Nhân sựQuản trị

Những thực tế phũ phàng của sinh viên Việt Nam hiện nay

7 bức ảnh, 7 câu chuyện khác nhau nhưng chắc chắn bạn sẽ tìm thấy chính mình ít nhất là một nhân vật trong số đó.

4 năm cùng cái CV trống rỗng, bế tắc vì tấm bằng xuất sắc: Những thực tế phũ phàng của sinh viên Việt Nam hiện nay

Before I Graduate – “Trước khi tốt nghiệp, tôi muốn…” là một chiến dịch truyền thông xã hội được tổ chức bởi CLB Truyền thông YMC ĐH Ngoại thương và Học viện Marketing Tomorrow Marketers, nhằm truyền tải thông điệp: “Quãng thời gian sinh viên là hữu hạn, là lúc bạn có thể thỏa thích thử những gì mình muốn trước tốt nghiệp! Hãy mạnh dạn theo đuổi đam mê, sống trọn từng giây và hết mình với tuổi trẻ, để không phải nuối tiếc, bạn nhé!”.

Bộ ảnh đã lột tả được thực tế phũ phàng mà nhiều bạn sinh viên hiện nay mắc phải đồng thời đánh thức nhận thức trong họ để làm sao có thể có được một thời sinh viên đầy ý nghĩa và không phải tiếc nuối về sau.

7 bức ảnh, 7 câu chuyện khác nhau nhưng chắc chắn bạn sẽ tìm thấy chính mình ít nhất là một nhân vật trong số đó.

Những người bạn 4 năm không nhớ nổi tên

Suốt bốn năm đại học, tôi chẳng có lấy nổi một đứa bạn thân. Có nhiều chuyện muốn nói mà chẳng tìm được một ai để chia sẻ. Một ngày dài đến công ty với bạn đồng nghiệp và sếp, những con người tuy ở cùng 8 tiếng 1 ngày nhưng cũng chỉ dừng ở mức xã giao, mà thậm chí lắm lúc còn ganh đua, đố kỵ và lợi dụng nhau. Trên facebook thì news feed đầy ắp cập nhật hàng ngày của những đứa “bạn”, những người mà tôi chẳng thực sự quan tâm đang gặp vấn đề gì, chỉ chực xóa họ trong friend list khi tôi đã dần quên đi họ trông như thế nào.

Từ cấp 3 tôi đã nghe nhiều người nói rằng ngoài kia xã hội lộn xộn lắm, người ta gặp và quen biết nhau, cười nói với nhau nhưng chẳng có lấy một tí thật lòng. Người ta chơi với nhau vì cái lợi, hết lợi thì họ cũng cứ thế mà quên nhau. Cũng chính vì thế mà vô tình tôi đã tự cho mình một cái ý thức dè chừng và từ chối việc kết bạn với vô số những người tôi gặp. Số người tôi nhớ mặt nhớ tên trong 4 năm học đại học đến bây giờ cực ít. Và cũng vì thế mà những người tôi thân và có thể chia sẻ vấn đề của bản thân cũng gần như chẳng có ai.

Trong suốt 4 năm học đại học tôi chỉ có hai loại bạn, một là bạn xã giao, hai là những đứa chơi được. Bạn xã giao là những người tôi gặp một vài lần hoặc là mấy người cùng lớp hoặc chỗ làm thêm, có thể nhớ mặt nhưng mà chẳng nhớ tên, chẳng rõ tích cách ra sao. Tôi lượm họ vào danh sách bạn bè rồi để đó, về cơ bản là không quan tâm.

Loại thứ 2 là những đứa chơi được, thường hay ngồi cạnh nhau trên lớp, để đến lúc thi cử, bài tập nhóm thì có người để nhờ vả giúp đỡ. Cả năm may lắm đi ăn uống với nhau được 1 lần và chẳng bao giờ chia sẻ bản thân với chúng nó. Chỉ có thế, hết đại học là hết liên hệ!

