Bất động sảnThị trường
Quy hoạch đô thị TP.HCM: Hàng loạt dự án treo
Nhan nhản quy hoạch “treo”
Nếu nhìn về từ khoảng thời gian khoảng hơn chục năm trước, khi đó thành phố đã có những quy hoạch trọng điểm phát triển kinh tế. Đơn cử quy hoạch phát triển khu đô thị lớn nhất Đông Nam Á mang tên Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2) từ năm 1996, nhưng đến nay, đã 20 năm trôi qua, mà dự án này vẫn chưa hoàn thành việc đền bù giải tỏa và vẫn chưa có bất kỳ hạng mục nào của dự án nào chính thức được xây dựng.
Trong khuôn viên 770 ha được quy hoạch để trở thành đô thị mới, thành tựu 20 năm triển khai của chủ đầu tư chỉ là những con đường nham nhở đầy khói bụi, trong khi đó, theo báo cáo từ UBND TP.HCM, hiện tại mỗi ngày đơn vị này phải chi trả 2,6 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng vì vay phát triển quy hoạch dự án.
Một quy hoạch khác cũng đang biến thành một cánh đồng lúa giữa lòng Thành phố, đó là Dự án quy hoạch Phát triển bán đảo Thanh Đa (Quận Bình Thạnh) có ý tưởng quy hoạch từ năm 1992 và chính thức được quy hoạch từ năm 1998. Bán đảo này được quy hoạch với mục đích xây dựng thành khu đô thị du lịch, sinh thái Bình Quới – Thanh Đa. Nhưng sau 17 năm được phê duyệt quy hoạch, nơi đây vẫn chỉ là những dãy chung cư cao tuổi chờ sập, đường giao thông bị hư hỏng nặng vì không được xây dựng lại và trong gần 2 thập kỷ, sau 2 lần đổi chủ đầu tư, người dân nơi đây vẫn sống trong cảnh trồng lúa, nuôi gà giữa lòng một đô thị sầm uất bậc nhất của cả nước! Lý do của sự bề bộn, hỗn độn đó là, quy hoạch thì đã hoàn tất, nhưng vẫn chưa kêu gọi được nhà đầu tư.
Dự án Công viên Sài Gòn Safari (huyện Củ Chi) còn được triển khai sớm hơn 2 dự án kể trên, từ năm 2004, nhưng tới nay vẫn chưa thể đền bù giải tỏa xong, vì không có đất làm nông nghiệp, trong khi dự án bỏ cho cỏ mọc, cùng với đó là những bất cập trong đền bù giải tỏa đã khiến người dân kéo nhau lên tận UBND TP.HCM để khiếu kiện.
Không chỉ những dự án xây dựng các khu đô thị, những dự án có tính chất cấp bách hơn nhiều để hiện đại hóa ngành giáo dục TP.HCM cũng đang trong cảnh leo lắt tại khu vực Quận 9 và Quận Thủ Đức. Theo ý đồ quy hoạch ban đầu, 2 quận cửa ngõ này sẽ được phát triển trở thành trung tâm giáo dục của Thành phố, nhưng sau hơn 10 năm quy hoạch, mới đây UBND quận 9 đã phải báo cáo lên UBND TP.HCM rằng, quận vẫn còn gần 200 ha đất thuộc dự án của một số trường đại học, trường chuyên ngành và trường cao đẳng, ký túc xá trong cảnh “treo”.
Đơn cử như Trường Đại học Kiến trúc (quy mô 40 ha), Trường Đại học Kinh tế (50 ha), Trường Đại học Luật (30 ha), Đại học Marketing (15 ha), Nhạc viện Thành phố (20 ha), Học viện Tư pháp (9 ha), Trường Đào tạo cán bộ ngành giáo dục Thành phố (5 ha), Trường Cao đẳng và đại học Nguyễn Tất Thành (14 ha)… Sở dĩ lãnh đạo Quận 9 phải “nhắc” cơ quan quản lý cấp trên như vậy là vì, các dự án trên đều có quy mô lớn, “hoang hóa” không chỉ gây lãng phí tài nguyên, mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống cư dân trong khu vực.
Ngoài ra, theo Sở Kiến trúc TP.HCM, tại huyện Củ Chi đang có hơn 20.000 hộ dân mắc kẹt trong vùng quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc rộng 5.000 ha, Khu công nghiệp Bàu Đưng 175 ha, Khu viện trường y tế 105 ha và Khu công nghiệp hóa dược 220 ha…
Hệ thống các dự án phát triển giao thông của Thành phố hiện cũng bị điểm mặt là một trong những mảng có nhiều dự án treo nhiều nhất, với sự bất động của 4 dự án bến đậu xe ngầm (được quy hoạch từ năm 2003) là Lê Văn Tám, Trống Đồng, Hoa Lư và Tao Đàn. Được biết, ngay từ khi quy hoạch, các dự án xây bãi xe ngầm đều được chủ đầu tư “xí phần” xây dựng, nhưng qua 13 năm, duy nhất có dự án tại công viên Lê Văn Tám được chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS) động thổ… rồi bỏ đó, tới nay, Thành phố vẫn chưa có bất kỳ dự án bãi đỗ xe ngầm nào.
