“Sống mạnh mẽ” là cuốn sách bao gồm những câu chuyện mang đến cho bạn niềm cảm hứng và hy vọng sống và làm việc. Đây là một trong những cuốn sách hay nên đọc.
Nguyên tác: Living The 7 Habits – Stories of Hope and Inspiration Tác giả: Stephen R.Covey Người dịch: Uông Xuân Vy – Trần Đăng Khoa Bản quyền tiếng Việt: TGM Books |
Về tác giả:
Tiến sĩ Stephen R. Covey được coi là một trong những thiên tài thế giới về tư duy sống. Tác phẩm được nhận biết rộng rãi nhất của ông là “7 thói quen của người thành đạt” (7 habits of Highly Effective People), một trong những cuốn sách kinh điển về hoàn thiện bản thân đã được dịch ra 32 ngôn ngữ khác nhau với 15 triệu bản sách trên toàn cầu.
Tiến sĩ Covey cũng là nhà đồng sáng lập và là Phó chủ tịch Công ty FranklinCovey, tổ chức hàng đầu về dịch vụ chuyên nghiệp toàn cầu có mặt ở 123 quốc gia. Tổ chức này chia sẻ tầm nhìn, tính kỷ luật và đam mê của ông nhằm khơi dậy tiềm năng của con người và tổ chức ở khắp mọi nơi.
Nội dung chính:
7 thói quen
Thói quen 1: Chủ động
Chủ động không chỉ có nghĩa là đi bước đầu tiên. Đó là nhận lãnh trách nhiệm về hành vi của mình (trong quá khứ, hiện tại và tương lai) và có sự lựa chọn dựa trên những nguyên tắc và giá trị, hơn là cảm xúc và hoàn cảnh nhất thời.
Người chủ động đại diện cho sự thay đổi, họ lựa chọn không trở thành nạn nhân, hoặc ở vào thế thụ động hoặc đổ lỗi cho người khác. Họ làm điều đó bằng cách phát triển và sử dụng bốn khả năng thiên phú của con người, đó là: nhận thức bản thân, lương tâm, trí tưởng tượng và ý chí độc lập, theo cách tiếp cận từ trong ra ngoài để tạo sự thay đổi. Họ quyết định trở thành nguồn lực sáng tạo trong chính cuộc đời mình, đó là quyết định quan trọng nhất mà một người có thể đưa ra.
Thói quen 2: Bắt đầu bằng cái kết trong tâm trí
Tất cả mọi thứ đều được sáng tạo hai lần – lần đầu tiên bằng tinh thần và lần thứ hai bằng vật chất. Các cá nhân, gia đình, tập thể và tổ chức định hình tương lai của mình bằng cách tạo ra một tầm nhìn và mục đích cho bất kỳ công việc nào. Họ không sống ngày qua ngày mà không có mục tiêu rõ ràng. Họ xác định và cam kết với các nguyên tắc, giá trị, các mối quan hệ, và những mục tiêu quan trọng nhất đối với họ.
Tuyên Ngôn Sứ Mệnh là hình thức cao nhất của lần sáng tạo bằng tinh thần của một cá nhân, gia đình hoặc tổ chức. Đó là quyết định quan trọng nhất vì nó chi phối tất cả những quyết định khác.
Tạo ra nền văn hóa đằng sau một sứ mệnh, tầm nhìn và những giá trị chung chính là cốt lõi của sự lãnh đạo.
Thói quen 3: Ưu tiên cho điều quan trọng nhất
Ưu tiên cho điều quan trọng nhất là lần sáng tạo thứ hai hoặc sáng tạo bằng vật chất. Đây là lúc bạn tổ chức và hành động xung quanh việc sáng tạo tinh thần (mục đích, tầm nhìn, giá trị và những ưu tiên quan trọng nhất của bạn). Những việc thứ yếu không được đến trước. Những việc chính yếu không bị xếp lại phía sau. Các cá nhân và tổ chức tập trung vào những gì quan trọng nhất, bất kể nó có khẩn cấp hay không. Điều quan trọng nhất là giữ cho những việc quan trọng nằm ở vị trí quan trọng.
Thói quen 4: Tư duy cùng thắng
Tư duy cùng thắng là khi khối óc và con tim tìm kiếm lợi ích chung dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau trong mọi tương tác.
Đây chính là suy nghĩ về sự dồi dào của những cơ hội, của cải và nguồn lực cho tất cả mọi người, chứ không phải sự khan hiếm và cạnh tranh một mất một còn. Đây không phải là kiểu suy nghĩ ích kỷ (thắng – thua) hoặc nhượng bộ (thua – thắng). Trong công việc và cuộc sống gia đình, các thành viên suy nghĩ một cách tương thuộc – theo nghĩa “chúng ta” chứ không phải “tôi”.
Tư duy cùng thắng thúc đẩy việc giải quyết mâu thuẫn và giúp các cá nhân tìm kiếm giải pháp đem lại lợi ích chung. Đó là sự chia sẻ thông tin, quyền lực, sự công nhận và phần thưởng.
Thói quen 5: Lắng nghe để được thấu hiểu
Khi chúng ta lắng nghe với ý muốn thấu hiểu người khác, chứ không phải để đối đáp, thì đó là khi chúng ta bắt đầu một cuộc giao tiếp thật sự và gầy dựng mối quan hệ.
Khi người khác cảm thấy mình được thấu hiểu, họ sẽ cảm thấy được ủng hộ và tôn trọng, hàng rào phòng thủ được hạ xuống, cơ hội nói chuyện cởi mở và thấu hiểu lẫn nhau sẽ đến một cách tự nhiên và dễ dàng hơn.
Muốn thẩu hiểu người khác cần sự tử tế, muốn được người khác thấu hiểu cần sự can đảm. Tính hiệu quả nằm trong sự cân bằng giữa hai vế.
Thói quen 6: Đồng tâm hiệp lực
Đồng tâm hiệp lực nghĩa là tạo ra giải pháp thứ ba – không phải cách của tôi, không phải cách của bạn, mà là cách thứ ba tốt hơn cách mà mỗi người có thể tự nghĩ ra. Đó là kết quả của sự tôn trọng lẫn nhau, thấu hiểu và thậm chí tôn trọng sự khác biệt của người khác trong cách giải quyết vấn đề, và nắm bắt cơ hội.
Những tập thể và gia đình đồng tâm hiệp lực phát triển mạnh mẽ dựa trên sức mạnh của từng cá nhân, khiến cho sức mạnh tổng thể mạnh hơn từng phần cộng lại.
Những đội nhóm và các mối quan hệ kiểu này phản đối sự cạnh tranh thù địch (1+1=1/2). Họ không chấp nhận sự thoả hiệp (1+1=1 + 1/2) hoặc thậm chí cộng tác thuần tuý (1+1=2). Họ tiến đến sự hợp tác sáng tạo (1+1=3 hoặc hơn).
Thói quen 7: Không ngừng rèn luyện
Không ngừng rèn luyện là việc liên tục đổi mới bản thân trên bốn lĩnh vực cơ bản của đời sống: thể chất, xã hội/tình cảm, tinh thần và tâm hồn. Đó chính là thói quen giúp chúng ta tăng khả năng áp dụng những thói quen hiệu quả khác.
Đối với một tổ chức, thói quen 7 nâng cao tầm nhìn, đổi mới, sự cải thiện liên tục, tránh tình trạng quá tải, kiệt quệ và đặt doanh nghiệp vào một lộ trình phát triển mới.
Đối với gia đình, nó tăng cường tính hiệu quả trong những hoạt động thường lệ giữa các cá nhân, ví dụ như việc thiết lập truyền thống nuôi dưỡng sự đổi mới trong gia đình.
Quyển sách này là tập hợp những câu chuyện được tuyển lựa một cách kỹ càng để phản ánh tính độc đáo của chúng. Khi bạn đầu tư thời gian để đọc một câu chuyện và nhận ra những nguyên tắc phổ quát cơ bản hàm chứa trong đó, bạn sẽ tin tưởng hơn vào khả năng thích ứng và áp dụng 7 thói quen trong bất cứ hoàn cảnh nào, hoặc bất cứ thử thách nào bạn phải đối mặt trong hiện tại hoặc tương lai.
Bạn có thể bắt gặp bản thân mình trong một số câu chuyện. Hãy tận hưởng chúng, học hỏi từ chúng và suy ngẫm về chúng. Chúng sẽ mang đến cho bạn niềm hy vọng và niềm tin vào bản thân, cùng năng lực sáng tạo bên trong bạn.
DŨNG CẢM ĐỂ THAY ĐỔI
Sao tôi có thể sống hoài sống phí?
Năm tôi 46 tuổi cũng là lúc chồng tôi – Gordon bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Không hề do dự, tôi xin nghỉ hưu non để sớm tối bên anh. Mặc dù biết trước anh chỉ còn sống 18 tháng nữa, nỗi đau vẫn chế ngự con người tôi. Giáng sinh đầu tiên không có anh bên cạnh, tôi chẳng bận tâm đến việc trang hoàng nhà cửa. Tôi đau đớn khi nghĩ đến ước mơ không thành của hai vợ chồng, những đứa cháu nội cháu ngoại mà anh không có cơ hội ôm chúng vào lòng. Tôi thường hay lẩm bẩm nói chuyện với anh, nhưng việc đó chỉ nhắc cho tôi nhớ rằng anh đã không còn có mặt trên đời này nữa. Nỗi đau ngấm vào mọi ngóc ngách trong tâm hồn tôi. Một người đàn bà 48 tuổi như tôi đã không còn lý do gì để sống tiếp nữa.
Trong tôi luôn nhói lên một câu hỏi nhức nhối: “Tại sao Chúa Trời lại mang Gordon của tôi đi chứ không phải là tôi?”. Tôi nghĩ Gordon có thể làm được nhiều việc cho cuộc sống hơn là tôi. Vào thời điểm tồi tệ nhất trong đời, khi cả thể xác, tâm hồn lẫn tinh thần tôi đều rệu rã, bạc nhược đến cực độ, tình cờ tôi đến với 7 Thói quen. Tôi được dẫn dắt để tự đặt ra câu hỏi cho mình: “Nếu tôi có mặt trên đời vì một lý do nào đó, thì lý do đó là gì?”. Tôi có động lực đi tìm một ý nghĩa mới cho cuộc đời mình.
Thói quen “Bắt đầu bằng cái kết trong tâm trí” nói về những vai trò trong cuộc sống. Thế là tôi vẽ biểu đồ cho những vai trò trước đây của mình khi Gordon còn sống. Trong biểu đồ thứ hai, tôi để một khoảng trống lớn trong phần sự nghiệp và làm vợ. Khoảng trống to đùng này khiến tôi nhận ra sự thay đổi ghê gớm trong cuộc đời mình. Tôi đặt một dấu chấm hỏi to tướng ở đó: “Vai trò sắp tới của tôi sẽ là gì?”.
Tôi đón nhận ý nghĩ rằng, tất cả mọi thứ trên đời đều được sáng tạo hai lần – lần đầu tiên về mặt tinh thần và lần thứ hai về mặt vật chất. Tôi phải lên một kịch bản mới cho cuộc đời mình. Tôi tự hỏi, “Mình có những khả năng gì?”. Thế là tôi làm bài trắc nghiệm về khả năng của mình, nhờ thế mà tôi có cái nhìn khá rõ ràng về ba việc mà tôi làm giỏi nhất.
Để tạo ra sự quân bình trong cuộc sống, tôi tập trung vào bốn khía cạnh chính: về mặt trí tuệ, tôi nhận ra mình yêu thích công việc giảng dạy; về tâm hồn và đời sống, tôi muốn tiếp tục cổ vũ cho sự hòa hợp sắc tộc mà chúng tôi đã có được trong cuộc hôn nhân dị tộc; về mặt tình cảm, tôi biết mình muốn mang yêu thương đến cho những người khác. Khi mẹ tôi còn sống, bà thường chăm sóc những bệnh nhi trong bệnh viện, tôi cũng muốn đem đến cho những đứa trẻ bệnh tật niềm an ủi và sự nâng đỡ như bà đã từng làm và tiếp tục di sản bà để lại, đó là tình yêu thương vô điều kiện.
Tôi sợ mình sẽ thất bại. Tôi chưa bao giờ làm bất cứ việc gì như thế trong đời, trừ công việc cho hội cựu chiến binh. Nhưng tôi tự nhủ, tất cả rồi sẽ ổn, hãy thử làm những điều mới mẻ như cách ta thử đội những chiếc mũ mới. Sau một học kỳ, nếu không thích dạy học thì tôi có thể đổi sang một công việc khác, cũng chẳng mất gì cả.
Tôi làm lại từ đầu bằng cách ghi danh học cao học để có thể giảng dạy ở các trường đại học. Chương trình thạc sĩ không dễ chút nào và nó đặc biệt khó khi người ta 48 tuổi. Tôi đã quen với việc phó thác công việc văn thư giấy tờ cho thư ký của mình, đến nỗi phải mất cả một học kỳ tôi mới có thể đánh máy bài vở trên máy vi tính một cách thành thạo.
