Chiều đầu tiên của năm mới dương lịch, tôi và mấy người bạn rủ nhau vào Hội An chơi, không đi loanh quanh mà chỉ muốn thăm anh Nguyễn Sự, người đã giữ linh hồn của Hội An ngày trước.
Cẩm Thanh, ngôi làng có căn nhà nhỏ của cựu Bí thư Thành ủy Hội An, không còn yên ả mà đã có phần tấp nập, ồn ào phố thị. Nhưng căn nhà nhỏ của anh Sự vẫn vậy, vườn nhỏ nhưng cây cối xanh tốt, vài hồ nước nhỏ với những đàn cá kiểng bơi lội nhởn nhơ. Và giàn phong lan rừng anh gầy dựng, chăm sóc mấy chục năm vẫn đua nhau ra nụ chờ đón một mùa xuân mới.
Anh Sự không muốn bàn về những đại án đang rất thời sự trên các bàn trà cuối năm 2017. Anh kể mới đi dự một buổi giao lưu với những người trẻ ở TP.HCM. “Anh đã nói gì với họ?”, tôi hỏi. Anh trả lời: “Mình bây giờ đừng nói những việc quá lớn, mà hãy bàn về gia đình. Điều tôi quan tâm và mong muốn là các bạn trẻ hãy nhìn lại vấn đề “nếp nhà” trong mỗi gia đình, trong tâm thức của mỗi người trẻ.
Chính điều đó sẽ cứu chúng ta thoát khỏi những rạn vỡ, hoang mang trong quá trình phát triển, trong xây dựng văn hóa và con người có phẩm chất”. Rồi anh cho biết vừa đồng ý giúp một dự án đào tạo quốc tế bằng cách thường xuyên đến nói chuyện về những vấn đề văn hóa anh quan tâm và mong muốn đưa vào nếp nghĩ, lối sống của những người trẻ.
Chúng tôi rất đồng ý với những suy nghĩ sâu sắc đó khi anh gợi mở về những hình ảnh nếp nhà của người Việt đang thay đổi, khi những thế hệ lớn tuổi không còn là điểm tựa vững vàng về tinh thần cho con cháu, xuất hiện những mâu thuẫn về quan điểm sống, tôn giáo, và nề nếp gia phong hầu như rạn nứt.
Đôi khi chúng ta nghĩ đó là việc tất yếu của thời đại “thế giới phẳng”, của trí tuệ nhân tạo, những thế hệ lớn tuổi không phải chỉ cách xa nhau ba mươi, bốn mươi năm, mà tốc độ của công nghệ làm văn hóa của các thế hệ như cách xa nhau cả thế kỷ. Không còn hiểu được nhau cũng như mục đích sống và mục đích hướng đến, dường như chúng ta vẫn chỉ quẩn quanh với mục tiêu tìm kiếm sự giàu sang, nhưng lại rất hoang mang về hạnh phúc.
Với công việc làm báo, chúng tôi được biết nhiều câu chuyện bên ngoài những phiên tòa, về những gia đình một thời lừng lẫy, vinh hiển, nay chỉ lo tìm đất có long mạch để dời mộ tổ tiên, xây nhà thờ tộc ké vào những vùng đất phát của các tiền nhân vốn là những anh hùng dân tộc đã dựng cơ đồ vì nghĩa, nay đám hậu nhân tin lời thầy phong thủy phải lập mưu hòng có tiền và quyền nhằm chiếm lĩnh những vùng đất có long mạch, bất chấp đạo lý.
Đến khi vướng vòng lao lý, sự vinh hiển, tiếng tăm sụp đổ, một dòng họ cả ba thế hệ cùng nhau tìm cách tẩu tán tài sản, gian dối chống lại công lý để cố giữ lại chút vinh hiển.
Rất đau lòng khi chứng kiến những câu chuyện như vậy, khi cả ông bà cũng giúp sức cho con cháu làm những việc bại hoại, cất giấu tài sản có được từ tham nhũng, từ buôn gian bán lận mà không nghĩ đến chữ “đức”, chữ “phúc nhà” cần gầy dựng và để lại như một tài sản quý nhất mà người Việt luôn tôn trọng và gìn giữ.
Họ làm hỏng cả xã hội khi tổ chức những chuyến du xuân hái lộc ở sân chùa, thô bạo đặt lên bàn thờ Phật những đồng tiền mệnh giá lớn hoặc nhỏ, bưng những đầu heo quay, giấy tiền vàng bạc vào lễ đền phủ, trắng trợn cầu xin, mặc cả với thánh thần trước mặt những đứa trẻ họ dắt theo. Với họ, tôn giáo không phải là điểm tựa của văn hóa tinh thần, những khía cạnh tốt đẹp và minh triết nhất của một tôn giáo không được họ quan tâm, tìm hiểu cặn kẽ, mà chỉ xem đó là thế giới tâm linh để cầu xin tài lộc.
Để có được những con người biết gìn giữ gia phong thì hai chữ “nếp nhà” bình dị mà anh Nguyễn Sự luôn nhắc tới trong cuộc trò chuyện với chúng tôi có giá trị vượt tầm những “đi thưa về gửi” như chúng ta vẫn biết.
Hầu hết những sự yếu kém của chúng ta, những vấn đề xã hội chúng ta đang đối mặt đều khởi nguồn từ sự rạn vỡ của nếp nhà bình dị, nơi làm ông bà, cha mẹ phải biết gầy dựng nên truyền thống đạo đức, giáo dục con cái để chúng có phẩm chất tốt đẹp thay vì phủ quanh cuộc đời chúng với vinh hoa, chỉ cho chúng những con đường tắt đi đến quyền lực.
Đến khi gặp khó khăn, thất bại, những người trẻ ấy sẽ ra sao, có biết oán trách gia đình và nếp nhà không tốt, hay chỉ tiếp tục sống trong cay cú, hận thù, đổ lỗi cho chuyện “phe phái”?
BÍCH HỒNG