Khởi nghiệpKinh doanh

Huy động được 120 triệu USD, nhưng startup Munchery của Trí Trần đang điêu đứng vì tiêu hoang, sai chiến lược, lỗ triền miên

Nguồn tin từ cựu nhân viên cho biết, dịch vụ nấu và giao đồ ăn Munchery của founder gốc Việt Trí Trần đang lãng phí rất nhiều thực phẩm và chi quá tay cho những chiến dịch quảng cáo.

Huy động được 120 triệu USD, nhưng startup Munchery của Trí Trần đang điêu đứng vì tiêu hoang, sai chiến lược, lỗ triền miên

Theo lời một cựu nhân viên, Munchery – startup có trụ sở tại San Francisco chuyên cung cấp dịch vụ nấu và giao món ăn tới hàng trăm nghìn khách hàng tại nhiều thành phố của Mỹ hiện đang phải yêu cầu các đầu bếp của họ giảm chi phí nguyên vật liệu.

Nathaniel Faggioli – CEO của công ty thì thúc ép các nhân viên bằng mọi cách cải thiện tình hình lợi nhuận để thu hút thêm tiền đầu tư.

Trong khi đó, theo chia sẻ của cựu nhân viên công ty thì dù nhà bếp công nghiệp của Munchery tại San Francisco – thị trường quan trọng nhất của công ty luôn mở tới 2 giờ sáng để nấu rất nhiều món ăn khác nhau gồm cả phở bò. Nhưng, một lượng thức ăn không nhỏ trong số đó bị đổ bỏ vào thùng rác hoặc cho đi làm từ thiện.

Người phát ngôn của Munchery là Marcy Simon phủ nhận việc nhà bếp làm việc tới tối muộn và cũng khẳng định không có thực phẩm nào bị bỏ đi. Cô này chỉ thừa nhận Munchery có nấu nhiều thức ăn hơn số lượng bán được.

Cũng theo một tài liệu mật được cựu nhân viên kể trên tiết lộ, tính từ tháng 9/2014 tới tháng 7/2016, nhà bếp tại San Francisco của Munchery đã làm ra tổng cộng 653.400 suất ăn mà không hề được bán cho khách hàng.

Con số này tương đương với khoảng 16% thức ăn mà toàn bộ các nhà bếp của Munchery sản xuất ra được. Dựa trên mức giá bán trung bình 2,96 USD mỗi món ăn, tổng giá trị của lượng thức ăn bị bỏ phí này lên tới hơn 1,9 triệu USD.

Mặc dù vậy, các lãnh đạo của Munchery vẫn khẳng định không có bất cứ báo động nào về tình trạng lãng phí thực phẩm xảy ra ở công ty.

“Sản xuất thừa là thực tế diễn ra tại các doanh nghiệp thực phẩm. Ngay cả các nhà hàng và những nhà cung cấp thực phẩm trực tuyến cũng đều không thể dự đoán được chính xác lượng thức ăn sẽ được đặt hàng mỗi ngày. Chúng tôi chỉ tính toán sao cho lượng sản xuất thừa chiếm tỷ lệ nhỏ nhất trong tổng doanh thu. Bằng cách thức đó, chúng tôi tiếp tục đáp ứng được những mục tiêu của mình”, Simon viết trong một email gửi Bloomberg. Munchery cũng nói rằng hiện tại nhà bếp tại San Francisco của họ đã có lãi.

Tuy nhiên theo đánh giá của nhiều chuyên gia, lượng đồ ăn dư thừa của Munchery đang ở mức cao. Tỷ lệ lãng phí lên tới 16% trên tổng lượng thức ăn được sản xuất cao hơn từ 4% – 10% so với tỷ lệ lãng phí tại các nhà hàng điển hình, theo Dana Gunders – một chuyên gia phân tích nói. “Tôi nghĩ con số này không chỉ đáng lo ngại trên phương diện thực phẩm mà còn cả về tình hình tài chính của công ty”.

Kể từ khi bắt đầu giao đồ ăn vào năm 2010, Munchery hứa hẹn sẽ tạo ra xu hướng mới mẻ cho ngành công nghiệp này. Rất nhiều công ty đã thử sức và thất bại trong việc tạo ra lợi nhuận nhưng các lãnh đạo của Munchery cho thấy họ cung cấp dịch vụ khá mới lạ.

