Quản trịTruyền thông

Làm MV: Cần dung hòa quảng cáo và nghệ thuật

Khoảng 3 năm trở lại đây, khi album ca nhạc không còn sức hút trên thị trường và người nghe chuyển hướng sang xem, nghe, tải nhạc trực tuyến thì MV ca nhạc đua nhau ra đời. Từ những thí sinh mới bước ra từ một gameshow ca hát cho đến những ca sĩ chưa nổi, mới nổi, trở lại sau nhiều năm vắng bóng và cả ca sĩ rất nổi tiếng đều đổ xô làm MV.

Mức độ đầu tư cho một MV hiện nay không chỉ có kinh phí lớn mà cả ý tưởng cũng phải nổi bật. Vì MV được xem như một sản phẩm độc lập, mang lại lợi nhuận cho ca sĩ thông qua các kênh phát hành trực tuyến, trong đó phải kể đến YouTube, có thể lên tới hàng triệu lượt xem. Dự báo, xu hướng làm MV vẫn thống lĩnh trong năm 2017, khi hầu hết ca sĩ bây giờ đều có kênh phát hành MV trên YouTube.

Hiện nay, nhìn thấy tiềm năng vô cùng lớn của xu hướng làm MV ca nhạc đang là hướng đi chính của ca sĩ, nhiều doanh nghiệp đã nhảy vào tài trợ lồng ghép quảng cáo vào nội dung. Theo đó, ca sĩ và nhãn hàng đều có lợi: ca sĩ có thêm kinh phí để sản xuất MV, còn sản phẩm được người xem biết đến nhiều hơn.

Đặc biệt, so với quảng cáo truyền thống thì tài trợ cho MV ca nhạc đang tỏ ra có ưu thế vượt trội hơn về số lượng người xem cũng như sức lan tỏa, và chi phí cũng tiết kiệm hơn. Trung bình một MV nếu đạt sự tương tác lớn và độ lan tỏa sẽ có khoảng 1 – 2 triệu lượt xem trở lên trên YouTube. Có MV như Bống Bống Bang Bang của nhóm 365 đã đạt 100 triệu lượt xem sau 6 tháng phát hành.

Hiện nay có 2 hình thức tài trợ cho MV ca nhạc phổ biến. Một là cho các sản phẩm tham gia “diễn xuất” trực tiếp cùng ca sĩ hay diễn viên minh họa, như sử dụng điện thoại, túi xách, quần áo, xe hơi, giày… Hai là sản phẩm đó được làm nền cho một cảnh quay.

>> Gameshow ca nhạc năm 2017: Vui là chính

Một thành công nhờ kết hợp quảng cáo sản phẩm trong MV được nhắc đến nhiều thời gian gần đây là của một nhãn giày, khi xuất hiện trong MV Lạc trôi của ca sĩ Sơn Tùng-MTP và MV Đi rồi trở về của ca sĩ Soobin Hoàng Sơn đã tạo hiệu ứng truyền thông rất tốt và đẩy doanh số tăng vọt.

Tuy nhiên việc MV ca nhạc lồng ghép quảng cáo cũng gây khó chịu cho người xem. Bởi ranh giới giữa “chèn” thương hiệu khéo léo và lộ liễu rất mong manh. Bên cạnh đó, trước tình trạng cạnh tranh đang diễn ra khá quyết liệt, không ít ca sĩ lo chạy theo “view” đã cho “xuất xưởng” MV kém chất lượng với nội dung thiếu chất nghệ thuật và thừa quảng bá cho các nhãn hàng.

Từ đầu năm 2017 đã có những tranh cãi xung quanh câu chuyện ca sĩ sử dụng MV để quảng cáo cho các nhà tài trợ. Đơn cử như MV Lạc trôi dù cán mốc 40 triệu lượt xem trong 10 ngày phát hành, nhưng nhiều người không hài lòng khi ca từ và giọng hát của Sơn Tùng thể hiện ca khúc không để lại nhiều ấn tượng, nhiều đoạn không nghe rõ lời. Và bên cạnh những cảnh quay liêu trai kỳ bí, MV này lại khiến nhiều người chú ý bởi đôi giày hiện đại lạc lõng trong bối cảnh của một MV cổ trang. Một số MV của các ca sĩ khác cũng khiến khán giả phản ứng với sự xuất hiện quá dày sản phẩm điện thoại, nước giải khát…

Có thể thấy, việc dung hòa giữa một MV nghệ thuật đúng nghĩa với một đoạn phim ca nhạc quảng cáo thuộc trách nhiệm không chỉ của ca sĩ, ekip thực hiện mà còn của doanh nghiệp tài trợ.

ĐINH NGUYỄN

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close