Vậy ra, tôi chẳng bao giờ hết lòng với bất cứ đứa bạn nào cả. Để rồi bây giờ muốn tìm một đứa bạn thân để đi cafe tâm sự, khóc lóc, để kể hết mọi chuyện bực dọc cho nó, để đem cả cái cuộc đời ra mà chửi với nó, thì tôi lại chẳng tìm được ai. Tự tôi đã xây một hàng rào xung quanh bản thân, và không cho phép ai bước qua hàng rào đó, và đây chính là hậu quả!

4 năm đại học và cái CV trống rỗng

Những ngày sắp tốt nghiệp này đối với mình như ngồi trên chảo lửa vậy. Lúc nào trong đầu mình cũng canh cánh một câu hỏi: “Viết gì vào CV bây giờ?”. 4 năm trong ĐH sắp hết và nhìn lại thì thấy mình chẳng làm được gì, học chẳng giỏi mà cũng không có kinh nghiệm làm việc hay thành tích gì. Tự dưng mình chán bản thân kinh khủng vì đã quá lãng phí thời gian.

Ngày nào cũng như ngày nào, đến trường thì ngủ gật hay lướt facebook, chơi game trong giờ. Tan học lại đi la cà ăn uống trà đá, không thì ra hàng net đánh LOL với bạn. Tối về nhà thì tiếp tục dán mắt với laptop xem phim, hay đi café hoặc trà đá. Tiểu luận, bài tập nhóm, present, thi giữa kỳ rồi cuối kỳ, tất cả cứ thế trôi qua mà chẳng đọng lại được gì cả. Làm sao mà đọng được khi cái gì cũng chỉ làm qua quýt cho có, kì thi đến thì chỉ học trước 1,2 ngày.

Hồi năm nhất, năm hai thấy bạn bè hoạt động câu lạc bộ, đi tình nguyện, chạy chương trình này nọ thì mình cùng với mấy “chiến hữu” ra quán chơi game, về nhà xem phim đọc truyện. Đến năm ba, năm bốn, bạn bè bắt đầu đi làm, đi thực tập chỗ này chỗ kia, thì mình vẫn tiếp tục mải miết với những cuộc vui thâu đêm suốt sáng.

Nhiều lúc cũng thấy nhàm chán và muốn thay đổi nhưng độ chây lười của bản thân lớn quá nên lại tặc lưỡi: để mai, để sau này, để lúc khác… Rồi đến bây giờ khi “mai này” đã đến, khi sắp phải tự chịu trách nhiệm với cuộc đời của chính mình, thì thời gian của mình đã chẳng còn để làm gì nữa rồi. GPA? Thôi chẳng buồn nhắc đến, bảng điểm thì đủ cả A B C D F (mà F còn nhiều hơn A). Hoạt động ngoại khóa? Không. Kinh nghiệm làm việc? Không. Giải thưởng? Không. Kỹ năng? Không. Đến cả sử dụng Excel với Word cũng không xong. Mọi thứ đều là con số 0 tròn trĩnh, khiến mình ngồi hàng giờ mà chẳng biết cho gì vào CV.

Những ngày này mình chẳng muốn lên facebook luôn. Bạn bè có đứa thì bằng giỏi, bằng xuất sắc, học bổng, du học nước này rồi bay sang nước kia, có đứa thì quán quân á quân các cuộc thi, có đứa thì đi thực tập ở toàn các công ty lớn. Mình thì chúc mừng vui vẻ mà trong lòng thì thấy xấu hổ vô cùng.

Tại sao cùng học 1 trường, gia đình thì chu cấp đầy đủ mà bạn bè thì lại giỏi thế, bọn nó đã bay xa cách mình hàng nghìn dặm rồi còn mình thì vẫn mãi ở đây, quanh quẩn với cái bằng và bảng điểm lẹt đẹt cùng một cái CV trống rỗng. Vẫn biết là mỗi người một con đường riêng, một định hướng riêng, thế nhưng sẽ chẳng thành công nào đến với kẻ lười biếng và lãng phí thời gian cả. Bây giờ chỉ ước có thể có lại 4 năm để làm lại, nhưng làm gì có cỗ máy thời gian trên đời này…

Đừng để “sau này” rồi mới dám trải nghiệm

Tôi vừa mới đọc được ở đâu đó bảo rằng cuộc đời là một cuốn sách, và ai không du lịch sẽ chỉ đọc được 1 trang. Vậy thì có lẽ cuộc đời của chị mới chỉ có 1 trang rồi… Tốt nghiệp với tấm bằng giỏi và vừa mới kiếm được 1 công việc ổn định, tôi sẽ chẳng có gì tiếc nuối quãng đời sinh viên ngoại trừ những chuyến du lịch hay cuộc vui chưa bao giờ thành hiện thực. Hồi sinh viên, có thời gian và bạn bè thì không đi vì sợ và ngại, để qua 4 năm nhìn lại, trải nghiệm thời sinh viên của mình ngoài ăn học, làm thêm thì chắc là một trang giấy trắng tinh tươm…

Tính tôi thì hay ngại, ngại nắng ngại nóng, ngại khói bụi ngại mệt mỏi, ngại tốn kém, nói chung là cũng ngại đủ thứ. Học xong ở trường là về nhà, hiếm khi đi chơi tối, mà tôi cũng ít khi đi chơi lắm. Mấy khu hot hot giới trẻ hay đi thì tôi chẳng bao giờ biết cả, hàng quán café hay chỗ ăn uống nào đó chị mù tịt.

Tôi ở Hà Nội hơn 22 năm rồi mà còn chẳng thuộc đường bằng mấy đứa bạn trọ ở đây. Rượu bia chẳng dám thử, bar pub cũng chưa bao giờ dám mó chân vào, dù tôi biết là chúng chẳng hề xấu. Tôi ở với bố mẹ, nhà có 1 cô con gái nên bị quản lý rất kỹ, muốn đi đâu cũng phải xin phép từ trước mấy ngày, mà lần nào xin là cũng bị bố mẹ “ca” 1 bài rằng ngoài kia nguy hiểm lắm con ơi, bị bắt cóc bán sang TQ, tai nạn giao thông, đường lở, tàu chìm… lâu dần nghe nhiều chị cũng đâm ra nản và … sợ luôn, không dám đi đâu xa cả. Hồi đó tôi tự nhủ bao giờ ra trường, nhiều tiền hơn và không bị quản lý nữa thì mình đi cũng không muộn.

Bây giờ đi làm đã rủng rỉnh hơn, bố mẹ không quản lý kỹ như hồi xưa nữa thì tôi lại chẳng có thời gian. Bình thường 6,7h tối mới xong việc, mà hôm nhiều việc thì 8,9h mới về nhà là chuyện bình thường. Được 2 ngày nghỉ cuối tuần, tôi chỉ muốn nghỉ ở nhà chứ chẳng muốn đi đâu nữa cả.

Thế nên bây giờ muốn đi đâu xa xa 4,5 ngày tôi cũng chịu. Với cả cũng không còn ai để đi cùng: bạn bè ĐH mỗi đứa một nơi, bọn thân cũng bận công việc riêng, bạn đồng nghiệp thì chỉ ở mức xã giao vừa phải. Nghĩ đến cảnh mấy năm nữa lấy chồng rồi vướng bận gia đình, con cái, sự nghiệp, tôi lại tiếc nuối quãng thời gian sinh viên, có cơ hội được thảnh thơi chơi bời, dù ít tiền dù khổ 1 tí nhưng được đi cùng bạn bè thì chắc cũng vui lắm. Nếu như hồi ấy dám gạt hết nỗi lo sợ, ngại ngần thì có phải mình đã có bao nhiêu trải nghiệm và kỷ niệm đáng nhớ rồi không!!!

