Khởi nghiệpKinh doanh

Shark Tank: Những ai chê các shark quá ‘rắn’, đòi chia lợi nhuận sớm, là những người thiếu hiểu biết về kiến thức tài chính!

Sau vài tập Shark Tank được phát sóng, trên các trang mạng xã hội có rất nhiều phản hồi rằng các shark đầu tư quá “rắn” (đòi hỏi cam kết, đòi chia lợi nhuận, đòi thế chấp). Nhưng liệu thực sự là các shark “không biết” đầu tư “thiên thần”, hay là chính nhiều người xem thiếu kiến thức tài chính?

Shark Tank: Những ai chê các shark quá 'rắn', đòi chia lợi nhuận sớm, là những người thiếu hiểu biết về kiến thức tài chính!

Trong tập vừa mới được chiếu của shark tank, sau màn thuyết trình gọi vốn của hai cô gái xinh đẹp, Tipsy Art nhận được lời đề nghị từ Shark Linh. Cụ thể, Shark Linh sẽ đầu tư 2,2 tỷ, nhận lợi nhuận trong 1-2 năm đầu, sau đó khoản đầu tư này sẽ biến thành 10% cổ phần.

Ngay lập tức sau khi tập 5 được đăng tải trên youtube của chương trình, có rất nhiều bình luận về khoản đầu tư của Shark Linh được lên “top”:

Nhưng thực sự nếu bạn có một chút kiến thức về tài chính, bạn sẽ thấy khoản đầu tư của shark Linh giống một sản phẩm tài chính: Trái phiếu chuyển đổi*. Có thể coi đây là một khoản đầu tư vừa mạo hiểm (đầu tư vào ngành có yếu tố nghệ thuật), vừa đầy lý trí (với bản chất của một sản phẩm tài chính).

Nhưng trước khi phân tích kỹ phương án của shark Linh để thấy được sự hợp lý, chúng ta tìm hiểu một chút về sự khác biệt giữa SME và startup. Thường ở Việt Nam hay gọi chung luôn là startup, hoặc gọi luôn là khởi nghiệp. Trong khi bản chất 2 loại hình này có rất nhiều khác biệt.

SME là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, phát triển tuyến tính, phải có lãi từ đầu và tính lãi trên từng sản phẩm. Như vậy SME sẽ có hệ thống quản trị chặt chẽ, cung cấp sản phẩm/dịch vụ cạnh tranh để đảm bảo có lợi nhuận ngay từ những ngày đầu tiên đi vào hoạt động. Công ty Dấm gạo, hay Hoa 7 ngày trong chương trình Shark tank là ví dụ của SME.

Startup thì ngược lại, phát triển theo hàm mũ, đặt nặng chứng minh mô hình (proving model) và có được người dùng (acquire user) hơn là lợi nhuận trong thời gian đầu (có thể vài năm, và tất nhiên có lãi ngay thì cũng tốt). Vì phát triển theo hàm mũ nên cái mà startup cần là một cái gì đó có thể tạo ra sự phát triển theo dạng hàm mũ này. Đó là:

– Một công nghệ/sản phẩm đột phá mới, khác hẳn những công nghệ/sản phẩm đã có. Phần lớn sẽ dựa trên các bằng sáng chế độc quyền để làm lợi thế cạnh tranh (Công ty về Dung dịch nano curcumin là một ví dụ).

– Một thị trường đủ rộng để có thể tạo ra một tiềm năng phát triển theo hàm mũ sau này. Vì thế, startup cần tập trung vào các sản phẩm/dịch vụ có tiềm năng để hàng chục triệu người dùng (hoặc hàng tỉ người dùng như các đại gia hay nói). Công ty ship hàng có thể là một ví dụ, với sự tăng trưởng của thương mại điện tử tại Việt Nam.

– Một business model mới tạo ra được sự phát triển theo hàm mũ này. Trong trường hợp không có công nghệ gì đột phá, lĩnh vực kinh doanh không phải mới, nhưng mô hình kinh doanh thì đột phá (tranditional business, but non-tranditional business model). Atadi chính là ví dụ điển hình nhất của startup.

Cũng chính vì sự khác biệt này, dẫn đến có 2 kiểu nhà đầu tư: nhà đầu tư tài chính và nhà đầu tư thiên thần/quỹ đầu tư mạo hiểm. Các nhà đầu tư tài chính sẽ đầu tư vào các các công ty có revenue stream/model (mô hình để có được doanh thu) rõ ràng (SME là một kiểu như thế). Tiêu chí để đầu tư sẽ là theo những tiêu chí phổ biến của tài chính như ROI, P/E*.

Trong khi đó, thường thì các nhà đầu tư cho startup hay được hiểu theo hướng nhà đầu tư thiên thần/quỹ đầu tư mạo hiểm. Nhà đầu tư sẽ nhìn vào tiềm năng phát triển hàm mũ của startup, chứ không phải P/E, để ra quyết định đầu tư.

Với trường hợp của Tipsy Art, có thể khẳng định là các shark đều biết đây là mô hình SME, chứ không phải startup (ngay cả chị Vân khi thuyết phục các shark cũng biết điều này, và sử dụng P/E để định giá công ty). Như vậy với shark Linh, với kinh nghiệm là COO một quỹ có danh mục quản lý đa dạng như VinaCapital, chị có quá nhiều kinh nghiệm để nhận định đầu tư. Rõ ràng mô hình của Tipsy Art là SME, chứ không phải là “đốt” tiền để acquire user. Thế nên lúc này, chị sắm vai là nhà đầu tư tài chính, và đưa ra một lời đề nghị kết hợp giữa cho vay và mua cổ phẩn, giữa kết trái phiếu và cổ phiếu (trái phiếu chuyển đổi).

Phân tích một chút, về phía Tipsy Art để có được 2,2 tỷ đầu tư, họ có vài cách sau:

– Thuần túy là đi vay tiền (ngoài Shark Tank), và không làm ảnh hướng đến vốn chủ. Tuy nhiên tự dưng gánh 2,2 tỷ tiền nợ, và phải trả lãi suất (khoảng 9%/năm). Ngoài ra Tipsy Art hoàn toàn không có tài sản cố định để thế chấp, nên cũng khó tìm được ngân hàng cho vay.

– Chọn đầu tư của Shark Linh, vẫn vay (tôi nhấn mạnh ở đây là vay) được 2,2 tỷ. Lãi của khoản vay này (nếu nó xảy ra) có thể sẽ được deal lại sau chương trình. (Chắc chắn) không bị siết nợ kiểu ngân hàng, không phải thế chấp tài sản, nhưng mất vĩnh viễn 10% vốn chủ.

Dĩ nhiên trong trường hợp này, có nhiều lựa chọn “dễ” hơn và không đòi hỏi điều kiện chặt chẽ từ các Shark khác, nên Tipsy Art có thể bỏ qua lựa chọn này. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là một số người xem, với sự thiếu kiến thức tài chính, có thể kết luận là Shark Linh không biết đầu tư.

*Chú thích: Trái phiếu chuyển đổi là trái phiếu có thể chuyển thành cổ phiếu thường vào một thời điểm được xác định trước trong tương lai.

Khánh Nguyễn

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close