Công nghệKhởi nghiệpKinh doanhThời đại số
Mô típ của 1 startup kinh điển: 11 năm không cần đầu tư, nhận đầu tư xong liền bán mình cho đại gia
Dyn đã được Oracle mua lại với giá hơn 600 triệu USD. Hành trình 15 năm của Dyn đã kết thúc với đầy đủ màu sắc của một startup trong đó
Hôm thứ Hai vừa qua, hãng phần mềm hàng đầu thế giới là Oracle đã thông báo rằng mình đã mua lại thành công Dyn – một công ty hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp tên miền và máy chủ tại Mỹ.
Gã khổng lồ Oracle không công bố các điều khoản trong thỏa thuận mua lại, thế nhưng ông Dan Primack, một cựu biên tập viên tạp chí Fortune đã dự đoán rằng giá trị của thương vụ này là lên đến trên 600 triệu USD.
Ngay lập tức, thương vụ này đã thu hút được sự quan tâm của dư luận bởi lẽ rất hiếm khi người ta mới thấy Oracle tham gia vào một thương vụ M&A lớn như thế này.
Thương vụ này còn được chú ý bởi chỉ ngay vài tuần trước, cái tên Dyn cũng đã làm dư luận phải xôn xao khi công ty này phải hứng chịu một vụ tấn công DDoS kỷ lục, khiến Internet Mỹ “tê liệt” và người dùng dùng Twitter, SoundCloud, Spotify, Shopify… đã không thể kết nối với các trang web này trong suốt một ngày.
Dyn – anh là ai ?
Câu chuyện của Dyn là một trong những điển hình về mô típ khởi nghiệp ở thung lũng Silicon: sản phẩm đột phá, phát triển, gọi vốn, bất đồng và cuối cùng là bán đi. Chỉ khác là nó đã diễn ra tại Manchester, bang New Hampshire, với một nhà sáng lập kiêm CEO (giờ đã nhà cựu sáng lập – cựu CEO) là ông Jeremy Hitchcock .
Vậy sản phẩm của Dyn thực sự là gì ?
Ông lớn này rất uy tín trong lĩnh vực cung cấp tên miền DNS, được sử dụng phổ biến để truy cập điều khiển từ xa cho máy tính, sever, điển hình là dùng để làm tên miền camera truy cập từ xa …
Hiện nay, Dyn đang duy trì sự hoạt động cho 3.500 website của khách hàng và mỗi ngày có tới 40 tỷ lần truy cập vào những trang website này mà thông qua dyndns.
Dyn bắt đầu được nhắc đến khi đã được định giá hơn 350 triệu USD và gọi thành công số tiền 88 triệu USD từ các nhà đầu tư gồm North Bridge Venture Partners và Pamplona Capital Management.
Cho đến trước khi thương vụ với Oracle diễn ra, tổng cộng số tiền gọi vốn mà Dyn đã gọi được lên đến hơn 100 triệu USD, theo PitchBook.
Từ một nút “hãy quyên góp cho chúng tôi” đến công ty triệu đô – câu chuyện điển hình của các startup thời kim tiền
Hitchcock và người đồng sáng lập của mình – Tom Daly đã bắt đầu với Dyn khi mới là những chàng trai ở độ tuổi 20. Đây là một dự án mã nguồn mở miễn phí mà cả 2 đã thực hiện khi cùng học đại học tại Viện Bách Khoa Worcester.
Ban đầu, Dyn mới chỉ là một hệ thống máy móc đặt trong khu ký túc xá ở Viện Bách Khoa Worcester. Giống như mọi startup khác, Dyn gần như đã phải “dẹp tiệm” khi cả 2 thành viên sáng lập không còn một đồng nào.
CEO Hitchcock trả lời báo giới về khoảng thời gian này: “Trên website, chúng tôi đưa ra một nút “quyên góp” (những người dùng sẽ tự nguyện quyên góp tiền cho Dyn) nhưng rút cục không có nhiều tiền được quyên góp đến, và vì vậy chúng tôi quyết định ra “tối hậu thư” nói cho người dùng rằng nếu bạn không quyên góp đủ cho Dyn 25.000 USD trong tuần tới, Dyn sẽ buộc phải đóng cửa”.
Và kết quả của “tối hậu thư” này là rất tích cực. “Chúng tôi cuối cùng đã nhận được 40.000 USD”. Hitcock nói với tờ Business Insider.
Vào thời điểm đó, Hitchcock và Daly đã khá choáng váng. Họ nhận ra rằng Dyn không chỉ đơn giản được tạo ra để giúp người dùng về vấn đề tên miền. Nó là một thứ ra tiền thực sự và đây là cơ hội kinh doanh ngàn vàng.
Ngay lập tức, Hitchcock gọi York đang sống ở Los Angeles, một người anh quen từ hồi học trung học, để mời anh này về để làm marketing cho Dyn.
Có được York, cả 3 người đã cho Dyn hoạt động trong khoảng thời gian tới 11 năm mà không cần lấy một xu tiền đầu tư nào. Và chính trong thời gian này, Dyn phát triển rất nhanh, ghi dấu như một “con ngựa ô” trong lĩnh vực cung cấp tên miền tại Mỹ.
Thế nhưng, sự bất đồng đã bắt đầu xảy đến khi Dyn nhận những đồng vốn đầu tư đầu tiên. Năm 2012 khi Dyn nhận 38 triệu USD đầu từ từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Sau khoản đầu tư này, Tom Daly đã quyết định ra đi.
Vào tháng 5 vừa qua, Dyn lại được đầu tư 50 triệu USD và đến lượt Hitchcock rời vị trí CEO, mặc dù ông vẫn giữ một ghế trong hội đồng quản trị Dyn .
Hitchcock trấn an dư luận bằng cách nói với tờ Tech Crunch rằng ông hoàn toàn không bị ép buộc phải rời vị trí CEO. Giờ đây, với số tiền bán Dyn trong tay, ông trở thành một nhà đầu tư thiên thần lớn và đang đổ tiền vào tổng cộng 17 startup. Trong 3 người ban đầu, chỉ còn mỗi York vẫn còn ở lại với Dyn.
Về phần Oracle và thương vụ trăm triệu USD này, có thể hình dung việc Oracle mua lại Dyn giống như việc Google hồi tháng 9 đã dành 625 triệu USD ra để có được Apigee – một công ty cung cấp nền tảng quản lý API khá lớn mạnh lúc đó với 92 triệu USD doanh thu hàng năm.
Ý đồ của Oracle là kết nối các giải pháp phân giải tên miền của Dyn với nền tảng điện toán đám mây lớn hơn của Oracle. Đây là nơi Oracle đang bán và cung cấp những sản phẩm khác nhau của các dịch vụ hạ tầng IaaS và nền tảng PaaS.
Đây chính là các sản phẩm đối trọng với dịch vụ AWS mà Amazon đang cung cấp. Hãy thử nghĩ xem nếu như con số 3.500 khách hàng của Dyn được Oracle tận dụng hiệu quả thì Amazon sẽ phải dè chừng đến mức nào.
Theo Trí Thức Trẻ/Business Insider