Cách bạn giải phóng sự sáng tạo chính là tập trung năng lượng tư duy vào một vấn đề trong một thời điểm và sử dụng một trong những cách sau đây.
Một diễn giả nổi tiếng thường hay hỏi khán giả của mình “Công việc nào được trả mức lương cao nhất ở Mỹ?” Có rất nhiều câu trả lời, từ chính trị gia đến diễn giả hay luật sư. Sau đó, ông đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho họ: Mức lương cao nhất ở Mỹ là dành cho việc tư duy.
Cân nhắc hậu quả
Đây là điểm quan trọng. Bạn có thể xác định hành động có giá trị hay không bằng cách đo lường hậu quả tiềm ẩn nếu làm hay không làm nó. Phân tích hậu quả tiềm ẩn của bất kỳ hành động hay thái độ nào là một cách tốt để sắp xếp thứ tự ưu tiên như sau: những việc quan trọng sẽ có hậu quả tiềm ẩn lớn, tiếp đến là những việc không quan trọng, mang lại ít giá trị và thường không để lại hậu quả gì. Điều này luôn đúng dù bạn có làm hay không làm việc đó.
Suy nghĩ cẩn trọng chắc chắn sẽ giúp bạn xác định được những hậu quả tiềm ẩn nhất trong mọi việc bạn làm hằng ngày, hằng giờ. Một suy nghĩ, ý tưởng hay nhận định tốt có thể thay đổi cả cuộc đời bạn, đặc biệt trong thời kỳ vượt qua khủng hoảng. Đó là lý do vì sao việc bạn giải phóng sự sáng tạo của mình lại là chìa khóa để tạo ra những kỳ tích cho bản thân và gia đình.
Albert Einstein từng viết, “Mọi đứa trẻ sinh ra đều là một thiên tài”. Thực tế, từ khi sinh ra, bạn đã có tiềm năng trở thành một thiên tài. Bạn có khả năng giải quyết vấn đề và đạt được mục đích, nhưng bạn phải vận dụng sự sáng tạo để làm được điều đó.
Sự sáng tạo phát triển thông qua tập luyện
Sự sáng tạo giống như cơ bắp lớn dần lên qua luyện tập. Càng nghĩ ra nhiều ý tưởng để giải quyết vấn đề và cải thiện cuộc sống, bạn càng có nhiều ý tưởng hơn cho những lần gặp vấn đề sau. Khai thác sức mạnh của sự sáng tạo sẽ khiến bạn trở nên thông minh hơn và có thể cải thiện được cuộc sống và công việc theo nhiều hướng.
Định nghĩa chính xác của sự sáng tạo đơn giản là “sự tiến bộ” (improvement). Bất cứ lúc nào bạn sử dụng tư duy để thay đổi cách làm một việc, để cải thiện hiệu suất của nó theo cách nào đó, bạn đang vận dụng sự sáng tạo. Khi đối mặt với khủng hoảng trong cuộc sống hay công việc, bạn cần tới sức mạnh sáng tạo hơn lúc nào hết để giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định đúng đắn.
Sắp xếp suy nghĩ
Đây là cách đơn giản để mở ra cánh cửa sáng tạo của bạn. Bạn cần tư duy có tổ chức.
Hãy bắt đầu bằng việc đặt câu hỏi, “Chính xác thì vấn đề là gì?” Nếu bạn đang làm việc một mình, hãy viết rõ vấn đề ra giấy. Nếu bạn đang làm việc nhóm, hãy viết rõ vấn đề lên bảng để mọi người đều có thể nhìn thấy.
Khi tất cả đều đồng ý rằng những vấn đề đó đang tồn tại, bạn cần đưa ra câu hỏi quyết định: “Còn vấn đề nào nữa không?”
Hãy để ý đến những vấn đề có cùng cách hiểu.
Ví dụ, vấn đề thường được đề cập đến là “Doanh số bán hàng của chúng ta quá thấp”. Khi bạn hỏi, “Còn vấn đề gì nữa không?”, câu trả lời có thể là “Doanh số bán ra của các đối thủ cạnh tranh quá cao”. Khi bạn tiếp tục hỏi lại “Còn vấn đề gì nữa không?”, câu trả lời cũng có thể là “Khách hàng thích sản phẩm của đối thủ hơn của chúng ta”. Nếu hỏi lại một lần nữa, bạn sẽ nhận được câu trả lời là “Chúng ta đang không bán ra đủ sản phẩm như đối thủ cạnh tranh.”
