Câu chuyệnKinh doanh
Doanh nhân Lê Hữu Nghĩa: Người lãnh đạo phải biết tạo ra cơ hội
Doanh nhân Lê Hữu Nghĩa – Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành – chia sẻ rằng: Nhờ hướng đi đúng đắn – tập trung vào phân khúc nhà ở giá thấp mà các khu căn hộ do công ty ông làm ra đến đâu đều bán hết đến đó, kể cả trong giai đoạn bất động sản đóng băng.
Trong khi nhiều doanh nghiệp bất động sản tập trung phát triển resort, căn hộ hay văn phòng cao cấp để cho thuê thì công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành lại tập trung xây dựng nhà ở giá thấp. Đáng ngạc nhiên hơn, khi các chủ doanh nghiệp đều mong công ty nằm trong top có doanh thu cao nhất thì người đứng đầu Lê Thành lại cho rằng sẽ là “nguy cơ” khi doanh thu vượt quá 1.000 tỷ đồng.
Doanh nhân Lê Hữu Nghĩa – Tổng giám đốc Lê Thành. |
Tổng giám đốc của Lê Thành – ông Lê Hữu Nghĩa – lý giải: “Lợi nhuận mà phân khúc căn hộ giá thấp mang lại cho nhà đầu tư không nhiều. Vì vậy, để xây dựng được khu căn hộ thuộc phân khúc này thì phải giải quyết được 3 yếu tố cấu thành chi phí, là bộ máy, sự tự chủ và nguồn vốn. Mà muốn giải quyết 3 yếu tố này thì công ty phải tinh gọn, linh hoạt và doanh thu không được vượt quá 1.000 tỷ đồng.
Bởi vượt quá con số này, bắt buộc phải thay đổi mô hình quản lý. Và, một khi thay đổi mô hình quản lý thì sẽ trở thành công ty lớn. Khi đó, sẽ rất khó để xây dựng được nhà giá thấp, bởi vì sẽ bị cổ đông tạo áp lực lợi nhuận. Như vậy, sẽ đi ngược lại với định hướng ban đầu của Lê Thành là tạo ra sản phẩm mang tính xã hội, giúp được nhiều người có thu nhập từ trung bình trở xuống có nơi an cư.
* 15 năm qua, Lê Thành vẫn trung thành với hướng đi đã chọn?
– Lợi thế của chúng tôi là không có cổ đông nên bộ máy gọn nhẹ, tiết kiệm đáng kể chi phí. Lê Thành lại tự chủ trong thiết kế, xây dựng nên không tốn chi phí thuê ngoài, nhất là không phải vay ngân hàng nhiều nên không bị ảnh hưởng khi lãi suất lên xuống.
Đặc biệt, Lê Thành không đặt ngưỡng lợi nhuận cao nên giá thành căn hộ phù hợp với túi tiền người có thu nhập trung bình trở xuống. Với 3 triệu dân nhập cư tại TP.HCM cùng dân số trẻ đang tăng nên nhu cầu nhà ở luôn ở mức cao. Vì thế nên quanh năm chúng tôi có việc làm. Minh chứng rõ nhất là trong giai đoạn thị trường bất động sản “đóng băng”, các khu căn hộ của Lê Thành vẫn ra đến đâu bán hết đến đó, dù không quảng bá rầm rộ.
* Nhưng cũng đến lúc phân khúc nhà giá thấp “bé lại”?
– Nhu cầu phân khúc nhà ở cho người có thu nhập trung bình thấp còn rất lớn mà năng lực đáp ứng của Lê Thành cũng có hạn. Mỗi năm cao lắm Lê Thành xây được 1.000 căn hộ. Đến thời điểm này, Lê Thành đã đưa ra thị trường 7.000 căn hộ nhưng không thể đáp ứng hết nhu cầu của thị trường.
Trong phân khúc căn hộ giá thấp còn một khoảng trống, đó là căn hộ cho thuê. Trong quá trình kinh doanh, tôi thấy còn rất nhiều người dân cả đời không đủ tiền mua một căn hộ giá thấp nên chỉ còn cách ở thuê. Vì thế, Lê Thành tập trung đáp ứng nhu cầu này, với nhà cho thuê 49 năm, 1 năm, hằng tháng v.v..
Những gia đình phải thuê nhà trọ chật chội thì nay có thể thuê căn hộ sạch đẹp, đủ tiện nghi của Lê Thành. Công ty đã có 2.600 căn hộ cho thuê song nhu cầu vẫn còn rất lớn. Theo khảo sát của Sở Xây dựng, đến năm 2020, TP.HCM cần đến 300.000 căn hộ giá thấp.
* Theo ông, đâu là lý do khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà đầu tư phân khúc nhà ở trung bình?
– Phát triển nhà ở mang tính xã hội thì điều đầu tiên cần có phải là tâm huyết, có một vài lợi thế nhất định và phải tính toán rất kỹ, nếu không sẽ bị lỗ. Lý do là dù chi phí nội thất không lớn như căn hộ giá cao nhưng chi phí xây dựng phần thô vẫn phải đảm bảo chất lượng, lại cần nhiều vách ngăn và các phần phụ, thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy phải dùng thiết bị từ các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài.
Lợi nhuận cho nhà đầu tư phân khúc này chỉ từ 10 – 15% nên ít doanh nghiệp mặn mà. Chưa kể còn vướng rất nhiều cái khó. Đơn cử hiện nay, căn hộ giá thấp có diện tích nhỏ, mà nhỏ thì mật độ dân số lại đông, trong khi quy hoạch các khu dân cư lại không được nhiều dân số nên xin cấp giấy phép xây dựng rất khó. Bất cập nữa là căn hộ giá thấp chủ yếu ở vùng ven để giảm áp lực dân số khu vực trung tâm, nhưng các quận, huyện lại không mấy ủng hộ vì bị áp lực tăng dân số, tăng nhu cầu về an sinh xã hội.
* Còn một khó khăn nữa là quan niệm nhà giá thấp thì chất lượng cũng thấp…
– Do một số khu nhà tái định cư chất lượng kém đã tạo nên sự lo ngại nhà ở giá thấp hoặc nhà ở xã hội đều có chất lượng thấp. Vì vậy mà nhiệm vụ đặt ra cho tôi là không chỉ xây nhà ở mà còn phải làm thay đổi nhận thức của người dùng về chất lượng nhà giá thấp. Tất cả căn hộ của Lê Thành đều bán được qua truyền miệng, qua trải nghiệm thực tế của người sử dụng. Tất nhiên là chất lượng đã tạo ra cách marketing ấy.
* Để tháo gỡ những cái khó đó, ông đề xuất gì ?
– Hiện Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ về lãi suất vay cho cả nhà đầu tư và người mua nhà giá thấp, nhưng thời gian qua, khi đến vay thì ngân hàng lại không có tiền. Lý do là Chính phủ chưa sắp xếp được nguồn vốn để tái cấp bù lãi suất.
* Có 3 niềm vui lớn nhất trong kinh doanh, đó là có lợi nhuận cao, được làm cái mình thích, thương hiệu uy tín. Trong ba niềm vui ấy ông chọn niềm vui nào?
– Ngôi nhà là tài sản lớn nhất một đời người. Vì vậy, doanh nghiệp xây dựng nhà ở phải có trách nhiệm mang lại sự an tâm cho người sử dụng. Nhà đầu tư phải chia sẻ được lợi ích với người mua nhà, tức làm sao sau 50 năm căn nhà đó vẫn còn nguyên chất lượng.
Vì vậy, những khu nhà Lê Thành đầu tư xây dựng luôn có vật liệu và thiết bị tốt nhất, đơn cử thang máy thì chọn thương hiệu cao cấp nhất, nhà thật phải đẹp như nhà mẫu. Mới đây, tôi đến chuyện trò với bà con một chung cư về phòng cháy chữa cháy, khi ra về, nhiều người dân đã nói lời cám ơn Lê Thành về chất lượng căn hộ mà họ mua. Tôi rất bất ngờ về tình cảm mà cư dân dành cho mình và cảm thấy hạnh phúc vô cùng.
* Gần đây, khi Lê Thành xây dựng khách sạn La Dalat, có ý kiến cho rằng ông đã dự báo nhu cầu nhà ở thuộc phân khúc giá thấp sẽ không còn nhu cầu lớn nên chuyển sang bất động sản nghỉ dưỡng?
– Định hướng kinh doanh của tôi vẫn là làm nhà ở cho người thu nhập trung bình trở xuống. Nhưng tôi hiểu nhu cầu đi chơi, nghỉ dưỡng của cư dân ngày càng tăng. Đó là lý do La Dalat được xây dựng đạt chuẩn 5 sao với nhiều dịch vụ như nhà hàng, tiệc cưới, đặc biệt là khu vui chơi cho trẻ em với đầy đủ các trò chơi như ở Vinpearl Land, Đầm Sen… nhưng với giá thấp hơn.
Ngoài việc để đón đầu lượng khách sẽ đổ về Đà Lạt khi đến năm 2020, Việt Nam sẽ đón 18 triệu lượt khách quốc tế và 50 triệu lượt khách trong nước, Lê Thành còn muốn khẳng định năng lực không chỉ thực hiện được những khu nhà phân khúc trung bình mà còn đủ khả năng xây dựng khách sạn cao cấp.
* Nhưng tại sao ông lại chọn Đà Lạt trong khi nhiều bất động sản nghỉ dưỡng phần lớn tập trung ở các vùng có bờ biển?
