Công nghệThời đại số

Đâu là thách thức thực sự với dịch vụ 4G?

Việc xây dựng các dịch vụ đa phương tiện cũng như nội dung đặc sắc trên nền tảng 4G mới là thách thức lớn nhất mà các nhà mạng phải đối diện ngay lúc này.

Đâu là thách thức thực sự với dịch vụ 4G?

Khi tôi ngồi gõ những dòng này trên máy tính, thì ở phía bên kia bờ Thái Bình Dương, ông chủ trẻ đầy tài năng và quyền lực Mark Zuckerberg của Facebook đã hé lộ một số thông tin quan trọng về tham vọng “can dự” vào ngành công nghiệp thiết bị và giải pháp viễn thông và trung tâm dữ liệu.

Theo tạp chí Business Insider số ra ngày 1/11/2016, tham vọng của Facebook có thể sẽ bắt đầu bằng việc xây dựng một sản phẩm là mạng lưới điện toán độc lập, cũng như kế hoạch thiết kế một “mạng dữ liệu không dây mã nguồn mở” (open source cellular wireless network”.

Động thái này của Facebook là rất đáng lưu tâm vì từ trước đến giờ Facebook chỉ được cho là đã tận dụng những thành quả của cuộc cách mạng internet một cách triệt để, để trở thành không chỉ là một mạng xã hội với quy mô lớn nhất thế giới, mà còn trở thành một đế chế truyền thông mới đầy quyền uy, lấn át truyền thông truyền thống.

Sự can thiệp vào mảng công nghiệp CNTT và viễn thông cho thấy tham vọng của Facebook không chỉ dừng lại ở đó, mà Mark Zuckerberg còn muốn đế chế của mình sẽ trở nên ngày một hùng mạnh bằng việc không còn phải phụ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ và nền tảng nữa.

Nếu làm được điều đó, không ai có thể lường trước được quy mô phát triển của Facebook và sự ảnh hưởng sâu rộng của nó đối với đời sống xã hội của toàn thế giới sẽ ra sao trong 5 năm tới.

Quay trở lại với tình hình trong nước, tháng 10/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn tất việc cấp phép triển khai dịch vụ 4G trên băng tần 1800 MHz cho hầu hết các nhà mạng di động. Việc các nhà mạng đã mong chờ bấy lâu nay, cuối cùng cũng đã thành hiện thực giấy trắng mực đen. Tuy nhiên, việc triển khai dịch vụ 4G như thế nào cho hiệu quả lại là một bài toán hoàn toàn khác, với vô vàn những thách thức đang chờ sẵn các nhà mạng.

Như tôi đã từng trình bày trong một bài báo trên ICTnews năm 2015 , thách thức lớn nhất đối với các nhà mạng trong việc triển khai 4G không nằm ở vấn đề công nghệ cũng như việc nâng cấp hệ thống mạng lưới bởi với thế mạnh về cơ sở hạ tầng đã được đầu tư hơn 20 năm qua, hầu hết các nhà mạng lớn đã sẵn sàng cho việc này.

Bằng chứng ở chỗ, ngay sau khi nhận được giấy phép từ cơ quan chủ quản, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã nhanh chóng thông tin cho đại chúng là nhà mạng VNPT VinaPhone sẽ cung cấp dịch vụ 4G ngay trong những ngày đầu tháng 11 này, tức là chỉ hơn 2 tuần sau khi được cấp phép.

Các nhà mạng khác như Viettel và MobiFone cũng ở tư thế sẵn sàng từ lâu, bằng việc đã cung cấp thử nghiệm dịch vụ 4G ở một số địa phương và sẽ nhanh chóng mở rộng ra phạm vi toàn quốc trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bài học về “vết xe đổ 3G” vẫn còn đó. Cho đến tận ngày hôm nay, dữ liệu di động tốc độ cao 3G vẫn chỉ được dùng như một công cụ để truy cập internet phục vụ cho nhu cầu tin tức và giải trí là chủ yếu, thay thế cho mạng ADSL và cáp quang khi các thuê bao không ở nhà và ở công sở.

“Lời hứa” của các nhà mạng đối với cơ quan quản lý nhà nước 7 năm trước về việc cung cấp các dịch vụ và nội dung trên nền tảng 3G vẫn còn đó, tuy nhiên cho đến nay, chỉ một số phần trăm nhỏ cam kết được thực hiện.

Thay vào đó, các nhà mạng thi nhau đưa ra các chương trình khuyến mãi giảm giá, các gói cước khác nhau nhắm tới các đối tượng khách hàng khác nhau dẫn tới việc giá cước 3G của Việt Nam được xếp vào loại thấp của thế giới, trong khi chất lượng dịch vụ còn có quá nhiều điều để bàn.

Sẽ là rất khó cho các nhà mạng để trả lời, rằng việc đầu tư kinh doanh 3G như vậy là đã thành công hay chưa? Mặc dù xét về mặt ảnh hưởng tới xã hội, thì việc “phổ cập” 3G cho người dân tạm có thể coi như vậy là thành công.

Vậy thách thức thực sự đối với dịch vụ 4G là gì? Theo tôi, 4G không phải và rất không nên là một thứ hàng hoá dịch vụ thông thường. Dịch vụ 4G rất cần thiết phải là một dịch vụ với phân khúc khách hàng có nhu cầu cao hơn, với khả năng chi trả cho việc sử dụng cao hơn.

Việc đầu tư cho công nghệ và cơ sở hạ tầng mạng lưới phục vụ triển khai 4G là không hề rẻ, cho nên sản phẩm đầu ra không thể được định vị là một thứ hàng hoá thông thường. Tôi không đồng ý với tuyên bố của lãnh đạo một nhà mạng lớn, rằng “giá cước 4G sẽ rẻ hơn 3G”.

Theo quan điểm cá nhân của tôi, tuyên bố này là có phần vội vàng. Xét một cách logic, nếu chất lượng 4G tốt hơn 3G và và giá cước rẻ hơn 3G thì có lẽ tương lai của 3G ở Việt Nam sẽ chỉ còn tính bằng đơn vị ngày, trong khi đó chắc không một nhà mạng nào có thể khẳng định việc đầu tư cho 3G trong suốt thời gian qua đã có lãi hay chưa, thậm chí là hoà vốn.

4G với các ưu điểm về tốc độ truyền dữ liệu, sự ổn định… rất nên là nền tảng cho các dịch vụ về nội dung và tiện ích phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng lên của xã hội về “công nghệ số” và “dữ liệu”. Việc xây dựng các dịch vụ đa phương tiện cũng như nội dung đặc sắc trên nền tảng 4G mới là thách thức lớn nhất mà các nhà mạng phải đối diện ngay lúc này.

Một cuộc khảo sát thị trường dịch vụ viễn thông do AC Nielsen triển khai năm 2014 tại một số quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam cho thấy, nếu các nhà cung cấp dịch vụ thực sự có những nội dung tốt và dịch vụ hay, thì một phần không nhỏ người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu để sử dụng.

Từ khoá được nhắc đến rất nhiều trong năm 2016 trong mảng công nghệ là IoT (internet của vạn vật) hay IoE (internet của mọi vật), trong đó tất cả những thực thể bao gồm cả con người cũng như những cỗ máy sẽ được kết nối với nhau để trở thành một hệ sinh thái “hữu tri, hữu giác”. Cũng trong năm 2016 này, người tiêu dùng bắt đầu đòi hỏi những dịch vụ nội dung phải “độc đáo”, “phải có khả năng tương tác với người sử dụng”.

Nhu cầu về làm việc, vui chơi giải trí của người tiêu dùng một cách tiện lợi nhất cũng đã giao thoa với nhau. Đó chính là chỗ mà dịch vụ 4G với các ưu thế vượt trội của mình sẽ giúp các nhà mạng khai thác tối đa thị trường, song song với việc duy trì nhiều phân khúc khách hàng với các nhu cầu và thói quen tiêu dùng khác nhau.

Các nhà mạng đừng tự mình dẫm lên chân mình khi mang 4G để cạnh tranh với 3G bằng giá cước, vì với bài học 3G tương đối “đau thương” vẫn còn đó, trong khi 5G, một cuộc cách mạng hoàn toàn mới về băng rộng di động cũng đã ngấp nghé ở ngưỡng cửa.

Câu chuyện về Facebook ở phần đầu bài viết cho thấy, nguy cơ về việc các nhà cung cấp dịch vụ trở thành “nhà cung cấp ống rỗng” (dump pipe provider – ý nói chỉ cung cấp về dịch vụ hạ tầng, không có các giá trị gia tăng) thậm chí là sẽ không xuất hiện nữa, mà nó sẽ trở thành nguy cơ lớn hơn là “không cung cấp gì cả”, vì ngay cả những đế chế nội dung và tiện ích như Facebook hay Google cũng sẽ không còn phải phụ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ nữa, thông qua các kế hoạch “ra riêng”.

Nếu điều này trở thành sự thật và thành một làn sóng mới trong thời gian tới, thì nguy cơ “không cung cấp gì nữa” sẽ không phải là không có cơ sở diễn ra. Do vậy, hi vọng vào doanh thu đến từ việc sử dụng dịch vụ băng rộng di động để kết nối đến các nhà cung cấp dịch vụ nội dung lớn thực ra bắt đầu có dấu hiệu rủi ro.

Các nhà mạng, các nhà cung cấp dịch vụ cần phải có ngay kế hoạch xây dựng các sản phẩm dịch vụ trên nền 4G cho chính mình, cho người sử dụng, thực ra bây giờ cũng đã là muộn, trong bối cảnh sự chuyển hoá của thị trường là vô cùng nhanh chóng và khó lường trong tương lai không xa.

Đừng để 4G một lần nữa lặp lại “vết xe đổ 3G”.

ICTnews

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close