Theo nhà đầu cơ kỳ cựu Sam Zell thì một nhân viên biết đưa ra chính kiến, ý tưởng của mình có lợi cho công ty hơn nhiều.
Bạn không cần phải là thiên tài để được làm việc cho nhà đầu cơ nổi tiếng người Mỹ Sam Zell.
Trong cuốn sách “Am I Being Too Subtle? Straight Talk From a Business Rebel”, nhà đầu cơ Mỹ trứ danh Sam Zell đã viết rằng ông không bao giờ cần tìm kiếm người thông minh nhất để làm việc tại quỹ đầu tư do mình sáng lập là Equity Group Investment – có nhiều phẩm chất khác quan trọng hơn.
“Dĩ nhiên vẫn cần phải đạt mức IQ cơ bản để được vào làm việc trong công ty của tôi nhưng thông minh nhất hoặc thiên tài thì không cần. Với tôi, những phẩm chất quan trọng có thể tiên đoán được thành công của bạn phải là sự cố gắng, thái độ tốt, nguồn năng lượng dồi dào, óc phán đoán, niềm tin, đam mê và khả năng xử lý trọng tâm của vấn đề. Tôi sẽ cộng thêm 20 điểm IQ cho tất cả những phẩm chất kể trên”.
Trên thực tế, Sam viết: “Từng có hàng loạt người xuất chúng làm việc cho tôi nhưng lại không thể mang về kết quả cuối cùng tốt bởi họ thậm chí không biết cách hiểu thấu đáo một vấn đề”.
Sam luôn mong muốn nhân viên của mình dám lên tiếng, nói ra suy nghĩ của riêng họ. “Tôi trao quyền cho mọi người. Tôi thích những người luôn chủ động đi đầu trong mọi việc, dám đương đầu, không ngừng đặt câu hỏi và thử thách bản thân. Dĩ nhiên, kiểu làm việc tự do như vậy đi kèm với trách nhiệm lớn, vì vậy khả năng xử lý vấn đề là vô cùng quan trọng. Thật may mắn, tôi có biệt tài nhận biết phẩm chất này ở các ứng viên”.
Sam thừa nhận rằng thích vị trí là ông chủ nhưng ông không muốn bị vây quanh bởi những kẻ chi biết “nịnh hót”.
Sam viết: “Điều tồi tệ nhất với tôi là tạo ra một môi trường mà ở đó mọi người lúc nào cũng chỉ nói: Được rồi Sam, tôi sẽ làm theo bất kỳ thứ gì ông nói. Đó là điều tồi tệ nhất trong môi trường kinh doanh. Tôi luôn nói với mọi người rằng: Đừng chỉ bắt chước theo y hệt những gì tôi nghĩ và cũng đừng cố gắng đoán những gì tôi nghĩ. Tôi muốn biết chính các bạn đang nghĩ gì. Khi ngồi cùng với nhân viên của mình để bàn bạc về một vấn đề gì đó, tôi không tìm kiếm ở họ sự tôn kính giữa nhân viên và sếp, tôi tìm ý tưởng. Trong tình huống như vậy, tất cả mọi người đều đang ở một không gian bình đẳng và ai cũng có phần trong nỗ lực tìm ra cách giải quyết vấn đề”.
Ông nói rằng muốn lắng nghe các thành viên trong đội bởi những góc nhìn khác nhau và thông minh của mỗi người sẽ giúp giải quyết vấn đề nhanh hơn.
Tôi luôn muốn thử thách nhân viên của mình và cũng khuyến khích điều ngược lại. Thông qua đó, tôi học được nhiều từ nhân viên và nhân viên cũng học hỏi được từ tôi. Đây là cuộc chơi win-win”.
Theo Trí Thức Trẻ/BI