Sức tập trung của tôi bị suy giảm khá nhiều sau cái chết của Gordon. Tôi cảm thấy khó mà bắt mình đọc những quyển sách trong chương trình cao học. Phải quyết tâm lắm tôi mới tắt được tivi. Nhưng tôi biết mình cần phải từ bỏ những thứ này nếu muốn đến được nơi tôi muốn đến (Thói quen 3: Ưu tiên cho điều quan trọng nhất).
Tôi hoàn thành chương trình cao học với số điểm tuyệt đối và bắt đầu giảng dạy tại một trường đại học dành cho người da đen ở Little Rock. Tô được Thống đốc bang bổ nhiệm làm việc trong Ủy ban Martin Luther King để cải thiện mối quan hệ sắc tộc ở bang Arkansas. Tôi chăm sóc những đứa trẻ nạn nhân của căn bệnh AIDS, vừa mới chào đời đã phải thở bằng máy. Tuy không có nhiều thời gian ở bên chúng, tôi biết mình đã đem lại cho chúng chút hơi ấm tình thương, và về phần mình, tôi cũng nhận được tình yêu thương của những sinh linh bé bỏng này. Điều đó giúp tôi cảm thấy bình an.
Cuộc sống của tôi hiện nay rất tốt đẹp. Tôi có thể cảm thấy Gordon đang mỉm cười với tôi. Trước khi từ giã cõi đời, anh ấy đã nhiều lần nói với tôi rằng anh ấy mong muốn tôi có một cuộc sống trọn vẹn, đầy ắp tiếng cười, ký ức hạnh phúc và những điều tốt đẹp. Sao tôi có thể sống hoài sống phí, đi ngược lại sự dặn dò của người chồng quá cố được? Không thể như vậy. Tôi có bổn phận phải sống tốt, vì những người mà tôi yêu thương nhất – dù họ có còn trên đời này hay đã sang thế giới bên kia.
* Người phụ nữ đáng khâm phục này không những chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, chị còn hình thành một ý nghĩa sống hoàn toàn mới (Thói quen 2: Bắt đầu bằng cái kết trong tâm trí). Câu chuyện đầy cảm hứng của chị là minh chứng cho tầm quan trọng của sự cân bằng giữa bốn khía cạnh trong cuộc sống được thể hiện trong Thói quen 7: Không ngừng rèn luyện về mặt thể chất, tâm hồn, đời sống xã hội và tinh thần. Chị đối mặt trực diện với nỗi sợ hãi và rời bỏ vùng an toàn của nỗi sợ thất bại. Thật không phải là một việc dễ dàng chút nào. Chị nhẫn nại, kiên tâm và cuối cùng đã được tưởng thưởng.
Sống cho ngày hôm nay
Ngồi trong phòng chăm sóc đặc biệt, trông anh trai Byron của tôi đang trong cơn hôn mê, tôi luôn tự hỏi: “Tại sao? Tại sao mình có thể thoát khỏi tai nạn kinh khủng ấy mà không hề hấn gì?”. Đầu anh tôi bị băng kín sau vụ chấn thương sọ não nghiêm trọng, đôi mắt nhắm nghiền của anh sưng húp không thể nào mở ra được. Các bác sĩ cho chúng tôi biết, anh có thể không sống nổi qua đêm nay.
Họ nói rằng vụ tai nạn mà tôi thoát khỏi một cách thần kỳ có thể để lại một di chứng kinh khủng trong cuộc đời tôi, hệ quả của chứng viêm nhiễm kinh niên rất nghiêm trọng và gây ra tác động rất xấu đến nhiều cơ quan nội tạng. Sau này, căn bệnh đó có thể mang đến nhiều khó khăn và thử thách ghê gớm cho cuộc sống của tôi.
Tai nạn xảy ra vào năm tôi 9 tuổi, khi ấy tôi mơ trở thành người kế tục Mary Lou Retton – một vận động viên thể dục dụng cụ nổi tiếng người Mỹ. Tôi sống sót sau tai nạn, nhưng ước mơ của tôi tan thành mây khói khi tôi bắt đầu cảm thấy đau ở cổ tay và đầu gối một năm sau đó.
Bác sĩ chẩn đoán tôi bị chứng viêm khớp của trẻ vị thành niên, nhưng nhiều khả năng căn bệnh sẽ thuyên giảm khi tôi lớn lên. Trong lúc chờ đợi, họ khuyên tôi từ bỏ môn thể dục dụng cụ vì tác động không tốt của nó lên cơ thể. Nước mắt tôi tuôn trào, nhưng những hoạt động, mơ ước và mục tiêu của tôi chỉ bị chuyển đổi. Học vấn, bóng rổ, bơi lội, tennis, trượt tuyết, lướt tán trở thành niềm đam mê mới trong tôi.
Vào năm lớp 10, tôi bắt đầu cảm thấy đau khớp khắp người trầm trọng. Tôi cảm nhận từng cử động nhỏ trong khớp và xương. Trở mình trên giường, ngồi dậy đi vào nhà tắm, cột dây giày hay đánh răng, tất cả đều đòi hỏi một nỗ lực ghê gớm. Câu hỏi “Không biết mình còn có thể đi lại hoặc chạy nhảy bình thường được không?” đã vài lần hiện lên trong đầu tôi. Tôi còn nhớ rất rõ đứa em gái ngây thơ của tôi đã thì thầm hỏi mẹ, “Mẹ ơi, Elisa sắp chết phải không?”.
Qua nhiều lần xét nghiệm, tôi biết mình mắc bệnh ban đỏ lupus không thể chữa được. Lupus là căn bệnh tự miễn dịch tấn công vào các tế bào cơ thể. Tôi tự thuyết phục bản thân rằng đó là bí mật của tôi.
Bất chấp căn bệnh của mình, tôi cũng giống như tất cả mọi người và không gì có thể ngăn cản tôi làm những việc mà tôi hằng mơ ước và hy vọng. Tôi học được rằng nụ cười rạng rỡ trên môi và quyết tâm sắt đá trong tim là điều duy nhất giúp tôi giữ vững tinh thần, cho tôi sức mạnh để tiếp tục đi tới (Thói quen 1: Chủ động).
Tôi tốt nghiệp phổ thông trung học nhờ vào sự trợ giúp của liều lượng thuốc men khổng lồ. Tôi biết mình sẽ sống với căn bệnh này suốt đời nhưng lại cho rằng cái cảnh mà tôi trải qua ở trung học là thử thách cuối cùng, và tôi có thể chịu được bất kỳ chuyện gì xảy ra sau này.
Học đại học là mục tiêu tiếp theo trong đời tôi (Thói quen 2: Bắt đầu bằng cái kết trong tâm trí). Tôi nôn nóng chờ đợi đến lúc mình có thể dọn ra ngoài ở, tự nấu bữa ăn cho mình, trở nên độc lập và sống cuộc đời sinh viên.
Học kỳ đầu tiên quả thật rất khó khăn khi phải điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh mới, nhưng tôi yêu thích thử thách này và những ký ức mà tôi đang tạo ra. Vào dịp Giáng sinh, tôi trở về nhà sum họp gia đình, đó cũng là lúc tôi bắt đầu có những triệu chứng mà tôi chưa từng biết đến. Cơ thể tôi bắt đầu trữ nước và chẳng bao lâu sau, trông tôi như bà bầu sắp đẻ đến nơi. Chuyện gì đã xảy ra?
Một lần nữa tôi quay lại phòng khám, và phát hiện căn bệnh lupus đang tấn công vào thận. Tôi quyết tâm trở lại trường trong vòng chưa đến một tuần, vì thế tôi cần được chữa trị cấp tốc. Nhưng các bác sĩ cảnh báo rằng, nhà trường không phải là lựa chọn tốt nhất của tôi trong học kỳ tới. Tôi quay lại bệnh viện điều trị đặc biệt trong một tuần và sau đó là bốn tháng truyền dịch dài đằng đẵng.
Tôi, một cô gái 19 tuổi, đang nỗ lực hết sức mình để có được tấm bằng đại học và sống năng động như bất kỳ ai, nhưng cơ thể tôi không cho phép tôi làm điều đó.
Sau nhiều tháng chữa trị ở bệnh viện, với kim chích, truyền dịch và các xét nghiệm bất tận, cơ thể tôi từ từ giảm bớt lượng nước tích trữ. Mặc dù chức năng thận khi đã hỏng thì không bao giờ có thể hồi phục hoàn toàn, với những loại thuốc đặc trị, tôi đã có thể trở lại với những hoạt động thường ngày và quay về trường để thực hiện một khởi đầu mới. Tôi bị lỡ mất một học kỳ, nhưng bắt kịp được chương trình vào những kỳ nghỉ.
Chuyên ngành truyền thông của tôi đòi hỏi tất cả sinh viên phải trải qua một kỳ thực tập trước khi ra trường. Học kỳ mùa đông là khoảng thời gian tôi đi thực tập và lễ tốt nghiệp sẽ diễn ra vào tháng tám. Tôi may mắn có được cơ hội thực tập mơ ước và được làm việc với những con người tài năng trong lĩnh vực của mình.
Kỳ thực tập trôi qua được hai tuần thì những triệu chứng cũ lại xuất hiện, cơ thể tôi bắt đầu trữ nước và sưng tấy lên. Không thể nào, chuyện này không thể xảy ra vào đúng kỳ thực tập mà tôi hằng mong đợi. Tôi biết rõ điều gì sẽ xảy ra và cái mà tôi phải đối mặt trong vòng 3-4 tháng tới. Chỉ có điều, lần này tôi sẽ không nghỉ học. Trong tâm tưởng, tôi luôn nhắc nhở mình rằng, tôi sẽ không từ bỏ trường học, kỳ thực tập, tất cả mọi thứ.
Một lần nữa, trông tôi lại giống người mang thai 9 tháng, và tôi không thể tự mặc quần áo được. Hai chân tôi sưng phù như chân voi với nhiều vết rạn. Trên mặt tôi, các mao mạch bị vỡ, để lại những vết tím bầm màu mận chín và sưng phồng lên hàng tháng trời. Bạn bè và bạn học cùng lớp, trước đây nhìn tôi như người bình thường, nay im lặng một cách khác thường và giương mắt nhìn tôi khi tôi nỗ lực hết sức để tiếp tục thực hiện những hoạt động hằng ngày.
Không biết bao nhiêu lần tôi chỉ muốn đào lỗ chui xuống đất, náu mình chờ cho mọi điều tồi tệ trôi qua. Nụ cười mà tôi học được cách dán lên môi mình từ năm lớp 10 đã giúp tôi tiếp tục bước. Tôi tin rằng chuyện này rồi sẽ kết thúc, chỉ là không biết vào lúc nào thôi.
Triệu chứng của căn bệnh lupus thay đổi trong mỗi lần phát bệnh, và lần này tôi có thể chiến đấu mà không phụ thuộc quá nhiều vào bệnh viện. Thế là tôi đã có thể – một cách đau đớn và khó nhọc – tiếp tục sống theo cách tôi muốn. Mỗi ngày tôi một khá hơn và một thời gian sau, tôi đã khoẻ lại. Mục tiêu tốt nghiệp của tôi hoàn tất trong vòng 4 năm, bất chấp tình trạng sức khoẻ của mình.
Nghề nghiệp là mục tiêu kế tiếp của tôi. Tôi nóng lòng áp dụng những kiến thức và kinh nghiệm vào công việc. Tôi đã tìm được một công việc tuyệt vời và dần dần thích ứng với cuộc sống mới. Những thử thách mà tôi trải qua thế là quá đủ rồi. Vậy mà mới vào làm việc được hai tháng và trong khi cố hết sức mình để gây ấn tượng tốt thì tôi lại phát bệnh một lần nữa. Tại sao? Tại sao? Tại sao?
Lại điều trị. Mỗi lần như vậy, quả thận của tôi lại yếu hơn và các liều thuốc lại mạnh hơn, với những tác dụng phụ ghê gớm. Tôi chiến đấu với những cơn buồn nôn, ngất xỉu, rụng tóc, rỗng xương, những vết bầm tím, chứng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời – hệ quả của việc cơ thể tôi hằng ngày phải lệ thuộc quá nhiều vào thuốc. Nguy cơ phải thay thận chỉ là vấn đề thời gian, nhưng ai có thể biết trước được.
Sống chung với bệnh lupus như sống chung với lũ, không bao giờ biết được khi nào nó sẽ tấn công tôi, triệu chứng nào tôi phải trải qua, mất bao lâu để hồi phục và phải trả bao nhiêu tiền cho những lần trị liệu. Sinh con là điều không thể xảy ra, và ý nghĩ không biết có ai đó trên đời chấp nhận tôi cùng với căn bệnh của tôi luôn là nỗi lo canh cánh trong lòng.
Tôi đã học được việc không đặt ra câu hỏi “Tại sao?” nữa mà thay vào đó là “Mình có thể rút ra được gì từ trải nghiệm này?”. Những mục tiêu mà tôi đề ra là những điều tôi biết mình có thể thực hiện được, nhưng những trở ngại sẽ luôn xuất hiện trên đường tôi đi. Tôi sống cho hiện tại và những gì mà tôi có thể làm được trong ngày hôm nay, không phải quá khứ mà cũng chẳng phải tương lai. Bởi vì với tôi, tương lai là thứ mà tôi không thể lên kế hoạch trước được.
