Khởi nghiệpKinh doanhMarketingQuản trị
Startup: Để “ý tưởng lớn” được quan tâm
Khởi nghiệp là chuyện của những ý tưởng lớn, nhưng vấn đề mà hầu hết các doanh nhân khởi nghiệp đối mặt là luôn có ai đó ngoài kia có ý tưởng lớn hơn. Tuy nhiên, tin tốt là bạn không phải luôn cần có ý tưởng lớn nhất để có thể chiến thắng. Điều bạn cần là khả năng kể một câu chuyện.
Lỗi ngụy biện lớn nhất mà các nhà khởi nghiệp thường mắc phải là tin rằng ý tưởng tuyệt vời của họ sẽ “tự đắt hàng”, theo David Schutzman – một chuyên gia kỳ cựu về PR và truyền thông tiếp thị người Mỹ, chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thực tế là bạn vẫn thường thấy những trường hợp mà một sản phẩm chỉ “đủ tốt” lại thành công hơn một “sản phẩm vượt trội”. Thành công không chỉ là chuyện sản phẩm của bạn tuyệt như thế nào mà còn là “cách mà bạn kể sự tuyệt vời này với người khác”.
Những câu khẩu hiệu thường đi quá xa
Cho đến khi bạn được nhìn nhận, bạn cần nói cho mọi người biết chính xác tại sao “ý tưởng lớn” của bạn thật sự lớn. Bạn không thể làm điều đó chỉ bằng những câu khẩu hiệu ngắn gọn hay các quảng cáo dạng “banner”.
Các doanh nhân khởi nghiệp, thậm chí các nhà tiếp thị nhiều kinh nghiệm vẫn thường có xu hướng ngại dạng nội dung dài. Nhưng nếu bạn đang giới thiệu một sản phẩm mới với thị trường, sự e ngại này có thể đưa tới thất bại. Thế hệ tiêu dùng trẻ ngày nay đòi hỏi nhiều thông tin hơn khi quyết định mua sắm.
Những chiến dịch mang lại thông tin có ý nghĩa, nhận định sâu sắc về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kinh doanh, có thể giúp khách hàng của bạn thành công sẽ định vị doanh nghiệp của bạn là một thành viên quan trọng của cộng đồng, đồng thời sẽ giúp tăng doanh số và lòng trung thành của khách hàng.
Marketing không thể là “ý nghĩ nảy ra quá muộn”
Bạn đã tiêu rất nhiều tiền cho việc phát triển doanh nghiệp – cho văn phòng mới, thiết bị sản xuất, cho chuyên viên trong nhiều lĩnh vực… Khi nghĩ đến marketing thì bạn… hết tiền. Thế rồi bạn trông thấy quảng cáo online của một “chuyên viên SEO” rằng chỉ cần 99 đôla thì bạn sẽ lên trang nhất của Google.
Marketing nên ở vị trí “cầm lái” chiến lược đối với doanh số, những ai xem đây là “chuyện sau hết” sẽ mắc phải sai lầm nghiêm trọng. Hãy sớm dành thời gian để hoạch định chiến lược marketing định nghĩa thông điệp của bạn, đưa ra những chiến thuật cụ thể để cất lên tiếng nói của bạn.
Bạn đang sử dụng sai chiến thuật
Nhiều công ty khởi nghiệp tập trung toàn bộ nỗ lực marketing của họ vào website, tin rằng một trang web tuyệt vời sẽ kéo lượng người xem-khách hàng. Không hẳn thế.
Bạn cần một trang web tuyệt vời có nhiều thông tin, nhưng đó là điểm đến mà mọi người tìm kiếm sau khi họ đã biết đến bạn qua sự đề cập của truyền thông (duy trì ở mức độ đủ tác động), qua những ấn phẩm của ngành, qua một chiến dịch phối hợp với những nhân vật tạo ảnh hưởng để lôi kéo mọi người về phía bạn.
Nếu chỉ có một trang web được tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) và ngồi chờ doanh số tăng vọt thì chưa đủ… Hơn thế nữa, bạn cần một chiến dịch nội dung được tiến hành liên tục. Schutzman chia sẻ vài thủ thuật sau đây để xây dựng độ nhận biết và thu hút đối tượng quan tâm đến website của bạn:
Lặp lại và duy trì. Định vị bạn là người dẫn đầu trong một lĩnh vực nào đó không thể là chuyện “làm một lần là xong”.
Tên của bạn được đề cập trên một kênh truyền thông nổi tiếng là điều hay nhưng nó không kéo dài quá lâu. Bạn cần giữ một dòng chảy đều đặn sự xuất hiện của thương hiệu.
Tạo tin tức: Thông tin về công ty chưa được biết đến của bạn không thu hút sự chú ý của các kênh truyền thông nhưng tin tức về cách mà bạn đang tạo nên thay đổi trong lĩnh vực kinh doanh của mình thì có thể làm điều đó.
Ít nghĩ về các thông cáo hơn và nghĩ nhiều đến các quan điểm tạo nên sự khác biệt.
Tận dụng sức lan tỏa của nội dung. Một bài viết hay có thể bắt đầu từ trang web hay trên mạng xã hội nhưng chúng không nhất thiết dừng lại ở đó.
Hãy tận dụng những nội dung tuyệt vời này để xuất hiện trong những ấn phẩm khác, làm nền tảng để đạt được sự nhìn nhận như là một “tác giả uy tín” trên các kênh truyền thông.
Tiếp cận những người tạo ảnh hưởng. Ngoài các biên tập viên, phóng viên, thì các “influencers” – ngôi sao mạng xã hội, các chuyên gia trong ngành và bất cứ ai quan tâm đến ngành của bạn với lượng người theo dõi cao trên mạng xã hội đều nên là đối tượng theo dõi thương hiệu của bạn.
Chiêu mộ những nhà chuyên môn giỏi. Tìm đến một nhà tiếp thị giỏi có khả năng hiểu được doanh nghiệp của bạn, người có thể dành thời gian để kết nối với bạn và có quan hệ với các kênh truyền thông.
Xuất hiện trên trang nhất của Google là quan trọng, nhưng cách tiếp cận chạy theo con số và thủ thuật một cách máy móc là chưa đủ.
Tiếp thị của thời đại mới yêu cầu bạn phải tiến thêm bước nữa, không chỉ giúp giải trí cho khán giả của mình mà cần mang lại thông tin có ý nghĩa, quan điểm sâu sắc cho thấy bạn thấu hiểu nhu cầu và ước muốn của họ.
SỸ ANH (theo Entrepreneur)/DNSGCT