Câu chuyệnKinh doanh
Gian nan xuất khẩu sách Việt
Sách Việt đã có mặt tại Frankfurt Book Fair, hội chợ sách quốc tế lớn nhất thế giới diễn ra hằng năm tại TP.Frankfurt (Đức).
Đây không phải năm đầu tiên VN có gian hàng trưng bày tại Hội sách quốc tế Frankfurt. Hàng trăm đầu sách của VN được trưng bày tại gian hàng của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Sở Thông tin – Truyền thông Hà Nội, Công ty sách Thái Hà tại hội sách diễn ra từ ngày 19 – 23/10.
Chỉ dừng ở việc giới thiệu hình ảnh VN
Giao dịch bản quyền sách là mục tiêu chính của các đơn vị xuất bản đến từ hàng trăm quốc gia khi tham gia hội sách quốc tế lớn nhất thế giới này. Mỗi kỳ hội chợ, có tới hàng triệu giao dịch bản quyền sách được thực hiện. Tuy nhiên, việc bán bản quyền sách Việt ra thế giới vẫn là con đường dài gian nan. “VN có rất ít đầu sách được bán bản quyền ra thị trường nước ngoài”, bà Claudia Kaiser, Phó chủ tịch hội chợ sách quốc tế, nhận định.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty sách Thái Hà, không ngại chia sẻ: “Gian hàng của chúng tôi mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu hình ảnh, văn hóa VN, chứ không bán bản quyền sách”. Không chỉ gian hàng của Công ty sách Thái Hà, hai gian hàng của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Sở Thông tin – Truyền thông Hà Nội cũng mang nhiệm vụ chính là “giới thiệu hình ảnh VN”.
Theo ông Hùng, sách Việt khó có cơ hội xuất khẩu. Ông Hùng nhìn nhận đó là do “số lượng sách của các đơn vị xuất bản được viết bằng tiếng Anh hay dịch sang tiếng Anh còn rất ít”. Ông nói thêm: “VN hầu như cũng chưa có tác giả đủ tầm thế giới, hay có các dịch giả đủ trình độ theo tiêu chuẩn quốc tế”. Đối với hầu hết các đơn vị xuất bản trong nước, việc bán bản quyền sách vẫn là câu chuyện quá xa vời. Ông Hùng cho rằng: “Để bán được, cuốn sách phải được dịch ra tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ phổ thông. Nhưng ai sẽ đứng ra làm? Nhà nước, tác giả, hay công ty sách, nhà xuất bản? Trong khi, để làm việc đó, cần sự đầu tư lớn, rất tốn kém. Ngay như trong công ty của chúng tôi, cũng chưa có cuốn sách nào được dịch hoặc viết bằng tiếng Anh”.
Nguyên nhân là chi phí nhiều, trong khi cơ hội bán được bản quyền lại không nhiều, rủi ro thất bại cao. “Sách VN hầu hết chưa đủ uy tín thuyết phục. Thường các đầu sách được phát hành trong nước với số lượng chỉ ở mức 5.000, 2.000, 1.000 hoặc 500 bản, trong khi nhiều nhà xuất bản mua sách thường chú ý tới những cuốn sách phát hành từ hàng chục ngàn cho tới cả triệu bản”, ông Hùng nói thêm. Ngoài ra, theo ông, ngành xuất bản cần có các diễn giả quốc tế về sách, những người chào bán bản quyền sách chuyên nghiệp…
Khó nhưng vẫn cần làm
Bà Trần Thị Mai Dung, Trường phòng Quản lý xuất bản, Sở Thông tin – Truyền thông Hà Nội, cho rằng mặc dù so với sách nhập khẩu, sách xuất khẩu ở VN còn ít nhưng không phải là không có. Có thể lấy ví dụ từ nhiều năm trước tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã được xuất bản tại Thái Lan. Trong chuyến tham dự hội sách lần này, Sở Thông tin – Truyền thông Hà Nội đã mời bà Trần Thanh Nga, Giám đốc Công ty truyền thông Con Sóc, để giới thiệu, giao dịch bản quyền cho các nhà xuất bản, công ty sách, tác giả VN.
Bà Nga cho biết đã chọn những đầu sách cho thấy nhiều khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài, chẳng hạn như bộ sách văn học kinh điển VN (Chí Phèo, Tắt đèn…) được chuyển hóa thành truyện tranh, bộ truyện tranh lịch sử VN. “Có nhà xuất bản, công ty của Malaysia, Indonesia, Đức, Úc… quan tâm tới các ấn bản phẩm của VN. Ngoài ra, viện nghiên cứu của Úc, Mỹ, Pháp muốn mua bản quyền cuốn sách bằng tiếng Việt về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp để đưa vào thư viện”, bà Nga chia sẻ.
Bà Claudia Kaiser đưa ý kiến: “Để sách Việt xuất bản tại nước ngoài, cần có nguồn nhân lực sáng tạo tốt. VN nên tập trung đào tạo nguồn nhân lực này với những thế hệ trẻ”. Bà Trần Thanh Nga nhìn nhận: “Muốn xuất khẩu sách Việt, chúng ta nên quan tâm vào những đầu sách khác biệt, chẳng hạn sách lịch sử, văn hóa, tác phẩm văn học đương đại… Chúng ta có thể thu hút các nhà văn, nhà nghiên cứu, tri thức trong nước và người Việt tại nước ngoài tham gia đóng góp”. Bên cạnh đó, bà Nga cho rằng việc có quỹ dịch là rất quan trọng: “Không chỉ có quỹ dịch trong nước, chúng ta cần liên kết với các quỹ dịch, tổ chức ở nước ngoài”. Theo bà Nga, sách Việt cần đồng hành với khu vực trước khi bước ra các quốc gia khác trên thế giới. Điều đó cũng có nghĩa, sách Việt nên “tấn công” vào thị trường Đông Nam Á. “Mặc dù khó nhưng chúng ta vẫn phải làm, nếu không chúng ta sẽ ở phía sau rất xa so với các quốc gia khác”, bà Nga kết luận.
Ông Nguyễn Minh Khánh, Phó giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Hà Nội, cho biết UBND TP.Hà Nội dự kiến tiếp tục mở rộng gian trưng bày tại Hội sách quốc tế Frankfurt trong những năm tới.
Theo Báo Thanh Niên