* Thật là một cô gái có nghị lực phi thường! Thái độ chấp nhận thách thức giúp bạn học hỏi từ những điều mình đã trải qua, dù đó là kinh nghiệm tích cực hay tiêu cực, thay vì mong muốn một cuộc sống yên ổn, dễ dàng. Làm chủ tình thế, về cơ bản, giúp bạn tập trung vào những việc bạn có thể làm được, dù nó có nhỏ đến mức nào; kết quả là bạn sẽ không trở thành nạn nhân, hay rơi vào thế bị động, bất lực không biết làm gì. Quyết tâm sắt đá có sức mạnh giúp bạn trụ lại để thực hiện những nhiệm vụ hoặc mục tiêu khác nhau, như hoàn thành chương trình đại học, chứ không chỉ là những việc mang tính chất đối phó.
Cơn ác mộng giữa ban ngày
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi trở thành một kỹ sư thành đạt. Khi sắp bước sang tuổi 30, tôi nghe theo con tim mình mách bảo. Tôi bỏ nghề và ghi danh vào học ở một trường dòng.
Tôi dồn hết tâm sức vào học tập và tốt nghiệp với danh hiệu thủ khoa, tôi cũng nhận được phần thưởng của trường hằng năm. Ngay trước khi tốt nghiệp, vợ chồng tôi và đứa con trai mới sinh – Seth chuyển đến chỗ ở mới để tôi có thể tham gia công tác giảng dạy cho những người độc thân ở một nhà thờ lớn. Một lần nữa, tôi lại thành công và tận hưởng cuộc sống đầy ý nghĩa của một mục sư, nhằm tạo nên sự khác biệt trong cuộc đời của những người xung quanh.
Gia đình tôi hân hoan trong cuộc sống mới. Chúng tôi đang chờ đợi đứa con thứ hai chào đời vào hai tháng tới. Cuộc sống thật tươi đẹp. Một đêm nọ, trong khi vợ tôi – Julia – đang nằm nghỉ trên ghế sofa, tôi quyết định mang khẩu súng ngắn ra lau chùi. Trong lúc tôi làm việc đó, không may súng bị cướp cò và bắn trúng vợ tôi. Các bác sĩ không thể cứu sống được cô ấy cũng như đứa trẻ sắp chào đời.
Trời đất như sụp đổ dưới chân tôi. Thật là một cơn ác mộng giữa ban ngày. Cảm xúc trong tôi đi từ chỗ chối bỏ sự thật đến kinh hãi tột cùng sang trạng thái tuyệt vọng và cuối cùng là hoàn toàn trống rỗng.
Ở tuổi 33, cuộc đời tôi ngừng lại một cách đột ngột. Vài tháng sau tai nạn kinh hoàng đó, tôi dọn đến sống với cha mẹ. Tôi không thể sống một thân một mình nữa, nhưng vẫn tiếp tục làm mục sư cho giáo đoàn trong gần 2 năm. Thật ra, mọi người chăm sóc nâng đỡ tôi thì đúng hơn. Nhưng tôi buộc phải ngừng lại, bởi vì hoàn cảnh này là một sự nhắc nhở đầy đau thương về cuộc sống của tôi với Julia.
Bạn biết không, khi bạn là một lãnh đạo tôn giáo, gia đình vợ con bạn chính là một phần không thể tách rời khỏi công việc. Tôi không thể nào bước vào thánh đường mà không cảm thấy đau thương và hối hận. Thế là tôi từ bỏ cộng việc đã từng đem lại cho tôi biết bao niềm vui.
Tuy vậy, tôi cũng không khá hơn bao nhiêu. Một người bạn giới thiệu cho tôi công việc bán thiết bị xây dựng hạng nặng. Tôi chưa bao giờ bán những máy móc thiết bị lớn như thế, thậm chí lúc đầu tôi còn chẳng biết tên gọi của một số thành phần trong máy.
Mặc dù công việc này không cần sử dụng đến đầu óc nhiều, nhưng đối với tôi, đó là một may mắn bất ngờ. Tất cả những việc tôi cần làm là giớithiệu sản phẩm, bán vài máy nén hoặc máy xúc trong một tháng là xong. Chẳng có gì kích thích trí tuệ hoặc thách thức tôi hết. Tôi chưa đến được giai đoạn đó. Tôi vẫn còn tê liệt. Cả trí óc, tinh thần lẫn tâm hồn tôi vẫn đang cố gắng xử lý những gì đã xảy ra. Vì thế, đây chính là loại hình công việc mà tôi cần.
Trong một khoảng thời gian, cuộc đời tôi ở chế độ tự động. Tôi thức dậy, cho Seth ăn rồi đưa con đến nhà trẻ, đi làm, đến giờ đón con về, nấu bữa tối, tắm rửa rồi đi ngủ.
Trước tai nạn, tôi là một người năng động đầy sức sống. Tôi vạch ra những mục tiêu và lần lượt thực hiện từng cái một. Nhưng giờ đây, tôi không còn nghĩ ra bất cứ điều gì để thực hiện nữa. Tôi có thể làm những việc nhỏ nhặt không tên hằng ngày như đi mua sữa chẳng hạn. Nhưng tôi không thể khiến mình làm những việc quan trọng. Ví dụ, tôi không thể ngồi xuống lên kế hoạch cho hai cha con tôi. Tôi đơn thuần không thể nghĩ về một điều gì đó xa xôi hoặc hứng thú với tương lai.
Tôi bắt đầu mang quyển sách “First Things First” (Ưu tiên cho điều quan trọng nhất) ra công viên ngồi đọc. Mỗi lúc tôi đọc vài trang. Khi đọc đến đoạn nói về tác nhân kích thích và phản ứng, tôi bỗng thức tỉnh. Tôi biết rằng mình đang đứng trong khoảng không giữa tác nhân kích thích và phản ứng. Trong suốt ba năm qua, tôi chậm chạp nhích từng phần một, dịch chuyển đến thời điểm mà tôi có thể phản ứng. Và cuối cùng, sau ba năm, tôi cảm thấy mình có thể phản ứng trước cái chết của người vợ thân yêu.
Cảm giác này không phải là một trải nghiệm tức thời. Chậm chạp từ từ, tôi cảm thấy mình có khả năng kiểm soát hơn, chủ động hơn, hành động hơn. Tôi còn nhớ đã nói chuyện với người bạn tốt nhất của tôi, anh ấy cũng là một mục sư. Tôi nói: “Tôi lại trải qua tất cả những cảm giác lạ lùng này một lần nữa. Có một điều gì đó không ổn”.
Anh ấy trả lời, “Phil à, tôi nghĩ rằng cậu đang thức tỉnh đấy”.
“Anh nói tôi thức tỉnh nghĩa là sao?”
“À, cuối cùng thì cậu cũng đã sẵn sàng phá vỡ cái vỏ bọc của mình. Cơ thể cậu, trí óc cậu và trái tim cậu đã hồi sinh. Chính vì thế mà tôi nói cậu đã thức dậy sau một cơn mê dài”.
Một trong những mục tiêu đầu tiên mà tôi đề ra là đọc hết quyển sách “Ưu tiên cho điều quan trọng nhất”. Tôi từng là một con mọt sách trước cái chết của vợ tôi, sau đó thì tôi không đọc một quyển sách nào trong suốt ba năm. Hình như tôi còn không đọc cả tạp chí nữa. Càng đọc, tôi càng có sức sống hơn. Tôi cảm thấy mình như được trang bị tốt hơn để tiến đến tương lai và sẵn sàng định hình tương lai của mình, chứ không để mặc cho chuyện gì đến thì đến.
Mục tiêu thứ hai của tôi là để lại di sản cho con trai tôi. Tôi không muốn cái di sản ấy là một cuộc đời trôi nổi không biết đi đâu về đâu. Tôi quyết định tập trung xây dựng một cái gì đó mà sau này con trai tôi có thể tự hào.
Bạn cũng đừng nghĩ là tôi hăng hái nhiệt tình ngay lập tức. Tôi chỉ chậm chạp ngồi dậy và nhận biết xung quanh thôi. Phương châm của tôi là sống mỗi ngày như thể đấy là ngày cuối cùng trong đời, nhờ thế mà tôi bao giờ cũng làm những việc quan trọng trước.
Tôi cân nhắc xem mình có thể kết hợp cách nghĩ này vào kế hoạch tương lai như thế nào. Sau đó tôi viết ra Tuyên Ngôn Sứ Mệnh Cá Nhân để giúp tôi hồi phục, đóng góp cho đời và xây đắp mối quan hệ bền vững với những người mà tôi yêu thương.
Từ từ, nhưng chắc chắn, cuộc đời của cha con tôi trở nên tươi sáng hơn, sống động hơn, tích cực hơn.
Bây giờ tôi đã tái hôn và có một cuộc ống gia đình hạnh phúc. Seth yêu người mẹ mới của nó. Tôi còn có hai đứa con gái tuyệt vời nữa – con riêng của vợ sau. Và bánh xe đời tôi đang quay – có phần hơi chậm chạp, có phần hơi cẩn trọng, nhưng dù sao thì nó vẫn quay. Tôi bắt đầu xuất bản tin dành cho những gia đình tái hôn như tôi, tôi mua lại công việc kinh doanh riêng và nhận nhiều lời mời nói chuyện trong năm tới.
Không có gì phải nghi ngờ, điều khó khăn nhất mà tôi đã làm được là tha thứ cho bản thân mình về vụ tai nạn đó. Khó khăn thứ hai là sống sót qua một gia đoạn đầy đau thương khốn khổ. Cái khó thứ ba là có can đảm nuôi lại những mơ ước rồi bắt đầu quá trình biến những ước mơ ấy thành hiện thực.
Xin bạn hiểu cho là trong tôi vẫn còn nỗi đau mà tôi gọi là “ác mộng giữa ban ngày”. Nhưng như Jonh Claypool, một mục sư Tân giáo từng nói khi đứa con gái tám tuổi của ông chết vì bệnh bạch cầu rằng, “Tôi sẽ lại bước đi một lần nữa, nhưng mãi mãi đi khập khiễng”. Tôi có thể đi cà nhắc, nhưng tôi vẫn tiến về phía trước.
* Giữa tác nhân kích thích và phản ứng có một khoảng cách. Trong khoảng cách ấy, chúng ta có sự tự do và sức mạnh để lựa chọn cách phản ứng. Trong phản ứng đó chứa đựng sự trưởng thành và hạnh phúc của chúng ta.
TÌM KIẾM SỰ QUÂN BÌNH TRONG CUỘC SỐNG
Cha ơi, con muốn cha luôn khỏe mạnh
Tôi đã cố gắng làm việc thật tốt để tạo dựng sự nghiệp, và đến năm 45 tuổi, có thể nói tôi khá thành công. Cùng với sự đi lên ấy là sự gia tăng cân nặng của tôi, với lượng mỡ thừa lên tới 30 ký. Càng căng thẳng, tôi càng ăn nhiều. Và do quá bận rộn với công việc, tôi cũng không có thời gian để tập thể dục thường xuyên.
Vào ngày sinh nhật lần thứ năm của mình, con trai tôi – Logan đưa cho tôi một quyển sách về sức khỏe. Trong quyển sách, mẹ nó giúp nó viết dòng chữ: “Cha ơi, nhân dịp sinh nhật của con năm nay, con muốn cha luôn khỏe mạnh. Con muốn cha sống lâu với con”.
Câu nói khẩn thiết đó của con trai tôi đã làm thay đổi hoàn toàn quan điểm của tôi về lối sống. Chế độ ăn uống và việc thiếu vận động không còn là lựa chọn của riêng tôi nữa. Bất chợt, tôi nhận ra mình đang để lại một di sản không lành mạnh cho con trai. Tôi là tấm gương xấu khiến chúng nghĩ rằng cơ thể con người chẳng có gì quan trọng; rằng khả năng làm chủ bản thân cũng không quan trọng nốt; và rằng chỉ có một thứ đáng giá trong cuộc sống là tiền tài và danh vọng.
Tôi biết vai trò của tôi đối với con cái không chỉ đơn thuần là đáp ứng những nhu cầu vật chất và tình cảm cho chúng. Nó còn đòi hỏi tôi phải làm gương cho con về lối sống lành mạnh nữa. Vậy mà từ trước đến giờ tôi chưa từng làm như vậy.
Thế là tôi cam kết với bản thân rằng mình sẽ trở thành một người cha khỏe mạnh cho con (Thói quen 1: Chủ động). Không nhất thiết phải giảm cân, nhưng phải khỏe mạnh. Lời cam kết ấy phải là một cái gì đó có giá trị thật sự, vì tôi đã từng thử nhiều chương trình ăn kiêng và tập thể thao trước đó. Thông thường, mọi việc tiến triển tốt đẹp cho đến khi tôi gặp phải những chuyện khiến tôi căng thẳng. Vì vậy, động lực giảm lượng mỡ thừa không đủ mạnh đối với tôi.
Nhưng con cái có ý nghĩa lớn lao trong cuộc đời tôi. Tôi yêu thương chúng nên tôi có thể đưa ra những quyết định sống lành mạnh. Tôi vạch ra cho mình mục tiêu trở nên khỏe mạnh (Thói quen 2: Bắt đầu bằng cái kết trong tâm trí). Tôi muốn tràn đầy sức sống giàu năng lượng, để chơi đùa cùng con sau giờ làm việc, để có khả năng tham gia vòng thi đấu bóng chày mà không phải nghỉ lấy hơi trong lúc chạy bắt bóng.
