Làm sao cho mọi người đoàn kết, tin tưởng và nghe lời mình để hướng đến và đạt được mục tiêu chung vừa là mong muốn vừa là nhiệm vụ của những người đứng đầu một tổ chức nói chung, một doanh nghiệp nói riêng.
Việc làm quản lý khi tuổi đời còn quá trẻ đã đặt tôi vào tình thế buộc phải nghiên cứu về thuật ứng xử và dùng người. Với bài viết này, tôi xin chia sẻ tổng kết của mình về những yếu tố quan trọng nhất khiến người khác nghe lời mình và ứng dụng trong quản lý nhân sự.
Sự khác biệt giữa quản lý và lãnh đạo
Nhà quản lý (manager) nói chung là người điều hành người khác trong một tổ chức. Nhà quản lý điều hành thông qua công cụ quyền quản lý. Trong doanh nghiệp, nhà quản lý thường là người lập kế hoạch, yêu cầu nhân viên thực hiện và có quyền thưởng, phạt cấp dưới của mình.
Nhà lãnh đạo (leader) giống như một người thầy dẫn dắt người khác. Nhà lãnh đạo tác động đến người khác thông qua sức ảnh hưởng.
Trong khi nhà quản lý bảo chúng ta phải làm gì, nhà lãnh đạo lại giải thích cho chúng ta vì sao phải làm thế. Nhà quản lý thưởng và phạt, nhà lãnh đạo lại động viên, khuyến khích…
Một nhà lãnh đạo không nhất thiết phải là nhà quản lý. Có nhiều trường hợp, một người không phải là quản lý hay cấp trên, nhưng họ vẫn khiến người khác nể phục, tin tưởng và hành động theo, lúc đó họ vẫn là lãnh đạo.
Trên thực tế, trong doanh nghiệp hay những tổ chức có quy mô nhỏ và vừa, người điều hành thường vừa là nhà quản lý vừa là nhà lãnh đạo. Do vậy, để khiến người khác nghe lời mình, chúng ta cần bám sát “nguyên lý” tác động đến nhân viên/cấp dưới của nhà quản lý và nhà lãnh đạo.
3 quyền của nhà quản lý
Công cụ điều hành của nhà quản lý là quyền quản lý, được thể hiện trong các lĩnh vực cụ thể:
1. Quyền hành chính
Quyền hành chính là quyền hạn được quy định trong quy chế hoạt động của tổ chức: giám đốc quản lý nhân viên, lớp trưởng quản lý sinh viên, cha mẹ quản lý con cái… Quyền hành chính là điều kiện cần để nhà quản lý thực hiện vai trò của mình, giống như câu “danh chính ngôn thuận”, nghĩa là buộc phải có.
Ứng dụng trong điều hành doanh nghiệp: Xác lập địa vị rõ ràng, và thông qua các công cụ như báo cáo, họp hành, thưởng/phạt để điều hành.
2. Quyền kinh tế
Thực tế trong mọi môi trường, ai có tiền người đó có quyền, ai quyết định vật chất người đó có quyền. Vì vậy mà trong công ty, có khi nhân viên không sợ giám đốc mà lại rất sợ trưởng phòng, vì trưởng phòng là người trực tiếp chấm công, đề xuất thưởng, phạt cho họ.
Ứng dụng trong điều hành doanh nghiệp: Luôn suy nghĩ cho quyền lợi của nhân viên, đảm bảo thu nhập để họ an tâm làm việc. Nếu có thể, đừng tiếc thưởng thêm cho họ, thậm chí dùng tiền túi của mình để thể hiện sự quan tâm.
Đặc biệt phải giữ cho việc thưởng/phạt công bằng, minh bạch để mọi người có động lực phấn đấu.
3. Quyền cá nhân
Quyền cá nhân nghĩa là ai gương mẫu trong đời sống và công việc, người đó có quyền. Gương mẫu điểm nào, bạn có quyền điểm đó.
Ví dụ bạn chăm chỉ đi làm đúng giờ, khi nhắc nhở nhân viên đi muộn, họ phải phục. Bạn đạt doanh số cao, khi đề nghị nhân viên phấn đấu hơn, họ sẽ nghe. Người gương mẫu tạo ra sức mạnh sai khiến được người khác, khiến họ vâng lời.
Ứng dụng trong điều hành doanh nghiệp: Đã làm quản lý thì phải rèn lối sống gương mẫu, trong mọi việc mình nên đi đầu, làm tốt trước rồi chỉ cho người khác cách làm, không nên ra lệnh suông theo lối “chỉ tay năm ngón”.
Nếu điểm nào mình chưa thay đổi được thì tuyệt đối không phê bình nhân viên, bởi tuy họ không cãi lại nhưng sẽ phát sinh tâm lý coi thường từ bên trong. Những cấp dưới gặp khó khăn, đừng bỏ mặc mà nên xắn tay giải quyết vấn đề cho họ, thể hiện mình là người “nói được, làm được”.
