Chiến lượcQuản trị
Hãy từ bỏ mục tiêu mà tập trung xây dựng hệ thống bạn sẽ thành công
Mục tiêu là những thứ ngắn hạn và đôi khi nó làm cản trở chúng ta, hãy sử dụng suy nghĩ, làm việc hệ thống để đạt hiệu quả cao hơn trong bất kì công việc gì.
Ai cũng có những cái đích trong cuộc sống. Nó có thể là thân hình gọn gàng hơn, một dự án kinh doanh thuận lợi, viết được một cuốn sách hay đơn giản là có một gia đình hạnh phúc…
Và đối với đại đa số chúng ta, con đường đến với những cái đích đó được đặt ra bởi các mục tiêu ngắn hạn. Để tới được một cái đích, chúng ta cần vượt qua các mục tiêu này. Đây là một cách làm đúng đắn và được áp dụng bởi rất nhiều người.
Mục tiêu là thứ ai cũng có nhưng hệ thống là thứ không phải ai cũng hiểu.
Thế nhưng, những ai đã từng đặt ra mục tiêu, áp dụng nó trong thực tế đều hiểu rằng trong quá trình thực hiện, chúng ta bị sa đà nhiều vào những râu ria bên trong đó, không những khó đạt được thứ mong muốn mà đôi khi còn bị sự thất bại kéo lùi lại.
Đây là lúc để tìm hiểu về sự khác biệt giữa mục tiêu và hệ thống. Cho dù bạn làm gì đi chăng nữa, làm mọi thứ có hệ thống bao giờ cũng đem lại hiệu quả cao hơn.
Điểm khác nhau giữa mục tiêu và hệ thống là gì?
Ví dụ đơn giản, giả sử bạn là huấn luyện viên một đội bóng thì mục tiêu của bạn chính là chức vô địch. Hệ thống chính là cách mà bạn huấn luyện các cầu thủ tập mỗi ngày để có được chiến thắng đó.
Hoặc nếu bạn là một tác giả viết sách, mục tiêu của bạn sẽ là hoàn thành một cuốn sách đầu đời và hệ thống chính là quá trình viết lách của bạn mỗi tuần. Đơn giản đúng không? Nôm na mà nói thì hệ thống chính là cách thức mà bạn làm để đạt được mục tiêu.
Giờ hãy thử trả lời câu hỏi này: “Nếu quên hết mục tiêu và chỉ tập trung vào hệ thống, liệu bạn có đạt được kết quả?”. Quay lại ví dụ trên về đội bóng, bạn huấn luyện cả đội tập luyện liên tục nhưng không có mục tiêu gì cả, chỉ tập thôi, liệu có dẫn đến kết quả tốt không?
Câu trả lời là có!
Cụ thể hơn là một ví dụ, bạn không định viết một cuốn sách nhưng vẫn đều đặn luyện tập viết mỗi ngày. Trong 1 năm bạn có thể viết được khoảng 120.000 từ và một cuốn sách chỉ có khoảng từ 50-60.000 từ, thế nên trong 1 năm bạn sẽ viết được 2 cuốn sách (Mặc dù bạn không có ý định làm điều đó).
Thay vì tự đưa ra mục tiêu rằng bạn có thể viết được 2 cuốn sách mỗi năm, việc thực hiện nó liên tục và nhận ra kết quả sau này có cảm giác thoải mái, chiến thắng lớn hơn nhiều. Đó là còn chưa kể đến việc mục tiêu bị ảnh hưởng tới nhiều yếu tố tâm lý, trong khi luyện tập theo hệ thống thì không.
Mục tiêu làm giảm sự hạnh phúc của bản thân
Khi bạn làm một thứ gì đó để đạt được mục tiêu, trong thâm tâm hẳn bạn sẽ có suy nghĩ: “Tôi chưa đủ giỏi để làm được những thứ này, thế nhưng tôi sẽ cố gắng để đạt được nó”. Tất nhiên là bạn chưa đủ giỏi, vì nếu đủ giỏi bạn đã làm được rồi chứ không ngồi đây nghĩ nữa, phải không?
Vấn đề của tư duy này là việc bạn dạy cho bản thân cách kìm hãm sự hạnh phúc cũng như cảm giác thành công. Nó chỉ xuất hiện sau khi bạn đạt được thứ gì đó, ví dụ như“sau khi viết xong cuốn sách này, tôi sẽ thấy thành công và rất vui”.
Giải pháp: Hãy tập trung vào quá trình chứ không phải mục tiêu.
Chọn lựa các mục tiêu luôn là gánh nặng đối với mỗi người. Chỉ đơn giản với việc nghĩ tới một thứ gì to tát đã có thể khiến nhiều người nản lòng.
Thế nhưng, chúng ta vẫn thực hiện nó mỗi ngày, bỏ qua những phiền muộn không cần thiết để tập trung vào những thứ to lớn. Nhiều người cố gắng giữ mọi thứ đơn giản để giảm gánh nặng và tập trung vào thứ mà người ta vẫn gọi là thời khoá biểu thay vì lo tới những dấu mốc to lớn trong cuộc đời.
Khi bạn tập trung vào việc tập luyện thay vì hiệu quả, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn và kĩ năng bản thân cũng được cải thiện hơn.