Để đạt ược mục tiêu này, tôi bắt đầu thực hiện chế độ ăn kiêng và luyện tập. Việc ăn kiêng và luyện tập không phải là mục tiêu, trở nên khỏe mạnh vì các con mới là cái đích tôi cần nhắm đến. Tôi quyết định chia sẻ mục tiêu của mình với bất cứ ai muốn khỏe mạnh. Hiện chúng tôi đang phối hợp với nhau trong một chương trình có lợi cho tất cả mọi người.Tôi bảo đảm mình dành thời gian để hoàn thành mục tiêu đề ra. Tôi học cách ngừng làm việc để chú ý đến nhu cầu của cơ thể mình.
Đã hai năm trôi qua kể từ ngày tôi thay đổi cách nghĩ. Tôi không còn phải đấu tranh tư tưởng để ra khỏi giường mỗi buổi sáng ữa. Luyện tập thể thao gần như trở thành bản chất thứ hai của tôi. Tôi không tự làm nhụt chí bản thân như những ngày đầu nữa. Dĩ nhiên, chắc chắn là có những ngày tôi lơ là. Tôi mệt mỏi, đau đầu hay trời quá nóng chẳng hạn. Cũng có những ngày tôi bỏ buổi chạy bộ vì không có hứng. Nhưng giờ đây, việc quay trở lại luyện tập dễ dàng hơn nhiều đối với tôi. (Thói quen 3: Ưu tiên cho điều quan trọng nhất). Vì tôi có một mục tiêu lớn, một lời cam kết ý nghĩa với những người mà tôi yêu thương hơn chính bản thân mình.
Lợi ích thứ hai của tư duy lành mạnh này là hơn bao giờ hết, tôi tin rằng tôi có thể chủ động. Thức dậy vào mỗi buổi sớm tinh mơ, chạy lên đỉnh đồi, tham gia cuộc thi chạy 5.000 mét, tất cả những điều này đều làm tôi hứng khởi.
Ngày qua ngày, khi tôi rèn luyện thể lực, tôi cảm nhận được chiến thắng bản thân. Bây giờ tôi hy vọng và có niềm tin rằng tôi có khả năng làm được những việc khó khăn.
Một cách nào đó, trước đây tôi có tư tưởng của một nạn nhân bởi vì tôi quá chán nản và căng thẳng, đến mức không dám thực hiện một thay đổi nào trong cuộc sống. Giờ đây, chiến thắng bản thân khiến tôi trở nên phấn chấn và tự tin hơn.
Lợi ích thứ ba của việc có một mục tiêu lớn hơn là sự thanh lọc tâm trí. Mỗi năm tôi một già đi. Trước đây, tôi cho rằng già đi đồng nghĩa với một cơ thể cứng nhắc, nhức nhối, mệt mỏi. Nhưng giờ đây, với một lối sống lành mạnh hơn, tôi nhận ra rằng chính lối sống cũ khiến tôi cảm thấy như vậy chứ không phải do tuổi tác. Tôi biết rằng nếu tôi đau đầu thì đó là vì tôi ăn quá nhiều đường chứ không phải vì cái tuổi 47. Cơ thể tôi đã điều chỉnh để khỏe mạnh hơn. Nhờ những phản ứng lành mạnh của nó mà tôi đưa ra được những quyết định sống thế nào cho tốt.
Tôi nghiệm ra rằng bạn có thể thật sự tin tưởng vào một cơ thể khỏe mạnh, nó sẽ mách bảo cho bạn những việc cần làm. Khi bạn nỗ lực sống có nguyên tắc quy củ thì phần thưởng của sức khỏe và sự dồi dào năng lượng là cái có thể nhìn thấy rõ. Mỗi khi cảm thấy đầu óc không được minh mẫn, tôi biết ngay rằng đó là dấu hiệu cho biết tôi cần quay lại việc luyện tập, ăn kiêng và ngủ đúng giờ.
Chúng tôi xác định giảm cân là một thành quả của chế độ luyện tập. Nhưng tôi tin rằng trí tuệ minh mẫn sáng tỏ là lợi ích lớn nhất mà tôi có được. Tôi không thể tưởng tượng, một quyết định rèn luyện sức khỏe lại mang đến những thay đổi lớn đến thế trong tất cả bốn khía cạnh trong đời tôi. Mà tôi đâu đã đạt được mục tiêu. Tôi vẫn nỗ lực mỗi ngày. Nhưng tôi đang tận hưởng “trái ngọt” của việc sống, luyện tập và ăn uống đúng cách.
* Trong số những bài học mà câu chuyện này chứa đựng là bài học chứng minh sức mạnh và thành quả thật sự của việc chiến thắng bản thân. Thật dễ dàng nói “không” với những cám dỗ khi chúng ta có một mong muốn cháy bỏng bên trong.
Tôi soi gương và thấy một kẻ thích kiểm soát
Tôi đã dành cả cuộc đời mình vào sự nghiệp. Tôi làm việc từ 12 đến 14 tiếng một ngày, 6 ngày một tuần để được thăng tiến. Tôi luôn đặt mình vào vị thế được người khác công nhận và tưởng thưởng. Tôi đảm nhận những chuyến đi công tác vì điều đó tạo ấn tượng rằng tôi cống hiến hết mình cho công ty.
Gia đình tôi chuyển vào nội thành Chicago để tôi có thể sống gần trụ sở chính của công ty hơn. Tôi tưởng đâu vợ mình thích sống ở đấy. Tôi nghĩ cô ấy thích cuộc sống lúc bấy giờ của chúng tôi. Bản thân tôi thích cuộc sống này.
Rồi con trai chúng tôi ra đời. Bất chợt, tôi muốn dành nhiều thời gian cho vợ con hơn. Tôi cố gắng gồng mình giữa công việc và gia đình. Tôi cảm thấy mình không khác gì cái bập bênh, gia đình ở đầu này còn công việc ở đầu kia. Nếu tôi dành tời gian cho gia đình nhiều hơn thì thời gian cho công việc bị hụt đi. Thế là tôi lại phải bù đắp cho công việc, và điều đó có nghĩa là bỏ bê gia đình.
Cứ như thế, tôi như con thoi, chạy qua chạy lại giữa hai đầu trong suốt cả tuần. Nhưng dù nỗ lực và nhanh nhẹn đến mấy, tôi vẫn không tài nào cân bằng được giữa công việc và gia đình. Dần dần, tôi trở nên mệt mỏi và luôn trong tâm trạng căng thẳng bực dọc với những bước chạy nước rút liên tục như vậy.
Khi tôi bắt đầu nhận thức và suy nghĩ nghiêm túc về nguyên tắc ưu tiên cho những điều quan trọng nhất, tôi nhận ra thứ tự ưu tiên của tôi không đúng cho lắm. Tôi không thể cố gắng tập trung cả vào công việc và gia đình cùng lúc được. Nếu làm thế, gia đình tôi sẽ lại bị bỏ lại phía sau như bao năm qua. Tôi cần xác định lại đâu là điều quan trọng nhất với tôi (Thói quen 2: Bắt đầu bằng cái kết trong tâm trí).
Sau đó, tôi phải điều chỉnh cuộc sống sao cho hành động của tôi tuân theo thứ tự ưu tiên mà tôi đề ra (Thói quen 3: Ưu tiên cho điều quan trọng nhất). Chỉ có như vậy, cuộc sống của tôi mới có ý nghĩa và yên bình.
Khi xem lại cách làm việc của mình, tôi nhận ra mình là người thích kiểm soát. Tôi thích tham gia vào tất cả mọi quyết định. Tôi thích săm soi công việc của người khác để chắc chắn rằng mọi thứ được hoàn thành theo cách mà tôi mong muốn. Tôi cho rằng không ai có cách làm tốt công việc hơn cách của tôi. Kết quả, cuộc đời tôi là một mớ rối rắm hỗn loạn.
Nhưng tôi đã nhầm. Bằng cách ôm đồm tất thảy mọi việc lớn nhỏ, tôi đẩy đồng nghiệp của mình đến chỗ thất bại vì đã không tạo cơ hội cho họ thể hiện khả năng. Tôi bắt đầu cho phép người khác tham gia vào công việc. Đồng nghiệp của tôi trở nên năng động hơn, còn bản thân tôi thì tham gia sâu hơn vào vai trò cố vấn trong hầu hết các dự án. Tôi phát hiện ra ai nấy cũng đều mãn nguyện hơn khi đóng góp nhiều hơn trong công việc.
Tôi không khỏi kinh ngạc và có phần hơi thất vọng khi thấy những việc quan trọng mà tôi từng nghĩ chỉ có mình mới làm nổi, nay không qua tay tôi vẫn tốt đẹp như thường. Sếp của tôi vẫn hài lòng, còn tôi thì không cần phải nhảy nhót loạn xạ như một con rối.
Quan trọng nhất là giờ đây tôi có nhiều thời gian hơn để làm những việc mà tôi cho là cần thiết hơn. Tôi bắt đầu dành thời gian ra ngoài ăn trưa thường xuyên hơn, thỉnh thoảng với vợ và con trai. Tôi cũng dành thời gian học cách sử dụng thành thạo các chương trình phần mềm dùng trong văn phòng. Hiệu suất công việc của tôi tăng vượt bậc. Tôi nghĩ, với quỹ thời gian dư ra, thậm chí tôi có thể quay lại trường học thêm một cái gì mới sau bao nhiêu năm chúi mũi vào làm việc (Thói quen 7: Không ngừng rèn luyện).
Cuộc sống gia đình tôi thay đổi rất nhiều. Chúng tôi chuyển ra khỏi Chicago để đến một thị trấn nhỏ (hóa ra vợ tôi chưa bao giờ thích sống trong thành phố). Thay vì bỏ thời gian ngồi ở văn phòng, tôi ở nhà thường xuyên hơn. Cha con tôi thường đi xem biểu diễn nhạc kịch vào ngày thứ bảy. Mối quan hệ gữa vợ chồng tôi trở nên tốt đẹp hơn bao giờ hết. Chúng tôi dành thời gian cho nhau. Chỉ đơn giản là ở bên nhau thôi, để làm những điều mà chúng tôi muốn: đi bộ, tập thể dục, làm vườn, và bao giờ cũng trò chuyện cùng nhau. Tôi rất hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Nhưng điều quan trọng hơn cả, tôi không còn phải chạy tới chạy lui như con rối giữa công việc và gia đình. Cuộc sống không còn là một cuộc đua không điểm dừng. Tôi biết phân biệt giữa những việc phải làm và những việc có thể làm. Và điều quan trọng nhất, tôi biết không nên làm những việc gì, và tôi gạt nó sang một bên ngay lập tức.
* Đối với một số người, điều thú vị nhất trong câu chuyện này là sự thay đổi nhận thức của người đàn ông khi đứa con trai chào đời. Nhận thức chính là cách bạn nhìn nhận thực tại, quan điểm của bạn về cuộc sống, là tấm bản đồ của bạn. Cách nhanh nhất để thay đổi nhận thức của một người là thay đổi vai trò của anh ta hay cô ta. Ngay khi chúng ta quyết định chấm dứt cuộc sống độc thân để yên bề gia thất, chúng ta nhìn nhận thế giới khác đi. Và khi chúng ta làm cha mẹ, chúng ta lại nhìn thế giới khác đi.
Sự thay đổi nhận thức có tác động mạnh mẽ hơn sự thay đổi trong hành vi hoặc thái độ. Sau khi bạn có nhận thức đúng đắn về thực tại, nghĩa là tấm bản đồ của bạn chỉ đường một cách chính xác, hãy thay đổi hành vi và thái độ của bạn.
NUÔI DẠY TRẺ NHỎ
Bởi vì…
Năm ấy, con gái lớn của tôi, Tina, được 9 tuổi. Một hôm, tôi chở con gái về thăm bà nội. Tôi nhớ mình đã nghĩ rằng việc xây dựng tài khoản tình cảm giữa cha con tôi là hết sức quan trọng. Vì thế, tôi tự hỏi: “Mình có thể làm gì trong khoảng thời gian 30 phút mà chúng tôi có được với nhau để ký gửi vào tài khoản tình cảm của con gái?”.
Bạn biết không, để làm được điều này cần phải có một chút can đảm. Một đứa trẻ 9 tuổi chắc chắn đã khá hiểu biết về những hành vi mà nó trông đợi ở cha mẹ.
Tôi không phải người hay tán gẫu trong lúc lái xe. Thỉnh thoảng tôi cũng có nhận xét này nọ về cảnh vật hai bên đường, nhưng thường tôi chỉ im lặng điều khiển vô lăng. Do đó, tôi hơi bối rối một chút khi đề xuất một trò chơi giữa hai cha con.
Khi chúng tôi vừa lái xe ra khỏi nhà, tôi nói: “Này con gái, sao bố con mình không cùng chơi một trò chơi nhỉ? Rất đơn giản, mỗi người chúng ta sẽ thay phiên nhau nói, “Bố/con rất vui bởi vì…” hoặc “Bố/con thích điều con/bố làm bởi vì…”. Từ “bởi vì” rất quan trọng vì nó sẽ giúp chúng ta biết được tại sao người kia yêu mến mình. Đồng ý chứ? Để bố bắt đầu trước nhé”.
