CEO Thế giớiNhân vật

Từ người bán máy tính thành “ông trùm” M&A Nhật Bản

10 năm sau khi được niêm yết, giá cổ phiếu của công ty tư vấn M&A Nihon do Yasuhiro Wakebayashi sáng lập đã tăng gần 13 lần.

Năm 1991, sau 25 năm liền làm nghề chào hàng và bán máy vi tính cho các văn phòng trên khắp nước Nhật, Yasuhiro Wakebayashi quyết định nghỉ việc tại công ty Olivetti Nhật Bản để bước vào một cuộc phiêu lưu mới.

Cùng với bạn đồng nghiệp cũ Suguru Miyake, ông bước chân vào lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ là tư vấn / môi giới M&A, và đặt tên cho công ty của mình là Nihon M&A. Với kinh nghiệm nhiều năm liền gặp gỡ và trao đổi với các lãnh đạo doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nhật, Yasuhiro phát hiện ra rằng rất nhiều người trong số họ không tìm được ai để kế nghiệp hay tiếp quản lại công ty của mình.

Masao Takeuchi là một doanh nhân như vậy. 28 năm về trước, sau khi bỏ việc ở Hitachi ở độ tuổi 35, Takeuchi đã sáng lập nên một công ty phần mềm của riêng mình. Lúc đó, Takeuchi khó khăn tới nỗi ông phải tự mình làm hết mọi thứ từ một căn phòng bé tí, nơi ông vừa làm việc vừa ngủ. Giờ đây, công ty của Takeuchi đã có khoảng 90 nhân viên, với hàng loạt khách hàng là những công ty bluechip của Nhật Bản.

Tuy nhiên, khi tới tuổi 59, Takeuchi nhận ra rằng nếu ông muốn về hưu thì lại không tìm được ai kế nghiệp. Ông không có con nối dõi, và trong đội ngũ nhân viên cũng không ai có đủ tiền để mua lại công ty.

Đó chính là lúc Nihon M&A xuất hiện. Họ nhanh chóng giới thiệu Takeuchi với một vị doanh nhân trẻ ở một tỉnh xa của nước Nhật, vốn đang muốn tìm đầu cầu để tiến vào thị trường phần mềm Tokyo. Vài tháng sau đó, Takeuchi bán lại luôn công ty cho đối tác này. Sau buổi ký kết hợp đồng tại văn phòng của Nihon M&A ở Tokyo, Takeuchi tuyên bố: “Tôi cảm thấy như đã trút bỏ được gánh nặng khỏi vai mình. Tôi biết là sớm muộn gì mình cũng phải rút lui”.

Thương vụ của Takeuchi chỉ là một trong số 110 vụ M&A mà Nihon thực hiện thành công trong năm 2013. Kể từ khi lên sàn niêm yết từ năm 2006 tới nay, số thương vụ M&A mà Nihon môi giới đã không ngừng tăng lên, và giá cổ phiếu của hãng cũng đã tăng gần 13 lần. Theo Yasuhiro cho biết, “70-80% lý do để các doanh nhân Nhật bán lại công ty của họ là do gặp khó khăn trong việc tìm người kế nghiệp”.

Tu nguoi ban may tinh thanh “ong trum” M&A Nhat Ban
Doanh nhân Masao Takeuchi. Ảnh: Nihon M&A

Việc chuyển đổi nghề nghiệp từ bán máy vi tính sang tư vấn M&A của Yasuhiro và Miyake thoạt nhìn thì có vẻ là rất kỳ lạ, nhưng thực ra cả 2 công việc này đều có một điểm chung: tận dung được mạng lưới quan hệ xã hội khổng lồ với các công ty kế toán, ngân hàng địa phương và doanh nghiệp mà họ đã tích lũy được sau nhiều năm làm việc ở Olivetti. Ông Yoichiro Watanabe, nhà phân tích tại công ty chứng khoán Mito, nhận xét rằng mạng lưới xã hội của ban lãnh đạo Nihon là lớn nhất trong số các công ty tương tự ở Nhật Bản.

Trả lời phỏng vấn với Bloomberg, ông Miyake, năm nay 64 tuổi và đang giữ chức chủ tịch Nihon, cho biết: “Chúng tôi là những người đi làm nghề mai mối. Hàng ngàn doanh nghiệp cần các dịch vụ như vậy, nhưng gần như chả có ai cung cấp cho họ cả”.

Gần 2/3 số doanh nghiệp Nhật hiện nay chưa tìm được nhà lãnh đạo kế vị. Trong khi đó, số người ở tuổi lao động của nước này đang trên đà giảm mạnh: từ 80 triệu trong năm 2000 dự báo còn 40 triệu trong năm 2060, theo Miyake. Điều đó có nghĩa là nhu cầu tiêu dùng sẽ giảm mạnh, và rất nhiều trong số 4 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật sẽ phải đóng cửa.

