Khởi nghiệpKinh doanh

Khởi nghiệp – Minh triết hoặc vực thẳm

Bài viết của anh Võ Hùng (Founder Xe Đạp Xanh) đăng trong Group FB Quản trị và Khởi nghiệp.

Khởi nghiệp thì khởi nghiệp, sao lại dính tới triết học, minh triết gì ở đây nhỉ? Đề tài này chắc phải mất nhiều năm mới có thể làm cho sáng tỏ. Nhưng nếu chúng ta không có thoáng nhìn nào về cái lõi, cái nền tảng thì nhất định chúng ta sẽ đi sai, càng ngày càng sai.

Tôi trích một đoạn ngắn để chúng ta có cái nhìn khác hơn về minh triết trong khởi nghiệp và sẽ cố gắng bằng lí luận kiểu nông dân của mình, cùng với các bạn làm cho sáng tỏ một phần rất nhỏ vấn đề hóc búa này.

Đoạn trích sau đây tôi khắc cốt ghi tâm:

Càng ngày càng có nhiều học giả lên tiếng thay “kinh tế trí thức” bằng “kinh tế minh triết”, thay “giáo dục trí thức” bằng “giáo dục minh triết”… Kinh tế trí thức đơn thuần không có minh triềt cũng như giáo dục trí thức đơn thuần không có minh triết… đang đưa nhân loại đến bờ vực thẳm.

Tôi hay viết và nói về những thứ… rất khó khăn để hiểu. Tôi cũng ít khi giải thích vì cái gì hay ho mà giải thích ra thì nó cũng trở nên tầm thường. Khi tôi viết bài “Giàu có số” và đăng lên thì nhận được không biết bao nhiêu câu hỏi rằng tại sao khi tái khởi nghiệp anh lại thuê mặt bằng đối diện nhà Mr. Đàm, tại sao anh lại trổ cửa đối diện nhà anh ta, tại sao anh lại lắp toàn kính phía trước nhà…? Thường chúng ta sẽ gán ghép những sự việc như vậy cho phong thủy, tâm linh gì đó!

Bị nhiều bạn dí quá thì tôi bám vào phong thủy mà giải thích căn bản. Giải thích theo phong thủy là đúng. Nhưng chưa đủ.

Bạn thấy đó, khi đối diện với điều không biết, chúng ta đều có xu hướng qui kết nó về cái đã biết.

KHỞI NGHIỆP VỚI MINH TRIẾT LÀ SẴN SÀNG DẤN THÂN VÀO CÁI KHÔNG BIẾT VỚI TÂM TRONG SÁNG

Khi Google khởi nghiệp

Khi Facebook khởi nghiệp

Khi Apple khởi nghiệp

Khi Microsoft khởi nghiệp

Khi Uber khởi nghiệp

Tôi cho rằng khi khởi sự họ cũng không thể hình dung nổi vị trí dẫn đầu của họ trên thế giới như bây giờ. Cái gì đã dẫn dắt họ từng bước tiến đến đỉnh cao?

Mà khoan đã, ngay cả thứ tự ưu tiên về các thương hiệu lớn bên trên khi hiện ra trong đầu tôi cũng là một điều khá thú vị. Nếu bạn nhắm mắt liệt kê lại 5 thương hiệu đó, có thể thứ tự ưu tiên sẽ khác!

Họ, những nhân vật xuất chúng tạo dựng nên những thương hiệu khổng lồ bên trên, chắc hẳn lúc khởi nghiệp cũng không chắc chắn về sự thành công hàng đầu như bây giờ. Nhưng có một điều tôi thích thú khi nhắc đến họ: họ mang đến cho thế giới một cái gì đó, chứ không lấy đi!

Họ không thể dựa vào tri thức đã có, vì nếu dựa vào tri thức đã có, họ không thể tạo dựng nên những điều phi thường như chúng ta đang thấy.

Như vậy, khi khởi nghiệp nếu dựa tất cả tri thức của nhân loại cũng không thể đưa ra một sự chắc chắn về thành công thì tại sao chúng ta lại không bắt đầu với điều đúng? Làm điều sai cũng có thể thất bại. Làm điều đúng cũng có thể thất bại. Tàn phá cũng có thể thất bại. Cống hiến cũng có thể thất bại. Vậy tại sao chúng ta không làm điều đúng và cống hiến? Xác suất thành công là như nhau!