Thế là tôi bắt đầu. Tôi nói một điều gì đó về con gái. Rồi cô bé ngẫm nghĩ một chút và nói một điều gì đó về tôi. Sau ba bốn câu như vậy, tôi bắt đầu phải “động não”. Điều này làm tôi khá bất ngờ.
Tôi yêu con gái mình rất nhiều, nhưng tôi lại khó nhớ ra được những hành động cụ thể về cô bé mà tôi yêu quý. Tôi thật sự cố gắng để tìm ra một điều gì đó để nói. Tina làm điều này dễ dàng hơn.
Sau khoảng năm, sáu câu, cô bé bắt đầu làm tôi sửng sốt. Tôi có thể thấy con gái mình hiểu về cuộc sống của tôi, bản thân tôi và những gì tôi làm. Cô bé biết ơn về những việc tôi làm, những buổi đi dạo đến công viên, những buổi tập bóng rổ ngoài sân, và cả cái cách mà tôi đánh thức cô bé dậy vào mỗi buổi sáng. Tina có thể nhìn thấy tất cả con người tôi.
Còn tôi vẫn phải suy nghĩ một cách khó khăn. Và khi thật sự nhìn vào cuộc sống của cô con gái bé bỏng của mình, nhớ lại những gì cô bé thường làm mỗi ngày trong gia đình, tôi bắt đầu thấy.
Tôi thấy cảnh cô bé ôm hôn cha mẹ, những câu nói hồn nhiên và cả những lời cảm ơn nữa. Tôi thấy Tina học tốt ở trường ra sao và lễ độ thế nào. Tôi bảo con rằng tôi thích nhất là khi Tina đi học về và lao đến ôm cha mẹ.
Khi cha con tôi bắt đầu đi sâu vào chi tiết thì chúng tôi không thể dừng lại được nữa. Chuyến đi chỉ kéo dài nửa tiếng và chúng tôi nói được 22-23 điều gì đấy. Đến đây thì tôi phải ngừng chơi vì không thể nghĩ ra thêm điều nào nữa.
Thú thật, trò chơi này khiến tôi cảm thấy bất ngờ. Một mặt tôi thấy rất vui, nhưng không tránh khỏi cảm giác thất vọng. Điều đáng mừng là Tina có thể nhìn thấy nhiều điều về bố mình (cô bé vẫn muốn tiếp tục chơi), nhưng tôi thất vọng vì mình không thể nghĩ ra thêm điều gì nữa. Quan trọng hơn, suốt quãng đường còn lại, hai cha con tôi trò chuyện vui vẻ với nhau. Tôi nghĩ trò chơi này mở đầu một cuộc đối thoại chưa từng có trước đây giữa tôi và con gái.
Khi chúng tôi đến nơi, Tina nhảy ra khỏi xe, chạy như bay vào nhà và đó là lúc mà trái tim tôi gần như vỡ òa ra vì vui sướng. Cô bé la lên, “Nội ơi, nội ơi. Bố biết rất nhiều điều tốt về cháu. Cháu không biết là bố biết nhiều điều tốt về cháu đến thế”.
* Từ respect (kính trọng) xuất phát từ tiếng Latin là specto, có nghĩa là nhìn thấy – nhìn thấy người khác (Thói quen 5: Lắng nghe để được thấu hiểu). Chúng ta càng nghĩ về bản thân mình bao nhiêu thì chúng ta càng ít nhìn thấy những điều quý giá, những mặt tốt đẹp ở những người xung quanh bấy nhiêu. Khi chúng ta thật sự thoát ra khỏi cái tôi và thật sự lắng nghe người khác, đấy là lúc chuyến hành trình khám phá kỳ diệu bắt đầu.
Bố ơi, con muốn đi vệ sinh
Một buổi chiều thứ bảy, tôi quyết định dẫn đứa con gái bốn tuổi, Lauren, đi trượt tuyết. Tôi nghĩ là chúng tôi cần giúp con bé trượt tuyết một cách tự tin. Trong tâm trí tôi vẽ ra viễn cảnh một buổi chiều hai cha con chơi đùa với nhau và trượt tuyết thật nhiều vòng. Trong khi chúng tôi đứng xếp hàng chờ đến lượt, con bé thì thầm, “Bố ơi, con muốn đi vệ sinh”.
“Con đợi một phút được không? Chúng ta đã xếp hàng quá lâu, sắp đến lượt rồi”.
“Vâng ạ, con sẽ đợi một phút”.
Khoảng một phút sau, Lauren phụng phịu, “Bố ơi, con muốn đi vệ sinh”.
Nghiến răng lại vì thất vọng, tôi cởi đồ trượt tuyết của con bé ra (bạn cũng biết là để mặc bộ đồ này vào người tốn thời gian như thế nào rồi). Sau đó, hai cha con tìm đường đi xuống khu nhà nghỉ. Hàng người rồng rắn đứng đợi trước cửa phòng vệ sinh kéo dài ra đến tận lối đi. “Ôi trời – tôi nghĩ – mình không thể đợi trong hàng người dài dằng dặc thế này. Ít nhất cũng phải mất 15 phút, mà mình thì chỉ có nửa buổi để trượt tuyết thôi!”. Thế là hai cha con tôi đi xuyên qua tận đầu bên kia khu nhà nghỉ để tìm một nhà vệ sinh khác.
Khi con bé nhận ra tôi tính đưa nó vào nhà vệ sinh nam cùng với tôi thì nó đứng lại nhất định không chịu vào. Tôi phải mất tới 5 phút năn nỉ, thúc ép mãi con bé mới chịu vào theo. Lại mất thêm 5 phút để cởi hết các lớp quần áo. Thêm 5 phút nữa để mặc lại tất cả. Sau đó chúng tôi quay lại chỗ xếp hàng để trượt tuyết – ở cuối hàng!
Đến nước này thì coi như kế hoạch của tôi đã bị đổ bể. Chúng tôi mất toi một tiếng đồng hồ và vẫn còn phải mất ít nhất 30 phút nữa mới đến được chỗ trượt tuyết.
Tôi luôn miệng giục giã: “Nhanh lên, nhanh lên nào. Chúng ta phải đi thật nhanh. Đừng dừng lại. Con phải nhanh chân lên, Lauren. Đi nào!”. Còn Lauren thì, “Bố ơi, đừng đi nhanh quá. Bố ơi, con không thể đi nhanh như bố đâu. Chân con đau quá. Bố ơi, con không muốn trượt tuyết nữa. Con mệt quá. Mình về nhà được không bố?”. Tôi tỏ ra cứng rắn với con bé, “Lauren, thôi nào. Chúng ta đến đây là để vui vẻ mà. Chúng ta sẽ trượt tuyết. Vì thế đừng có than thở nữa mà hãy nhanh lên”.
Bất chợt, tôi giật mình nhận ra và nghĩ, “Xem nào. Mình có mặt ở đây là để có một buổi chiều vui vẻ với con gái. Nhưng con bé thì đang khổ sở. Mình cũng thế. Chẳng làm sao vui vẻ được khi mình chỉ chăm chăm nghĩ đến việc phải trượt tuyết càng nhiều vòng càng tốt. Để làm gì cơ chứ? Mình và Lauren dự định vui chơi với nhau kia mà. Ai quan tâm đến việc trượt được bao nhiêu vòng?”.
Trong vài giây, tôi hoàn toàn thay đổi cách suy nghĩ. Tôi quyết định, bất kể chúng tôi trượt được mấy vòng, điều quan trọng là cha con tôi vui vẻ. Tôi lập tức thể hiện điều đó với con và có thể thấy ngay sự thay đổi nơi Lauren. Ngay khi con bé cảm thấy tôi thay đổi thái độ, nó trở nên vui vẻ, hoạt bát hẳn. Chúng tôi leo lên cáp treo, trượt tuyết hết mình và cảm thấy rất vui.
Buổi chiều hôm ấy là một kinh nghiệm sâu sắc đối với tôi. Chúng ta thường chìm đắm trong một sự việc hay mục tiêu nào đó mà bỏ quên các mối quan hệ. Nếu bạn suy nghĩ về điều này, bạn sẽ thấy những cuộc đi chơi và kỳ nghỉ thường trở thành một “thảm họa”, về mặt thực hiện một dự định nào đó trước chuyến đi.
Các bậc phụ huynh thường lên kế hoạch rất kỹ lưỡng: làm gì, đi đâu, chụp ảnh ở đâu. Tốt nhất là chúng ta nên nói, “Mối quan hệ giữa chúng ta là trên hết, nếu chúng ta đạt được mục tiêu đề ra thì thật tuyệt, nếu không thì cũng chẳng sao”. Một khi chúng ta quyết định như thế, tất cả đều cảm thấy thoải mái.
* Có thể vì trẻ con tương tự như H2O, ở thể khí, lỏng hay rắn là phụ thuộc vào nhiệt độ và áp lực xung quanh. Câu chuyện này minh họa cho thực tế: những mong muốn tinh thần của chúng ta không chỉ chi phối hành vi mà còn cả sự thỏa mãn của chúng ta. Chúng ta liên tục so sánh đối chiếu giữa những gì xảy ra trong thực tế với những điều chúng ta mong đợi, và điều đó quyết định việc chúng ta có thỏa mãn hay không. Chúng ta có thể kiểm soát những mong đợi của mình, nhưng không thể kiểm soát sự thỏa mãn của bản thân, trừ khi gián tiếp thông qua sự mong đợi.
Mẹ bao giờ cũng nói “không” với con!
Gia đình tôi, trừ Alex – con gái tôi, rời Boston đến sống ở Philadelphia vì công việc của tôi. Alex ở lại Boston sau khi tốt nghiệp phổ thông, nó học đại học một thời gian rồi mắc vào những món nợ cao như núi. Thế là nó buộc phải dọn về sống với cha mẹ mình. Khi nó chuyển về nhà, chúng tôi đặt ra một số quy định: Alex phải kiếm việc làm, tự trả tiền đi lại, không được làm thẻ tín dụng ở bất cứ nơi đâu, không được mượn xe của cha mẹ và phải phụ giúp việc nhà.
Một hôm, khi tôi đi làm về thì thấy Alex đứng đợi tôi ở cửa. Nó hỏi mượn xe của tôi để lái đến Boston. Alex biết trước câu trả lời của tôi bao giờ cũng sẽ là “không”. Vậy mà tôi không hiểu sao con bé lại mở miệng ra hỏi. Tất nhiên, không mất một giây suy nghĩ, tôi gạt phắt lời đề nghị của nó.
Sự từ chối lần này của tôi khiến Alex thất vọng hơn những lần trước. Nó giận đến mức mấy ngày không thèm nói chuyện với tôi. Không khí giữa hai mẹ con cứ căng thẳng như thế trong nhiều ngày liền. Mỗi khi tôi bước vào phòng, nó đứng phắt dậy bỏ ra ngoài. Nếu tôi hỏi điều gì thì nó chỉ trả lời nhát gừng. Tôi tưởng nói giận tôi vì đã không cho nó mượn xe. Tôi nghĩ rằng mọi việc rồi cũng sẽ qua thôi.
Sau vài ngày suy nghĩ về vấn đề này, cuối cùng tôi nhận ra có điều gì đó không bình thường. Tôi tự hỏi, tại sao lần này con bé lại giận dữ như vậy về lời từ chối mà nó đã nghe bao nhiêu lần trước đó? Có chuyện gì ở đây chăng? Tôi quyết định áp dụng Thói quen 5 để tìm hiểu xem chuyện gì khiến Alex buồn bực đến thế.
Khi đi làm về, tôi gọi con gái vào bếp. Đầu tiên nói từ chối. (Sau này, nó nói rằng nó tưởng tôi gọi nó vào để rầy la về một việc làm sai trái nào đó). Thế là tôi bước vào phòng của nó và nói: “Alex, con ngồi xuống đi. Mẹ muốn biết tại sao mấy hôm nay con lại hành xử như vậy”. Nó vẫn im lặng không chịu mở miệng. Tôi phải thuyết phục một lúc, cuối cùng nó cũng cảm thấy tôi thật sự muốn hiểu rõ mọi chuyện. Và chỉ đến lúc ấy nó bắt đầu nói. Lời lẽ cứ thế tuôn trào cùng những giọt nước mắt lã chã và tiếng nức nở nghẹn nghèo.
“Mẹ, con biết con làm hỏng mọi chuyện ở Boston. Nhưng mà con đã cố gắng chứng minh cho mẹ thấy là con có thể thay đổi. Có bao giờ mẹ bảo con làm việc gì mà con từ chối đâu. Nếu mẹ muốn con đi mua sữa, lấy đồ giặt khô hoặc đi siêu thị mua đồ, con đều làm theo ý mẹ. Con bao giờ cũng đồng ý. Tất cả những việc mẹ muốn con đều làm: lau chùi tủ lạnh, dọn dẹp phòng khách, giặt đồ. Mẹ thấy không, cái gì con cũng làm tất. Thậm chí không một lời than vãn. Con chỉ đơn giản là làm theo lời mẹ.
