Doanh nghiệpKinh doanh

Hầu hết các cổ đông sáng lập đều đã “rời bỏ” Fivimart

Fivimart vừa gây xôn xao dư luận khi gần đây vội vàng tạm dừng bán một số nhãn hàng nước mắm truyền thống sau thông tin nước mắm chứa hàm lượng asen vượt ngưỡng mặc dù thời điểm đó cuộc tranh cãi về nước mắm truyền thống – nước mắm công nghiệp chưa ngã ngũ. Những ai đang đứng sau chuỗi siêu thị này?

Hầu hết các cổ đông sáng lập đều đã “rời bỏ” Fivimart

Ảnh minh họa.

CTCP Nhất Nam (First Vietnam Joint Stock Company – FIVI JSC) có vốn điều lệ hiện tại là 203,6 tỷ đồng.

Doanh nghiệp có 203.688 cổ phần với mệnh giá 1 triệu đồng/cổ phần.

Không có nhiều thông tin công bố liên quan đến Nhất Nam ngoài việc sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart, tuy nhiên theo nguồn tin của BizLIVE, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà đầu tư sáng lập doanh nghiệp đều đã bán hết cổ phần tại Nhất Nam.

Trong 14 cổ đông sáng lập, bao gồm 1 tổ chức là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển TCT và 13 cá nhân khác thì hiện tại ngoài ông Đặng Thiên Tân và Đặng Thị Đan Tâm, 11 cổ đông còn lại đều đã bán vốn tại Nhất Nam.

Ông Đặng Thiên Tân và bà Đặng Thị Đan Tâm mỗi người hiện đang sở hữu 11 cổ phần của Nhất Nam, tương ứng 11 triệu đồng, chiếm 0,01% vốn điều lệ. Ngay cả bà Vũ Thị Hậu – hiện đang là Phó tổng giám đốc Nhất Nam cũng không còn sở hữu bất cứ cổ phần nào của công ty.

Bà Đặng Thị Đan Tâm cũng đang giữ vị trí Tổng giám đốc tại CTCP Nhất Nam.

Đáng chú ý, các cổ đông sáng lập của Nhất Nam đều thoái vốn trong năm 2014. Tính đến thời điểm 16/5/2014, 11/14 cổ đông sáng lập ban đầu của Nhất Nam đều đã chuyển nhượng xong cổ phần. Trước đó, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển TCT là cổ đông lớn nhất của chuỗi Fivimart với tỷ lệ nắm giữ là 52,7% vốn điều lệ. Ông Đặng Thiên Tâm là cổ đông lớn thứ 2 với tỷ lệ sở hữu 19,52% sau thời điểm trên cũng chỉ sở hữu vài cổ phần tại doanh nghiệp này.

Giấy chứng nhận kinh doanh thay đổi vào tháng 12/2014 cho biết bà Đan Tâm lên giữ vị trí Tổng giám đốc thay cho ông Nguyễn Chí Thành trước đó.

Đối tượng mua lại số cổ phần từ những cổ đông này chưa rõ danh tính, tuy nhiên giao dịch được hoàn tất từ trước thời điểm tháng 5/2014, trong khi đến đầu năm 2015, Aeon mới bắt đầu mua lại 30% chuỗi Fivimart, đổi tên thành Aeon – Fivimart.

Fivimart vừa gây xôn xao dư luận khi gần đây vội vàng tạm dừng bán một số nhãn hàng nước mắm truyền thống sau thông tin nước mắm chứa hàm lượng asen vượt ngưỡng mặc dù thời điểm đó cuộc tranh cãi về nước mắm truyền thống – nước mắm công nghiệp chưa ngã ngũ.

Được biết sau nhiều thông tin tẩy chay Fivimart xuất hiện trên mạng xã hội, đại diện siêu thị đã lên tiếng và hiện tại siêu thị này đã bày bán một số nhãn hiệu nước mắm truyền thống trở lại.

Trong thông tin mới nhất, Bộ Y tế đã lên tiếng khẳng định 100% các mẫu nước mắm được kiểm nghiệm không phát hiện thạch tín (arsen) vô cơ cũng như các kim loại nặng: chì, thủy ngân và cadimi.

NGUYÊN MINH/Bizlive

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close