Câu chuyệnKinh doanh
Sau thời gian ở tù, người ta mới nhận ra “Thái tử” Lee thực ra… không quan trọng lắm với tập đoàn Samsung!
Chính thái tử Lee thừa nhận trước tòa rằng mình không trực tiếp đưa ra nhiều quyết định quan trọng của tập đoàn Samsung.
Trong suốt phiên tòa xét xử kéo dài nhiều tháng, thái tử Jay Y. Lee – người thừa kế của tập đoàn Samsung và những người từng được ông ủy quyền luôn cố gắng chứng minh một điều rằng ông Lee thực ra không liên quan nhiều tới việc ra quyết định tại đế chế kinh doanh khổng lồ Samsung.
Việc này giống như một con dao 2 lưỡi: Một mặt nó có thể chứng minh rằng thái tử Lee không liên quan tới những lời buộc tội của tòa án, nhưng nó cũng gây tổn hại không nhỏ tới danh tiếng của ông.
Kể từ khi thái tử Lee bị bắt giữ vào tháng 2, Samsung Electronics đã công bố lợi nhuận kỷ lục và họ cũng ra mắt thành công dòng điện thoại cao cấp mới là Galaxy S8. Doanh số mảng chất bán dẫn đang bùng nổ, cổ phiếu công ty thì đạt mức cao nhất mọi thời đại và họ cũng vừa mới có màn ra mắt Note 8 hoành tráng tại Mỹ.
Câu hỏi đặt ra là, liệu tập đoàn Samsung có vấn đề gì không nếu thái tử Lee bị tuyên án 12 năm tù?
“Lee Jae Yong là kiểu người tham bát bỏ mâm”, ông Kwon Yong-jun – một giáo sư tới từ Đại học Kyung Hee nói. “Trong khi cố chứng minh mình vô tội, Lee đã tự mô tả chính mình như một nhà lãnh đạo kém cỏi và chẳng có bất kỳ tầm nhìn nào cả”.
Các công tố viên đã cáo buộc Lee tội hối lộ và che giấu tài sản ở nước ngoài bất hợp pháp theo sau bê bối liên quan tới cựu Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye cùng một người bạn của bà này. Một trong những lời buộc tội đó là Samsung đã mua tặng con gái của bạn bà Park một con ngựa đua trị giá 800.000 USD.
Tòa án cáo buộc Samsung thực hiện việc này với mục đích lôi kéo sự ủng hộ của phía Chính phủ đối với thương vụ sáp nhập giữa 2 chi nhánh vào năm 2015 nhằm tăng cường sức ảnh hưởng của ông Lee tại Samsung Electronics.
Dĩ nhiên cho tới thời điểm hiện tại, cả thái tử Lee và phía Samsung đều chối bỏ mọi lời cáo buộc và nói rằng những hành động của mình chỉ nhằm mục đích thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Phiên tòa tuyên án “Thái tử” Lee dự kiến sẽ diễn ra vào ngày thứ Sáu tới đây. Các công tố viên đang đề nghị mức án tù 12 năm.
Trong phiên xét xử, tranh luận đáng để tâm nhất có lẽ là lời khai từ chính “Thái tử” Lee Jae Yong rằng Samsung có thể thành công mà không cần đến sự hiện diện của ông. Nén giọt nước mắt trong những phiên tòa xét xử, vị lãnh đạo 49 tuổi nói rằng ông ấy biết rất ít về những chi nhánh khác của Samsung ngoài mảng kinh doanh điện tử.
“Không có nhiều thứ được phê chuẩn liên quan tới tôi. Tôi không biết và có thẩm quyền đối với việc đưa ra quyết định”.
Ông Lee nói rằng cựu CEO Samsung Electronic Choi Gee-sung chịu trách nhiệm chính trong tập đoàn và cả hai chỉ “chia sẻ thông tin”. Lee nói rằng Choi là cố vấn cho mình và sử dụng cách xưng hô hết sức kính cẩn khi đề cập tới tên vị lãnh đạo này.