“Nếu mức tiêu dùng giảm một nửa, số công ty cũng sẽ giảm theo chừng đó. Sẽ có 2 triệu công ty phá sản hoặc được bán lại”, Miyake nhận định.

Tu nguoi ban may tinh thanh “ong trum” M&A Nhat Ban
Ông Suguru Miyake, Chủ tịch Nihon M&A. Ảnh: Bloomberg

Chiến lược của Nihon M&A là theo đuổi các thương vụ cỡ vừa và nhỏ mà những ngân hàng đầu tư hay quỹ góp vốn tư nhân bỏ qua. Hầu hết lợi nhuận của Nihon là đến từ những thương vụ dành cho các doanh nghiệp có 10-100 nhân viên. Mức phí của Nihon cũng rẻ hơn so với các công ty tương tự đến từ nước ngoài. Hiện tại, đội ngũ 200 nhà tư vấn của Nihon đang xử lý khoảng 500 thương vụ M&A mỗi năm, trong đó tỷ lệ thành công là 50%. Theo Miyake, việc hiểu và chọn đúng người là rất quan trọng trong công việc này: “Việc chọn người đúng là rất khó, vì vậy không phải ai cũng thành công được”.

Từ năm 2006 tới nay, giá cổ phiếu Nihon đã tăng 1.170%, và trong quý gần đây nhất thì lợi nhuận của họ đã tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Cổ phiếu Nihon cũng được xem là “con cưng” của một số nhà đầu tư sừng sỏ nhất Tokyo, trong đó có Hideo Shiozumi, người đang quản lý gần 900 triệu USD cho Legg Mason. Shiozumi cho biết ông chọn đầu tư vào Nihon vì công ty này được hưởng lợi từ sự biến chuyển cơ cấu dân số của nước Nhật.

Tu nguoi ban may tinh thanh “ong trum” M&A Nhat Ban
Giá cổ phiếu của Nihon M&A đã tăng cực mạnh kể từ khi được niêm yết cách đây 10 năm. Ảnh: Bloomberg

Một nhà quản lý quỹ khác là Praveen Kumar của Baillie Gifford & Co. thì nhận xét: “Nihon đã biến điểm yếu của cơ cấu dân số Nhật thành thế mạnh của mình. Thành công của họ đến từ đội ngũ tư vấn, vì bạn phải biết cách hướng dẫn và thuyết phục những nhà sáng lập lớn tuổi rằng việc bán lại công ty là một điều tốt”.

Lúc Takeuchi định bán lại công ty phần mềm của mình, ban đầu ông cũng muốn bán cho một tập đoàn lớn, vì nghĩ rằng điều đó sẽ làm cho các nhân viên thấy an tâm hơn. Tuy nhiên, Nihon đã làm ông thay đổi suy nghĩ đó, với lời khuyên rằng sự phù hợp về môi trường và văn hóa là quan trọng hơn quy mô.

Ngoài ra, Nihon cũng góp phần làm thay đổi một lối tư duy cũ của người Nhật. Trước đây, nhiều doanh nhân cho rằng việc bán lại công ty do chính họ sáng lập là một điều xấu hổ. Nihon đã tổ chức hàng loạt buổi seminar để thay đổi điều đó.

“Nhiều người cho rằng ‘đã đóng thuyền thì phải chìm cùng thuyền’, nhưng thời thế đã thay đổi rồi. Giờ thì họ thích được đi chơi khắp nơi với vợ mình trong lúc vẫn đang còn ở tuổi đủ sức khỏe”, Miyake cho biết.

Tu nguoi ban may tinh thanh “ong trum” M&A Nhat Ban
Yasuhiro Wakebayashi, nhà sáng lập Nihon M&A. Ảnh: Nihon M&A

Cách đây 3 năm, Nihon đã có một thương vụ rất đáng nhớ. Một chủ doanh nghiệp mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối đã dồn hết sức lực để sống lâu hơn dự đoán của bác sĩ, để kịp bán công ty của mình và bảo đảm cho các nhân viên của ông giữ được việc làm. Vị doanh nhân này đã ký hợp đồng ngay trên giường bệnh, và qua đời 4 ngày sau đó.

“Khi làm công việc này, bạn chẳng buồn xem TV hay chơi cờ bạc nữa, vì mức độ kịch tính mà bạn gặp trong công việc có thể vượt xa những thứ đó. Dù là công ty lớn hay nhỏ, bao giờ cũng có một câu chuyện đáng kể lại đằng sau đó”, Miyake nhận định.

Hiện tại, Nihon đang lên kế hoạch mở rộng hoạt động sang các thị trường Đông Nam Á, với trọng tâm là các nước Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia.

Tuấn Minh/NCĐT

Nguồn Bloomberg

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close