Câu chuyệnKinh doanh
Cửa hàng tiện lợi giành nhau “từng tấc đất”
Sự góp mặt của nhiều tên tuổi trong và ngoài nước đang tạo ra cuộc đua kịch tính về mở rộng hệ thống trên thị trường bán lẻ Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Sau nhiều động thái thăm dò, tuần trước, 7-Eleven – thương hiệu cửa hàng tiện lợi 24/7 đến từ Mỹ – vừa chính thức gia nhập thị trường Việt Nam với điểm bán đầu tiên trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM. Chứng kiến hàng dài người đợi tới lượt vào mua những sản phẩm vốn trước nay thường bán trên hè phố như trái cây gọt sẵn, chè, rau câu, thịt xiên nướng, bò lá lốt, hột vịt lộn…, đại diện thương hiệu này khẳng định kế hoạch mở rộng hệ thống sẽ được 7-Eleven thực hiện rốt ráo.
“Chúng tôi sẽ mở khoảng 20 cửa hàng trong năm nay và đạt mốc 100 cửa hàng sau 3 năm”, bà Phan Thy – đại diện truyền thông của 7-Eleven Việt Nam xác nhận.
Sự xuất hiện của 7-Eleven tiếp tục hâm nóng cuộc đua của các chuỗi cửa hàng tiện lợi cả nội lẫn ngoại. Từ vài năm nay, các thương hiệu này vốn đã giành nhau “từng tấc đất” mặt tiền tại các đô thị để gia tăng độ phủ trên thị trường bán lẻ, vốn cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Sau quá trình tái cơ cấu năm 2015, một thương hiệu khác cũng đến từ Mỹ là Circle K đã tăng tốc đầu tư hệ thống, đến nay sở hữu khoảng 250 cửa hàng, tập trung chủ yếu tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM.
FamilyMart – hệ thống cửa hàng tiện lợi có quy mô đứng thứ 3 tại Nhật Bản (cùng với 7-Eleven và Lawson) sau thời gian gặp khó tại Việt Nam cũng đã bắt đầu trở lại với hệ thống 140 cửa hàng tiện lợi. Ông Yamanouchi Hirohisa – Trưởng bộ phận sản phẩm và tiếp thị FamilyMart Việt Nam chia sẻ, động lực cho các hệ thống tiện lợi phát triển nhanh là bởi xu hướng tiêu dùng của khách hàng đang thay đổi. “Trong khi siêu thị quá rộng thì người tiêu dùng có thể dễ dàng lựa chọn được sản phẩm cần từ các cửa hàng tiện lợi”, ông Yamanouchi Hirohisa cho biết.
Trong các thương hiệu nội, hệ thống Vinmart+ của Vingroup đang giữa vị thế dẫn đầu về hệ thống. Năm 2015, hệ thống Vinmart+ của Vingroup mới chỉ có 500 cửa hàng, thì đến hết năm 2016 đã tăng lên 843 cửa hàng. Tham vọng của tập đoàn sẽ nâng hệ thống này lên 1.500 cửa hàng trong năm nay.
Shop&Go và B’s mart là hai thương hiệu đang lần lượt sở hữu khoảng 120 và 160 cửa hàng, trong khi một thương hiệu khác của Việt Nam là Co.op Food cũng sở hữu khoảng 100 cửa hàng.
Báo cáo Niềm tin kinh doanh trong tương lai – một cuộc khảo sát của Nielsen thực hiện với các lãnh đạo doanh nghiệp, đã xếp Việt Nam là một trong 3 thị trường hàng đầu để mở rộng kinh doanh trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, cùng với Trung Quốc và Indonesia. Việt Nam cũng đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu 2016 với 50,8 điểm.
Một lợi thế khác còn đến từ cơ cấu dân số của Việt Nam đang trong thời hoàng kim với 25% dân số trong độ tuổi từ 10 đến 24 và độ tuổi trung bình của người Việt là 29 – được đánh giá là lợi thế cho sự phát triển xu hướng tiêu dùng hiện đại và sự mở rộng của các sản phẩm công nghệ.
Với nhịp sống ngày càng nhanh hơn và quy mô hộ gia đình ngày càng nhỏ, người tiêu dùng Việt cũng có xu hướng mong muốn tiện lợi trong mọi vấn đề, đặc biệt là việc lựa chọn cửa hàng để mua sắm.
“Tiện lợi không chỉ là nói đến cửa hàng, mà nó đã trở thành một lối sống. Cửa hàng sẽ không biến mất trong thời gian gần, nhưng các cửa hàng sẽ phải thay đổi rất nhiều và rất mạnh trong thời gian tới khi thương mại điện tử ngày càng phát triển và sự mong đợi của người mua hàng liên tục thay đổi”, ông Roberto Butragueño – Phó giám đốc bộ phận Dịch vụ Bán lẻ của Nielsen Việt Nam nhận định.
Tuy nhiên, dù định hướng mục tiêu của các cửa hàng tiện lợi hiện vẫn là cạnh tranh với hệ thống cửa hàng bán lẻ truyền thống – chiếm 80% thị phần bán lẻ hiện tại, và thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng, song làn sóng mở rộng liên tục và đặt trọng tâm vào các thành phố lớn đang đưa các thương hiệu này vào một cuộc đua khác – cuộc đua về đầu tư mặt bằng và chiến lược kinh doanh.
Có được hệ thống 1.000 cửa hàng tiện lợi và siêu thị, tính đến cuối năm 2016 tổng tài sản của Vingroup dành cho lĩnh vực bán lẻ đã lên gần 12.000 tỷ đồng. Trước đó chỉ 2 năm, con số tương ứng chỉ đạt 1.800 tỷ đồng.
Số tiền đầu tư một cửa hàng tiện lợi có thể không quá lớn so với xây dựng một siêu thị, nhưng để xây dựng được chuỗi các cửa hàng theo hệ thống với tốc độ nhanh và quản lý được lại là thách thức không nhỏ. Sự thất bại của Trung Nguyên trước đây, trong 2 lần cố gắng tham gia lĩnh vực bán lẻ với G7 Mart và G7-Ministop là ví dụ.
Bên cạnh đó, mặc dù có lợi thế là diện tích nhỏ, giúp công tác tìm kiếm mặt bằng cho các hệ thống cửa hàng tiện lợi không khó như các siêu thị cỡ lớn, tuy nhiên vì thế mà việc mở rộng và khả năng cạnh tranh giữa các hệ thống sẽ tăng cao, việc lựa chọn mặt bằng đắc địa cũng sẽ khó khăn hơn.
Chiến lược hoạt động khác nhau cũng dẫn tới phân khúc khách hàng hướng tới sẽ không giống nhau giữa các hệ thống và hiệu quả kinh doanh với từng khu vực có sự khác biệt. Circle K, Mini Stop hay 7-Eleven là những thương hiệu hướng tới bộ phận khác hàng trẻ nhờ mô hình kết hợp bán hàng – thức ăn nhanh và mở cửa 24/24.
Trong khi thương hiệu cửa hàng tiện lợi lâu đời là Shop&Go thì quyết định bán thêm vé số Vietlott từ khi loại vé số này ra mắt giữa năm ngoái. Phía Vinmart+ có thêm điểm cộng với những bà nội trợ bởi ngành hàng rau sạch và thịt tươi sống…
Theo VnExpress