Doanh nghiệpKinh doanh

Làm ăn với đối tác ngoại: Làm sao thắng thế?

Trong rất nhiều trường hợp, đối tác ngoại nắm lợi thế lớn hơn so với công ty Việt do họ chủ động đưa ra các điều khoản có lợi trong hợp đồng.

Bất lợi cho doanh nghiệp Việt

Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới về cà phê và đứng đầu thế giới về sản lượng cà phê Robusta. Đáng tiếc là doanh nghiệp (DN) cà phê Việt chịu nhiều thiệt thòi vì thường ký hợp đồng theo các mẫu chủ yếu do nhà nhập khẩu đưa ra, tức hoàn toàn bị động trước đối tác ngoại.

“Những mẫu hợp đồng này chủ yếu đảm bảo quyền lợi của chính họ, như người mua có quyền bớt tiền khi chất lượng không đảm bảo, cân hàng ở cảng đến… Điều này rất bất lợi cho công ty Việt” – đại diện một công ty xuất khẩu cà phê thừa nhận.

Hệ quả là chỉ cần lấy lý do chất lượng sản phẩm không đạt hoặc có khác biệt là bên mua có quyền bớt tiền, phạt. Đó là chưa kể rất nhiều hợp đồng xuất khẩu mà công ty Việt ký kết đều có điều khoản nếu xảy ra tranh chấp thì giải quyết bằng trọng tài quốc tế tại London, Hamburg, Le Havre; có rất ít hợp đồng sử dụng trọng tài quốc tế tại Việt Nam. Như vậy DN Việt hoàn toàn bất lợi trong việc giải quyết tranh chấp.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Công ty Gạo Việt Hưng Nguyễn Văn Đôn nhìn nhận, DN Việt thường không chú ý đến các điều khoản về giải quyết tranh chấp tại các trung tâm trọng tài quốc tế.

“Phán quyết của trung tâm trọng tài quốc tế thường có hiệu lực thực thi đối với cả DN Việt lẫn đối tác. Có điều nếu giải quyết tranh chấp tại các trung tâm trọng tài ở các nước khác mà không phải tại Việt Nam thì chi phí rất cao. Ví dụ thuê luật sư, thuê phiên dịch viên tính theo giờ; chi phí đi lại, ăn ở cũng rất tốn kém. Đó là chưa kể DN Việt không hiểu rõ pháp luật nước bạn nên chịu nhiều thiệt thòi. Do đó DN Việt chú ý nên chọn Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) để bảo vệ quyền lợi chính đáng với chi phí thấp hơn. Trong một số trường hợp, khi ký hợp đồng, DN cũng phải ghi rõ luật áp dụng khi có tranh chấp là theo luật Việt Nam”, ông Đôn khuyến cáo.

Một số DN khác cũng cho hay trong vụ tranh chấp với công ty của chồng ca sĩ Thu Minh là Global Home, hợp đồng cung ứng sản phẩm gỗ cho Global Home chỉ được ký một lần (hợp đồng khung). Chi tiết các lần giao hàng sau đó (phụ lục hợp đồng) chỉ được 2 bên giao dịch qua thư điện tử, dù các phụ lục này chứa các điều khoản quan trọng về số lượng và thời gian giao, nhận hàng.

Trong hợp đồng khung, tại mục tranh chấp, đơn vị được chỉ định là nơi giải quyết tranh chấp là tòa trọng tài ở Hong Kong, với pháp luật được áp dụng là luật của Anh. Như vậy, đối tác ngoại nắm lợi thế lớn hơn so với công ty Việt do những khác biệt về áp dụng luật.

Phải biết cách chơi với đối tác ngoại

Đại diện nhiều công ty cho rằng các rủi ro trong thương mại quốc tế có thể phòng ngừa được. Đáng tiếc là không ít trường hợp tranh chấp xảy ra khi DN không biết có luật gì đang điều chỉnh hoạt động của mình, quy chuẩn, tiêu chuẩn nào đang áp dụng cho sản phẩm của mình.

Không chỉ vậy, luật sư Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, điểm yếu của các DN nước ta là thiếu liên kết, ít chia sẻ, mạnh ai nấy làm. DN này mắc lỗi, một thời gian sau đến DN khác trong ngành mắc đúng lỗi đó.

“Ở đây vai trò liên kết của các hiệp hội rất quan trọng, làm sao để các DN ngành mình giảm thiểu thiệt hại và nâng cao vị thế trong đàm phán thương mại quốc tế. Mỗi ngành có sản phẩm đặc thù, cách lấy mẫu, kiểm tra chất lượng, phương thức giao hàng khác nhau. Vì vậy tự mỗi ngành có thể thuê luật sư, chuyên gia, các trung tâm trọng tài… tư vấn để soạn ra được một hợp đồng mẫu cho DN trong hội ngành mình sử dụng. Ở nhiều nước, DN có thể tận dụng hợp đồng mẫu của ngành mình và tránh sơ suất, giảm thiểu rủi ro”, ông Bắc nói.