Nhưng mỗi khi con hỏi xin mẹ điều gì, bao giờ mẹ cũng gạt phắt đi. Mà con cũng đâu có đòi hỏi gì nhiều. Bản thân con cũng cảm thấy tồi tệ khi đã tốt nghiệp phổ thông mà vẫn còn quanh quẩn ở nhà với bố mẹ. Vì vậy, con cũng đâu dám hó hé. Nhưng mỗi khi con yêu cầu điều gì, bao giờ cũng là quá trễ, hoặc quá bất tiện, hoặc không đúng ý của mẹ. Chỉ một lần thôi, mẹ à, con muốn mẹ đồng ý với con. Chỉ một lần thôi”.
Nó nói đúng. Tất cả những điều Alex nói đều đúng. Ngay khi nó bắt đầu nói ra, tôi đã cảm nhận được điều đó. Nó luôn vâng lời tôi, còn tôi thì luôn nói “không”.
Tôi xin lỗi Alex về sự vô tâm và độc đoán của mình. Tôi hứa sẽ nỗ lực để đồng ý với con bé thường xuyên hơn. Tôi cảm ơn Alex vì thời gian qua đã luôn làm theo những yêu cầu của tôi. Mặc dù Alex vẫn không được mượn xe vì chúng tôi đã thoả thuận như vậy, nhưng cuộc trao đổi ấy thật sự đã thay đổi mối quan hệ giữa hai mẹ con. Chúng tôi giao tiếp với nhau cởi mở hơn và mức độ tin cậy giữa hai mẹ con cũng tăng lên đáng kể.
Sau này, chúng tôi có nói đến việc tại sao cuộc nói chuyện đó lại có tác động sâu sắc đên vậy. Alex nói rằng khi nó nhận ra tôi thật sự muốn lắng nghe những tâm tư của nó, thì nó biết rằng nó muốn nói cho tôi nghe mọi điều. Nó mong muốn và cần có một người mà nó có thể trò chuyện một cách chân thật. Nó cần một ai đó lắng nghe và ủng hộ mình, chứ không phải người chỉ biết phê phán và xét đoán.
Cuộc nói chuyện đó chứng tỏ cho nó thấy tôi thật sự tôn trọng, yêu quý nó và muốn ở bên cạnh giúp đỡ nó. Từ hôm ấy đến nay (đã 5 năm trôi qua), Alex vẫn tìm đến tôi mỗi khi nó cần ai đó lắng nghe mình.
* Con người có khuynh hướng đánh giá người khác qua hành vi và đánh giá bản thân qua động cơ. Động cơ đằng sau hành vi của cô gái trong câu chuyện này là chân thành, tốt đẹp và đáng được tôn trọng. Khi không nhận được sự tôn trọng, mối quan hệ sẽ ngày càng trở nên xấu đi. Khi nhận được sự đồng cảm chân thành, người đó sẽ thay đổi hoàn toàn cách nghĩ và sẵn lòng giải quyết những vấn đề khó khăn.
HÔN NHÂN: COI TRỌNG SỰ KHÁC BIỆT
Kênh truyền hình SportsCenter
Trong mùa bóng bầu dục vài năm về trước, tôi hâm mộ cây làm bàn Steve Young và đội San Francisco 49 hết mức. Một buổi sáng thứ bảy, trong lúc diễn ra trận đấu quyết định giữa hai đội bóng, vợ chồng tôi nảy sinh “vấn đề”.
Angie nói một cách hăng say. Hai chúng tôi ngồi ở bàn, dối diện nhau. Tôi có thể nhìn thấy màn hình tivi qua vai Angie. Kênh SportsCenter đang được bật lên, vì thế tôi giả vờ nghe Angie nói nhưng thực chất tôi chỉ chú tâm đến màn hình trước mặt. Tôi cho rằng mình làm điều này rất tốt, và vợ tôi sẽ nghĩ chúng tôi đang “trò chuyện” cùng nhau.
Thế rồi, bất thình lình trên tivi chiếu một đoạn video clip về Steve Young. Chắc hẳn là tôi hơi quá chăm chú nhìn vào màn hình. Nhưng trước khi tôi nhận ra điều đó, Angie đã nổi cáu với tôi và cô ấy hoàn toàn có quyền như vậy. Bây giờ, nội dung cuộc trao đổi giữa hai vợ chồng xoay quanh việc tôi đã cư xử thô lỗ như thế nào khi giả vờ lắng nghe trong khi tôi thật sự chỉ dán mắt vào kênh truyền hình SportsCenter.
Chúng tôi đã tranh luận với nhau suốt mấy tiếng đồng hồ về chuyện này. Ngày thứ bảy của tôi thế là tiêu tùng, bởi vì tôi có thể cảm nhận rõ nỗi buồn bực của vợ mình.
Angie buồn vì tôi không hề lắng nghe vợ nói. Cô bảo, “Em ở nhà suốt ngày với lũ trẻ, em cần một người để nói chuyện. Thế mà chồng em, người đáng lẽ phải trân trọng em hơn bất cứ ai khác, lại thậm chí không đủ lịch sự để nghe em nói”.
Bấy giờ là 10 hoặc 10 giờ rưỡi đêm, chúng tôi đang ở trong phòng ngủ trên lầu và chương trình SportsCenter lại được bật lên. Chúng tôi đang nói về việc tôi xem tivi trong khi giả vờ nghe cô ấy nói. Tôi đang xin lỗi vợ, thừa nhận rằng mình thật bất lịch sự và tôi lại làm gì các bạn biết không? Tôi lại lơ là và bắt đầu xem Steve Young! Vậy đấy!
Chẳng cần phải nói, chúng tôi không giải quyết được vấn đề này cho đến ngày hôm sau.
Thật ra, để hiểu một người khác không phải là chuyện dễ dàng. Có những lúc tôi nghĩ mình đang thực hành Thói quen 5, nhưng trong thực tế, tôi chỉ áp dụng kỹ thuật một cách máy móc, còn trái tim tôi thì để ở chỗ khác. Những lúc đó, Angie cảm nhận được là tôi đang nghĩ đến chuyện khác và điều này khiến cô cảm thấy bị tổn thương ghê gớm. Người đối diện sẽ biết khi nào bạn không thành thật với họ. Họ biết đấy!
May thay, Angie hiểu về 7 Thói quen đủ nhiều nên khó mà qua mặt được cô. Thỉnh thoảng, cô đáp trả, “Đừng dùng những kỹ thuật của Covey với em”. Nhưng khi trái tim tôi hướng về cô ấy, khi tôi thật sự quan tâm đến Angie, cô không bao giờ suy nghĩ, cảm nhận hay nói ra những điều như vậy. Mọi việc trở nên tốt đẹp.
Tôi vẫn đang trong quá trình học hỏi.
* Nếu chúng ta tập trung vào bản thân, đắm chìm trong thế giới của riêng mình, chúng ta chẳng lắng nghe một thứ gì khác. Thực hành kỹ thuật lắng nghe bằng cách đơn thuần phản ánh lại những điều người kia nói chắc chắn phản tác dụng. Thật ra, các biện pháp kỹ thuật chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, chính động cơ và thái độ thành thật muốn thấu hiểu người đối diện mới là phần nặng nhất chìm dưới nước.
Ngôi nhà kính
Trong suốt 30 năm, cha tôi là một nha sĩ giỏi cho đến khi ông bị chẩn đoán mắc chứng thoái hoá dạng tinh bột, một căn bệnh lạ, tương tự bệnh ung thư. Các bác sĩ cho rằng ông chỉ còn sống được sáu tháng là cùng. Vì những tác động của căn bệnh này, ông buộc phải nghỉ việc. Thế là từ một người đàn ông cực kỳ năng động, cha tôi phải ngồi lì ở nhà suốt ngày, chẳng có bất cứ việc gì làm ngoài việc suy nghĩ về căn bệnh chết người của mình.
Ông quyết định xua đuổi những ý nghĩ u ám ra khỏi đầu bằng cách dựng lên một ngôi nhà kính ở sân sau, nơi ông sẽ tự tay trồng và chăm bón những loài cây mà ông ưa thích. Đó không phải là loại nhà kính đẹp mắt mà bạn vẫn thấy phía sau những toà biệt thự sang trong xây theo kiểu Victoria đâu. Chỉ là một nhà kính có mái lợp bằng tôn múi, tường lắp những tấm nhựa màu đen.
Mẹ tôi không muốn một vật quái dị như thế mọc lên trên sân sau nhà mình. Bà bảo mình sẽ xấu hổ đến chất mất nếu hàng xóm nhìn thấy nó. Đề tài này trở thành chủ đề “nóng” trong cuộc đấu khẩu giữa cha mẹ tôi, đến mức không ai giữ được giọng điệu ôn hoà nữa. Tôi nghĩ đây chính là cái cớ để cha mẹ tôi gián tiếp xả cơn giận dữ trước sự bất lực của mình về căn bệnh.
Một hôm mẹ tôi nói với tôi rằng bà sẽ cố gắng hiểu quan điểm của cha tôi về vấn đề này. Bà muốn giải quyết tình trạng này để cả hai đều cảm thấy vui. Bản thân bà không muốn có một nhà kính xấu xí như thế trong sân sau nhà mình. Bà thích nhìn ánh ban mai rực rỡ chiếu trên thảm hoa lâu đời của bà hơn. Nhưng bà cũng biết rằng bà muốn cha tôi vui vẻ và làm việc có ích. Cuối cùng,bà quyết định nhượng bộ ý muốn của chồng và để cho ông làm những gì ông thích.
Một số người có thể nghĩ bà chịu thua chồng, nhưng bà thì nghĩ đó là một việc làm cả hai cùng thắng. Bà quyết định rằng niềm vui của người chồng thân yêu đối với bà quan trọng hơn cả mảnh sân sau lẫn những người hàng xóm.
Kết quả, hoá ra ngôi nhà kính ấy lại kéo dài sự sống của cha tôi, sau khi bác sĩ đã bỏ cuộc. Ông sống thêm được 2 năm rưỡi nữa. Ban đêm, khi ông không thể ngủ được do phản ứng phụ của quá trình hoá trị, ông thường vào nhà kính ngắm nhìn những cái cây tự tay ông vun trồng. Buổi sáng, việc tưới cây chính là lý do để ông trở dậy không nằm bẹp trên giường. Nhà kính mang lại cho ông công việc để làm, một điều gì đó để tâm trí ông tập trung vào, trong khi cơ thể ông đang bị căn bệnh tàn phá.
Tôi nhớ, mẹ tôi đã nói rằng, việc ủng hộ ý muốn xây nhà kính của cha tôi là một trong những điều khôn ngoan nhất mà bà từng làm trong đời.
* Thoạt đầu, nhà kính là điểm “thua” đối với người vợ, cho đến khi bà xem trọng niềm vui và đời sống tinh thần của chồng hơn sự đánh giá của bản thân. Điều thú vị là nguồn năng lượng mà người chồng có được không phải là giải pháp thứ ba mà là thái độ thứ ba. Lựa chọn thứ nhất là không xây nhà kính. Lựa chọn thứ hai là miễn cưỡng để ông làm theo ý mình. Lựa chọn thứ ba là thật sự hiểu chồng, cảm thấy hạnh phúc trước sự mãn nguyện của chồng. Người phụ nữ thật sự cảm thấy mãn nguyện trong niềm hạnh phúc của người chồng. Một sự đồng tâm nhất trí như vậy chính là biểu hiện cao nhất của một tình yêu thật sự.
Người chồng phóng khoáng của tôi
Ông Trời khéo se duyên, vợ chồng tôi là một cặp “trái dấu”. Tôi là người rất nguyên tắc, quy củ, luôn biết cách sắp đặt mọi việc đâu vào đấy và tính tình điềm đạm. Chồng tôi, Larry, thì ngược lại hoàn toàn. Anh ấy không hề có tính tổ chức và lại rất cứng đầu. Một số người xếp anh vào loại phóng khoáng, cảm tính, thích gì làm nấy.
Để bản thân cảm thấy thoải mái và có cớ đổ lỗi, tôi luôn xem những tính cách đó của anh là không tốt. Đó là cách mà tôi đổ lỗi cho chồng về những vấn đề mà chúng tôi gặp phải. Tôi cũng đi đến chỗ tin rằng giang sơn dễ đổi bản tính khó dời. Larry lúc nào cũng vậy thôi. Tôi không thể thay đổi anh ấy.
Bao giờ tôi cũng phải cố gắng rất nhiều trong việc thực hiện trách nhiệm cá nhân (Thói quen 1: Chủ động). Sau khi viết xong bản Tuyên Ngôn Sứ Mệnh Cá Nhân, tôi đặt nó vào góc xa nhất trên bàn làm việc và cứ để nó nằm yên chỗ đó.
Rồi một lần trong chuyến đi công tác, tôi tình cờ đọc một bài báo khiến tôi muốn thử 7 Thói quen một lần nữa. Khi xem lại các nguyên tắc trong 7 Thói quen, tôi nhận thấy rằng cái mà tôi thiếu chính là trải nghiệm về thắng lợi cá nhân.