Các bạn đi học về khởi nghiệp hay có kiểu lý luận rất buồn cười mà đôi khi tôi phải cố mà nén, nuốt trận cười vào trong. Các bạn ấy hay nói với tôi thế này:

“Họ làm được thì em cũng làm được”

Cái này không phải tự tin mà là bị say thuốc!

Hôm rồi tôi có lái xe ngang qua Tháp Chàm, nếu tôi nhớ không nhầm thì loại gạch xây nên Tháp Chàm cho tới nay vẫn là điều huyền bí, thách thức cả các khoa học gia thế giới. Một dân tộc tạm cho là ít trình độ khoa học công nghệ hơn nhiều dân tộc khác đi, đã làm được điều đó rồi tới giờ chẳng ai làm được cả! Vậy thì chúng ta nên bớt tự tin kiểu hoang tưởng đi là vừa.

Tôi thì hay nói: “Tôi không biết, nhưng thử coi sao”.

THẾ GIỚI ĐANG BƯỚC SANG NHỮNG LẰN RANH MỚI

Khi khoa học tiến bộ đến ngưỡng của nó thì những nhà khoa học tốt nhất của thế giới này cũng phải há hốc vì những thứ mà họ đang phải đối diện, như lượng tử chẳng hạn. Ngay cả Albert Einstein từng không nhìn nhận đúng về lượng tử, ông từng gọi rối lượng tử là “tương tác ma quái” (spooky interaction) nhưng sau này khi thí nghiệm ược thực hiện thành công thì nó chẳng hề ma quái chút nào mà lại là một bước tiến vĩ đại mở ra hi vọng con người có thể chuyển thông tin tức thời bất chấp khoảng cách.

Thế nhưng cái tôi muốn nói lại là ở bình diện khác, khoa học mặc dù phát triển vượt bậc như vậy nhưng không giải quyết được vấn đề con người. Đáng lẽ ra con người phải sử dụng sự phát triển đó để sống sung sướng hơn, đúng đắn hơn, nhân ái hơn, hòa bình hơn nhưng những gì đang diễn ra đang đi theo hướng ngược lại. Phần đông vẫn chìm trong sự tranh giành, kiểm soát, tàn phá, thu vén, đủ thứ cả.

Khi các thông tin về các cuộc đại chiến giành quyền lực và lợi ích đẫm máu ngay cả trong nội bộ gia đình của những tập đoàn công nghệ sừng sỏ hiện nay đầy các mặt báo, bạn nghĩ gì?

Chúng ta giành cả đời dựng nghiệp rồi để cho con cháu tranh giành nhau hay sao?

Rõ là thế giới càng ngày càng dư dả. Ngay cả ở Việt Nam thì cũng không đến nỗi đói kém. Người Việt vẫn ăn nhậu thoải mái đấy thôi. Nhưng tại sao người ta vẫn bất chấp cả đạo đức để kiếm tiền, hại người hại mình khắp nơi như thế?

Nếu chúng ta không thức tỉnh thì càng làm càng khổ, càng kiếm được tiền, càng thành công càng dễ dàng đưa chúng ta xuống đáy vực của sự tha hoá. Một gia đình thành công giành nhau như quỷ dữ mà vẫn được “thông cảm” vì quá thành công thì đừng hỏi tại sao môi trường kinh doanh cứ mãi là những cuộc cạnh tranh tàn khốc!

Doanh nhân trong thời đại mới cần có phẩm giá. Chúng ta cần làm sao có được sự tôn quý. Nếu chúng ta, doanh nhân Việt bắt đầu đi theo hướng này thì tôi tin chắc trong tương lai chúng ta sẽ xây dựng nên được những điều thực sự tốt đẹp và có giá trị cho con cháu.

Trên đống tro tàn mà nhiều con người mộng mơ hão huyền trong lịch sử đã từng xây dựng nên những thành phố trong mơ, xã hội trong mơ thì chúng ta cũng nên… thử xem sao! Nhưng hãy thử trong sự thức tỉnh!

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close