CEO ViệtKinh doanhNhân vậtThương mại điện tử

Giám đốc tài chính Shopee: Nếu cứ cố bám theo ý tưởng ban đầu và miệt mài đổ tiền vào TMĐT thì chắc chắn thất bại

Đó là chia sẻ của ông Trần Tuấn Anh – Giám đốc Tài chính và Vận hành Shopee, đơn vị ngoại mới bước chân vào ngành thương mại điện tử Việt Nam.

Giám đốc tài chính Shopee: Nếu cứ cố bám theo ý tưởng ban đầu và miệt mài đổ tiền vào TMĐT thì chắc chắn thất bại

Ông Trần Tuấn Anh – Giám đốc Tài chính và Vận hành Shopee Việt Nam.

TMĐT (thương mại điện tử) được ví như một cỗ máy “đốt” tiền, với chi phí hoạt động cực kỳ tốn kém và đã khiến nhiều cái tên phải từ bỏ thị trường. Cái chết của Lingo mới đây đã không còn xa lạ khi trước đó hàng loạt tên tuổi lớn trên thị trường như beyeu, deca, fab, cucre… đã phải từ bỏ cuộc chơi.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Tuấn Anh – Giám đốc Tài chính và Vận hành Shopee Việt Nam cho rằng, thị trường thay đổi liên tục, nếu cứ cố bám theo ý tưởng ban đầu, miệt mài đổ tiền thì thất bại là chuyện chắc chắn xảy ra.

Shopee là một startup mới nổi ở Singapore, mới tham gia vào thị trường TMĐT Việt Nam.

TMĐT Việt Nam chỉ dưới 1% so với giá trị hàng tiêu dùng

– Chào ông. Ông có thể chia sẻ về mô hình của Shopee?

– Shopee là ứng dụng cho phép người dùng Việt Nam thực hiện mua bán trên điện thoại di động, hỗ trợ người mua nhắn tin cho người bán để được tư vấn, trả giá để đi đến giao dịch.

Shopee hiện tại đang có mặt trên 7 quốc gia bao gồm Singapore, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippine, Đài Loan và Thái Lan với hơn 46 triệu sản phẩm đăng bán và 16 triệu lượt tải app.

Chúng tôi đến Việt Nam từ năm 2015 và chính thức ra mắt vào ngày 8/8/2016. Tính đến thời điểm ra mắt chính thức, chúng tôi đạt 1,8 triệu lượt tải app và đứng top đầu ứng dụng mua sắm tại Việt Nam với trên 3 triệu sản phẩm được đăng bán.

Hiện tại chúng tôi không thu bất cứ một chi phí gì từ cộng đồng người sử dụng.

– Vậy nguồn thu chính của Shopee đến từ đâu?

– Nguồn thu chính của chúng tôi đến từ chi phí mà các chủ shop phải trả.

Hiện tại, chúng tôi đang tập trung phát triển cộng đồng người sử dụng, tiếp tục cung cấp và hoàn thiện các tính năng và dịch vụ mang lại giá trị cho người dùng, tiếp thu các phản hồi của người tiêu dùng và của thị trường Việt Nam. Do đó, chưa thu bất kỳ khoản phí nào.

– Đến khi nào Shopee sẽ thu phí từ người dùng và mức thu được tính toán ra sao?

Trên thế giới, sàn thương mại điện tử thường có vài cách để đạt được doanh thu: quảng cáo, chiết khấu từ người bán, hoặc cung cấp dịch vụ gia tăng.

Mục tiêu chính bây giờ của chúng tôi là chứng minh được giá trị của dịch vụ cũng như của cộng đồng Shopee tại thị trường Việt Nam. Qua đó tiếp tục hoàn thiện các tính năng và dịch vụ từ chính sự phản hồi của người dùng. Vì vậy, thị trường sẽ quyết định khi nào là phù hợp để có thể có doanh thu và từ đâu.

– Sau hàng loạt sự ra đi của beyeu, deca, fab, cucre, mới đây là lingo… và những “đứa con mãi không lớn nổi” của ngành TMĐT Việt Nam, bước chân vào thị trường này của Shopee là quá mạo hiểm?

Chúng tôi hiểu rất rõ sự khốc liệt và những thách thức của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam, khi một số lượng lớn các DN đã gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian qua. Do đó, chúng tôi đã bắt đầu với một giai đoạn thử nghiệm từ tháng 5/2015 với hướng tiếp cận mới, không chỉ đơn thuần là một sàn thương mại điện tử.

Shopee phát triển thêm các tính năng mạng xã hội như mua hàng theo hashtag, theo dõi cửa hàng, bạn bè, tối ưu các tính năng tương tác trực tiếp.

Những tính năng này khiến cho nơi đây trở thành một cộng đồng mua bán trực tuyến, người mua và người bán trao đổi trực tiếp với nhau, đánh giá uy tín và tìm thêm tư vấn, tạo thêm lòng tin khi mua hàng. Điều này rất gần gũi với phong cách mua bán của người Việt Nam.

– Shopee đang có mặt tại 6 quốc gia Đông Nam Á. Ông đánh giá như thế nào về Việt Nam so với 6 thị trường còn lại?

– Mỗi thị trường mà Shopee đang hoạt động đều có những thách thức rất riêng.

Tại Việt Nam, sự phát triển trong thời gian qua của chúng tôi đã vượt ngoài mong đợi. Tiềm năng thị trường này không phải bàn cãi như lượng dân số lớn và trẻ; tiếp thu công nghệ nhanh; thu nhập ngày càng tăng, nền kinh tế tuy còn nhiều thách thức nhưng đang phát triển ở tốc độ hàng đầu khu vực.

