Bất động sảnThị trường
Tranh chấp ở chung cư: Cần liều thuốc đặc trị
Tình trạng mâu thuẫn, tranh chấp giữa cư dân với các chủ đầu tư tại các chung cư ở TP.HCM đang là vấn đề nóng. Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hiện có 109 trong tổng số hơn 1.000 chung cư tại Thành phố xảy ra tranh chấp nhà đất giữa chủ đầu tư và cư dân.
Phần lớn vụ việc có nguyên nhân do chủ đầu tư sử dụng sai quy định phần diện tích chung, cơi nới và thay đổi công năng một phần diện tích không theo quy hoạch; vi phạm quy định về sử dụng quỹ bảo trì, chi phí vận hành, quản lý tòa nhà, tổ chức hội nghị dân cư lần đầu, hay vi phạm tiến độ xây dựng và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho cư dân. Ở không ít dự án, các chủ đầu tư đã sử dụng tầng kỹ thuật, không gian chung sai mục đích.
Thậm chí có chủ đầu tư còn thay đổi cả thiết kế tòa nhà như tăng số tầng, thay đổi không gian thông gió thành căn hộ để bán một cách công khai; hay bàn giao căn hộ khi hệ thống phòng cháy, chữa cháy chưa được kiểm tra, hệ thống điện, nước lúc có, lúc không. Nhiều chủ đầu tư tỏ ra thiếu thiện chí khi giải quyết mâu thuẫn bằng cách cắt điện, cắt nước của cư dân. Chính những hành động này đã đẩy mâu thuẫn lên cao, căng thẳng và khó giải quyết.
Bên cạnh những nguyên nhân đến từ phía chủ đầu tư, trong nhiều trường hợp là do người mua không có đủ thông tin, không hiểu rõ các quy định của pháp luật nên khiếu nại và tranh chấp không hợp lý; hoặc không đọc kỹ hợp đồng, hiểu sai các cam kết của chủ đầu tư, dẫn đến tranh chấp tiêu chuẩn bàn giao về trang thiết bị, thiết kế xây dựng, bảo hành nhà khi xảy ra sự cố.
Trường hợp phổ biến là người mua dựa trên các thông tin không chính xác do người môi giới cung cấp, thay vì tìm hiểu từ chủ đầu tư. Để bán được hàng, nhân viên môi giới có thể đã cung cấp thông tin không chính xác về vị trí, thiết kế căn hộ, trang thiết bị bàn giao. Người mua cũng thường hiểu nhầm về quy cách của căn hộ mẫu và căn hộ sẽ được bàn giao thực tế, bởi luôn có khoảng cách về chất lượng giữa các căn hộ mẫu để tiếp thị và các căn hộ thực tế.
Mặt khác, các chủ đầu tư khi quảng bá sản phẩm thường nhấn mạnh các điểm mạnh, lợi thế của dự án mà không đề cập đến các điểm yếu, thông tin bất lợi. Mặc dù điều này không vi phạm các quy định của pháp luật, nhưng có thể khiến người mua nhà thiếu kinh nghiệm hiểu nhầm hoặc chủ quan trong việc tìm hiểu thông tin.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia địa ốc dự báo tình hình tranh chấp tại các chung cư tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp. Dù đã xảy ra những vụ tranh chấp dai dẳng và cư dân chung cư đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương ở một số nơi chưa thực hiện tốt vai trò quản lý của mình. Các hành vi vi phạm trong quản lý, vận hành chung cư trên địa bàn chưa được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Chính vì thế, đã đến lúc cần những “liều thuốc đặc trị” cho “căn bệnh kinh niên” này. Thiết nghĩ cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng nhà chung cư một cách chi tiết, phù hợp với thực tiễn. Cơ quan công an khẩn trương vào cuộc điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư. Khi “thuốc đặc trị” đủ mạnh ắt sẽ không còn mâu thuẫn, tranh chấp triền miên ở các chung cư trên cả nước.
GIA THẮNG