Lee cũng nói rằng ông ấy chưa vào giờ tham gia vào các cuộc họp tại “Văn phòng chiến lược” – một ban lãnh đạo cấp cao được Samsung lập ra do ông Choi đứng đầu nhằm xử lý những mối quan hệ liên quan tới Dhính phủ và ông cũng chưa bao giờ một mình gặp gỡ với những lãnh đạo chi nhánh Samsung ngoài mảng điện tử.
Trong suốt phiên tòa xét xử, ông Lee thường xuyên nói rằng mình được “hướng dẫn” bởi ông Choi để đưa ra những quyết định. Ông Lee cũng bác bỏ cáo cuộc cho rằng cần phải là người có đủ quyển lực mới đưa ra được những quyết định trong trọng trong các văn phòng của Samsung.
“Không quan trọng kết quả của vụ việc này ra sao, nếu đúng như vậy thì đó là người thiếu khả năng lãnh đạo và lảng tránh trách nhiệm”, theo Thomas Cooke – giáo sư tại Đại học Georgetown. “Cứ theo lời khai đó, Jay Y. Lee đang thừa nhận chính mình là người như vậy”.
Trên thực tế “Thái tử” Lee chỉ trở thành nhà lãnh đạo cao cấp của tập đoàn sau khi cha ông bị đột quỵ vào năm 2014. Ông Lee Kun-hee – người đàn ông giàu có nhất Hàn Quốc kể từ khi lâm bệnh cũng không hề xuất hiện trước công chúng, tuy nhiên ông vẫn nắm giữ chức danh Chủ tịch tập đoàn.
Khi công tố viên hỏi ông Lee rằng tại sao lại không biết những việc Samsung làm để hỗ trợ cho mục đích của mình dẫn tới những cáo buộc hối lộ, ông này đã nói rằng: “Họ nói với tôi rằng mọi chuyện đang diễn ra tốt đẹp và tôi cứ nghĩ là vậy”. Ông nói thêm: “Tôi vẫn không quen với những tiểu tiết”.
Theo lời bào chữa của ông Lee, Tập đoàn Samsung có một đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, đưa ra các quyết định và ông Lee chỉ như một người vô hình.
“Dù không liên quan tới hoạt động hàng ngày của công ty nhưng Phó chủ tịch đóng góp vào việc ra quyết định chiến lược của Samsung Electronics liên quan tới tốc độ tăng trưởng trong tương lai và tầm nhìn dài hạn”, Samsung nói trong một tuyên bố vào thứ 4.
Sau khi Chủ tịch Lee lâm bệnh, Choi nói rằng ông ấy là người có “tất cả quyển lực” và ông ấy chủ trì tất cả những cuộc họp của tập đoàn còn Thái tử Lee chỉ ngồi bên cạnh.
“Anh ấy cần học học hỏi về cách điều hành công ty. Vì vậy tôi sẽ thu thập thông tin và gửi tới anh ấy”, Choi nói.
Choi nói rằng đã chia sẻ những thông tin quan trọng với thái tử Lee mà không bao giờ hỏi ý kiến cả. “Anh ấy không phải kiểu người thường đưa ra ý kiến. Chỉ thi thoảng thôi”.
Choi – 1 trong 4 cựu lãnh đạo quan trọng của tập đoàn bị truy tố cùng thải tử Lee nói rằng mình không đưa thông tin cho thái tử Lee về những thỏa thuận bởi “tôi muốn bảo vệ người thừa kế bằng việc không nói cho anh ấy. Tôi nghĩ tôi chỉ cần phải từ chức khi xảy ra vấn đề”.
Trong quá trình Thái tử Lee vắng mặt, công việc được trao quyền cho những người như Phó chủ tịch Kwon Oh-hyun – người phụ trách mảng chất bán dẫn; Chủ tịch J. K. Shin – người phụ trách mảng sản phẩm di động và Chủ tịch Yoon Boo-keun – người điều hành mảng thiết bị gia dụng.
“Có tội hay không có tội thì vụ việc cũng sẽ ảnh hưởng tới công ty, ít nhất là trong ngắn hạn. Anh ta không thực sự chịu trách nhiệm cho những quyết định vì vậy số phận của anh ta cũng chẳng ảnh hưởng nhiều tới giá trị công ty”, ông Won Jong-jun – CEO tại Lime Asset Management nói.
Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg