Câu chuyệnKinh doanh

Doanh nghiệp thường ưa thích nhân viên có kinh nghiệm, nhưng vị CEO lại nghĩ khác: Không có kinh nghiệm là lợi thế, đôi khi là lợi thế cực lớn!

Một trang giấy trắng luôn luôn dễ viết hơn một trang giấy đã nhuốm màu.

 

Doanh nghiệp thường ưa thích nhân viên có kinh nghiệm, nhưng vị CEO lại nghĩ khác: Không có kinh nghiệm là lợi thế, đôi khi là lợi thế cực lớn!

Tọa đàm “Khởi nghiệp cùng Logistics” tổ chức gần đây tại Hà Nội liên tục được làm nóng bởi những câu hỏi bất ngờ từ phía sinh viên, trong đó có một câu hỏi rất thiết thực dù không còn mới. Câu hỏi ấy đến từ một sinh viên của Đại học Hàng hải Việt Nam, nội dung như sau: Khi ra trường, sinh viên chỉ có kiến thức chứ chưa có kỹ năng, kinh nghiệm va chạm thực tế, vậy đâu là điều các nhà tuyển dụng cần ở sinh viên mới ra trường?

Để trả lời, ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty Quốc tế Delta, đơn vị lâu năm về logistics cho biết riêng trong lĩnh vực vận tải, từ thời điểm thành lập cho đến hiện tại là khoảng hơn 15 năm, công ty ông đều xác định sẽ tự đào tạo lại.

Ông nhìn nhận vấn đề nguồn nhân lực cho ngành logistics trong khoảng chục năm tới cũng không khác biệt so với bây giờ, nên các sinh viên không cần quá băn khoăn về việc thiếu kinh nghiệm khi mới ra trường.

“Chúng tôi không có kỳ vọng sẽ tuyển được người có kỹ năng cần thiết ở trên thị trường lao động, chúng tôi sẽ tự làm”.

“Một trong những slogan tuyển dụng của Delta là không có kinh nghiệm là lợi thế, đôi khi là lợi thế cực lớn”, CEO Trần Đức Nghĩa tiết lộ.

Trên thực tế, theo thông tin tổng hợp từ Vietnamworks, những nghiên cứu về nhân sự cho thấy rằng nhân viên làm việc lâu năm thường tạo ra cho mình một sức ỳ. Trái lại, những sinh viên mới ra trường hoặc những người không có kinh nghiệm lại có thể có những tư duy mới, những ý tưởng sáng tạo và đột phá hơn, từ đó giúp công việc trở nên hiệu quả hơn.

Ngoài ra, mỗi doanh nghiệp có những cách làm việc, thủ tục và văn hóa riêng. Một người hoàn toàn không có kinh nghiệm sẽ dễ dàng được đào tạo hơn so với những người đã quen với một môi trường làm việc khác Bởi một trang giấy trắng luôn luôn dễ viết hơn một trang giấy đã nhuốm màu.

Quan trọng hơn là nhân viên mới sẽ mang theo những năng lượng tích cực, tinh thần phấn khởi, nhiệt tình với công việc mà đôi khi, những người làm việc lâu năm đã đánh mất.

“Một slogan tuyển dụng nữa của chúng tôi là “buy attitude” (tạm dịch: mua thái độ, PV). Cái chúng tôi tìm kiếm không phải kỹ năng, không phải kiến thức, càng không phải kinh nghiệm mà là tinh thần tiếp cận công việc”.

“Theo quan điểm của tôi, khi người ta muốn làm thì người ta sẽ làm với hơn 50% cơ hội thành công, còn không muốn làm thì cơ hội thất bại đã cầm chắc hơn 50%”.

CEO Delta cho biết từ 15 năm nay, họ luôn xác định phải tìm được thứ mình cần từ những gì có sẵn, vì bản chất thị trường lao động “là như thế, không thể thay đổi được”.

Ở Delta, CEO Trần Đức Nghĩa là 1 trong 4 nhà sáng lập ban đầu. Ngoại trừ một người trong đội ngũ thì những người còn lại, từ cấp phó giám đốc trở xuống đều do ông dạy nghề, từ kỹ năng sử dụng Microsoft Word, Exel, cho đến nghiệp vụ. Thậm chí giám đốc chi nhánh trong TPHCM được ông tuyển dụng từ khi viết luận văn tốt nghiệp về một chủ đề không liên quan là công nghiệp chế biến thực phẩm, đến giờ đang quản lý gần 90 người làm việc khu vực Bình Dương, Đồng Nai.

“Thực sự tinh thần làm việc quan trọng hơn các thứ khác, tinh thần đi theo cá nhân cả cuộc đời, còn kiến thức kinh nghiệm có thể thay đổi”, vị CEO này kết luận.

Hồng Lam

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close