Kỹ năngQuản trị

Ông Trương Gia Bình: ‘Muốn làm lãnh đạo giỏi, trước tiên phải giỏi nói’

Mặc dù nhiều người còn hiểu chệch ‘giỏi nói’ là ‘chém gió’, nhưng Quản lý bằng lời nói là 1 trong 5 phương thức quản lý khá hữu hiệu đối với các công ty có quy mô lớn và nhiều chi nhánh, ông Trương Gia Bình cho biết.

Với những công ty có quy mô lớn và nhiều chi nhánh, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT FPT cho rằng lãnh đạo cần đi đến những chi nhánh xa xôi, chỉ để “nói, nói và nói”.

Có thể nhiều người cho rằng “giỏi nói” không khác gì “chém gió”, nhưng thực chất, lời nói, đặc biệt lời nói của người lãnh đạo có uy lực rất mạnh và bản thân người lãnh đạo cũng phải rèn luyện để có cách nói, giọng nói và âm lượng thuyết phục và truyền cảm hứng tới những người dưới quyền.

Samsung dưới thời nhà sáng lập Lee Byung-Chul phát triển khá bình thường. Đến năm 1987, khi ông Lee Kun – Hee lên nắm quyền, Samsung ở thế “hậu bối” và là cái tên nhỏ bé đứng sau hàng loạt tên tuổi ngành điện tử khác như Sony, Toshiba, Sharp, NEC, Hitachi.

Và cũng chính Lee Kun – Hee mới đưa được Samsung trở thành một trong những cái tên hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ.

Sau khi thừa kế ngôi vị Chủ tịch Samsung, ông Lee đã liên tục đi khắp các xưởng sản xuất ròng rã 12 tháng trời chỉ để nói ra rả những chuyện “Số 1 là thiết kế, số 2 là chất lượng”, và “Samsung là số 1”. Đồng thời, mạnh tay cho 2.000 công nhân dùng búa đập hoặc đốt hết những sản phẩm gặp sự cố. Nhờ cách quản lý quyết liệt này, Samsung dần trở thành cái tên hàng đầu của Hàn Quốc cũng như thế giới.

Để có chất nói, cách nói thuyết phục được mọi người, nhất là người dưới quyền không phải đơn giản.

Khi xưa, nhà hùng biện tài ba nhất trong lịch sử Hy Lạp cổ đại Démosthène vốn là người ốm yếu, nhút nhát, lại mắc chứng nói lắp bắp. Nhưng tại tiểu quốc Athènes, lời nói là tinh hoa, tranh luận là nền móng. Ông đã ngậm sỏi trong miệng và luyện nói trước biển, luyện làm sao để cho người ta nghe rõ, và xúc động.

“Để luyện nói, bản thân tôi cũng nhiều lần đi đi lại lại lúc nửa đêm chỉ để tập trình bày từng câu từng chữ, từ nhịp độ cho đến âm lượng, lên bổng xuống trầm…”, ông Bình thổ lộ tại sự kiện ‘Một ngày học MBA với ông Trương Gia Bình’ của FSB.

“Bạn giỏi Toán? Toán không giúp gì mấy cho thành công kinh doanh mà chính cách trình bày Toán thuyết phục sẽ giúp cho bạn thành công”.

Quản lý bằng lời nói là 1 trong 5 phương thức “lãnh đạo từ xa” khá hữu hiệu đối với các công ty có quy mô lớn và nhiều chi nhánh tại các địa phương, khi việc truyền đạt giữa cấp trên và cấp dưới còn qua nhiều tầng, lớp.

Khi công ty có nhiều chi nhánh, ông Bình khuyên bên cạnh việc quản lý bằng lời nói, còn cần quản lý bằng Quản lý bằng KPIs (Key Performance Indicators – Chỉ số đo lường kết quả hoạt động), quản lý dựa trên những chỉ số kinh doanh chính như Doanh thu, Lợi nhuận, Số lao động, Kiểm soát chi phí/doanh thu… nhằm quản lý chặt cơ cấu tài chính.

Những chỉ số này phải được “bổ đầu” về từng địa phương

Những cách quản lý khác cần áp dụng là Quản lý bằng quy trình (ISO chẳng hạn) hoặc Quản lý bằng Báo cáo – ERP (Enterprise Resource Planning – hệ thống hoạch định tài nguyên doanh nghiệp), hay Quản lý bằng văn hóa và yếu tố con người.

“Liên quan đến việc truyền đạt chưa thông suốt giữa cấp trên với cấp dưới, bên cạnh các biện pháp quản lý nói trên, vẫn cần các chế tài xử lý theo hình thức cứng rắn khi cần thiết”, ông Bình gợi ý.

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close