3 ảnh hưởng của nhà lãnh đạo
Như đã nói, công cụ của nhà lãnh đạo chính là sức ảnh hưởng của họ đối với nhân viên/cấp dưới và những người xung quanh. Nhà lãnh đạo tác động đến người khác bằng yếu tố sau:
1. Tài năng
Tài năng, dù chỉ trong một lĩnh vực cụ thể, vốn dĩ đã tạo sức cuốn hút. Gặp người có tài năng, ta thường cảm phục, ngưỡng mộ và muốn nghe lời, đi theo. Đó là lý do vì sao các ca sĩ, nghệ sĩ có rất nhiều người mến mộ.
Trong công việc cũng vậy, tài năng có thể là kỹ năng chuyên môn, tầm nhìn, khả năng đàm phán, thuyết phục, bán hàng, kỹ năng nói trước đám đông…
Ứng dụng trong điều hành doanh nghiệp: Người lãnh đạo phải rèn luyện tài năng, trình độ của mình. Không ai sinh ra đã giỏi hết mọi việc, vì vậy bạn phải học.
Đừng bao giờ quá tự tin vào hiểu biết của bản thân. Sau khi học được rồi, bạn nên tìm cơ hội chia sẻ lại cho người khác, đừng giấu diếm hoặc giữ riêng của mình.
2. Sự bao dung
Có khi một người không có tài năng hơn ta, nhưng chúng ta vẫn đi theo và hết lòng hỗ trợ họ. Đó có thể là do người đó từng giúp đỡ ta trong cơn khó khăn, cho ta lời khuyên, hoặc tạo điều kiện cho ta phát triển, hay đã đặt niềm tin vào ta khi ta đang bị mọi người quay lưng… Những điều đó làm ta ghi nhớ và sẵn sàng đi theo họ.
Trong Tây Du Ký, ai cũng biết Tôn Ngộ Không có nhiều phép thần thông biến hóa, còn Đường Tăng chỉ là một người bình thường. Nếu về tài phép thì Đường Tăng đương nhiên không bằng Tôn Ngộ Không, nhưng Đường Tăng lại có ơn cứu Tôn Ngộ Không khỏi bị nhốt dưới núi ngũ hành.
Ngộ Không tuy bướng bỉnh nhưng luôn hết lòng phò tá sư phụ mình, đó là vì Ngộ Không nhớ đến tình nghĩa thầy trò và ơn tri ngộ của Đường Tăng, do đó Ngộ Không không những không bỏ mà luôn vào sinh ra tử vì Đường Tăng.
Ứng dụng trong điều hành doanh nghiệp: Người lãnh đạo giỏi không bao giờ gây thù mà chỉ muốn kết bạn. Thứ gì giúp được, cho được người khác thì bạn đừng tiếc làm cho họ.
Đối với nhân viên, chúng ta nên ân cần chăm lo cả vật chất và tinh thần cho họ. Một món tiền thưởng tết, một tin nhắn chia sẻ, một lời khen… có thể bạn quên nhưng nhân viên còn nhớ mãi. Sau này, có thể họ trở thành người giỏi, nhiều doanh nghiệp mời chào, nhưng họ sẽ nhớ đến tình cảm với ta mà vui vẻ ở lại.
3. Đạo đức
Đạo đức là yếu tố mạnh nhất để tạo ra sức thu hút người khác. Người Việt Nam có câu thành ngữ “Đất lành chim đậu”.
Con người ai cũng có xu hướng tìm đến và nương tựa vào những người tốt, khuyên mình điều hay lẽ phải, chăm lo, che chở cho mình. Qua đó, tâm hồn và lý trí của họ cảm thấy bình an, vui vẻ, cuộc sống có ý nghĩa.
Nếu bạn là nhà lãnh đạo thiếu đạo đức, ích kỷ, lừa đảo, dù việc bạn làm không ảnh hưởng đến họ, họ cũng dần bỏ đi, vì họ cảm thấy bạn không xứng đáng với sự kỳ vọng và tin tưởng của họ.
Đạo Nho có nói hành động của người quân tử là “Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ”, nghĩa là gốc rễ của những việc đại sự nằm ở bản thân chúng ta trước tiên. Muốn làm việc lớn, buộc phải rèn luyện đạo đức. Mấu chốt của tu thân là thấy khuyết điểm của mình mà sửa.
Ứng dụng trong điều hành doanh nghiệp: Nhà lãnh đạo mỗi ngày đều nên tự kiểm điểm hôm nay mình có làm gì không hay, không phải, mình còn điều gì khiếm khuyết hay không.
Giống như quy luật phủ định trong triết học, một người không nhìn thấy cái dở của mình thì làm sao tiến về phía trước được. Đạo đức không cần phô bày ra ngoài, chỉ cần thật tâm rèn luyện và sống chân thành, bạn sẽ có được sự yêu mến của những người xung quanh.
Dùng người là một nghệ thuật, nếu bạn hiểu nguyên lý và chuyên tâm thực hành, chắc chắn bạn sẽ trở thành một nhà lãnh đạo tốt, được nhân viên của mình yêu mến.