Câu chuyệnCEO ViệtKinh doanhNhân vật
Shark Nguyễn Hòa Bình: “Có 1 tỷ USD tôi cũng không biết phải làm gì, bởi đã vượt qua mức tự do tài chính rất lâu rồi”
Đối với ông Nguyễn Hòa Bình, việc để lại được giá trị cho đời mới là khát vọng lớn nhất.
Vào thời điểm năm 2001, chàng trai trẻ Nguyễn Hoà Bình đã bắt tay vào khởi nghiệp khi mới 19 tuổi. Anh bước vào đường đua công nghệ với nghề viết phần mềm thuê. Lúc ấy, mục tiêu của chàng trai Nguyễn Hoa Bình chỉ là kiếm được nhiều dự án và thu về nhiều tiền.
Sau 20 năm với những cú chuyền mình, chành trai trẻ ngày nào đã có trong tay những thành tựu đáng ngưỡng mộ. NextTech của Shark Nguyễn Hòa Bình ghi dấu trên bản đồ công nghệ Việt Nam với gần 20 dịch vụ điện tử hóa hoạt động tại Việt Nam, 8 thị trường khác tại Đông Nam Á và Trung Quốc trong 4 lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ tài chính, dịch vụ hậu cần và đầu tư khởi nghiệp.
Một trong những tên tuổi nổi bật trong hệ sinh thái này có thể kể như mPoS.vn, VIMO.vn, NganLuong.vn… NextTech hiện là nơi cung cấp việc làm cho khoảng 2.500 nhân viên và xử lý sản lượng giao dịch điện tử ước đạt 4 tỷ USD mỗi năm.
Sau chương trình truyền hình Shark Tank Việt Nam, Shark Bình với phong cách quyết liệt, “gai góc” đã nhanh chóng ghi dấu ấn đối với khán giả. Sau 2 thập kỷ lăn lộn trên thương trường, có rất nhiều câu chuyện phía sau “võ đài” kinh doanh và khởi nghiệp đã tạo nên Shark Bình ngày hôm nay.
Trong buổi livestream CafeTalk SỐ 02 | PHÍA SAU VÕ ĐÀI trên kênh CafeBiz, ông Nguyễn Hòa Bình đã có những chia sẻ chân thật về quan điểm sống cũng như mục tiêu và tầm nhìn của bản thân.
Ông chia sẻ, trước đây “NextTech là một tổ chức thống nhất của những doanh nhân công nghệ chuyên đổi mới, sáng tạo, phát minh ra những sản phẩm công nghệ mới cho cuộc sống và mang lại những giá trị gia tăng cho con người. Mục tiêu là trở thành công ty tỷ USD”. Tuy nhiên, nhờ một sự kiện, chữ “tỷ USD” đã bị gạch đi trong mục tiêu của NextTech cũng như cá nhân Shark Bình.
Cơ duyên khiến ông Nguyễn Hòa Bình thay đổi mục tiêu của mình đó là vào năm 2016. Khi nghe báo cáo các công ty vào câu lạc bộ nghìn tỷ, khoảnh khắc đó ông nhận ra mình đã giúp đỡ được nhiều thanh niên để khởi nghiệp công nghệ. Lúc này, ông Nguyễn Hòa Bình tự đặt câu hỏi “Tại sao mình không giúp đỡ nhiều người khởi nghiệp hơn?”.
Chính từ đây, ông đã chuyển đổi định hướng và bắt đầu đi theo con đường “chắp cánh” cho các doanh nhân trẻ khởi nghiệp.
Mục tiêu “tỷ USD” đã được thay thế bằng “trở thành bệ phóng cho hàng trăm doanh nhân công nghệ tại Việt Nam và Đông Nam Á”. Ông chia sẻ, lúc này tiền bạc không quan trọng nữa.
Khi được hỏi về mục tiêu trở thành tỷ phú tỷ USD, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết: “Tỷ phú USD không phải khát khao hàng đầu, đó chỉ là hệ quả của những gì đã làm. Quan trọng là được làm đúng những gì mình thích và có những giá trị, tầm vóc tích cực cho xã hội. Đó mới là mục tiêu quan trọng”.
“Có 1 tỷ USD tôi cũng không biết phải làm gì… Bởi vì mình đã vượt qua mức tự do tài chính rất lâu rồi”, ông cho biết. Với mức tài chính hiện tại, ông cho biết mình đã có thể chi tiêu cho mua sắm, du lịch, những yêu cầu cơ bản của cuộc sống.
Chuyển hóa mục tiêu đó là để lại di sản, công trình cho xã hội. Khi đó, tỷ USD hay trăm triệu USD cũng chỉ là một thước đo cho những di sản đó thôi.
Có muốn trở thành tỷ phú tỷ USD hay không thì lại nằm ở…”thiên mệnh”. Do đó, con số 1 tỷ nghĩ đến hay không cũng chẳng để làm gì. Điều mình cần hướng đến đó là những di sản mình muốn xây dựng và để lại cho đời.
Theo Nhịp sống kinh tế