Câu chuyệnKinh doanh
“Ông hoàng của những chiếc màng mỏng” vẫn ngại nước ngoài thâu tóm
“Việc ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ là điều không ai ngờ được. Khi An Phát xây dựng nhà máy số 7 để hướng vào thị trường Mỹ, chúng tôi không nghĩ tới điều này”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát (mã chứng khoán AAA – HOSE), ông Phạm Ánh Dương bày tỏ tại cuộc họp cổ đông thường niên ngày 18/2.
An Phát là một trong những doanh nghiệp mở đầu cho mùa đại hội cổ đông năm nay. Trước các cổ đông, ông Phạm Ánh Dương đã có nhiều chia sẻ về kế hoạch đưa những chiếc “màng mỏng” – sản phẩm túi nilong tự phân huỷ của An Phát – tiến ra thị trường thế giới.
Cho dù, kế hoạch “tiến công” của An Phát có thể gặp phải những rủi ro liên quan đến sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới.
Thận trọng với mở room
An Phát là một trong những doanh nghiệp Việt tiên phong trong lĩnh vực sản xuất bao bì nhựa tự phân huỷ, bằng nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Với tham vọng mở rộng thị trường xuất khẩu trên thế giới, An Phát năm 2016 đã xây dựng hai nhà máy số 6 và số 7, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu vào Nhật, Mỹ và Australia.
Đơn hàng đến dồn dập khiến kết quả kinh doanh năm 2016 của An Phát lập kỷ lục khi ghi nhận 2.135 tỷ đồng doanh thu và 142,9 tỷ đồng lợi nhuận. Mức trả cổ tức tiền mặt là 20%.
Cũng có thể xem An Phát là “ông hoàng của những chiếc màng mỏng” tại Việt Nam, khi công ty là doanh nghiệp đi đầu sản xuất các túi nilon tự huỷ cao cấp như túi zipper, túi drawstring, túi chuyên dụng trong y tế, túi thời trang…
Năm 2017, An Phát đặt kế hoạch sản lượng ở mức 86.000 tấn/năm. Đây là mức mà theo ông Dương là rất lớn và áp lực, nhưng có khả năng thực hiện. Doanh thu dự kiến đạt 2.900 tỷ, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 200 tỷ đồng. Mức chi trả cổ tức dự kiến là 30%, bằng tiền mặt.
Cổ đông An Phát cũng thống nhất xóa hai ngành nghề kinh doanh bất động sản và vận chuyển hàng hóa nhằm mục tích nới room cho nhà đầu tư ngoại.
Dù mở room, song ông Dương vẫn cho biết sẽ có biện pháp kiểm soát, hạn chế tỷ lệ không quá cao, để tránh trở thành công ty nước ngoài cũng như ảnh hưởng tới quyền điều hành của các cổ đông sáng lập.
Bởi theo quy định, khi doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu khối ngoại trên 51% sẽ trở thành pháp nhân nước ngoài. Lúc đó việc quản lý, áp dụng chính sách của Nhà nước với các doanh nghiệp sẽ thay đổi.
Tuy nhiên, hiện tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại công ty vẫn chỉ dao động ở 15 – 18%. Cổ phiếu AAA chưa thực sự hấp dẫn với khối ngoại. Bằng chứng là thương vụ bán 25% cổ phần cho công ty TPBI (Thái Lan) đã thất bại.
Về việc này, ông Phạm Ánh Dương nói, thương vụ không thành do một số điều kiện đưa ra không phù hợp nên gác lại.
“Kinh nghiệm AAA đã có trong khi điều quan trọng là AAA cần vốn để xây dựng dự án mới. Chúng tôi mở room, vẫn có thể tìm được các nhà đầu tư tài chính chiến lược, hạn chế cổ đông nhỏ lẻ, mua ra bán vào”, ông nói.
Chờ cơ hội trong nước
Toàn bộ các loại túi của An Phát đều được xuất khẩu theo các đơn đặt hàng của nước ngoài. Trong đó, các thị trường chính là Mỹ, Nhật, Australia, châu Âu… Do phân khúc túi tự huỷ có giá thành cao hơn hẳn so với túi nilon trên thị trường hiện nay nên, An Phát không thể tiêu thụ trong nước.
Trả lời câu hỏi của VnEconomy, do những vấn đề cấp bách về bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo sửa đổi Luật Thuế bảo vệ môi trường, trong đó nilon sẽ bị nâng khung mức thuế từ 40.000 đồng lên 80.000 đồng/kg. Theo Chủ tịch An Phát, việc này có thể khiến các loại túi nilon thông thường trên thị trường tăng giá mạnh, lên mức 100.000 – 120.000 đồng/kg.
Nếu dự thảo được thực thi, ông Dương xem đây là một cơ hội của An Phát với các loại túi tự huỷ, khi đó giá thành sản phẩm sẽ ngang nhau và An Phát hoàn toàn có thể cạnh tranh bán tại Việt Nam. Đối tượng hướng đến đầu tiên có thể là các siêu thị lớn, cửa hàng tiện ích… đang được mở rầm rộ tại Việt Nam.
Chủ tịch An Phát nói thêm, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu đang trở lại, việc chinh phục thị trường trong nước với mong muốn người dân thay đổi thói quen sử dụng túi nilon, hướng đến các sản phẩm túi tự phân huỷ, bảo vệ môi trường cho các thế hệ mai sau, là điều ông mong muốn.
“Việc ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ là điều không ai ngờ được. Khi An Phát xây dựng nhà máy số 7 để hướng vào thị trường Mỹ, chúng tôi không nghĩ tới điều này. Nhà máy này có công suất 800 tấn, chiếm 10% trong tổng công suất toàn công ty. Nhưng trong trường hợp An Phát bị Mỹ áp thuế, công ty vẫn có thể dễ dàng chuyển hướng xuất khẩu vào châu Âu, vốn đang rất yêu thích các loại túi thân thiện với môi trường”, ông Dương nói.
Để tăng tinh thần cống hiến cũng như gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, công ty đã thông qua chương trình phát hành 1,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,98% vốn điều lệ, cho cán bộ nhân viên. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng hai năm.
VnEconomy