Cách sốngCâu chuyệnKinh doanhSống
Đôi khi biết từ bỏ cũng đã là thành công!
Tham vọng cũng tốt nhưng đôi khi biết dừng lại đúng lúc, đúng thời điểm, biết bỏ bớt một thứ để tiến lên cũng là thành công rồi!
Là một sinh viên mới tốt nghiệp ra trường được vài năm, đang hăng hái học hỏi thêm nhiều kiến thức đồng thời là một cây viết tự do, tôi đã chán với việc thường xuyên thay đổi từ công ty này cho tới công ty khác.
Đó là khoảng năm 2000, công nghệ đang trở nên bùng nổ mạnh mẽ và tôi cũng muốn kiếm chác được gì đó trong kỷ nguyên vàng này. Kết quả là giống như nhiều người bạn của mình, tôi tự hỏi tại sao không tham gia vào nền kinh tế Internet?
Khi đọc được một thông tin tuyển dụng của công ty khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục với những đề xuất hấp dẫn về quyền mua cổ phiếu cũng như lộ trình thăng tiến. Sau khi tham dự buổi phỏng vấn, tôi đã vui vẻ chấp nhận vị trí này.
Mỗi ngày tại công ty là một trải nghiệm rất thú vị với nến thơm, các trò chơi trí tuệ và phòng yoga…. Mỗi tuần tôi lại bị cuốn vào những dự án đầy hấp dẫn, vô số vấn đề cần giải quyết, công nghệ mới và tuyệt vời nhất trong số đó là được cùng hợp tác với đội ngũ những đồng nghiệp hết sức tài năng, thông minh và tận tụy.
Tham vọng của tôi cứ thế ngày một phình to hơn. Tôi áp dụng các mệnh lệnh và quản lý hoạt động kinh doanh của công ty. Chỉ một vài tháng, tôi nhận ra bản thân đang là người đứng đầu của không chỉ đội ngũ phát triển, làm marketing cho đội thiết kế, lập trình viên, sản xuất, chuyên gia mà còn quản lý cả nhóm nhân viên bán hàng.
Tôi thường làm việc 70 giờ một tuần – thậm chí hơn nếu công việc cần tiến độ gấp gáp. Tôi thường đến văn phòng sớm nhất và rời khỏi đó muộn nhất. Tuy nhiên lúc này tôi hạnh phúc khi dành toàn bộ tâm trí cho công việc.
Để giữ vững được phong độ như vậy, tôi tự áp cho mình những sự tra tấn đối với sức khoẻ như lạm dùng caffein, chợp mắt ở văn phòng thay vì có một giấc ngủ thật sự tại nhà. Tôi khi ấy 26 tuổi và cảm thấy mình là người vô địch, không điều gì có thể đánh bại. Tôi nhận ra bản thân mình có thể kiểm soát và giải quyết được áp lực vì vậy tôi thờ ơ với những cơn đau đầu lặp đi lặp lại hay cảm giác mệt mỏi.
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi vào một buổi sáng đầu năm 2001, tôi đến văn phòng và cảm thấy mắt phải mờ dần còn đôi bàn tay dường như bị tê liệt. Tuy nhiên tôi cho đó chỉ là tình trạng lơ mơ, chưa tỉnh hẳn vào buổi sáng và chỉ một lúc sau đó, tôi đã lại đứng dậy và tham gia thuyết trình trong một cuộc họp. Một đồng nghiệp sau đó đã nói với tôi rằng lúc phát biểu giọng nói của tôi bắt đầu trầm xuống và các từ ngữ bắt đầu líu nhíu lại.
Những gì diễn ra tiếp sau đó tôi không nhớ rõ, chỉ biết có người nói xung quanh rằng: “Anh ấy bị đột quỵ rồi. Cần phải tìm hiểu xem chuyện gì đang diễn ra”.
Đó là những năm tôi mới chỉ hơn 20 tuổi và trí não đã bị phá hủy. Tôi không thể trình bày rõ ràng những suy nghĩ của mình cho các bác sĩ và y tá. Đôi tay tôi vẫn cứng đơ và thậm chí không thể ký tên mình bởi tôi không nhớ nó đánh vần thế nào!