Những mục tiêu luôn mâu thuẫn với quá trình dài hạn
Ai cũng nghĩ rằng mục tiêu sẽ giống như nước, tưới cho cái cây khô héo mang tên tâm hồn luôn tươi mỗi ngày. Thế nhưng, điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Có nhiều vận động viên marathon tập luyện vài năm trời để chiến thắng một giải đấu nào đó. Thế nhưng khi vừa hoàn thành, họ lập tức ngừng tập luyện. Vì sao? Vì mục tiêu của họ là chiến thắng giải đấu đó và khi đã hoàn thành, họ không còn cái đích mới, khát vọng mới để theo đuổi. Khi mà mọi cố gắng được đền đáp, còn gì để khiến bản thân tiến xa hơn?
Một khi đã hoàn thành mục tiêu, tiếp theo sẽ là gì?
Bạn có thể nghĩ rằng mình sẽ lên được kế hoạch mới để theo đuổi nó, điều này đúng với một số công việc nhất định và tuỳ thời điểm chứ không đúng với mọi người, mọi lúc. Giả sử bạn ước muốn có được một gia đình hạnh phúc chẳng hạn, khi đã đạt được thì cái đích tiếp theo sẽ là gì?
Nếu gặp phải vấn đề trên, giải pháp của bạn sẽ là đưa ra những nhu cầu lập tức.
Nhu cầu lập tức là thứ mà bạn muốn thực hiện ngay lúc đó, mặc kệ cái dài hạn hay mục tiêu gì gì đó là gì. Ví dụ như bạn tập thể dục để giảm cân, khi tập đến mức cơ thể thấm mệt, có thể bạn chưa đạt được mục tiêu trong ngày (100 cái chống đẩy chẳng hạn) nhưng bạn đã quá mệt rồi, hãy phục vụ nhu cầu lập tức của bản thân là nghỉ ngơi.
Việc tập luyện của bạn kéo dài hơn bạn nghĩ nên không cần phải quá cố gắng làm gì. Bạn có thể cố gắng nhưng rồi khả năng chấn thương hay ảnh hưởng sẽ cao. Suy cho cùng, bạn không đạt được đích ngày hôm sau và rồi cái đích giảm cân tổng thể, mọi chuyện còn ý nghĩa gì nữa?
Quay trở lại với tập luyện hệ thống, những người sử dụng phương pháp này sẽ bỏ qua ngay mục tiêu vì tập luyện hệ thống không có thứ gì cụ thể, bạn chỉ cần làm nó đều đặn, đúng quy trình và không bỏ lỡ bước nào hay ngày nào.
Mục tiêu là những kết quả ngắn hạn trong khi hệ thống là quá trình dài hơi.
Mục tiêu luôn cho rằng bạn có thể kiểm soát những gì mình không thể
Chẳng ai nói trước được tương lai (bất ngờ đúng không?), thế nhưng mỗi khi chúng ta lên kế hoạch, chúng ta sẽ thử để hoàn thành nó. Chúng ta thường nghĩ về những thứ xa xôi và cho rằng mình có thể làm được nó, chúng ta thậm chí còn tự tin tới mức cho rằng mình sẽ hoàn thành nó trong khoảng thời gian này mặc dù chẳng biết phía trước sẽ có những thách thức nào chờ đón.
Giải pháp cho bạn: Hãy tạo ra những bản đánh giá ngắn
Những bản đánh giá này rất quan trọng trong quá trình hình thành hệ thống bởi nó giúp bạn kiểm soát rất nhiều thứ mà không phải đoán rằng tương lai sẽ ra sao. Thay vì đâm đầu vào làm những thứ không biết trước, giờ đây bạn có thể sử dụng đánh giá để biết mình có đang đi đúng hướng hay lập tức thay đổi nếu gặp sự cố ở khâu nào đó.
Nghe hơi phức tạp, hãy đơn giản hoá nó bằng các ví dụ.
Ví dụ như bạn muốn để dành tiền mua ô tô chẳng hạn, lúc nghĩ thì thích lắm, trong từng này tháng mình sẽ có đủ tiền mua xe. Chúng ta thường quên đi những rủi ro trong quá trình thực hiện.
Khi đã bắt đầu để dành tiền mua xe, hãy liệt kê theo từng tháng số tiền tích trữ được, tiêu bao nhiêu, dư bao nhiêu và thiếu bao nhiêu. Sau đó so sánh nó với thực tế, để rồi đánh giá xem quá trình tiết kiệm của bạn có đang đúng hướng hay không.
Giả sử nó sai, ví dụ tháng nào đó bạn lỡ chi cả đống tiền ra mua điện thoại mới, hãy đưa nó vào bản đánh giá sau đó tìm giải pháp lập tức cho vấn đề (cố gắng làm thêm đầu việc hoặc co kéo các chi phí khác chẳng hạn).
Dần già, bạn sẽ học được cách quên đi khả năng dự đoán của bản thân, thực tế hơn và theo sát những gì mình muốn hơn.
Kết
Tất nhiên mục tiêu không có gì sai trái hay không tốt, giả sử bạn muốn một lần trong đời hoàn thành một cuốn sách, hãy sử dụng mục tiêu chứ không phải hệ thống để làm nó gọn gàng hơn. Mục tiêu là thứ rất quan trọng trong quá trình lên kế hoạch, để bạn biết được mình cần làm, luyện tập những gì. Thế nhưng, khi đến quá trình thực hiện, bắt đầu làm nó, hãy sử dụng hệ thống để mọi thứ trôi chảy hơn.
Nếu có những dự định ngắn hạn, hãy sử dụng mục tiêu, nhưng phải chắc chắn rằng ý định này của mình là ngắn hạn không bạn sẽ tốn thêm thời gian xây dựng hệ thống để chuyển đổi nó sang dài hạn.
Theo Trí Thức Trẻ