Còn về được với bố mẹ bao nhiêu lần nữa

Khi nhìn vào một người như tôi, chắc hẳn người ta phải cảm thấy ngưỡng mộ nhiều lắm. Phải, vừa mới tốt nghiệp đại học 2 năm đã sở hữu một mức lương đáng ngưỡng mộ cùng một công việc giúp tôi có thể được đi đây đi đó. Bạn gái xinh, tiêu pha thỏa thích, ngay cả chiếc xe mà tôi đi bây giờ cũng được mua bởi chính những đồng lương mà tôi kiếm được. Thế nhưng những điều ấy có đủ để nói về tôi là một kẻ thành công hay chưa? Không, có lẽ tôi chưa bao giờ là một kẻ thành công trên quãng đường đời này. Là bởi đằng sau những ánh hào quang chói lòa đó, tôi chỉ là một thằng con bất hiếu.

18 tuổi, tôi bắt đầu cuộc sống của một sinh viên xa nhà. Ngày đầu tiên bước chân đến giảng đường Đại học, tôi đã bị cám dỗ bởi một cuộc sống tự do và tự chủ. Hoạt động Câu lạc bộ, đi làm thêm rồi nhiều chương trình khác. Lần đầu tiên tôi biết đến cái cảm giác được ngưỡng mộ, được cầm trong tay những đồng tiền mình tự kiếm được. Cái cảm giác đó khiến cho tôi bị nghiện, khiến cho tôi liên tục bị sa đà vào công việc, thử thách, cơ hội thăng tiến, đến nỗi quên mất những điều thực sự quan trọng với mình.

Tôi ít trở về nhà hơn kể từ ngày có công việc làm thêm, hồi mới năm nhất mỗi tháng về 2,3 lần, càng về sau càng thưa thớt, mỗi năm số lần về nhà chỉ đếm trên đầu bàn tay. Những lần ba mẹ gọi điện hỏi thăm tôi chỉ lấp liếm cho qua chuyện, rằng con bận, con không về được. Rồi thi thoảng là những cuộc gọi nhỡ, những cuộc gọi đến mà tôi chẳng dám nghe. Rồi cả những lần may mắn được về nhà, tôi cũng chẳng đỡ đần được gì cho bố mẹ. Bố mẹ càng ngày càng già đi, sức khỏe chẳng được như xưa, lại thêm bệnh tật củ tuổi già, nhưng tôi thậm chí còn chẳng bao giờ đưa bố mẹ đi khám bệnh, thỉnh thoảng chỉ thăm hỏi một vài câu cho có. Ở bên ngoài tôi được người ta ngưỡng mộ, nhưng đối với gia đình tôi là một đứa con bất hiếu lắm phải không?

Cuộc sống Đại học bận rộn là thế, đến lúc đi làm tôi lại càng quay cuồng hơn. Đến một ngày nọ, tôi nhận được cuộc gọi không hẹn trước từ cô em gái: “Anh về đi, bố bệnh nặng lắm rồi”. Tin đó chẳng khác nào một tia sét đánh ngang tai. Tôi tức tốc trở về nhà, trở về nơi thân thương mà tôi đã bẵng quên đi suốt những năm tháng vừa rồi. Tôi đã làm được gì cơ chứ?

24 tuổi, lần đầu tiên tôi tự nấu được cái gì đó cho bố: Một tô cháo gà. Lần đầu tiên tôi nhận ra những vết chân chim ở đuôi mắt bố, bàn tay gầy gò và hơi thở nặng nhọc của ông. Lần đầu tiên, câu hỏi “còn về thăm bố mẹ bao lần nữa” hiện lên trong đầu tôi. Ở những vị trí cao có vui không? Ừ, vui lắm. Nhưng nó sẽ chẳng có nghĩa lí gì nếu bạn và những người thân của bạn chẳng thể hạnh phúc bên nhau. Ước gì thời gian có thể quay ngược trở lại, để cho tôi có thể trở về nhà nhiều hơn và nấu được cho bố mẹ một bữa ăn tử tế.

