đầu tư nhà kính và hệ thống tưới công nghệ hiện đại, các chuyên gia của PAN Farm và công ty con Giống cây trồng Trung ương Vinaseed, đơn vị đang trồng 20 ha dưa lưới tại khu nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam vẫn đang tìm cách để đạt được chất lượng dưa tốt nhất nhưng với chi phí mà bà con nông dân chấp nhận được. Các mô hình được thử nghiệm thành công sẽ nhân giống và chuyển giao công nghệ cho bà con nông dân, với quan điểm “chúng ta cùng thành công”. Mục tiêu của Vinaseed và PAN Farm vẫn là hướng đến thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản và chinh phục thị trường trong nước.
Theo chia sẻ của Chủ tịch PAN Farm Nguyễn Thị Trà My, hiện chất lượng của giống dưa lưới công ty đang trồng đã đạt khoảng 70% chất lượng dưa thượng hạng trồng tại Nhật, nhưng với giá bán chỉ bằng 1/15.
Chủ tịch PAN Farm bà Nguyễn Thị Trà My
Trước dưa lưới, PAN Farm hiện đã xuất khẩu hoa cúc sang Nhật Bản với giá bán gấp 6-7 lần giá bán tại Việt Nam và được thị trường Nhật Bản đón nhận rất tích cực.
Nhờ sự mở rộng trong lĩnh vực nông nghiệp, đầu năm nay, PAN Farm đã nhận được 230 tỷ đồng (khoảng 10,2 triệu USD) từ đối tác IFC một thành viên của World Bank (chiếm khoảng 10,4% vốn của PAN Farm ngoài ra công ty này còn nhận được vốn góp từ liên kết SSIAM-Daiwa.
Số vốn huy động được sẽ được PAN Farm sử dụng để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, ứng dụng khoa học công nghệ cao để sản xuất hoa, rau, quả và các loại nông sản chất lượng cao, an toàn, nguồn gốc uy tín trong chuỗi giá trị hoàn chỉnh phục vụ cho khách hàng không chỉ ở Việt Nam mà còn cả thế giới.
NDH