Thực trạng quy hoạch treo còn nặng nề hơn nếu căn cứ theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA). Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài 190 dự án bị thu hồi, hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư, hoặc chủ trương đầu tư đã hết hạn, trong số 1.219 dự án còn hiệu lực triển khai, có đến 405 dự án chưa khởi công và trong số 325 dự án đã khởi công, thì có tới 97 dự án đã phải tạm ngưng thi công. Tóm lại, tới thời điểm này, trên địa bàn TP.HCM có tới 41,18% tổng số dự án có… tiềm năng treo!
Dân khổ, chính quyền bất lực
Những “tác động lan tỏa” được vẽ ra trong báo cáo khả thi của các dự án, chắc hẳn hoành tráng như thế nào thì có lẽ không cần phải bàn tới lúc này, nhưng ngay bây giờ, tại những dự án quy hoạch “treo” của TP.HCM, ở đâu cũng vậy, người dân lay lắt sống trong cảnh đợi chờ, nhà hư hỏng không thể xây dựng lại, đường xá sau khi bị băm nát hầu hết đều đã biến thành “những con sông nhỏ” sau mỗi trận mưa… Ao tù, nước đọng đã khiến hàng trăm, thậm chí vài trăm hộ dân đối mặt với các loại bệnh tật, mà lẽ ra, họ hoàn toàn có thể tránh được nếu sống trong một môi trường không bị ô nhiễm nặng nề như vậy.
Đánh giá về những dự án quy hoạch “treo” hiện nay của TP.HCM, ông Hoàng Minh Trí, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng, khó khăn lớn nhất nhất trong thực hiện quy hoạch của TP.HCM hiện nay là việc giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án đã giải phóng được trên 80%, thậm chí đến 98% diện tích, nhưng cả dự án vẫn bất động vì không thể thỏa thuận đền bù được phần còn lại. Thực tế tại khá nhiều dự án cho thấy, dù mức đền bù, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất đã được cải thiện, nhưng vẫn còn quá thấp so với giá thị trường, quan trọng hơn, số tiền người dân nhận được từ việc bồi thường đất bị thu hồi không đủ để tạo lập nơi ở mới.
Những năm qua, Thành phố đã chủ trương thu hồi dự án “treo” và thực tế đã ra nhiều quyết định xử lý thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư và điều chỉnh nhiều đồ án quy hoạch. Tuy nhiên, về thực chất, chủ trương đó chỉ chuyển từ dạng treo này sang dạng treo khác, chứ không xóa được tận gốc quy hoạch treo và trả lại hoàn toàn quyền lợi cho người dân.
Trong khi người dân có nhà đất trong dự án, nhưng không sản xuất được, nhà cửa không được xây, các quyền lợi khác cũng bị treo theo các dự án không biết đến khi, thì những thiệt hại này vẫn chưa được nhà đầu tư tính đến. Thực tế này, đòi hỏi Nhà nước cần phải có những chính sách buộc nhà đầu tư bảo đảm quyền lợi của người dân trong vùng dự án, không chỉ trong việc đền bù, giải tỏa, tái định cư, mà ngay cả những thiệt hại trong việc treo dự án cũng như điều chỉnh quy hoạch, nhằm tránh tình trạng lập dự án, chiếm đất mà bỏ qua sinh kế của người dân.
“Nhìn lại các dự án phát triển đô thị ‘treo’ mới thấy, hầu hết các dự án này đều có một điểm chung là ‘rất khả quan’, nhưng thiếu tính khả thi do công tác quy hoạch không gắn liền với năng lực thực tế của Thành phố”, ông Trí nói.
Còn ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM thì cho rằng, xuất hiện dự án treo là bởi chưa xác định được nguồn lực thực hiện và chưa có cơ chế chính sách hấp dẫn thu hút nhà đầu tư. Ông Toàn nhận định, với những dự án mà ngân sách không gánh nổi, để tránh rơi vào cảnh “treo thâm niên cao”, nhất định phải có cơ chế thu hút đầu tư cởi mở.
Có thể thấy, những ý kiến của ông Trí, ông Toàn cũng không mang nhiều sự đột phá về ý tưởng, bởi trước đây cũng đã có nhiều ý kiến tương tự. Hơn thế trước nhức nhối về các dự án treo, Thành phố, quận, huyện cũng chưa bao giờ chịu ngồi yên, chỉ có điều, sau năm tháng, khi mà những dự án treo nổi cộm chưa tìm được hướng giải quyết, thì đó đây lại xuất hiện thêm những dự án… im lìm chờ khởi công!