Lớp vỏ mang tên an phận

Cuộc sống của tôi là một chuỗi đi đi về về. 7h30 sáng bắt đầu liên công ty để xử lí những công việc giấy tờ nhàm chán, đến 5h30 chiều lại quay trở về nhà để ăn tối cùng gia đình. Vòng lặp cứ thế tiếp diễn từ thứ 2 đến thứ 6. Không thử thách, không áp lực, mức lương cũng không quá cao nhưng được hai chữ “an phận”. Tôi chẳng hề có một cái định hướng rõ ràng nào cho tương lai của mình kể từ khi còn là sinh viên. À không, nói đúng hơn là tôi chẳng cần phải lo nghĩ đến chuyện đó. Sinh ra trong một gia đình tương đối khá giả, bố mẹ lại là những người quen biết rộng thế nên công việc tương lai của tôi đã được quyết định kể từ những ngày đầu đi đến giảng đường.

Một sự nhẹ nhõm vô hình đã được ghim vào đầu tôi như thế, một tư tưởng “bình thường” cho mọi công việc tôi làm trong quãng đời sinh viên của mình. Việc học tập của tôi chỉ dừng lại ở mức bình thường, không có thành tích gì quá nổi bật. Tôi cũng chẳng mưu cầu những vị trí cao trong tổ chức phi lợi nhuận mà tôi tham gia. Công việc làm thêm cũng chỉ là những công việc đơn giản, nhàn rỗi. Không một thành tích một thành tích nổi trội, cũng chẳng có việc làm nào đáng tự hào. Một vòng luẩn quẩn không có lối thoát.

Người khác nhìn vào có thể nói rằng tôi có một cuộc sống yên ổn, một cuộc sống không lo nghĩ và chẳng có gì để than vãn. Phải, tôi có một cuộc sống bình yên thật đấy, nhưng đấy chỉ là bình yên về hình thức chứ không phải về tâm hồn. Cuộc đời của tôi sẽ chỉ mãi nhàm chán như thế này thôi sao? Một tiếng thở dài trong vô thức, tôi cảm thấy tiếc cho quãng đời sinh viên của mình. Giá như ngày ấy tôi chịu thử thách mình hơn. chịu tìm ra những lối đi mới, chịu phá đi lớp vỏ bọc mang tên “an phận” của mình.

Tấm bằng xuất sắc đầy tiếc nuối

Đã là lần thứ 5 tôi đi xin việc, và kết quả dường như lại giống các lần trước đó, cảm giác bế tắc khi nhà tuyển dụng đưa ra cho tôi câu hỏi: “Ngoài tấm bằng xuất sắc này ra, em còn có kĩ năng hay kinh nghiệm gì khác hay không?”. Một số không tròn trĩnh trong đầu là thứ duy nhất tôi có thể nghĩ đến khi đó. Ba năm học cấp ba đã rèn cho tôi một thái độ nghiêm túc với các môn học ở trên lớp. Ngay từ những ngày đầu bước chân vào giảng đường, tôi đã tự đặt cho mình một mục tiêu cao cả rằng phải tốt nghiệp với một tấm bằng xuất sắc. Lúc ấy tôi nghĩ, những môn học ở trường là quá đủ để cho tôi có thể tự tìm kiếm cho mình một công việc nhẹ nhàng với một mức lương đáng mong đợi.

Để đạt được mục tiêu đó, tôi đã tránh xa khỏi những thứ có thể làm ảnh hưởng đến sự tập trung cho việc học hành của tôi. Tôi không tham gia bất kì một tổ chức, câu lạc bộ nào cả, cũng chẳng kiếm cho mình một công việc làm thêm nào ở bên ngoài. Tôi hạn chế tham gia các cuộc vui cùng bạn bè hơn bởi tôi nghĩ chúng chỉ tốn thời gian, tốn tiền mà không đem lại lợi ích gì.

