Khởi nghiệpKinh doanh
Startup làm tranh trang trí cho các văn phòng làm việc, có lãi ngay từ tháng đầu tiên
Vũ Minh Trà, CEO, đồng sáng lập Mopi Studio cho biết sau quá trình khởi nghiệp, anh nhận ra dòng tiền trong kinh doanh là quan trọng nhất. Nếu chỉ có đam mê nhưng không đủ tiền để “nuôi” đam mê thì đam mê không thể nào lớn lên được.
Với nhiều người, Mopi Studio là cái tên còn khá lạ lẫm nhưng nhiều văn phòng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Mopi đang truyền cảm hứng cho họ mỗi ngày thông qua những bức tranh đầy sáng tạo.
Ra đời từ tháng 3/2017, Mopi Studio là startup đầu tiên tại Việt Nam chuyên sản xuất các dòng tranh canvas treo văn phòng. Các bức tranh này có màu sắc trẻ trung, tươi sáng, nội dung là những câu trích dẫn về công việc, cuộc sống được thiết kế theo phong cách độc đáo nhằm mục đích “sốc” lại tính thần, truyền cảm hứng cho người xem.
Sản phẩm tranh canvas của Mopi
So với tranh sơn dầu hoặc các dòng tranh có lồng kính, chi phí cho một bức tranh canvas thấp hơn, chỉ từ 190.000 đồng. Tranh có sẵn đinh 3 chân đi kèm nên không cần khoan đục trên tường mà có thể treo ngay sau khi nhận hàng.
Vũ Minh Trà, CEO, đồng sáng lập Mopi Studio cho biết ý tưởng thành lập xưởng tranh Mopi được anh nghĩ ra khoảng 5 năm trước. Thời kỳ này, Trà vừa học xong chương trình thạc sỹ tại Mỹ và bắt đầu làm việc cho một quỹ đầu tư nhỏ ở đây.
Công việc của anh hàng ngày phải liên hệ với 50 khách hàng mới qua điện thoại để huy động vốn từ khách hàng. Công ty nhỏ, chỉ khoảng 3-4 nhân viên, công việc đều đều nhàm chán, chỉ có điểm nhấn duy nhất là một bức tranh treo trên tường.
“Nội dung tranh là ‘Get Shit Done’, tức là dù công việc có thể nào, đã là nhân viên thì đều phải cố gắng hoàn thành. Bức tranh này đã truyền cảm hứng cho mình, và mình nghĩ đến việc tại sao không tiếp tục truyền cảm hứng cho các văn phòng công ty khác”, Minh Trà chia sẻ.
Vũ Minh Trà, CEO, đồng sáng lập Mopi Studio.
Năm 2012, chàng trai sinh năm 1986 trở về Việt Nam vì nhận thấy thị trường trong nước còn khá “sơ khai”, nhiều tiềm năng để phát triển. Ban đầu, Trà có làm tại ngân hàng, công ty tư vấn nhưng sau anh xin nghỉ việc để phát triển dự án startup đầu tiên chuyên bán các dòng sản phẩm cho bé như chậu tắm, ghế ăn dặm, gặm nướu…
Dự án vẫn hoạt động đến ngày hôm này, là tiền đề để Trà phát triển thêm một số dự án sau này, trong đó có Mopi Studio.
“Tranh canvas khi mà tìm đúng thị trường ngách là tranh văn phòng thì ngay trong tháng đầu tiên đã có lãi. Đến nay, bên cạnh khu sản xuất ngoài Hà Nội, mình mở thêm một khu vực sản xuất nữa trong Sài Gòn, tổng số lượng nhân viên cũng tăng từ 5 lên 25 người”, Trà cho biết.
Dù mới hoạt động hơn 3 tháng nhưng Mopi Studio đã có hơn 2,000 khách hàng với nhiều tên tuổi lớn như VCCorp, Karofi, Foody,…Doanh thu mỗi tháng tăng trưởng đều đặn ở mức 50-70%.
Trong những tháng tới, Mopi dự định tiếp tục tập trung sản xuất để đáp ứng số đơn hàng hiện đang “quá tải”. Startup cũng đang làm việc với Amazon để đem những bức tranh canvas “made-in-Vietnam” ra thị trường quốc tế.
Nhìn lại quá trình khởi nghiệp, Minh Trà cho biết anh nhận thấy có 2 vấn đề mấu chốt với startup, đó là thị trường mục tiêu và dòng tiền mang về. Nếu thị trường mục tiêu quá nhỏ, startup sẽ không có đủ doanh thu để bù đắp chi phí chứ chưa nói đến tái đầu tư, tạo ra giá trị mới. Còn dòng tiền, đây gần như là yếu tố quan trọng nhất. Vì không có dòng tiền, dù đam mê có lớn cỡ nào, cũng không thể phát triển rộng ra, truyền cảm hứng cho những người khác mà chỉ mãi bó hẹp ở quy mô nhỏ.
“Những người mới khởi nghiệp nên tìm cái gì đó không cần đầu tư quá nhiều, giá trị đơn hàng mang về lớn, tồn khó ít hoặc có tồn kho thì bảo quản đơn giản không bị hỏng theo thời gian. Đây là phương án an toàn và những sản phẩm như vậy còn rất nhiều cơ hội tại thị trường Việt Nam”, anh Trà kết luận.
Theo Trí Thức Trẻ