Không giống GrubHUb hay DoorDash – Munchery không phải là công ty giao đồ ăn từ các nhà hàng. Cũng không giống như Bue Apron hay Plated – chuyển tới cho khách hàng hộp đựng nguyên liệu và công thức nấu. Các nhà bếp của Munchery sẽ tự nấu các món ăn và vận chuyển cho khách hàng. 2 công ty khác là Sprig và Maple cũng giao đồ ăn theo hình thức này nhưng huy động được ít vốn hơn Munchery.

Trí Trần – đồng sáng lập Munchery vốn là một người gốc Việt. Câu chuyện đầy nghị lực của anh khi thành lập nên Munchery đã góp phần “đánh bóng” thương hiệu của Munchery rất nhiều, nhất là trong mắt các nhà đầu tư.

2 nhà đầu tư lớn nhất của Munchery gồm Sherpa Capital và Menlo Ventures. Tới tháng 5/2015, công ty đã huy động được 85 triệu USD và được định giá từ 250 triệu – 275 triệu USD. Tổng cộng, tới nay công ty này đã huy động được tới hơn 120 triệu USD, nhiều hơn bất kỳ startup giao đồ ăn nào khác.

Tuy nhiên thời gian gần đây, Munchery vướng vào một số lùm xùm gây ồn ào. Ngoài việc lãng phí thức ăn như kể trên, công ty này còn mất tiền cho rất nhiều việc “không đâu” khác, đặc biệt là những chiến dịch quảng cáo quy mô lớn, tốn kém.

Ngoài ra, trong năm qua, đã có ít nhất 3 lãnh đạo cấp cao của công ty thôi việc. Thứ 2 vừa qua, công ty vừa tuyên bố bổ nhiệm CEO mới là James Beriker – cựu quản lý tại Simply Hired. Trong khi đó, Trí Trần vẫn đang giữ vị trí Giám đốc chiến lược của công ty.

Được biết, các lãnh đạo của Munchery đều nhận thấy các nhà bếp đang sản xuất ra quá nhiều thức ăn so với số lượng dự kiến sẽ bán được, gây lãng phí nhưng họ vẫn yêu cầu nhân viên làm như vậy.

Một vài cựu nhân viên khẳng định chính chủ trương “sản xuất thừa” này khiến họ muốn rời công ty. Pascal Rigo – cựu Giám đốc trải nghiệm khách hàng của Munchery cũng đã rời công ty vào tháng 4 và anh này nói rằng những chiến dịch marketing đắt đỏ và thiếu sự minh bạch thông tin đã gây khó dễ cho anh.

“Rất khó để trở thành một phần của công ty khi mà bạn cảm thấy một vài thành viên trong ban lãnh đạo cố che đậy câu chuyện thực tế đối với nhân viên và cả các nhà đầu tư”.

6.344 suất ăn bỏ phí 1 tuần

Trong tài liệu nội bộ của công ty, tuần cuối cùng của tháng 6/2016, Munchery đã bán 39.870 suất ăn được nấu sẵn từ nhà bếp tại San Francisco. Tài liệu này nêu rõ, đây là tuần kinh doanh tốt. Tuy nhiên, 6.344 suất ăn (tương đương 14%) trong số đó đã không được bán cho khách hàng.

Thành viên hội đồng quản trị của Munchery là Jeff Housenbold thì khẳng định không nhận thấy có tình trạng lãng phí thực phẩm xảy ra ở công ty. Tuy nhiên theo lời một cựu nhân viên, trong số 6.344 suất ăn thừa, một số bị bỏ vào thùng rác, một số thì được người giao hàng hoặc nhân viên nhà bếp mang, số còn lại được mang đi làm từ thiện.

Điều đáng nói là vị cựu nhân viên giấu tên này kể rằng họ đã báo cáo vấn đề lãng phí thức ăn với các lãnh đạo nhưng được chỉ đạo tiếp tục sản xuất thừa để đảm bảo công ty có thể có đủ thức ăn cung cấp cho khách hàng trong trường hợp các chiến dịch quảng cáo có thể làm tăng doanh số bán hàng.

