Góc nhìnQuản trị

Sự khác biệt giữa lãnh đạo và quản trị

Từ điển Tiếng Việt giải thích lãnh đạo là đề ra chủ trương và tổ chức thực hiện, còn quản trị là tổ chức và điều khiển hoạt động theo các yêu cầu đã đề ra.

Sự khác biệt giữa lãnh đạo và quản trị

Lãnh đạo và quản trị đều là sự tác động có hướng đích của chủ thể tới đối tượng, đều gắn với con người, xây dựng mối quan hệ giữa con người với con người trong tổ chức để đạt các mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, phương thức và hiệu lực tác động, phạm vi tác động, nội dung và hình thức thể hiện của lãnh đạo và quản trị có những điểm khác biệt.

Field Marshall Montgomery –  nhà chỉ huy quân sự của Anh trong Thế chiến thứ 2, cho rằng lãnh đạo là khả năng và ý chí để tập hợp mọi người nhằm tiến tới một mục đích chung, là truyền sự tự tin cho người khác. Còn theo Hiệp hội Lãnh đạo Quốc tế (International Leadership Associates), lãnh đạo dường như là một thứ nghệ thuật khiến người khác có mong muốn làm được những điều thực sự nên làm.

Như vậy, có thể hiểu lãnh đạo là quá trình gây ảnh hưởng đến hoạt động của cá nhân hoặc một nhóm nhằm thực hiện mục tiêu chung trong những điều kiện nhất định. Nói cách khác, lãnh đạo là nghệ thuật tập hợp các cá nhân để họ trở thành những thành viên trung thành trong tổ chức và là quá trình tác động liên tục để họ nỗ lực hoàn thành các mục tiêu của tổ chức đã đề ra.

Hiệu quả lãnh đạo là những gì mà một cá nhân ở vai trò lãnh đạo đạt được, do cách thức và đặc điểm lãnh đạo của người đó tạo ra, được một tổ chức đánh giá và công nhận. Thông thường, hiệu quả lãnh đạo thể hiện ở kết quả của mối liên hệ ảnh hưởng, dẫn đến sự thay đổi hướng về tương lai mong đợi.

Trong lúc đó, quản trị là một tiến trình hoạch định, tổ chức, điều khiển và kiểm soát những hoạt động của các thành viên trong tổ chức và sử dụng các nguồn lực của tổ chức nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra.

Sẽ là điều may mắn cho tổ chức khi một nhà lãnh đạo có kỹ năng của một nhà quản trị, hay một nhà quản trị có phẩm chất của một nhà lãnh đạo.

Đặc điểm của lãnh đạo là thách thức hiện trạng, cải cách, phát triển, có tầm nhìn xa, luôn nhìn về phía trước và đặt câu hỏi “cái gì?”, “tại sao?”, đồng thời chú trọng đến con người, tạo sự tín nhiệm, làm đúng việc. Trong lúc đó, đặc điểm của quản trị là chú trọng đến hệ thống và cấu trúc, chấp nhận hiện trạng, luôn nhìn vào hạn mức, làm việc đúng, duy trì lòng tin dựa trên sự kiểm soát, thường đặt các câu hỏi “thế nào?” và “khi nào?”.

Sự khác biệt giữa lãnh đạo và quản trị thể hiện ở những khía cạnh sau đây.

Về định hướng phát triển của tổ chức, trong khi quản trị cần phải theo dõi những điều căn bản, then chốt và các kết quả ngắn hạn, thì lãnh đạo lại quan tâm đến tầm nhận thức và tương lai dài hạn. Về sử dụng, sắp xếp con người, nhà quản trị đòi hỏi có một cấu trúc để thực hiện kế hoạch, nhà lãnh đạo tập trung làm cho mọi người cùng nhìn về một hướng.

Trong việc xây dựng các quan hệ, cương vị về quyền lực trong tổ chức là nguồn sức mạnh của quản trị, còn lãnh đạo dựa trên ảnh hưởng cá nhân, truyền cảm hứng cho người khác. Về phát triển phẩm chất cá nhân, quá trình quản trị nói chung cố gắng duy trì khoảng cách về xúc cảm, trong khi lãnh đạo cần tập hợp các kỹ năng tùy thuộc vào một số phẩm chất cá nhân tinh tế khó nhận thấy nhưng rất mạnh mẽ.

Cuối cùng, để tạo ra kết quả, các nhà quản trị duy trì mức độ ổn định, có thể dự báo trước, và thứ bậc thông qua bối cảnh cụ thể. Trái lại, lãnh đạo tạo ra sự thay đổi. Lãnh đạo khích lệ lòng can đảm, đòi hỏi các chuẩn mực lỗi thời, không hữu ích và không có trách nhiệm xã hội phải được thay thế để đáp ứng với những thách thức mới.

Dĩ nhiên, nhà lãnh đạo hay nhà quản trị đều cần nhận thức rõ vai trò, vị trí, chức năng của mình để không dẫm chân lên nhau khi không cần thiết. Tuy nhiên, những phân biệt trên đây chỉ là tương đối. Sẽ là điều may mắn cho tổ chức khi một nhà lãnh đạo có kỹ năng của một nhà quản trị, hay một nhà quản trị có phẩm chất của một nhà lãnh đạo.

Trong thực tế, để nâng cao hiệu quả lãnh đạo hay quản trị, người ta đều cần hình thành thói quen tự học, tăng cường nhận thức, tự điều chỉnh hành vi và thói quen của mình. Nhà lãnh đạo có chức vị đã có sẵn quyền hành do vị trí, truyền thống và cơ cấu tổ chức đem lại. Họ chỉ trở thành nhà lãnh đạo thật sự khi biết dùng tài năng, phẩm chất, uy tín để tác động, gây ảnh hưởng và lôi cuốn người khác sẵn sàng toàn tâm toàn ý cống hiến cho tổ chức.

DANH BÙI

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Close