Câu chuyệnKinh doanh
Hãng bia ngoại đặt cược vào “bàn nhậu” của người Việt
Những cái tên đình đám như Asahi, Kirin, InBev, Carlsberg hay Heineken… đang trông chờ vào đợt thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam là Sabeco và Habeco.
Thapana Sirivadhanabhakdi, CEO của Thai Beverage – một trong những hãng bia có ý định “thâu tóm” Sabeco từng nhấn mạnh: Việt Nam là thị trường nước ngoài ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp bia chiếm thị phần cao nhất tại Thái Lan.
Trước đó, đầu năm 2015, vị tỷ phú đứng thứ 2 của Thái Lan cũng ngỏ ý muốn mua lại toàn bộ sở hữu Nhà nước tại Sabeco với mức giá 2,4 tỷ USD. Trong khi, Boon Rawd, một công ty bia lớn của Thái Lan sở hữu thương hiệu bia Singha cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới đợt thoái vốn lần này tại doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Bia Sài Gòn.
Một cái tên cũng nổi tiếng không kém là Carlsberg đã ngỏ ý muốn nâng sở hữu tại doanh nghiệp bia giữ thị phần hàng đầu tại miền Bắc là Habeco từ 17% lên 30% nhằm duy trì vị thế tại thị trường bia trong nước trước sự cạnh tranh của Heineken hay Sabeco.
Trong một bài phỏng vấn trên CNBC giữa năm 2016, Leo Evers – Tổng giám đốc của Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam (VBL), đơn vị liên doanh giữa Heineken và Satra cũng nhấn mạnh về tiềm năng tăng trưởng của thị trường bia Việt Nam khi hầu hết những “tay chơi” lớn trên thị trường quốc tế đang đặt cược vào bàn nhậu của người Việt.
“Bia đã trở thành một phần văn hóa của người Việt. Bước chân vào bất kỳ nhà hàng hay quán bar nào, bạn sẽ thấy tất cả mọi người đều uống bia”, CEO của VBL cho biết.
Đặt trọng tâm và kỳ vọng vào thị trường Việt Nam của các “đại gia” ngoại không hẳn không có căn cứ. Khi mà Việt Nam là một trong những thị trường bia có tốc độ tăng trưởng cao và có triển vọng nhất hiện tại theo đánh giá của nhiều chuyên gia.
Động lực này có được nhờ vào nhiều yếu tố. Sản lượng bia tiêu thụ đầu người của Việt Nam dù tăng mạnh những năm gần đây nhưng vẫn ở mức vừa phải. Người Việt uống bia vẫn xếp sau hầu hết các nước sản xuất bia lớn nhất thế giới như Mỹ, Brazil, Nga, Mexia hay Nhật, thậm chí chỉ bằng một nửa của Đức và Ba Lan.
Bên cạnh đó, cơ cấu dân số trẻ với độ tuổi tập trung từ 15-55 và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao giúp dân số tầng lớp trung lưu tăng lên cũng là yếu tố quan trọng giúp ngành đồ uống có cồn duy trì được vị thế.
Dự kiến đến năm 2020, tầng lớp trung lưu và giàu có của Việt Nam sẽ tăng lên gấp đôi, ước tính khoảng 33 triệu người, tương đương 1/3 dân số theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Người tiêu dùng và Khách hàng của Tập đoàn tư vấn Boston (Mỹ).
Theo số liệu Bộ Công Thương mới công bố, sản lượng bia tiêu thụ năm 2016 của Việt Nam đạt gần 3,8 tỷ lít bia, tăng gần 12% so với năm 2015. Thống kê cũng cho thấy, nếu như năm 2008 Việt Nam mới đứng thứ 8 châu Á về tiêu thụ bia, thì 8 năm sau đó (năm 2016) đã vươn lên vị trí thứ 3, sau Nhật Bản và Trung Quốc.
Lượng rượu bia trung bình sử dụng trên thế giới không tăng trong vòng một thập kỷ qua, thì Việt Nam lại tăng trưởng theo chiều “thẳng đứng”. Nếu như năm 2000, bình quân mỗi người Việt tiêu thụ hơn 10 lít bia thì đến năm 2012, lượng bia tiêu thụ đầu người đạt đã 32 lít và chỉ sau 4 năm, trung bình mỗi người Việt uống 42 lít bia.
Người Việt trung bình uống 42 lít bia trong năm 2016, gấp 4 lần so với năm 2000.
Theo số liệu của Kirin, Việt Nam cũng đã tăng 2 bậc trên bảng xếp hạng các quốc gia sản xuất bia nhiều nhất thế giới từ vị trí thứ 10 của năm 2014 lên vị trí thứ 8 năm 2015. Đồng thời cũng là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất với tỷ lệ 20,1% trong số 25 quốc gia đầu bảng chiếm 82,3% sản lượng bia toàn cầu.
Trái ngược lại với xu hướng ngày càng tăng của Việt Nam, sản lượng sản xuất toàn cầu năm 2015 ghi nhận 188,6 tỷ lít, giảm 1,1%. Trong số các khu vực, chỉ duy nhất châu Phi ghi nhận mức tăng 1,6% còn lại tất cả các khu vực khác trên thế giới đều giảm.
Số liệu của Kirin cũng cho biết, Trung Quốc, thị trường bia lớn nhất thế giới, cũng ghi nhận sụt giảm sản lượng sản xuất hơn 4% trong năm 2015 còn gần 43 tỷ lít. Trong khi sản lượng của toàn châu Á, chiếm 34% toàn cầu, ghi nhận mức sụt giảm 1,3%.
Sự chênh lệch giữa sản lượng bia sản xuất và lượng bia tiêu thụ bắt đầu từ năm 2013 và gia tăng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty chứng khoán BIDV (BSC), điều này không phản ánh nhu cầu trong nước thấp mà phản ánh mức độ cạnh tranh của thị trường bia Việt đang tăng dần. Xu hướng cạnh tranh cũng có sự chuyển dịch từ số lượng sang phân khúc cao cấp và siêu cao cấp để hưởng biên lợi nhuận cao hơn.
Một báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, ngành bia Việt Nam hiện tại do 4 công ty lớn thống lĩnh, gồm: Habeco (Hanoi Brewery), Hua Brewery (do Carlsberg sở hữu 100% vốn), Sabeco (Saigon Brewery) và Heineken NV. Tổng cộng 4 doanh nghiệp kể trên theo ước tính giữ thị phần 90% sản lượng bia bán ra.
Trong đó, hai doanh nghiệp bia trong nước là Sabeco và Habeco nắm giữ tổng cộng hơn 60% thị phần bia theo một báo cáo của BSC công bố. Đây cũng là hai doanh nghiệp nằm trong lộ trình thoái vốn Nhà nước thời gian tới và là đích ngắm của hầu hết “đại gia” bia trên thế giới.
Theo VnExpress