CEO ViệtKhởi nghiệpKinh doanhNhân vật
Startup Hùng Trần: Đừng khởi nghiệp theo phong trào
Trở về từ Silicon Valley tại Mỹ, CEO GotIT! Hùng Trần khuyên các bạn trẻ Việt Nam không nên khởi nghiệp cho tới khi các bạn hiểu rõ về những thứ mình phải đối mặt và sẵn sàng để đương đầu.
“Ngay cả Silicon Valley, nơi có rất nhiều người giỏi, nơi vùng trũng của công nghệ, nơi cực nhiều nhà đầu tư rót tiền, nơi cơ sở vật chất – hạ tầng cực tốt, nhưng vẫn có 9/10 startup chết mỗi năm”, ông Hùng Trần – CEO, Founder GotIt! chia sẻ.
“Một thành tích trong 1 tuần qua tại Việt Nam là tôi đã rút khỏi 7 công ty và… giải tán”.
Lý do khuyên các bạn trẻ Việt Nam không nên khởi nghiệp – một lời khuyên đi ngược lại với những gì nhiều người đang hô hào, ông Hùng cho biết: Ông có nói chuyện với các bạn. Khi khởi nghiệp, bạn nào cũng nói mình có 1 ý tưởng rất hay.
“Nhưng ở Silicon Valley, ý tưởng là thứ rẻ mạt nhất. Ý tưởng không biến được thành sản phẩm dịch vụ thì ý tưởng đó không có giá trị gì”, ông Hùng nói.
Lý do thứ 2 đưa ra lời khuyên này, ông Hùng cho biết đa số bạn trẻ “một ngày đẹp trời” nghĩ ra cái gì là bắt tay làm ngay, nhưng làm xong không ai dùng.
“Một sản phẩm rất tốt, rất hay, nhưng không có người dùng. Bởi bạn ấy không biết ý tưởng đấy không ai cần, trừ bạn ấy. Tức, sản phẩm ấy không có thị trường”, ông Hùng kể.
Lý do thứ 3, các bạn không lường trước làm startup cần phải làm những gì.
“Các bạn nhìn thấy Founder này, Founder kia lên báo hoành tráng, phát biểu tại các cuộc gặp nhìn thì thấy rất hay, tất thú vị hơn việc “làm thuê” tại công ty từ 8 giờ sáng tới 5 giờ chiều. Nhưng những cái hào nhoáng ấy chỉ là một phần mà thôi”.
“Ngay tại Silicon Valley, vẫn có 9/10 startup chết 1 năm. Chúng ta có sẵn sàng đối mặt với việc đó hay không?”, ông Hùng đặt câu hỏi.
Làm startup là làm một cái gì đó chưa rõ ràng, mờ ảo, mà trong quá trình làm chúng ta sẽ làm sáng tỏ dần nếu may mắn, nhưng thực tế sẽ thất bại rất nhiều.
Cho dù may mắn khi làm sản phẩm dịch vụ, nhưng khi mở rộng quy mô, với hàng trăm thứ bay nhảy và đầu óc đầy rối loạn, không phải ai cũng sẵn sàng cho những điều này.
Theo bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh – Quản lý và đồng sáng lập KisStartup, nếu không hình dung được hết bức tranh khởi nghiệp thì khi gặp khó, cái các bạn trẻ mất sẽ rất nhiều.
“Chừng nào chưa học hết đừng làm! Tôi làm Mentor (Người cố vấn) cho 4 bạn sinh viên Việt Nam từ Mỹ về. Sản phẩm rất tốt nhưng các bạn chỉ làm part-time, không rời bỏ công ty đang làm thuê vì các bạn vẫn nhìn ra nhiều thứ để học từ công việc này”.
“Các bạn thậm chí xác định học thêm 2 năm, và vạch ra lộ trình trong 2 năm ấy sẽ làm những gì để thăng tiến”, bà Minh chia sẻ.
BẢO BẢO/Trí Thức Trẻ