Quãng đời đại học của tôi đã trôi qua như vậy, một quãng đời gắn liền với những trang sách mà không có chút kĩ năng thực tế nào ở bên ngoài. Và tôi chỉ thực sự giật mình khi bắt đầu đi tìm kiếm cho mình một công việc. Vì thiếu kĩ năng, tôi không thể vận dụng những kiến thức sách vở ở trường lớp để giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Mục tiêu được bằng xuất sắc của tôi có lẽ cao cả lắm, nhưng nó chưa đủ để giúp tôi có thể đứng vững trên con đường sự nghiệp của mình. Cuộc đời đã cho tôi một cú tát đau điếng, đã giúp tôi nhận ra rằng học hỏi đâu chỉ là kiến thức sách vở, nó còn là những kinh nghiệm thực tiễn mà chúng ta có thể thu thập được bên ngoài. Sẽ chẳng có ai có thể tồn tại được nếu họ chỉ là những kẻ biết nói mà không biết làm.

Giá như trong 4 năm vừa rồi, tôi không chỉ chú tâm việc học mà chịu khó đi làm, trải nghiệm và va vấp với cuộc đời, để bây giờ không phải hối tiếc đến như thế với tấm bằng xuất sắc trên tay.

Yêu hay là cưới

Mỗi lần về nhà lại là một lần mệt mỏi. Vừa mới ra trường chưa đến 1 năm, nhưng tôi đã nghe đến thuộc lòng những câu mà bố mẹ cô dì chú bác nói với mình mỗi khi nhìn thấy mặt. “Có người yêu chưa? Bao giờ cưới? ”. Mấy câu đấy còn nhẹ nhàng. Nặng nề hơn kiểu “Mày sắp ế rồi! Có cần bố làm mai cho không? Bây giờ có chó nó lấy mày!” cũng có. Nghe nhiều đến phát ngán! Tôi cũng đang ngấp ngửa tiến tới được một mối tình. Cũng chẳng phải mình tự tìm đến mà là do gia đình mai mối.

Hai người có quen biết nhau, gia đình người ta hợp ý gia đình tôi, vậy là tìm hiểu, thế thôi. Vì xác định bây giờ yêu là cưới, tức là người đó phải hợp với công việc của tôi, hợp ý bố mẹ tôi, phải là chỗ dựa tài chính được cho tôi… Tôi cũng đã 23, hết cái tuổi vung tay mà “yêu đại đi” rồi. Học đại học hay cấp 3 thì còn có thể thích ai thì nói, rồi hẹn hò, chẳng phải nghĩ đến tương lai. Những mối tình khi đó đơn giản, trong sáng mà vô tư, chứ chẳng giống khi người ta bước vào đời, như bây giờ.

Suốt 4 năm đại học tôi không có lấy một mảnh tình vắt vai. Cũng có để ý nhiều người nhưng chẳng tiến đến tình yêu được. Bây giờ nghĩ lại mới thấy tiếc. Hồi đó đặt nhiều tiêu chuẩn cho người yêu mình quá, cứ phải nhất nhất tìm được người như thế thì mới yêu. Rồi thì sợ yêu rồi lại chẳng thoải mái như bình thường, sợ phải thay đổi khi yêu, nên kệ, chẳng yêu ai hết, thích ai thì cũng chỉ đứng nhìn từ xa chứ chẳng dám tiếp cận.

Lúc đó nghĩ yêu đương không cần thiết lắm, vì bản thân còn bận học hành rồi đi làm thêm, sợ yêu rồi không có thời gian hẹn hò, rồi lại chia tay. Khi học xong rồi, có nhiều thời gian hơn rồi thì yêu cũng chưa muộn. Đến bây giờ thì mới vỡ lẽ ra, thì cũng đã muộn mất rồi.

Mải miết với cuộc sống đại học, 4 năm trôi qua tôi đã vô tình để tuột khỏi tay những tình cảm trong sáng vô tư, mà bây giờ muốn trải nghiệm thì chắc cũng không được nữa rồi…

Ảnh: Page Before I Graduate

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close