Câu chuyệnKinh doanh

Phát triển hệ thống phân phối: Hàng Việt đứng đâu?

Những thương vụ bán lại hệ thống phân phối đã giúp một số doanh nghiệp lãi đậm nhưng lại làm dấy lên những lo ngại hàng Việt Nam mất dần chỗ đứng trên thị trường.

Có thể nói việc xây dựng mạng lưới phân phối là một trong những chiến lược quan trọng nhất, khó khăn nhất và cũng tốn kém nhất của doanh nghiệp. Với hệ thống phân phối được thiết lập rộng rãi và hợp lý có thể giúp giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh hàng hóa cũng như tăng phạm vi tiếp cận khách hàng.

Về cơ bản, nếu ai nắm được kênh phân phối có thể nắm được các nhà sản xuất. Chính vì vậy mà doanh nghiệp luôn có xu hướng mở rộng mạng lưới phân phối thông qua xây dựng hoặc mua lại của doanh nghiệp khác.

Thời gian qua đã chứng kiến khá nhiều thương vụ chuyển nhượng hệ thống phân phối tại Việt Nam, như vào đầu năm 2015 Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim bán 49% cổ phần cho Power Buy – đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group của tỷ phú Thái Lan Chirathivat.

BJC trước đó cũng đã mua lại 65% cổ phần của Phú Thái Group – một doanh nghiệp khá nổi tiếng trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng, Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam đã bán hết các trung tâm thương mại cho Tập đoàn TTC đến từ Thái Lan. Chuỗi siêu thị Maximark cũng đã được bán cho Vingroup.

Nếu như việc chuyển nhượng qua lại giữa doanh nghiệp trong nước hoặc doanh nghiệp trong nước mua hệ thống phân phối của doanh nghiệp nước ngoài có thể giúp gia tăng sức cạnh tranh, từ đó tạo thêm cơ hội cho hàng Việt Nam, thì ngược lại, việc các doanh nghiệp nước ngoài mua lại kênh phân phối của doanh nghiệp trong nước, về lâu dài có nguy cơ làm giảm dần sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.

Thực hiện cam kết khi gia nhập WTO, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ kể từ tháng 1/2015, có nghĩa chính thức cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài. Cũng từ đó đến nay, nhiều nhà đầu tư, chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đã vào thị trường bán lẻ Việt Nam và tích cực mua lại hệ thống phân phối của các doanh nghiệp trong nước để rút ngắn thời gian xây dựng kênh phân phối.

Động cơ của những thương vụ trên không nằm ngoài mục tiêu nhanh chóng tiếp cận thị trường tiêu dùng hấp dẫn của Việt Nam với dân số hơn 90 triệu người, 70% trong số đó ở độ tuổi từ 16 đến 64 – là nhân tố hứa hẹn tiềm năng phát triển của ngành bán lẻ. Với xu hướng tiêu dùng ngày càng tăng trong khi mạng lưới bán lẻ chủ yếu là chợ truyền thống, tiệm tạp hóa, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ thì cơ hội cho các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài gia tăng thị phần là rất lớn.

Nhận thấy tiềm năng kiếm lời lớn, một số doanh nghiệp trong nước đã chủ động xây dựng và nhanh chóng mở rộng kênh phân phối, chờ cơ hội bán lại cho doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài. Cách làm ấy gây nên những lo ngại về nguy cơ lấn lướt của doanh nghiệp nước ngoài trong hệ thống bán lẻ, mà về lâu dài có thể khiến hàng Việt Nam khó chen chân vào các chuỗi phân phối này.

Như đã nói ở trên, nếu ai nắm được hệ thống phân phối người đó có thể làm chủ các ngành sản xuất. Thực tế cho thấy, sau khi mua lại một số siêu thị, trung tâm thương mại thì hàng hóa Thái Lan đã chễm chệ trên quầy kệ mà người Thái chiếm tỷ lệ sở hữu, càng làm gia tăng lợi thế cạnh tranh so với hàng Việt Nam.

Và đến một lúc nào đó, việc sản xuất hàng hóa sẽ rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài, khi đó khó tránh khỏi việc người lao động Việt Nam phải làm thuê ngay trên đất nước mình, mọi giá trị gia tăng, các ông chủ nước ngoài hưởng.

KHÁNH PHƯƠNG

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close