Cơ hội ở ngay trước mặt. Tôi cầm bản Tuyên Ngôn Sứ Mệnh của mình lên và đọc lại lần nữa. Ở chính giữa là một câu viết về việc trân trọng những điểm tốt của chồng tôi. Một giọng nói bên trong tôi vang lên đầy thách thức, “Vậy bạn có làm như thế không?”. Tôi xua câu nói đó ra khỏi đầu và hạ quyết tâm đọc bản Tuyên Ngôn Sứ Mệnh vào mỗi thứ hai đầu tuần để nhắc nhở bản thân về những việc cần làm.
Bây giờ, khi suy nghĩ về người đàn ông đã chung sống với mình trong hơn 23 năm qua, tôi bắt đầu nhìn anh ở một góc độ khác. Tôi nhận ra rằng nếu không nhờ tâm hồn phóng khoáng, thích phiêu lưu mạo hiểm của anh, những kỳ nghỉ của chúng tôi hẳn sẽ diễn ra theo một kịch bản nhàm chán đã được định sẵn. Chúng tôi sẽ không bao giờ khám phá ra những con chim cánh cụt trên bãi biển nhỏ ở Cape Town, hoặc một nhà hàng trông ra kênh đào ở Amsterdam.
Tôi bao giờ cũng miễn cưỡng chấp nhận những cái gì không giống mình, kể cả khi điều đó xuất phát từ người chồng thân yêu. Theo một cách nào đó, suốt hơn 20 năm qua, lúc nào tôi cũng giữ khoảng cách với chồng.
Bây giờ, tôi đã có cách đánh giá mới về ông xã. Tôi có thể nhìn thấy anh ấy theo cách hoàn toàn khác. Sự thay đổi trong nhận thức này cũng giúp tôi đạt được một thành tích của riêng mình. Tôi đã tự mình thay thế được những nhận định sai lệch bằng dữ liệu chính xác. Tôi cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh với sự thay đổi nhận thức này.
* Có hai cách hiệu quả nhất để kết nối giữa nhận thức và tiềm thức, nơi mà việc lên kịch bản và lập trình sâu xa nhất của cuộc sống diễn ra. Cách thứ nhất là hình dung và khẳng định những thứ có ý nghĩa to lớn với chúng ta, và cách thứ hai là viết xuống giấy trắng mực đen. Đây là những hoạt động thuộc hệ thần kinh có thể khắc sâu lên não bộ theo nghĩa đen.
TĂNG CƯỜNG ẢNH HƯỞNG CỦA BẠN
90 ngày thử thách
Khi tôi gia nhập công ty với tư cách giám đốc nhân sự, tôi đã nghe nhiều lời đồn đáng sợ về sếp của mình. Đã có lần tôi chứng kiến cảnh sếp nổi nóng với một nhân viên. Nếu lời nói sắc như lưỡi dao thì chắc người nhân viên kia đang đứng trên vũng máu của chính mình. Từ đó, tôi thề với mình rằng sẽ không bao giờ làm trái ý sếp.
Không có điều gì trên đời này, dù đó là nỗi thất vọng lớn lao nhất hay việc kiện tụng ầm ĩ nhất, đáng để cho tôi chạm mặt ông vào những ngày ông ở trong tâm trạng tồi tệ. Tôi đã thực hiện đúng lời hứa này. Tôi bao giờ cũng thưa bẩm kính cẩn mỗi khi gặp ông ngoài hành lang, và gửi tất cả báo cáo đúng hạn cho thư ký của ông. Tôi bảo đảm rằng mình không phải là người cuối cùng rời khỏi văn phòng đi ăn trưa, để không phải một mình đối diện với sếp. Tôi thậm chí không muốn chơi golf với ông vì sợ mình có thể đánh bại ông.
Một thời gian ngắn sau, tôi bắt đầu có cảm giác ghê tởm bản thân mình vì sự khiếp nhược ấy. Tôi dồn hết sức mình cho những thứ mà tôi không thể kiểm soát nổi. Tôi dành hết năng lực sáng tạo quý giá vào việc nghĩ ra giải pháp cho những vấn đề thậm chí chưa xảy ra. Do luôn sống trong sợ hãi, tôi không thể làm mọi việc tốt nhất trong khả năng của mình. Tôi không dám thay đổi điều gì. Thật ra, thay đổi duy nhất cho tôi cảm giác yên tâm là đổi sang làm việc cho một công ty khác. Tôi thậm chí đã có lịch đi phỏng vấn.
Xấu hổ với chính mình, tôi huỷ cuộc phỏng vấn và cam kết tập trung vào Vòng Tròn Ảnh Hưởng của mình trong vòng 90 ngày (Thói quen 1: Chủ động).
Tôi bắt đầu với quyết định rằng, điều mà tôi muốn hơn cả là thiết lập một mối quan hệ tốt đẹp với sếp. (Thói quen 2: Bắt đầu bằng cái kết trong tâm trí). Chúng tôi không cần phải là bạn thân của nhau, nhưng chúng tôi phải giao tiếp với nhau như các đồng nghiệp. Với mục tiêu đó, tôi quay lại văn phòng với suy nghĩ, “Chỉ 90 ngày thôi. Mình sẽ nỗ lực hết sức chỉ trong 90 ngày”.
Một hôm, sếp vào phòng tôi. Sau vài câu trao đổi và sau khi lấy hết can đảm tôi mở lời, “Tôi có thể làm gì để giúp ông làm việc hiệu quả hơn?”.
Sếp hỏi lại, “Ý cậu là sao?”.
Tôi dũng cảm tiến thêm một bước, “Tôi có thể làm gì để giảm bớt áp lực trong công việc cho ông? Trách nhiệm của tôi là đảm bảo cho công việc của ông dễ dàng hơn”. Tôi ngoác miệng cười, kiểu cười làm-ơn-đừng-nghĩ-tôi-điên. Tôi sẽ không bao giờ quên nét mặt của ông lúc ấy. Và đó thật sự là thời điểm bắt đầu cho mối quan hệ giữa hai chúng tôi.
Lúc đầu, tôi được sai làm những việc nhỏ nhặt mà tôi không thể nào làm hỏng như, “Đánh máy bản ghi nhớ này cho tôi”, hoặc “Gọi giúp tôi cuộc điện thoại này”. Sau 6 tuần như vậy, sếp đến gặp tôi và nói, “Tôi biết là cậu có kinh nghiệm về các khoản bồi thường cho nhân công. Cậu có thể giúp tôi xem xét về vấn đề bảo hiểm không? Tiền phí bảo hiểm mà chúng ta phải trả rất cao, hãy thử xem cậu có thể làm được gì”.
Đó là lần đầu tiên sếp yêu cầu tôi làm một việc có tác động lớn đối với công ty. Tôi giảm được phí bảo hiểm từ 250 ngàn đô một năm xuống còn 198 ngàn đô. Ngoài ra, tôi còn khiến họ miễn phí huỷ hợp đồng giữa kỳ hạn, bằng việc thương lượng về một số vụ đền bù tệ hại. Khoản này giúp tiết kiệm thêm cho chúng tôi 13 ngàn đô.
Một lần, chúng tôi bất đồng ý kiến với nhau, tôi đã chứng minh cho ông thấy rằng tôi không tiết lộ việc này với ai.
Chẳng bao lâu sau, tôi phát hiện ra 90 ngày thử thách đã mang lại kết quả tốt đẹp. Mối quan hệ và ảnh hưởng của tôi được tăng cường nhờ vào việc tôi biết tập trung vào những gì tôi có thể làm được để thay đổi hoàn cảnh. Hiện giờ, sự tin tưởng giữa sếp và tôi đạt đến mức độ cao, và tôi cảm thấy mình có những đóng góp đáng kể cho công ty.
* Để có thể gia ăng ảnh hưởng của mình, bạn cần có lòng kiên định. Khi sự tự tin vào năng lực và tính cách của bạn tăng lên thì sự tin tưởng của người khác dành cho bạn cũng tăng theo. 90 ngày thường là khoảng thời gian đủ dài để kiểm chứng một điều gì đó. Đôi khi chỉ cần 30 ngày là đủ.
Nếu cái nhìn có thể giết người
Tôi làm việc với một nhóm quản trị viên cao cấp trong một buổi họp kéo dài 7 ngày. Mỗi buổi sáng trong khoảng thời gian này, một người trong ban quản trị được yêu cầu nói về một kinh nghiệm cá nhân của mình liên quan đến một trong 7 Thói quen.
Thành thật mà nói, một số người khá cứng đầu. Hầu hết đều coi nhẹ sáng kiến này. Tuy vậy, chúng tôi bắt đầu có một số tiền bộ với những trải nghiệm cá nhân. Khi họ kể về câu chuyện thành công của mình trước mặt các đồng nghiệp, mọi người bắt đầu nhận ra rằng những điều này có thể mang lại hiệu quả.
Một buổi sáng, chúng tôi bàn về Thói quen 5: Lắng nghe để được thấu hiểu.
Jacques, chủ tịch công ty đồng thời là trưởng nhóm, chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình. Sau đó, chúng tôi chuyển sang những nội dung thảo luận khác. Vào buổi chiều, một người không được lòng người khác cho lắm tên là Darren bắt đầu nói về một vấn đề trong kinh doanh mà ông ta đang phải vật lộn với nó. Cả nhóm được thể cật vấn ông, “Vậy anh đã thử làm cái này chưa? Hay cái này? Còn biện pháp này thì sao?…”.
Tôi cũng ngứa miệng muốn tham gia chất vấn ông ta lắm. Nhưng tôi biết không đến lượt mình. Sau đó, tôi nghe thấy Jacques cười ngạo vào mặt Darren, biến ông ta thành trò cười trước mặt mọi người. Tất nhiên, cả nhóm hùa theo làm cho Darren bẽ mặt.
Tôi sững người. Chỉ mới vài tiếng đồng hồ trước, Jacques còn nói về những trải nghiệm cảm động của ông về giá trị của việc kiên nhẫn và cố gắng thấu hiểu hành động của người khác. Bây giờ, ông ta lại làm một việc trái ngược hẳn.
Tôi biết mình không thể phê bình sếp lớn trước mặt tất cả những người khác. Vì thế, tôi chỉ nhìn ông ta với ánh mắt bất bình, khó chịu. Jacques hiểu rõ cái nhìn của tôi. Tôi giận sôi lên và toan rời khỏi nhóm. Thì ra nói thì dễ lắm.
Jacques trừng mắt nhìn tôi. Tôi kéo ghế ngồi thẳng người lên và tiếp tục trừng mắt lại. Ông ta ngả người ra sau ghế. Tôi vẫn nhìn thẳng vào mặt ông. Cảnh này kéo dài chừng 5 phút, trong khi những người còn lại vẫn hành hạ anh chàng tội nghiệp kia. Bất thình lình, Jacques cho ngừng cuộc thảo luận. Ông nói, “Dừng lại, tôi đã sai rồi. Darren à, tôi muốn được anh tha thứ”.
“Vì cái gì cơ” – Darren hơi lúng túng.
“Tôi đã làm một việc thật khiếm nhã. Tôi không nên cười như thế. Chúng tôi đã không chịu lắng nghe anh. Chúng tôi chỉ nhảy xổ vào chế giễu anh thôi. Anh có tha thứ cho tôi không?”.
Tôi nghĩ rằng Darren, vốn là một vị phó chủ tịch, sẽ nói kiểu như, “Không có vấn đề gì đâu. Đừng lo lắng về chuyện đó”. Nhưng phản ứng của ông thật đáng kinh ngạc: “Jacques à, tôi tha thứ cho anh. Cảm ơn anh”.
Bạn có nhận thấy là cần phải can đảm đến mức nào để có thể tha thứ một cách chủ động, chứ không phải cố gắng quên đi những gì đã xảy ra không?
Tôi ngồi đó, lặng người đi trước cách hành xử đột ngột của Jacques. Ông không cần phải xin lỗi. Ông cũng không cần phải xin được tha thứ trước mặt cấp dưới. Ông là người đứng đầu một bộ phận có tới 80 ngàn người kia mà. Ông không cần làm bất cứ điều gì mà ông không muốn.
Sau buổi họp, tôi đến gặp ông, giọng vẫn đầy cảm xúc, tôi nói, “Cảm ơn ông vì đã làm điều đó”. Ông trả lời, “Đó là việc phải làm. Cảm ơn cô vì đã trừng mắt nhìn tôi”. Sau đó, chúng tôi không nói thêm về sự cố này nữa. Nhưng cả hai đều biết rõ rằng chúng tôi đã làm một việc nên làm.
* Đưa ra thông điệp phản hồi là một trong những nội dung giao tiếp khó khăn nhất. Và cũng là điều cần thiết nhất. Thế nên nhiều người có những “điểm mù” nghiêm trọng không thể kiểm soát, bởi vì không có ai biết cách cung cấp thông tin phản hồi cho họ. Người ta quá sợ việc làm ảnh hưởng đến mối quan hệ hoặc tương lai của mình vì dám “nhắc nhở” sếp.
Cách tốt nhất để gặp riêng và đưa ra thông tin phản hồi là nói từ góc độ cảm nhận của bản thân bạn chứ không phải của người đó. Hãy miêu tả cảm xúc của bạn, chứ không phải lời buộc tội, phê phán hay quy kết. Cách tiếp cận này khiến người khác dễ tiếp nhận thông tin về “điểm mù” của mình bởi vì nó không có ý đe doạ cá nhân.