Thậm chí tùy vào vị thế của mình trong thị trường quốc tế mà ngành đó đưa vào hợp đồng mẫu các điều khoản thuận lợi hơn cho mình. Ví dụ Việt Nam có ưu thế về xuất khẩu gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu… hay nhập khẩu nguyên phụ liệu và xuất hàng gia công. Do đó các hội ngành này nên đưa ra điều khoản như chọn nơi giải quyết tranh chấp tại Việt Nam, chọn đơn vị kiểm định tại Việt Nam.

Một số DN cũng chia sẻ kinh nghiệm rằng chi phí luật sư cho các vụ tranh chấp không hề rẻ. Do đó, DN phải nắm rõ giá cả các khoản chi khi giải quyết tranh chấp. Nếu thỏa thuận chọn một nơi giải quyết tranh chấp quá tốn kém, DN coi như nắm dao đằng lưỡi. Khi tranh chấp xảy ra, DN không đủ sức lực, tiền của để đi giải quyết, đành mất cả chì lẫn chài.

Đặc biệt, các DN Việt cần hiểu rõ đối tác mình định hợp tác là ai dựa vào các căn cứ pháp lý rõ ràng và chắc chắn chứ không thể tìm hiểu đối tác bằng niềm tin mơ hồ và cảm nhận. Đồng thời không đặt bút ký hợp đồng khi chưa chắc chắn hoặc chưa hiểu rõ các điều khoản của hợp đồng và nên mời luật sư, chuyên gia pháp lý tư vấn.

Các DN cũng phải kiểm soát chặt chẽ khâu thanh toán, tốt nhất là hướng đến xuất khẩu trực tiếp để thanh toán bằng L/C. Ông Nguyễn Nam Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho biết, hiện tại DN nước ta chủ yếu bán theo dạng FOB (giao hàng tại cảng Việt Nam, mọi chi phí vận chuyển hợp đồng phía mua chịu). Tuy nhiên, giải pháp lâu dài liên quan vấn đề thanh toán xuất nhập khẩu, các DN nên đề nghị đối tác sử dụng L/C mở tại các ngân hàng uy tín, đồng thời hạn chế cho khách hàng trả chậm.

“Trường hợp nếu sử dụng hình thức thanh toán D/P (nhờ thu kèm chứng từ), DN nên kèm theo điều khoản tiền đặt cọc, tốt nhất là từ 30% trở lên để đảm bảo an toàn cho đơn hàng”, ông Hải khuyến cáo.

Lưu ý thỏa thuận trong hợp đồng

Giao kết truyền thống đang ngày càng mất vị trí chủ đạo mà các DN chủ yếu giao kết qua mạng như email, chat. DN nước ta cần nghiên cứu áp dụng trong giao kết, tránh sơ hở về mặt pháp lý làm cho hợp đồng vô hiệu.

Trong trường hợp không giao kết bằng những hợp đồng văn bản nên xác nhận lại bằng văn bản vì: Nhiều nước không công nhận giá trị hợp đồng giao dịch bằng fax, hộp thư giao dịch điện tử có thể mất do nhiều nguyên nhân như virus, tràn bộ nhớ, hỏng hóc.

Đặc biệt lưu ý thỏa thuận ngay khi giao kết: Luật nào áp dụng để giải thích hợp đồng trong trường hợp hợp đồng không thỏa thuận rõ. Nếu không khi tranh chấp phát sinh không có căn cứ phân định ranh giới trách nhiệm các bên; cần chọn ngay cơ quan giải quyết tranh chấp, đề phòng tranh chấp phát sinh không có cơ quan nào giải quyết trong khi hai bên hợp đồng không tự giải quyết được.

TS. PHẠM VĂN CHẮT – trọng tài viên VIAC

Có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp

Khi xảy ra tranh chấp thì trọng tài trong nước có thể áp dụng ngay biện pháp khẩn cấp tạm thời nếu DN có đơn yêu cầu. Còn nếu chọn trọng tài nước ngoài thì việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam là điều không đơn giản.

Bởi muốn vậy thì phải trải qua thủ tục tương trợ tư pháp và được tòa án Việt Nam ra quyết định thi hành. Trong khi Việt Nam chỉ mới ký hiệp định tương trợ tư pháp với rất ít quốc gia trên thế giới.

LS. VŨ ÁNH DƯƠNG – Tổng Thư ký VIAC

QUANG HUY – QUỲNH NHƯ/PLO

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close