Doanh nghiệpKinh doanh

Ông chủ Mai Linh: Chúng tôi không kiện, phải học hỏi Uber, Grab

Chia sẻ với phóng viên, ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Mai Linh, cho biết hãng sẽ không kiện Grab, Uber.

Đến nay, cuộc cạnh tranh khốc liệt của các hãng taxi truyền thống với taxi công nghệ vẫn chưa đi đến hồi kết.

Vinasun trước đó tuyên bố kiện Uber, Grab đến cùng. Mai Linh, Vinasun “đổ lỗi” kết quả kinh doanh năm 2016 bị ảnh hưởng vì taxi công nghệ. Uber, Grab lên tiếng khá chừng mực về các vấn đề này.

Khác biệt quan điểm kinh doanh

Trong buổi trao đổi mới đây với chúng tôi, ông Hồ Huy – Chủ tịch HĐQT Mai Linh – khẳng định hãng sẽ không tham dự vào bất kỳ vụ kiện cáo nào với Grab, Uber.

Ngoài ra, ông cũng nghiêm túc chỉ rõ những điểm đáng học hỏi của hai ứng dụng công nghệ nói trên, bên cạnh hạn chế về quan điểm và văn hóa kinh doanh của Grab, Uber khi đến Việt Nam.

Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của hệ thống taxi Mai Linh. Ảnh: Thái Nguyễn.

“Nói một cách nghiêm túc là đáng phải học hai sản phẩm này, một của châu Á và một của châu Âu. Tuy nhiên, có một điều là quan điểm, văn hóa kinh doanh của họ tôi lại không đồng ý”, ông Hồ Huy nói.

Cũng theo kinh nghiệm kinh doanh của ông Huy, một doanh nghiệp muốn tồn tại lâu dài và bền vững phải đáp ứng được ba trách nhiệm lớn ngoài mục tiêu lớn nhất trong kinh doanh là kiếm tiền, bao gồm trách nhiệm đối với xã hội, với nhà đầu tư và với người lao động, đặc biệt là đóng góp cho ngân sách.

Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết Uber, Grab đến Việt Nam lại bị “ném đá” dẫn đến khủng hoảng là do văn hóa doanh nghiệp, quan điểm kinh doanh, mục tiêu kinh doanh… có vấn đề.

Cần học hỏi Grab, Uber

Theo quan điểm của ông Huy, lựa chọn hình thức kiện các hãng công nghệ về vi phạm cách thức làm việc hay kiến nghị về chính sách áp thuế không công bằng chưa hẳn là một biện pháp có thể giải quyết được vấn đề từ gốc đến ngọn.

“Kiện hay không thì trước tiên phải nhìn về mình rồi xem đối thủ là người thế nào. Doanh nghiệp nào cũng có văn hóa riêng biệt nhưng có thể học hỏi lẫn nhau những gì tốt.

Tôi không lấy kiện cáo làm chính mà thay đổi chính mình là chính. Mình không tốt làm sao lái xe gắn bó, dẫn đến khách hàng sẽ không ngó ngàng khi lái xe kém”, ông Hồ Huy nói.

[quote_box_center]

Trong báo cáo thường niên 2016 công bố vào tháng 4, ban lãnh đạo Tập đoàn Mai Linh nhấn mạnh 2016 là năm khó khăn và “đổ lỗi” do Uber, Grab hoạt động tràn lan nhất là ở hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội.

Sự bất bình đẳng về thuế và các điều kiện kinh doanh khác đã gây thiệt hại lớn về doanh thu cho Mai Linh cũng như các hãng taxi truyền thống.

[/quote_box_center]

Lãnh đạo này cho hay đơn vị đang hoàn thành ứng dụng đặt xe 5-7 chỗ để cho thuê và có công ty gồm đội ngũ lao động được đào tạo từ nước ngoài.

Hiện tại, bộ máy cồng kềnh, hệ thống nhân công đang khiến các hãng taxi truyền thống đau đầu trong quá trình áp dụng công nghệ.

Ông cho biết, doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng công nghệ như Uber, Grab. Tuy nhiên, họ còn phải đáp ứng đủ trách nhiệm xã hội như bảo hiểm cho lái xe 5-10 năm, đền bù 200 triệu đến 1 tỷ đồng nếu xảy ra tai nạn, thay vì mua bảo hiểm bình thường với mức 10-15 triệu đồng.

“Khi kết thúc hợp đồng làm việc 5-10 năm, tùy trường hợp, tài xế sẽ được nhận cùng mức bảo hiểm nhân thọ như trên”, ông nói.

Nguyên nhân trên cũng khiến cho doanh nghiệp của ông phải cân nhắc thiệt hơn trong việc đầu tư sức lực vào kiện cáo mà không nhìn lại chất lượng dịch vụ hãng. Đặc biệt, học tập các phần mềm công nghệ chính là xu thế mà bất kì hãng nào, dù truyền thống hay công nghệ cao đều phải đối mặt.

“Nếu không cạnh tranh, xây dựng, cấu trúc lại để tồn tại thì Mai Linh hay bất cứ một doanh nghiệp nào ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài cũng không thể tồn tại trước chính sách của Uber, Grab”, ông Huy khẳng định lại.

[quote_box_center]

Ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Vinasun, trước đó cho hay Vinasun sẽ kiện Grab, Uber đến cùng vì cách thức làm ăn bát nháo trên thị trường.

“Chúng tôi được biết không chỉ có Vinasun mà còn nhiều hãng khác tại Hà Nội và TP.HCM sẽ tiếp tục kiện Grab, Uber vì hình thức cạnh tranh không lành mạnh. Cơ bản nhất ở đây là họ đang phá giá”, ông nhấn mạnh.

Hai vấn đề được ông đưa ra là cần làm rõ cơ sở để Uber, Grab đưa ra giá cước thấp và giá đó duy trì bao lâu hay chỉ đơn giản là taxi công nghệ muốn “giết chết” các hãng taxi để lũng đoạn thị trường rồi tăng lên khi xe truyền thống “chết”.

Trước đó, chia sẻ với phóng viên về việc bị taxi truyền thống tuyên bố kiện, người phát ngôn phía Grab cho biết đơn vị chưa nhận được bất cứ văn bản nào của cơ quan chức năng. Vị này cũng thông tin chỉ nghe phía taxi truyền thống tuyên bố kiện qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

Nói về lý do liên tiếp tung ra rất nhiều khuyến mại gây sốc, đại diện Grab cho rằng đó là một trong những biện pháp hiệu quả giúp gia tăng sức mua cho thị trường. Bà ví khuyến mại như “tặng lại” cho những khách hàng thân thiết và khuyến khích sử dụng dịch vụ.

Về nhận định Grab đang cạnh tranh không lành mạnh và có dấu hiệu phá giá, đại diện này khẳng định đơn vị này đang làm đúng luật. Khi vào Việt Nam, Grab đã được Bộ Giao thông Vận tải cấp giấy phép hoạt động thí điểm với đầy đủ tư cách pháp nhân.

Uber không có bình luận về câu chuyện mà cho biết sẽ tập trung vào vận hành, phát triển.

[/quote_box_center]

Thái Nguyễn
* Nguồn: Zing News

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close