TƯ DUY CÙNG THẮNG TRONG QUẢN TRỊ
Năm mươi năm trung thành
Tôi làm việc cho một công ty đa quốc gia ở Malaysia. Tôi làm quản lý thu mua. Khi bắt đầu công việc, tôi tiếp quản hồ sơ của khoảng 5.000 nhà cung ứng. Hãy tưởng tượng, 5.000 nhà cung ứng, mỗi nhà cung ứng có những sản phẩm, hợp đồng, loại hình đặt hàng và cách thức thanh toán khác nhau. Chỉ riêng chuyện giấy tờ văn bản thôi cũng đã là một cơn ác mộng.
Sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ của các nhà cung ứng, tôi đi đến kết luận cần giảm số lượng xuống càng nhiều càng tốt. Vấn đề lớn của tôi là đội ngũ chuyên chở hàng hoá, có tới 600 tài xế xe tải chở hàng đi khắp nơi. Một số công ty đối tác có đội xe chuyên chở lớn, còn lại phần lớn là những chiếc xe tải nhỏ, thường chỉ có một tài xế hoạt động riêng lẻ.
Tôi tính toán, nếu mình có thể giảm con số này xuống còn 1/5 thì công việc của mình sẽ nhẹ đi 4/5. Tôi quyết định thanh lọc bớt các bạn hàng, tập trung phát triển mối quan hệ với những công ty lớn, đồng thời loại bớt nhiều, nếu không phải là tất cả, những công ty nhỏ chỉ có một hoặc hai xe.
Tôi tổ chức một cuộc họp để thông báo về việc chấm dứt hợp đồng vận chuyển. Có khoảng 40 người trong phòng họp. Trước khi tôi chuẩn bị đứng dậy thông báo về quyết định của mình, một người đàn ông lớn tuổi ngồi bên cạnh quay sang nói với tôi: “Tôi chỉ muốn anh biết rằng tôi biết ơn công ty này như thế nào…”. Tôi nghĩ thầm, “Ôi trời, không phải là lúc này chứ. Tôi sắp sửa sa thải ông trong vòng 2 phút nữa”. Người đàn ông tiếp tục: “Nhờ công ty này mà cha tôi nuôi sống cả gia đình. 50 năm trước, ông để dành tiền mua một chiếc xe tải và bắt đầu chở hàng cho công ty. Nhờ những hợp đồng ấy mà ông có thể nuôi toàn bộ gia đình tôi. Tôi là thế hệ thứ hai trong gia đình lái xe cho công ty này. Công việc cha truyền con nối này đã giúp gia đình tôi suốt 50 năm qua. Cảm ơn anh đã tạo điều kiện cho chúng tôi kiếm sống theo cách này”.
Tôi có thể nói gì đây? Ruột gan tôi đảo lộn hết. Tôi chỉ biết mỉm cười rồi đứng dậy. Khi tôi đưa mắt nhìn quanh phòng, tôi nhận ra rằng mỗi người đàn ông ngồi đây đều có một câu chuyện tương tự. Việc tôi sắp làm để giảm nhẹ công việc giấy tờ của mình cũng đồng thời đập bể nồi cơm của nhiều gia đình đã gắn bó với công ty 50 năm qua. Tôi buộc phải thành thật với họ: “Thưa quý vị, tôi gặp một vấn đề nan giải. Tôi có cả một danh sách những nhà cung ứng dài tới 39 trang. Tôi không thể theo sát nhiều người như thế. Chưa kể cứ cách tuần tôi còn phải thương lượng hợp đồng nữa. Công ty đang bị hao tổn tiền bạc và chúng tôi hoạt động không hiệu quả. Giải pháp hợp lý nhất là chấm dứt hợp đồng với quý vị. Nhưng bản thân tôi không muốn điều đó. Vậy thì liệu chúng ta có thể đi đến một giải pháp nào có lợi cho tất cả mọi người hay không?” (Thói quen 4: Tư duy cùng thắng).
Sau một hồi thảo luận, một tài xế đứng lên nói, “Nếu vài người trong chúng tôi ghép lại với nhau thành một công ty lớn hơn, để chở được nhiều hàng hơn với ít hợp đồng hơn thì sao? Liệu ông có thể giữ chúng tôi lại nếu chúng tôi làm điều đó không?” (Thói quen 6: Đồng tâm hiệp lực).
“Chắc chắn rồi, nếu quý vị làm được như thế thì điều đó cũng tốt cho tôi”, tôi đáp.
Sau đó có nhiều người nêu ý kiến: “Giả sử năm hay mười công ty nhỏ sáp nhập lại với nhau, chúng ta có thể mua vỏ xe giá sỉ, và mua xăng rẻ hơn. Và nếu một công ty đang bận chở hàng thì những công ty còn lại có thể hỗ trợ”. Không khí hào hứng hẳn lên, ai nấy đều hồ hởi và ngay trong cuộc họp họ đã bắt đầu hình thành những công ty với đội xe hùng hậu và được hưởng mức giá tốt hơn. Khỏi phải nói, công việc của tôi trở nên dễ dàng hơn ngay lập tức.
Tôi cảm thấy ý tưởng này thật tuyệt vời. Bất thình lình, tôi nhìn thấy viễn cảnh: tôi có 500 nhà cung ứng. Với 500 đơn vị này, tôi có thể mua vỏ xe và phụ tùng xe với giá cực rẻ. Thế là tôi đề nghị mua vỏ xe cho họ, với tư cách là người trung gian, và bán lại cho họ với giá thậm chí còn rẻ hơn khi họ mua theo nhóm. Làm như vậy, công ty tôi kiếm được tiền, còn họ thì tiết kiệm được một khoản.
Tôi rút ra một bài học quan trọng từ cuộc họp ấy. Những quyết định và các hệ quả của nó không bao giờ thuần tuý chỉ là chuyện kinh doanh. Tôi ngồi trong một căn phòng thay đổi (trong tâm trí tôi) từ một nơi tràn ngập những nhà cung ứng mang lại nhiều vấn đề cho tôi, đến một nơi có những gia đình, người cha, người chồng đã gắn bó trung thành với công ty tôi trong 50 năm qua và đáng để tôi nỗ lực giữ họ lại. Tôi nhận ra, trước khi quá trễ, rằng khi chúng ta xem nhau như những con người, chúng ta làm iệc với nhau khác đi, và chúng ta cũng đối xử với nhau khác đi.
* Nguyên tắc cơ bản mà câu chuyện này dạy cho chúng ta thật ra rất đơn giản: Hãy để người khác tham gia vào việc tìm ra giải pháp vấn đề. Hầu hết mọi người đều do dự không dám để người khác tham gia, bởi họ không tin là làm như vậy sẽ giúp ích được gì. Họ cũng tin rằng đó là một quá trình mệt mỏi mà không có cách nào dự đoán kết quả. Và khi họ để người khác tham gia vào việc giải quyết vấn đề, họ lại thường không hoàn toàn thành thật, thường không cởi mở cảm xúc cá nhân, những vấn đề nan giải và những khó khăn của mình.
Hai người càng thành thật với nhau, giao tiếp giữa họ càng chính xác, trung thực, thì năng lực sáng tạo càng được giải phóng. Khi sự thấu hiểu và tôn trọng hiện diện, ấy là khi tinh thần đồng tâm nhất trí bắt đầu phát triển.
Câu hỏi trị giá 1 triệu đô
Với tư cách cố vấn luật bên ngoài cho một doanh nghiệp lớn, tôi bắt đầu tham gia vào những cuộc đàm phán để mua lại một công ty do bà quả phụ của người sáng lập làm chủ. Hai bên đều có cả một đội quân luật sư hùng hậu, nhưng cuộc thương lượng rơi vào bế tắc. Hoặc cũng có thể nói rằng chính vì cả hai bên đều có đội quân luật sư hùng hậu nên cuộc đàm phán mới lâm vào ngõ cụt như vậy.
Dù là một luật sư, nhưng tôi không phủ nhận một thực tế rằng, đôi khi nhiệm vụ làm cho một bên thắng một bên thua của cánh luật sư chúng tôi gây ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết vấn đề. Trong trường hợp này, chướng ngại vật đã quá rõ ràng. Bà quả phụ và là cổ đông duy nhất muốn bên mua trả hơn 1 triệu đô so với cái giá mà thân chủ của chúng tôi sẵn sàng trả. Chúng tôi nghĩ doanh nghiệp chỉ đáng giá 2 triệu đô. Bà ta lại muốn bán nó với giá 3 triệu đô.
Ít nhất thì đó cũng là cái giá mà các luật sư của bà tuyên bố là bà muốn. Thông thường, trong những vụ như thế này, bạn sẽ không bao giờ có cơ hội nghe trực tiếp ý kiến từ các bên có liên quan. Vấn đề này thường gây khó khăn cho tôi trong quá khứ. Vì thế, khi nỗ lực của thân chủ tôi nhằm mua lại công ty gặp trở ngại, tôi đưa ra lời yêu cầu cuối cùng cho bên luật sư của bà: Tôi mong muốn được nói chuyện trực tiếp với bà quả phụ.
Thân chủ tôi là khách hàng tiềm năng duy nhất và quả thật, trong ngành kinh doanh này thì thân chủ tôi là một trong số ít người có ý muốn mua lại công ty đó.
Việc mua lại công ty hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển kinh doanh của thân chủ tôi, nhưng ông sẵn sàng bỏ cuộc nếu phải trả cái giá 3 triệu đô. Những người cố vấn của bà quả phụ cũng được hưởng lợi nếu vụ mua bán thành công, vì thế họ vui lòng để tôi nói chuyện trực tiếp với bà qua điện thoại.
Khi nói chuyện với bà, tôi bước ra khỏi vai trò luật sư của mình và thật tâm lắng nghe quan điểm của bà để có một cái nhìn đúng đắn hơn (Thói quen 3: Lắng nghe để được thấu hiểu). Tôi hỏi bà về công việc kinh doanh, chồng bà đã lập ra doanh nghiệp này như thế nào, bà tham gia vào công ty ra sao, dự định của bà dành cho con cái… Tất cả các con của bà đều đã lớn, trừ một cô con gái đang trong độ tuổi đi học.
Tôi tò mò muốn biết lý do tại sao 1 triệu đô lại quan trọng với bà đến thế. “Công ty này chính là vận mệnh của chúng tôi. Tôi có những cam kết phải thực hiện”, bà đáp.
Bà giải thích rằng người chồng quá cố của bà đã hứa “chăm sóc” một người bạn đã giúp ông từ lúc lập nghiệp. Bà cũng nhấn mạnh rằng bà muốn có đủ tiền để đảm bảo một sự an toàn tài chính cho con cháu bà, ngay cả khi bà qua đời.
Hai triệu đô không đủ trang trải tất cả những cam kết và trách nhiệm đó, bà khăng khăng. “Chính vì thế mà tôi phải có thêm 1 triệu đô nữa”.
Ngay khi hiểu rõ hoàn cảnh của bà, lối ra cho vần đề nan giải này lập tức trở nên sáng tỏ. Tôi đã hiểu rõ lý do tại sao bà nhất định muốn có thêm 1 triệu đô nữa. Thế là tôi đề xuất, “Chúng ta hãy làm như thế này: Công ty chúng tôi sẽ mua bảo hiểm nhân thọ cho bà trị giá 1 triệu đô. Chúng tôi sẽ đóng phí bảo hiểm cho đến khi bà chết hoặc trả phí bảo hiểm một lần; bất cứ cách nào ít tốn kém cho chúng tôi nhất. Trong bất cứ trường hợp nào, chúng tôi cũng đảm bảo là khi bà qua đời, con cháu bà sẽ có 1 triệu đô mà chồng bà muốn để lại cho họ” (Thói quen 4: Tư duy cùng thắng; Thói quen 6: Đồng thâm hiệp lực).
Chỉ cần như thế để đi đến thoả thuận cuối cùng. Căn cứ vào tuổi của bà quả phụ, tổng số tiền chúng tôi phải đóng cho bên bảo hiểm là khoảng 50 ngàn đô, vẫn còn rẻ hơn nhiều so với 1 triệu đô mà bà đòi thêm.
Trong thực tế, có rất nhiều thoả thuận lâm vào tình trạng không có lối ra, khi người ta không thể vượt qua và giải quyết những bất đồng lớn, cho dù đó là về tiền bạc, lợi nhuận nhận được, kết quả công việc hoặc quyền hạn. Cho dù bạn gặp trở ngại gì, nếu bạn thật sự hiểu lý do đằng sau những trở ngại đó, thì dường như bao giờ cũng có giải pháp thứ ba mà trước đó cả hai bên đều chưa bao giờ nghĩ đến.
* Nhiều luật sư và thẩm phán đã sử dụng cách tiếp cận dựa trên sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau này thay cho những vụ kiện tụng tốn kém và mệt mỏi. Họ nhận ra rằng khi họ làm thế, bình diện cuộc chơi hoàn toàn thay đổi và mọi người bị tác động theo cách mà năng lực sáng tạo được giải phòng và giải pháp thứ ba được nảy sinh.
PHƯƠNG THANH