Thua lỗ triền miên

Đầu năm 2015, trong tài liệu gửi tới các nhà đầu tư tiềm năng, Munchery tuyên bố họ có thể đạt doanh thu 2 tỷ USD vào năm 2019 mà không cần huy động thêm vốn: “Kế hoạch huy động vốn vòng C lần này hy vọng mang về cho công ty được 60 triệu USD và sẽ là vòng huy động vốn cuối cùng của chúng tôi. Đà tăng trưởng trong năm 2017 và sau đó sẽ được hỗ trợ bởi dòng tiền của chính doanh nghiệp”. Nói vậy, nhưng sau đó Munchery vẫn tiếp tục nỗ lực huy động thêm tiền.

Một tài liệu nội bộ Munchery cho thấy những chiến dịch marketing có làm tăng doanh thu nhưng việc giảm giá mãi không thể mang lại lượng khách hàng bền vững.

Trong giai đoạn từ giữa tháng 9/2014 tới tháng 6/2016, thời điểm kinh doanh tốt nhất của Munchery rơi vào tuần thứ 2 của tháng 5/2015 khi họ tạo ra được 598.700 USD doanh thu. 1 tháng sau đó, họ công bố nhận được khoản đầu tư từ Menlo Ventures trị giá 85 triệu USD. Nhưng ngay lập tức, doanh thu tại bếp ở San Francisco bắt đầu sụt giảm. Nhiều tuần sau đó, doanh thu ở đây thậm chí còn giảm xuống dưới 400.000 USD. Doanh thu tại những bếp ăn khác không được Munchery công bố.

Trí Trần – đồng sáng lập Munchery (phải) chụp ảnh cùng đầu bếp Choi khi còn hợp tác:

Vấn đề nằm ở chỗ Munchery đã chi quá tay cho quảng cáo.

Evan Rawley – Giáo sư tại trường kinh doanh Columbia nói: “Không khó để có được một khách hàng nếu bạn đưa ra mức giảm giá hấp dẫn và rất nhiều quảng cáo bắt mắt. Tuy nhiên đó không phải là điều mang lại được những khách hàng có giá trị lâu bền”.

Chiến lược tuyển dụng sai lầm

Tháng 8/2015, Munchery đã tổ chức một bữa tiệc tại khách sạn Line ở Los Angeles để đánh dấu sự hợp tác giữa họ với đầu bếp nổi tiếng người Hàn Quốc Roy Choi.

Hợp đồng với đầu bếp Choi khi ấy kèm theo điều khoản mức lương 100.000 USD để thiết kế ra những món ăn độc quyền cho Munchery. Tuy nhiên ngay cuối năm đó, công ty này đã chấm dứt hợp đồng với Choi và họ phải trả tới hơn 500.000 USD cho việc huỷ hợp đồng. Tất cả những gì vị đầu bếp Choi làm được cho Munchery chỉ là… 2 công thức nấu ăn.

Cùng thời điểm đó, công ty này cũng ký hợp đồng với các đại lý quảng cáo và dành hàng trăm nghìn USD mỗi tháng cho những chiến dịch marketing, giảm giá “khủng”.

Lãnh đạo vẫn khăng khăng tình hình tài chính… đang được cải thiện

Thành viên hội đồng quản trị Munchery là Housenbold nói rằng công ty đã cắt giảm được 30 – 50% chi phí trong 5 tháng qua và đến tháng 10, ông cho biết mức thua lỗ của công ty đã ở dưới mức 3 triệu USD mỗi tháng. “Chi phí đang được giảm đáng kể”, Housenbold nói.

Còn trong một bài phỏng vấn với CNBC vào tháng 9, Pishevar – một nhà đầu tư khác của Munchery thì nói rằng: “Munchery đang tới điểm uốn quan trọng trong nỗ lực mở rộng hoạt động ra toàn nước Mỹ. Nhìn chung hoạt động kinh doanh của công ty đang diễn ra rất tốt”.

Tuy nhiên, tinh thần lạc quan có phần thái quá đó của các lãnh đạo khiến một số nhân viên và cựu nhân viên ở công ty này bực tức.

“Tôi rất ngạc nhiên khi thấy một vài tuyên bố từ những nhà đầu tư lớn và thành viên ban lãnh đạo Munchery không hề được kiểm chứng bởi bất kỳ ai, kể cả báo chí. Là công ty tư nhân có thể không phải công bố những số liệu kinh doanh chính xác nhưng tôi không tin đó là cách tốt để ‘nâng bi’ cả hai bên. Nó sẽ gây hại cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ và cả những nhân viên nghỉ việc vì tin rằng họ có thể tìm được những cơ hội tốt hơn. Điều đó thật sự không công bằng”.

Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close