Vài ngày sau khi ra viện, người lái xe hỏi rằng: “Anh muốn đi đâu?” Tôi không thể nhớ tên con đường mình ở và phải đưa ra một vài giấy tờ có địa chỉ của mình. Khi về đến nhà, tôi đã ngủ một lúc lâu.
Vì còn rất trẻ nên tôi cũng không thể nghĩ mình lại có lúc bị đột quỵ. Tuy nhiên sau biến cố đó, tôi đã nhận ra tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ đang ngày một tăng. Dù bác sĩ không nói việc đột quỵ của tôi liên quan tới làm việc quá tải nhưng ông ấy nói chủ yếu là do stress, mệt mỏi và gắng sức.
Sau khi ra viện, tôi cảm thấy không thể tự chủ và bẽ bàng vì việc mình mất hoàn toàn sự kiểm soát với chính bản thân. Cảm giác mình là người vô địch, không thể đánh bại đã không còn nữa.
Nhưng thật may mắn là tôi đã dần dần hồi phục. Mỗi tối, tôi tập đánh vần những chữ cái khó, có nhiều âm tiết như “arachnophobia” và “Czechoslovakia”; Cố gắng giải những bài toán khó; Cố nhớ lại những gì đã học mà bị quên; Tập yoga và thiền. Càng chấp nhận sự không hoàn hảo của trí óc tôi càng cảm thấy thư giãn hơn.
Nhờ sự trợ giúp của đồng nghiệp, tôi có thể quay trở lại công việc nhưng thái độ làm việc điên cuồng, bất chấp ngày trước đã thay bằng sự từ tốn và chậm hơn hẳn. Hiện tại tôi không chỉ biết lao vào công việc mà đã dành thời gian để suy ngẫm và nhìn lại – nhờ đó cả công việc và cuộc sống của tôi trở nên đa dạng, phong phú hơn.
Do biến cố đột quỵ, tôi sắp xếp lại những ưu tiên hàng đầu của mình. Với mỗi cơ hội nghề nghiệp mới – từ viết sách tới mở công ty hay tư vấn cho nhiều dự án – tôi học được giá trị của việc sắp xếp thời gian hợp lý và cách tránh những cam kết thái quá.
Tôi bắt đầu với lịch trình của riêng mình và tuân thủ theo nó. Tôi sắp xếp mọi thứ: Làm việc, luyện tập, đi bộ, ngủ và các buổi tụ tập. Tôi tiếp tục làm như vậy cho tới tận bây giờ. Tôi hiện có thời gian hàng ngày dành cho thiền vào khoảng 4 – 5 giờ chiều. Tôi đi bộ cùng bà xã, thở, cười và hòa mình vào thiên nhiên.
Thậm chí hiện nay, tôi phải xử lý nhiều công việc một lúc, đi công tác thường xuyên hơn những vẫn có thời gian để dành cho những người mà tôi yêu thương, thời gian cho thiên nhiên và thời gian để sáng tạo. Đối với sự nghiệp của mình, tôi xem đó vẫn là những dự án ý nghĩa, thú vị nhưng tôi đã không còn quá bị ám ảnh hay để nó xâm nhập quá sâu vào cuộc sống của mình.
Quá tải đang trở thành một phần của công việc trong xã hội ngày nay. Nó phản ánh tham vọng của chúng ta để tiến lên nhưng lại ẩn chứa một mối nguy hiểm khôn lường, như những gì tôi đã trải qua vậy.
Tuy nhiên tôi cũng khẳng định rằng sẽ thật nguy hiểm cho những ai không đủ đam mê và dám đón nhận những cơ hội mới. Đó là những gì chúng ta phải đối mặt trong nền kinh tế sáng tạo ngày nay.
Nếu muốn có nhiều hơn, chúng ta phải cho đi nhiều hơn nhưng điều quan trọng là cần phải biết khi nào nên từ bỏ trong quá trình đó. Sẽ rất tốt khi có tham vọng nhưng chúng ta cũng cần phải học cách lắng nghe bản thân, chấp nhận bước lùi lại một bước, sống chậm và có những khoảng thời gian sống thật sự.
Chúng ta cần phải phân biệt được rõ ràng giữa kiếm sống và kiến tạo cuộc sống. Đôi khi biết dừng lại đúng lúc, đúng thời điểm, biết bỏ bớt một thứ để tiến lên cũng là thành công rồi!
Theo Trí Thức Trẻ/NYTimes