– Một trong những bí quyết thành công của kinh doanh là tìm được cơ hội và chọn đúng thời điểm để đầu tư. Lê Thành xây khách sạn ở Đà Lạt vào năm 2016 là đúng thời điểm. Là một thành phố du lịch nhưng Đà Lạt lại không có nhiều khách sạn lớn, không có nhiều sản phẩm du lịch đủ sức hấp dẫn, mới mẻ.
Vì vậy, còn nhiều dư địa để xây dựng sản phẩm du lịch ở Đà Lạt. Nếu không nắm bắt thời cơ để đầu tư thì sau này muốn quay lại Đà Lạt sẽ không còn cơ hội, trong khi Việt Nam có bờ biển dài, cơ hội đầu tư sản phẩm du lịch ven biển vẫn còn nhiều.
Kinh doanh là tìm lợi nhuận nhưng cũng có lúc và đến thời điểm, việc đầu tư là một khát khao được làm ra những công trình để đời. Một khách sạn 5 sao tại TP.HCM mà tôi đang chuẩn bị thực hiện với nhiều ý tưởng rất mới và thú vị là một ví dụ. Đó là sự kết hợp giữa khách sạn với Angel Beauty trong một tòa lâu đài 101 phòng có kiến trúc khác nhau.
Tại đây có dịch vụ làm đẹp, nha khoa, có nơi hẹn hò, cầu hôn trong những khu vườn phong cách La Mã, có nơi biểu diễn thời trang thế giới và không gian kết nối doanh nhân toàn cầu. Tất cả không ngoài mục đích níu chân khách du lịch lâu hơn, buộc họ phải chi tiền nhiều hơn.
* Mô hình hoạt động khép kín trong xây dựng của Lê Thành là một thế mạnh nhưng nhiều doanh nhân cho rằng nó không điển hình. Ông nghĩ thế nào về điều ấy?
– Tham vọng của hầu hết người đứng đầu doanh nghiệp là muốn đưa công ty trở thành công ty lớn, có thương hiệu mạnh, nhưng theo tôi, tham vọng là cần nhưng phải biết năng lực mình đến đâu. Ví dụ, năng lực của mình chỉ có thể làm 10 đồng thì hưởng 10 đồng, đừng cố quá sức.
Người ta hay nói muốn doanh nghiệp đi xa thì đi với nhiều người nhưng để làm được điều này, phải chọn được người đồng hành cùng mục tiêu và phải giữ được thế mạnh riêng. Chẳng hạn, thế mạnh của Lê Thành là chuỗi giá trị khép kín, nhờ đó mà giá thành sản phẩm giảm, còn vật tư, thiết bị, Lê Thành đều đồng hành với doanh nghiệp khác, đặc biệt ưu tiên doanh nghiệp trong nước có sản phẩm chất lượng bảo đảm.
* Là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Bình Tân, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Phó chủ tịch Hiêp hội Doanh nghiệp TP.HCM, ông đánh giá thế nào về vai trò của các tổ chức này?
– Các hiệp hội và hội ngành nghề đang thể hiện vai trò kết nối doanh nhân, doanh nghiệp và hoạt động theo phương châm cùng nhau phát triển. Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đang giao cho tôi đặt hàng viết các phần mềm sàn giao dịch điện tử để kết nối mua bán trực tiếp giữa doanh nghiệp với nhau, qua đó tạo sự gắn kết.
Một khi doanh nghiệp trong nước cùng lớn mạnh thì doanh nghiệp nước ngoài phải tìm đến cùng liên kết làm ăn. Với vai trò là Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, tôi tham mưu để đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực, đồng thời phân tích thị trường, cảnh báo về khả năng bong bóng thị trường cũng như sự mất cân đối cung cầu.
* Theo ông, doanh nhân thời đại hội nhập có cần chú trọng hình thức?
– Doanh nhân thời đại mới, cả nam lẫn nữ đều phải hoàn thiện mình để có vẻ đẹp cả về trí tuệ, thần thái lẫn phong thái. Bởi đó không chỉ làm đẹp cho mình mà còn là bộ mặt của cả thế hệ doanh nhân Việt Nam.
* Ông có thể chia sẻ một tố chất cần nhất của người lãnh đạo?
– Người lãnh đạo không chỉ quyết đoán, có tầm nhìn để nắm bắt cơ hội mà còn phải biết tạo ra cơ hội, luôn nghĩ ra cái khác biệt để đi trước. Ví dụ như chiến lược xây dựng nhà ở cho thuê dành cho người thu nhập thấp là một cơ hội mà Lê Thành tự tạo ra và đã nhận được sự ủng hộ của rất đông người có nhu cầu.
* Cảm ơn ông và chúc Lê Thành sẽ tiếp tục tạo ra nhiều cơ hội thành công!
LỮ Ý NHI