Câu chuyệnKinh doanh
Nhà đầu tư nước ngoài hào hứng với ngành điện
Đầu tư vào ngành điện, đặc biệt là phát điện, bên cạnh các doanh nghiệp (DN) trong nước còn có các nhà đầu tư nước ngoài.
Chẳng hạn, hồi đầu tháng 9 này, Tập đoàn Orix (Nhật Bản) và UOB (Singapore) đã đầu tư 50 triệu USD vào Bitexco Power – công ty con của Tập đoàn Bitexco. Công ty này hiện đang vận hành 18 nhà máy thủy điện tại Việt Nam với tổng công suất khoảng 1.000MW, cho phép các nhà máy sản xuất khoảng 3.500GWh năng lượng điện tái tạo hằng năm, đủ để cung cấp điện cho gần 2,7 triệu người sử dụng trong cả nước.
Bitexco có kế hoạch sử dụng nguồn vốn mới này vào việc mở rộng quy mô hoạt động và tăng vị trí dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ông Seah Kian Wee – Giám đốc Điều hành UOB khá tự tin về tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ thúc đẩy nhu cầu về năng lượng tái tạo.
Trong khi đó với Orix, đây là khoản đầu tư khởi đầu để Tập đoàn tham gia mạnh mẽ hơn vào ngành năng lượng điện của Việt Nam. Trước Việt Nam, Orix đã đầu tư nhiều công trình điện gió ở Ấn Độ, trong khi ở Nhật, họ là một trong những nhà đầu tư dẫn đầu về điện mặt trời.
Gần đây, Tập đoàn Daewoo E&C (Hàn Quốc) đã đề xuất đầu tư Nhà máy Nhiệt điện than Long An 1 (huyện Cần Giuộc, Long An) với tổng vốn đầu tư khoảng 2,7 tỷ USD, công suất 1.320MW, dự kiến đưa vào vận hành sau năm 2020.
Được biết, Daewoo đã xây dựng hơn 50 nhà máy nhiệt điện than, điện thủy triều, hạt nhân, thủy điện với công suất khoảng 30.000MW tại Hàn Quốc, Trung Đông và một số quốc gia châu Á khác. Song gần đây, Hàn Quốc có kế hoạch đóng cửa một số nhà máy nhiệt điện than, đồng thời giai đoạn 2017 – 2031 sẽ không có kế hoạch xây thêm nhà máy điện than.
Daewoo chỉ là một trong những nhà đầu tư FDI tham gia ngành điện, bởi trước đó, Công ty Janakuasa Sdn.Bhd (Malaysia) đầu tư 2,4 tỷ USD xây dựng Nhà máy Điện Duyên Hải 2 tại Trà Vinh, công suất 600MW. Đây cũng là 1 trong 10 dự án FDI vào Việt Nam có vốn đăng ký lớn nhất năm 2014.
Hơn nữa, theo Quy hoạch điện VII (Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030), khoảng 11 dự án BOT nhiệt điện trải đều từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung cho đến Tây Nam bộ đã có nhà đầu tư ngoại, chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore. Các dự án này đều có công suất lớn và được thực hiện trong giai đoạn từ 2014 – 2020.
Trong khi trước đó, từ năm 2004 – 2009, 7 nhà máy nhiệt điện (công suất 1.968MW) tại Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam đều cho thấy tính hiệu quả về mặt đầu tư, đáng chú ý có các nhà máy lớn như Nhà máy Điện Hiệp Phước (CT&D, Đài Loan đầu tư), BOT Phú Mỹ 3 (SembCorp, Singapore góp 1/3 cổ phần cùng đối tác Nhật Bản và Anh Quốc).
Theo Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC), trên thị trường niêm yết, cổ phiếu điện luôn được các nhà đầu tư ngoại (có thể kể đến như Halley Sicav – Halley Asian Prosperity, Deutsche Bank AG,…) quan tâm nhờ tỷ suất sinh lời ổn định trong dài hạn.
Chẳng hạn, tại một số công ty sản xuất điện niêm yết như Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại – PPC, tỷ lệ sở hữu nước ngoài chiếm 13,2% vốn điều lệ, Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hy (tỷ lệ sở hữu nước ngoài là 16,7%), Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa (9%)…
Song song với đầu tư tài chính, khối DN ngoại, chủ yếu là các tập đoàn đa quốc gia đã tham gia vào thị trường phát điện tại Việt Nam thông qua các hợp đồng BOT có giá trị hàng tỷ USD. Hình thức này nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ trong việc xây dựng và vận hành nhà máy, cho phép các nhà đầu tư tiếp cận, hoàn tất thủ tục sớm, thu hồi vốn và chi phí hoạt động nhanh.
Nói về hấp lực của ngành điện với nhà đầu tư ngoại, bà Vũ Thu Hà – Trưởng bộ phận phân tích, Khối khách hàng tổ chức, Chi nhánh HSC Hà Nội cho rằng, việc thị trường điện tại Việt Nam dần phát triển theo 3 cấp độ (thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh) sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nhờ tăng tính cạnh tranh và minh bạch, giảm dần sự độc quyền của EVN trên thị trường điện.