Xác định giải pháp đúng đắn
Một khi đã tìm ra vấn đề thực sự, thường không phải một vấn đề hiển nhiên, câu hỏi tiếp theo bạn cần đặt ra là, “Cách giải quyết lý tưởng cho vấn đề này là gì?”
Cách giải quyết đầu tiên được đưa ra có thể sẽ rất thông thường như: “Hãy tăng doanh số bán hàng!” Tuy nhiên, bạn cần tự tiếp tục hỏi bản thân những câu hỏi dạng “còn gì nữa” thêm một vài lần. Còn cách giải quyết nào khác cho vấn đề này? Một lần nữa, nguyên tắc là hãy cẩn thận với những vấn đề có nhiều cách giải quyết khác nhau nhưng thực chất chỉ là một.
Càng nhìn nhận vấn đề theo nhiều hướng, bạn càng có thể tìm ra nhiều giải pháp tốt hơn và sáng tạo hơn. Bạn có thể tăng khả năng giải quyết vấn đề của mình lên gấp 10 lần, 20 lần, thậm chí 50 lần bằng cách đặt vấn đề và đưa ra giải pháp một cách chính xác.
Tập “mở rộng suy nghĩ” (mind-storming) về các vấn đề của bạn
Một cách khác có thể ngay lập tức giải phóng sự sáng tạo của bạn là phương pháp 20 ý tưởng, hay còn gọi là “mở rộng suy nghĩ” (mind-storming). Đây là phương pháp hiệu quả nhất để suy nghĩ một cách sáng tạo và giải quyết vấn đề. Rất nhiều người đã sử dụng phương pháp này để tạo ra những chuyển biến trong công việc và cuộc sống của họ.
Đây là cách nó hoạt động, đặt ra mục tiêu hay vấn đề chính của bạn và viết nó dưới dạng câu hỏi. Ví dụ, nếu mục tiêu của bạn là tạo ra 50.000 đô-la vào cuối tháng, bạn có thể viết câu hỏi: “Chúng ta cần làm gì để có được thêm 50.000 đô-la trong 30 ngày tới?”
Sau đó, bạn hãy viết ra ít nhất 20 câu trả lời cho câu hỏi của bạn. Bạn có thể viết nhiều hơn 20 câu trả lời, tuy nhiên, con số này đã được chứng minh là có thể tận dụng tối đa sự sáng tạo của bạn.
Ba đến năm câu trả lời đầu tiên sẽ rất dễ dàng. Năm đến mười câu tiếp theo sẽ khó hơn và những câu trả lời cuối cùng sẽ cần tận dụng tối đa óc tư duy của bạn. Và chính câu trả lời thứ 20 mới là đáp án hoàn hảo mà họ đang tìm kiếm để thực sự giải quyết được vấn đề.
Hành động ngay lập tức
Khi đã có được 20 câu trả lời, bạn hãy chọn lấy ít nhất một phương án và bắt đầu thực hiện theo ngay lập tức, càng nhanh càng tốt. Việc hành động ngay sẽ giữ cho mạch sáng tạo của bạn được duy trì trong tư duy. Trong vài giờ tiếp theo, trí óc của bạn sẽ được khai phá hơn và bật ra được những nhận định và ý tưởng dẫn đến những bước đột phá lớn.
Hãy chuẩn bị tinh thần tiếp nhận những phản hồi và tự sửa đổi bản thân. Không quan trọng ý tưởng nghe hấp dẫn đến đâu, nó cũng chỉ là bước đầu tiên trên một chặng đường dài. Đôi khi, với việc thử nghiệm một ý tưởng mới, bạn sẽ ngay lập tức nhận được phản hồi khiến bạn phải chỉnh sửa nó hay phải thử lại với một vài ý tưởng khác.
Đừng bao giờ quên, bạn là một thiên tài tiềm ẩn. Cách bạn giải phóng sự sáng tạo chính là tập trung năng lượng tư duy vào một vấn đề trong một thời điểm và sử dụng một trong những cách trên. Hãy thử một lần và bạn sẽ thấy.
Hãy hành động
1. Viết ra vấn đề lớn nhất của bạn theo dạng câu hỏi. Ví dụ: Làm thế nào chúng ta có thể tăng lợi nhuận lên 50% trong 12 tháng tới?
2. Một khi đã xác định được vấn đề lớn nhất của mình, hãy đặt câu hỏi “Còn vấn đề gì nữa không?” và “Còn giải pháp nào nữa không?”
(Theo Trí Thức Trẻ)