Với nền kinh tế phát triển nhanh như vậy, nhưng thương mại điện tử vẫn còn là một phần rất nhỏ, dưới 1% so với giá trị hàng tiêu dùng. Với các nhân tố này, Shopee tin rằng Việt Nam sẽ là một thị trường thương mại điện tử hàng đầu tại Đông Nam Á. Chúng tôi hy vọng sẽ là một nhân tố giúp thị trường TMĐT Việt Nam đạt được đúng với tiềm năng nên có.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Càng miệt mài đổ tiền càng dễ chết

– Khi đóng cửa, Beyeu từng nói: “TMĐT muốn thành công cần rất nhiều tiền”. Lingo cũng “thổi bay” 150 tỷ đồng trong 2 năm. Ông có cho rằng tiền là yếu tố then chốt khi tham gia vào TMĐT?

– Một dịch vụ TMĐT thành công dựa trên đủ 3 yếu tố:

Một là ý tưởng phải thật sự giải bài toán thị trường đang cần;

Thứ hai là vốn đủ mạnh để hoạt động đến khi thị trường chấp nhận;

Thứ ba là công ty đủ linh hoạt và nhạy bén trong chiến lược và vận hành để đáp ứng đúng cái thị trường đang cần.

Thị trường thay đổi liên tục, nếu chúng ta cứ cố bám theo một ý tưởng ban đầu, miệt mài đổ tiền thì thất bại là chuyện chắc chắn xảy ra.

– Shopee dự tính đầu tư bao nhiêu tiền cho thị trường Việt Nam?

– Chúng tôi chưa có con số cụ thể về số vốn tại Việt Nam.

Hiện tại chúng tôi đã đạt được những kết quả vượt mong đợi, và trước mắt tập trung xây dựng dịch vụ và sản phẩm tốt hơn nữa để có được một cộng đồng người dùng lớn hơn.

– TMĐT vốn được ví như một cỗ máy đốt tiền. Cụ thể thì đâu là các thách thức ở thị trường Việt Nam và Shopee tìm cách giải quyết thế nào?

– Chúng tôi tập trung vào nền tảng di động, nơi mà ngày càng nhiều người Việt Nam tiếp cận và sử dụng Internet. Chúng tôi tìm hiểu và xây dựng sản phẩm phù hợp với văn hóa tiêu dùng của người Việt, với các tính năng cho phép người dùng tương tác trực tiếp, tư vấn, mặc cả.

An toàn trong mua sắm là một thách thức lớn với thương mại điện tử. Shopee được phát triển nhằm bảo đảm nơi người mua có thể an tâm là tiền mua hàng chỉ được giao cho người bán khi người mua đã nhận được hàng.

Chi phí vận chuyển tại Việt Nam cũng là thách thức lớn cho người sử dụng, nên chúng tôi có những chương trình hỗ trợ vận chuyển để người mua và người bán có thể đến với nhau dễ dàng hơn. Và tất cả những tính năng và dịch vụ này đều có tính xã hội rất cao. Các bên có thể tìm hiểu và đánh giá chất lượng dịch vụ và sản phẩm của nhau để tạo ra một môi trường mua sắm an toàn, thân thiện và rất gần với cách mua sắm của người Việt.

Các tính năng xã hội khác như kết nối Facebook, Instagram, và hashtag, cũng rất phù hợp với người sử dụng trẻ và tiếp thu công nghệ cao như ở Việt Nam.

– Alibaba mua Lazada – bước chân vào Việt Nam, Lotte vừa mở trang TMĐT Lotte.vn, ông lo ngại gì khi thế mạnh của 2 ông lớn này cũng là ngành hàng thời trang?

– Sự tham gia vào thị trường TMĐT của các công ty lớn, cả nước ngoài và trong nước, chứng tỏ là tiềm năng của ngành này thật sự rất hấp dẫn. Trong khi đó, TMĐT tại Việt Nam chưa tới 1% của giá trị tiêu dùng nên tiềm năng phát triển còn nhiều.

Khi có càng nhiều đơn vị cùng phát triển thị trường thì người tiêu dùng càng được lợi và TMĐT càng có cơ hội lớn hơn nữa.

Khó khăn thường gặp phải của mô hình C2C (Customers to Customers: khách hàng tới khách hàng) là chất lượng sản phẩm và văn hóa người tiêu dùng. Các yếu tố này sẽ được Shopee xử lý ra sao?

– Về vấn đề chất lượng sản phẩm, chúng ta nên đặt ngược câu hỏi: Vì sao mua hàng offline giảm thiểu được tình trạng này?

Có hai lý do. Thứ nhất, họ chỉ trả tiền khi đã đồng ý nhận sản phẩm, chúng tôi mang tính năng đó lên online bằng chức năng “Shopee đảm bảo”, dù chuyển khoản hay trả tiền mặt, chỉ khi nào khách hàng xác nhận rằng mặt hàng được giao đúng với những gì họ đặt thì, tiền mới được chuyển đến tay người bán.

Lý do thứ hai mang tính cộng đồng. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa. Cửa hàng không uy tín sẽ được truyền tai nhau và buộc lòng họ phải bán hàng tốt hơn. Chúng tôi cho phép hiển thị những đánh giá, nhận xét của người đã mua hàng, để người mua mới có đủ thông tin về mức độ uy tín của Shop trước khi đưa ra quyết định. Chính vì vậy buộc lòng các shop phải tăng chất lượng dịch vụ, các shop không uy tín dần dần bị đào thải.

– Xin cảm ơn ông!

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close